Sân Lạch Tray nâng cấp, còn sân Vinh nhếch nhác đến bao giờ?
Bài báo Sân Vinh và thông điệp “Vì những đôi chân lành lặn” của VietTimes đã được đông đảo cổ động viên SLNA tán đồng.
Được biết tới đây, sân Lạch Tray – đối tượng cùng được phản ánh cùng sân Vinh trong bài viết “xấu và tối nhất vịnh Bắc Bộ” sẽ được cải tạo. Điều đó lại càng khiến cho cổ động viên xứ Nghệ chờ động thái quyết liệt của VFF, yêu cầu sân Vinh phải gấp rút nâng cấp mặt cỏ.
Sân Vinh – đang được định nghĩa “ruộng có tường bao”. Ảnh màn hình.
Không muốn bị mang tiếng là “ruộng có tường bao” đội bóng đất Cảng cho biết ban quản lý sân sẽ thay thế toàn bộ mặt cỏ hiện tại ở Lạch Tray bằng loại cỏ lá gừng. Từ nhiều năm nay, với mặt sân mấp mô, HLV Trương Việt Hoàng đành phải chọn lối đá cắc-bùm, tuyến dưới đá bổng và dài lên cho 3 ngoại binh tự xoay xở.
Sân Vinh còn nhếch nhách đến bao giờ?- Một câu hỏi tưởng dễ nhưng đã vài năm nay không một ai chịu trả lời. Ảnh AT
“Xóa bẫy” trên sân Lạch Tray
Bộ đôi tiền đạo người Jamaica Fagan, Lynch của Hải Phòng đến khi chuyển sang thi đấu cho Than Quảng Ninh mới có điều kiện bộc lộ hết những phẩm chất kỹ thuật. Với điều kiện sân bãi như thế, không chỉ gây khó khăn cho các đội khách mà còn thiệt thòi cho chính chủ nhà. Với bóng đá chuyên nghiệp, không tốn tiền sân thì sẽ tốn tiền viện, đó là điều chắc chắn.
Hiện nay, ngoại trừ số ít đội bóng như Hà Nội được địa phương giao quản lý sân, phần lớn các đội V.League sân đều do các Sở VH-TT- Du lịch quản lý. Nên việc sửa chữa, nâng cấp các sân bóng đều lâm vào tình trạng “cha chung không ai khóc”, dù kinh phí không nhiều.
Thời tiết đang ủng hộ nên CLB Hải Phòng cố gắng thực hiện việc cải tạo mặt cỏ trước khi V.League 2020 quay trở lại. Ảnh HPFC
Video đang HOT
Thời tiết đang ủng hộ nên CLB Hải Phòng cố gắng thực hiện việc cải tạo mặt cỏ trước khi V.League 2020 quay trở lại. Điều này đang làm cho động lực tập luyện của các cầu thủ đội bóng đất Cảng được tăng lên đáng kể, nỗi lo chấn thương khi luyện tập để ngồi ngoài không biết kêu ai đã được tan biến.
Nếu đúng chuẩn quốc tế như các sân Mỹ Đình, Hàng Đẫy, Thống Nhất, Phú Thọ dùng loại cỏ lá kim (hay còn gọi là cỏ Bermuda, xuất xứ Nam Mỹ) thì đơn giá trồng ban đầu 100.000 VNĐ/m2, chi phí bảo dưỡng 120 ngàn/m2/năm, còn nếu dùng loại cỏ tre như các sân còn lại thì đơn giá trồng ban đầu chỉ 50.000 VNĐ, tiền bảo dưỡng chỉ 20-30.000 đồng/m2.
Mặt cỏ sân Vinh xơ xác, nền cứng ảnh hưởng rất nhiều đến thi đấu. Ảnh Văn Hải
Tính ra, để nâng cấp sân Vinh, kinh phí không phải quá nhiều, kể cả việc bóc nền làm lại mặt sân. Nhà báo Quang Huy ( Thể thao TP.HCM) đã đặt câu hỏi: “Chính HLV Đức Thắng đã từng nói, “mặt cỏ sân Vinh bây giờ chả khác gì mặt bê tông và mong tỉnh nhà hỗ trợ kịp thời nếu không các cầu thủ sẽ rất dễ đối mặt với rủi ro không mong muốn”.
“Thực tế thì số tiền tỉnh Nghệ An hỗ trợ cho SLNA là không ít nếu so với các đội bóng khác nhưng không hiểu vì sao họ không bổ sung thêm một phần nhằm cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất đang xuống cấp hiện tại”.
