Sán lá lớn ở gan – Nguy hiểm nhưng dễ phòng ngừa
Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TP.HCM vừa tiếp nhận sáu bệnh nhân cư ngụ tại miền Đông Nam bộ bị nhiễm sán lá lớn ở gan. Các bác sĩ chuyên về ký sinh trùng tỏ ra lo ngại bởi đây là lần đầu tiên người mắc bệnh sống tại miền Nam.
Mỗi khi cử động, chị T. C. Th. (45 tuổi, nhà ở huyện Bình Chánh, TP.HCM) lại bị đau vùng hạ sườn bên phải, nằm im thì không còn cảm giác đau. Sau khi đến khám tại BV Bệnh Nhiệt đới, các bác sĩ siêu âm và nhận thấy trong gan của bệnh nhân có nhiều ổ áp- xe (mủ) nằm rải rác, bạch cầu ái toan (bạch cầu ưa axit) tăng trong máu đến 40,7%, cao gấp 10 lần người bình thường. Kết quả hai lần xét nghiệm đều dương tính với Fasciola sp – sán lá lớn ở gan. Sau khi được chích kháng sinh và dùng thuốc điều trị đặc hiệu, sức khỏe của chị Th. đã tạm ổn. BS CK I Lý Văn Chương, Trưởng khoa Nhiễm A, BV Bệnh Nhiệt đới – cho biết, đây là lần đầu tiên BV tiếp nhận bệnh nhân ở miền Nam bị sán lá lớn ở gan (bốn ca ở tỉnh Đồng Nai và hai ca tại TP.HCM). Năm bệnh nhân trước đó không rời khỏi địa phương, chỉ có trường hợp chị Th. từng đi công tác ở Quảng Ngãi cách đây bảy-tám tháng.
Trước đây, BV chủ yếu điều trị cho bệnh nhân từ các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Gia Lai, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, hiếm khi bệnh nhân sống tại các tỉnh phía Nam, nếu có thì trước đó họ từng đi ra miền Trung, miền Bắc. Theo các bác sĩ, có thể do môi trường dịch tễ hiện nay thay đổi hoặc cũng có khi người tiêu dùng ăn phải rau nhiễm bệnh được vận chuyển từ miền Trung, miền Bắc vào Nam.
GS-BS Trần Vinh Hiển, cố vấn BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM nói: “Fasciola sp ký sinh ở động vật ăn cỏ như bò, trâu, cừu… hiếm khi thấy ở người. Ở Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây, bệnh sán lá lớn ở gan bỗng nhiên bột phát, trải dài từ các tỉnh miền Bắc cho tới miền Trung, bệnh nhân sống tại miền Nam chiếm tỷ lệ thấp”.
Chu trình phát triển của sán lá lớn ở gan
Video đang HOT
Bệnh nhân Th. được điều trị sán lá lớn ở gan tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM
BS Trần Vinh Hiển cho biết, sán lá lớn ở gan sống ký sinh trong ống mật của các loài ăn cỏ, sau đó đẻ trứng, trứng theo phân ra môi trường sau đó nở ra ấu trùng. Ấu trùng bám vào vật thủy sinh, đặc biệt là các loại rau ăn sống. Động vật ăn cỏ và người ăn phải những loại rau có chứa nang ấu trùng sẽ mắc bệnh.
Sau thời kỳ ủ bệnh âm thầm khoảng 15 ngày, bệnh sẽ tiến triển theo hai giai đoạn. Ở giai đoạn xâm nhập, bệnh chỉ gây triệu chứng mơ hồ như: sốt, mệt mỏi, tiêu chảy, đau bụng. Giai đoạn này kéo dài từ hai-ba tháng, đó là giai đoạn di chuyển của sán còn non trong mô gan cho đến lúc trưởng thành trong ống mật. Đến giai đoạn viêm ống mật mạn tính: bệnh thể hiện như một bệnh gan, với biểu hiện đau bụng, đau vùng hạ sườn phải, trong đa số các trường hợp thì gan không to nhưng bệnh nhân mệt mỏi, sụt cân. Nếu không điều trị, bệnh sẽ dây dưa nhiều năm, tuy nhiên ít khi tiến triển đến xơ gan. Đặc biệt, ngoài vị trí gan và ống mật, sán lá lớn Fasciola sp còn có thể di chuyển lạc chỗ, định vị ở các cơ quan khác như ổ bụng, mô dưới da, lách, mắt, vách ruột… Sán nằm trong vách ruột tạo thành khối u làm hẹp lòng ruột, gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa.
Ngoài ăn rau sống nhiễm sán, con người mắc bệnh còn do ăn gan động vật nấu chưa chín, uống nước không đun sôi… Bệnh do sán lá lớn Fasciola sp ở người có thể ở dạng tiềm ẩn, chỉ phát hiện khi tình cờ xét nghiệm phân, tìm thấy trứng sán. Thời gian từ khi nhiễm sán lá lớn đến khi xuất hiện trứng trong phân là sau ba-bốn tháng. Vào thời kỳ bệnh mạn tính, tùy theo vùng vị trí địa lý, chỉ có 5 – 35% bệnh nhân có dấu hiệu trứng sán trong phân. Nếu chẩn đoán ngay trong giai đoạn mà sán còn non sẽ điều trị hiệu quả hơn. Theo BS Lý Văn Chương, nếu phát hiện sớm, chi phí điều trị chỉ một-ba triệu đồng và xuất viện sớm; ngược lại, nếu có biến chứng thì chi phí điều trị lên đến vài chục triệu đồng. Để phòng bệnh, người tiêu dùng không nên ăn rau sống mọc hoang ở nơi có nhiều động vật ăn cỏ, nhất là rau từ vùng chăn nuôi trâu, bò, cừu. Trước khi trồng trọt, phải xử lý phân động vật không còn nguồn bệnh.
Văn Thanh
Theo PNO
Kinh hoàng sán nhái chui vào phổi
Trước đây, Việt Nam chỉ ghi nhận bệnh nhân bị sán nhái ký sinh ở mắt nhưng hiện tại đã ghi nhận hai bệnh nhân bị sán nhái chui vào phổi và thành bụng mà không rõ nguyên nhân.
Trường hợp đầu tiên là một bệnh nhi 26 tháng tuổi ở Bắc Giang. Bệnh nhi bị sốt cao, khó thở, nhập Bệnh viện Nhi T.Ư trong tình trạng tràn dịch màng phổi. Bệnh nhi được điều trị tích cực nhưng bệnh không thuyên giảm, ngày càng nặng mà không rõ nguyên nhân. Kết quả chiếu chụp cho thấy, có dị vật bên trong phổi. Dù không xác định được nguyên nhân nhưng để cứu sống bệnh nhân, bác sĩ tiến hành phẫu thuật và bất ngờ bắt được một ấu trùng sán nhái dài 42cm, rộng 0,8cm. Xét nghiệm đó là loài sán nhái Spirometra erinacei.
Ấu trùng sán nhái trong màng phổi trẻ em 26 tháng.
Ấu trùng sán nhái thu thập từ khối u thành bụng bệnh nhân 70 tuổi.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân 70 tuổi ở Hà Nội. Bệnh nhân đến cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Y vì xuất huyết dạ dày. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ thấy bệnh nhân có một khối u ở thành bụng nên kết hợp lấy ngay. Mọi người hết sức ngạc nhiên vì bên trong khối u là một ấu trùng sán nhái dài 20cm, rộng 0,6cm, màu trắng sữa. Bệnh nhân cho biết, cách đó ít lâu, bệnh nhân thấy ở thành bụng cảm giác như con gì bò, nhìn thấy một khối sưng không đau nhưng chưa đi khám.
PGS.TS Nguyễn Văn Đề, Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, sán nhái trưởng thành Spirometra erinacei thường ký sinh ở ruột chó, mèo, hiếm khi ở người. Cách ấu trùng sán nhái xâm nhập vào người là do: Sán trưởng thành có kích thước 60cm x 0,5 0,6cm ký sinh ở ruột non chó, mèo. Trứng được thải ra môi trường, xuống nước nở ra ấu trùng lông xâm nhập giáp xác, ếch nhái ăn phải, ấu trùng ký sinh ở cơ, được gọi là sán nhái. Người bị nhiễm ấu trùng sán nhái khi ăn phải ấu trùng từ động vật hay giáp xác hoặc đắp ếch nhái lên mắt để chữa bệnh (ấu trùng sẽ rời cơ ếch để chui vào giác mạc mắt, ký sinh và gây bệnh). Cũng có trường hợp ăn ếch nhái có ấu trùng chưa được nấu chín, do có ái tính với giác mạc, ấu trùng sán di chuyển đến ký sinh ở giác mạc mắt. Tuy vậy, ấu trùng sán nhái có thể di chuyển đến một số vị trí khác trên cơ thể người để ký sinh và gây bệnh nguy hiểm cho người.
Theo các chuyên gia, nếu phát hiện bệnh sán nhái, uống đúng loại thuốc trị sán nhái sẽ có tác dụng. Để phòng bệnh ấu trùng sán nhái cũng như phòng bệnh các ký sinh trùng truyền qua thức ăn, cần thực hiện ăn chín uống sôi, dao thớt, dụng cụ chế biến thức ăn sống cần được vệ sinh tốt và không dùng chung với thức ăn chín.
Theo vietbao
"Nhận diện" bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh Tình trạng viêm phổi ở trẻ sơ sinh là một thể bệnh nhiễm trùng phổi nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Theo MedlinePlus.gov - một trang web y khoa trực tuyến, được điều hành bởi Viện Y tế Quốc gia Mỹ, dưới đây là những triệu chứng của bệnh viêm phổi thường gặp ở trẻ sơ sinh, đòi hỏi cần có...