Phóng viên này nhẩm tính “Ví dụ như mùa giải năm ngoái, số tiền tỉnh hỗ trợ là 20 tỷ, NH Bắc Á xấp xỉ 30 tỷ còn thêm một phần 20 tỷ từ doanh nghiệp thứ 2. Cộng lại thì rõ ràng nguồn kinh phí của đội bóng xứ Nghệ vẫn được xem là cao ở mặt bằng chung V.League, không tính những đội bóng nhà giàu kiểu như Hà Nội, TP.HCM…”. Nỗ lực cố gắng vài thùng sơn quét lại khán đài hay ít xẻng đất tại khu vực 5,5m của sân Vinh đáng được ghi nhận, nhưng chừng ấy là chưa đủ.
Theo tính toán của nhà báo này, dù V.League có 14 đội nhưng đã ít nhất 15 HLV kêu ca, phàn nàn khi dẫn quân đến Vinh, người mới nhất là Thanh Sơn – HLV B.Bình Dương. Năm nào cũng kêu nhưng các giám sát, quan chức VFF, VPF vẫn “im lặng đáng sợ”. Hình như quan chức VPF rất ngại đụng chạm!
Tạm dừng truyền hình sân Vinh?
Ngay cả tân binh Hồng Lĩnh Hà Tĩnh điều kiện sân bãi cũng tốt hơn SLNA. Ảnh HTFC
Khá nhiều cổ động viên xứ Nghệ yêu cầu nếu sân Vinh vẫn không được cải tạo, VPF cần tạm thời không truyền hình trực tiếp các trận đấu của SLNA trên sân nhà. Bởi khi hình ảnh sân Vinh tệ hại như mặt ruộng được chiếu rộng rãi trên truyền hình, sẽ làm xấu thương hiệu bóng đá Việt Nam và hình ảnh tỉnh nhà. Một ý kiến rất nghiêm túc cần được VFF, VPF quan tâm, nếu như họ không thể đưa ra tối hậu thư “treo sân” khi không đảm bảo ánh sáng và mặt sân theo đúng tiêu chuẩn.
Đã chứng kiến đội tuyển Việt Nam và các CLB V.League thi đấu tại khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia hay Thái Lan, rõ ràng sân bãi ở Việt Nam vẫn đang là vấn đề hết sức nan giải và gây thất vọng lớn cho người hâm mộ.
Sân Vinh còn nhếch nhác đến bao giờ?- Câu hỏi tưởng dễ nhưng không ai chịu trả lời.
Sân Vinh và nghịch cảnh "lá rách đùm lá rách hơn"
Trước khi Hồng Lĩnh Hà Tĩnh xuất hiện ở V.League thì mặt sân Lạch Tray và sân Vinh được xem là "xấu nhất vịnh Bắc bộ". Nhưng xem ra tình cảnh "lá rách đùm lá rách hơn" sẽ xảy ra khi Hồng Lĩnh Hà Tĩnh phải đá nhờ sân SLNA.
Sân Vinh sẽ là sân nhà của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh
Đến nay, sân Vinh có tuổi thọ trên 6 thập kỷ và chỉ sửa chữa chắp vá. Lần đáng kể nhất là được CHDC Đức tài trợ dàn đèn cùng thời điểm xây dựng khu nhà cao tầng Quang Trung (từ 1973). Đến nay, khu nhà này đã được phá dỡ xây mới thì sân Vinh vẫn hàng tuần tổ chức các trận đấu V.League.
Mặt sân xấu nhất V.League
Tùy theo ngân sách được cấp, khi thì người ta tiến hành lắp thêm ghế, khi thì cải tạo hệ thống WC, bảng điện tử tại sân Vinh. Lần tu bổ mới đây nhất đã là 3 năm, còn lần nâng cấp mặt sân cuối cùng thì có lẽ chả mấy HLV, cầu thủ xứ Nghệ còn nhớ chính xác. Với khí hậu khắc nghiệt, nắng và gió Lào thổi suốt 3 tháng hè thì hình ảnh người ta vẫn thường thấy đó là các cầu thủ SLNA thay nhau cầm vòi tưới nước làm mềm sân trước khi tập luyện.
Có lẽ nào VPF lại làm ngơ khi nhìn mặt sân "cấp huyện" như thế này. Ảnh SPORT5
Đến nay, sân Vinh là số ít các sân bóng V.League còn tưới nước bằng vòi thủ công, hệ thống tưới tự động đã hỏng, khán giả xứ Nghệ vẫn đùa rằng, "dân Choa" dùng công nghệ bảo dưỡng "chấm.cơm". Mặt sân thì cứng, gồ ghề, cỏ mọc dày-thưa không đều, mưa thì lại đọng nước, sân Vinh đã trở thành nỗi ám ảnh của cả cầu thủ chủ nhà lẫn đội khách. Dàn đèn sân Vinh chỉ trung bình đạt 382 lux, không đáp ứng yêu cầu tối thiểu 900 lux nên các trận đấu của chủ nhà SLNA phải sớm hơn các sân khác.
Mùa giải năm ngoái, có lúc 13-14 cầu thủ SLNA đã bị chấn thương khi tập luyện trên sân nhà. Có thể kể ra hàng loạt cái tên như Cao Xuân Thắng, Lê Thế Cường, Hồ Phúc Tịnh, Phan Văn Đức, Võ Ngọc Đức, Lê Văn Hùng...Đáng tiếc nhất có lẽ là trường hợp ngôi sao đang lên Văn Đức đã không thể dự vòng loại World Cup 2022 châu Á.
Việc các sân Vinh, Hải Phòng lọt qua các đợt kiếm tra điều kiện sân bãi trước mùa giải V.League của VPF cho thấy dường như cả VFF, VPF kiểm tra "có như không". Người thiệt thòi nhất chính là cầu thủ và khán giả, họ bỏ tiền ra mua vé nhưng không bao giờ có thể chứng kiến cả pha bóng đẹp.
Ngay cả các đội bóng nổi tiếng chơi kỹ thuật như Hà Nội FC, HAGL mỗi khi thi đấu trên sân Vinh đều chủ yếu tránh, né các pha va chạm. Bản thân Quang Nam (TP.HCM) vốn là cầu thủ từng tập luyện ở lò SLNA nhưng sau 1 pha va chạm đã phải sang Hàn quốc điều trị mấy tháng do chấn thương đầu gối.
Ngó bên tê sông
"Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng thấy mênh mông bát ngát/ Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng thất bát ngát mênh mông", số phận của đội bóng Hồng Lĩnh Hà Tĩnh cũng không khá hơn là bao.
Nguồn ngân sách 51 tỷ đồng, dự án cải tạo sân Hà Tĩnh bao gồm các hạng mục chính: Cải tạo lại hệ thống mặt sân, đường piste; Phá dỡ, xây mới Khán đài A; Cải tạo Khán đài B, hệ thống bậc ngồi, gia cố hệ thống tường khán đài; Sân đường nội bộ và các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình phụ trợ khác.
Thiết kế WC "lộ thiên" trên khán đài, chuyện chỉ có ở sân Hà Tĩnh. Ảnh CL
Nhưng sau 3 tháng thi công, đến khi khánh thành thì người ta mới phát hiện phần bê tông gia cố chỗ ngồi khán giả trên các khu vực khán đài và bờ tường gạch vừa mới nâng cấp chưa đưa vào sử dụng đã xuất hiện nhiều vết nứt, gãy bất thường. Hệ thống đường piste bao quanh sân cỏ được xử lý thủ công rất xấu xí, mặt sân loang lổ (do dùng 2 loại cỏ). 6 nhà vệ sinh của SVĐ Hà Tĩnh được xây cao ngật ngưỡng, hệ thống nước thải lại chạy nổi trông rất vô duyên. Mùi hôi nồng nặc khiến từ các WC khiến cho cổ động viên vừa bịt mũi vừa xem.
Có lẽ lần đầu tiên thiết kế sân bóng chuyên nghiệp nên Hà Tĩnh quên mất nhà vệ sinh các sân SVĐ nên đặt chìm, ở nách cổng ra vào những nơi kín đáo, thuận tiện, hệ thống thoát thải nơi công cộng phải được thiết kế ngầm. Điều kiện tối thiểu để tham dự V.League là sân bóng phải có dàn đèn để đá đêm...
Được biết UBND tỉnh đã cấp ngân sách bổ sung để cải tạo giai đoạn 2, các bên liên quan đang gấp rút thi công để kịp đá V.League 2020. Không biết lần này có phải liên danh 3 nhà thầu có nhiều "kinh nghiệm" sẽ tiếp tục được giao nhiệm vụ thi công hay không?
Sân Vinh đã xơ xác, nếu cả Hồng Lĩnh Hà Tĩnh cũng chọn sân Vinh làm sân nhà thì một viễn cảnh cầu thủ V.League chấn thương ngày một nhiều sẽ đến. Đã đến lúc, khán giả cần BTC VPF hãy đừng "bỏ qua" nhưng điều kiện tối thiểu để có 1 trận đấu bóng đá chuyên nghiệp đúng nghĩa. Nếu không, hãy tạm thời mở cửa miễn phí cho khán giả vào xem, đừng bán những sản phẩm kém chất lượng như thế nữa.
Theo Viettimes.vn
Phan Văn Đức và cầu thủ SLNA tập ké đội trẻ để 'bảo dưỡng' sân Vinh Trong bối cảnh các đội bóng V.League đang gặp khó khăn vì giải đấu phải tạm hoãn, thầy trò HLV Ngô Quang Trường phải duy trì tập luyện 2 buổi/ngày trên sân tập của các đội trẻ. Trận đấu giữa CLB SLNA và B. Bình Dương tại vòng 2 V.League 2020 diễn ra với chiến thắng 1-0 nghiêng về đội bóng xứ Nghệ....