‘Sân khấu xã hội hóa mất phương hướng’
NSND Hồng Vân cho rằng muốn chấn chỉnh hệ thống sân khấu kịch xã hội hóa, cần một lộ trình có tâm, có tính khả thi cao.
- Chị nhận định tình hình khán giả năm nay như thế nào qua lượng khách đến xem các vở diễn tại Sân khấu Kịch Phú Nhuận và Sân khấu Kịch Superbowl dịp Tết Bính Thân vừa qua?
- Đến nay, lượng khán giả kém hơn mọi năm chút ít nhưng nói chung không thành vấn đề. Vở nào sống đến hết tháng giêng thì có thể tiếp tục “canh tác” quanh năm.
NSND Hồng Vân. Ảnh: Thanh Hiệp
Tại sàn diễn của tôi, các vở ăn khách đều có thể phát triển thành phần 2, phần 3, như Người vợ ma, Quả tim máu và nay là Xóm trọ 3D. Vấn đề là khán giả chọn “món” giải trí phù hợp với túi tiền và “khẩu vị” riêng nên hoàn toàn không có chuyện sân khấu này đóng cửa, họ sẽ ùa sang sân khấu khác để xem. Sự phân khúc khán giả của mỗi sân khấu giúp bầu show có thể đưa ra ước lượng cho sàn diễn của mình và chọn kịch mục phù hợp.
“Nước trôi thì bèo trôi”
- Năm qua, báo chí đã nói nhiều về việc sân khấu ngày càng khó khăn, một phần là do sự bùng nổ của game show, truyền hình thực tế. Theo chị, đó có phải là nguyên nhân chính?
- Đó là một trong những khoảng tối của thị trường sân khấu trong năm 2015, nhất là sân khấu xã hội hóa. Tôi xác định rõ ràng rằng “nước trôi thì bèo trôi”, trôi được đến đâu hay đến đấy. Hiện tại, sân khấu Sao Minh Béo, Sân khấu Sen Việt của Lê Nguyên Đạt hay sân khấu Hoàng Thái Thanh với Thành Hội – Ái Như… đều đứng trước tâm trạng đó.
Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM (5B Võ Văn Tần) năm nay tạm ngưng hoạt động. Nhìn nhà hát 5B đóng cửa, tôi tưởng tượng sau này, những sân khấu xã hội hóa của chúng tôi không thể nào tiếp tục hoạt động, cục diện mặt bằng nghệ thuật thật sự của TP HCM sẽ như thế nào? Vui gì trước cảnh “nước trôi thì bèo trôi”, do thiếu sự định hướng!
Để duy trì hoạt động, nhóm nghệ sĩ Nguyễn Khắc Duy chật vật tìm nhiều điểm diễn. Trong ảnh, một cảnh thuộc vở nhạc kịch Tấm Cám của nhóm này ở Nhà hát Bến Thành. Ảnh: Thanh Hiệp
Tôi nghĩ game show chỉ là bề nổi. Nhìn vào sự bùng nổ này, nhiều người tưởng mặt bằng nghệ thuật của TP HCM đang phát triển nhưng thật sự không phải vậy, nó đang bị lạm phát. Thử nghĩ nếu không còn những sân khấu như tôi kể trên, sau giai đoạn game show bùng nổ, nghệ thuật TP HCM sẽ còn lại gì? Thật sự xây quá khó còn đập thì quá dễ bởi đến một lúc nào đó, chúng tôi không còn sức nữa, sẽ buông tay!
- Như vậy, phải chăng sân khấu xã hội hóa đang phát triển một cách tự phát, không được sự định hướng đúng đắn?
- Nó thiếu sự chăm chút, quan tâm, chỉ đạo với chiến lược cụ thể để chúng tôi đi đúng quỹ đạo. Từ đó, một số nơi làm chệch hướng, chạy theo khán giả với nhu cầu giải trí, còn tác phẩm đỉnh cao thì dè dặt bởi thiếu vốn. Nếu có sự định hướng ngay từ đầu, các sàn diễn xã hội hóa không lao đao như hiện nay.
Video đang HOT
Một thực trạng rất rõ là ngân sách rót cho các đơn vị công lập quá nhiều nhưng hiệu quả từ sàn diễn của họ không cao. Trong khi đó, chúng tôi phải tự thân “sinh nở” những đứa con tinh thần cho sàn diễn của mình.
Gióng lên tiếng nói chung
- So với điện ảnh, nhiều đơn vị tự thân vận động, chẳng cần “bà đỡ”, bất chấp luôn cả sự cạnh tranh của truyền hình với bùng phát game show… thì tại sao sân khấu xã hội hóa vẫn “than vãn”?
- Phim chiếu rạp được đầu tư hệ thống chiếu hiện đại, địa điểm đẹp. Trong khi đó, hệ thống rạp của chúng tôi mấy chục năm rồi vẫn y như cũ. Đòi hỏi hiệu quả nghệ thuật thì ngôi nhà dành cho nghệ thuật phải tương xứng. Khi được phân bổ, hỗ trợ về rạp, trang thiết bị, chúng tôi không dám xin, chỉ mong được thuê rạp với giá phải chăng, được trợ vốn để mua rồi trả góp trang thiết bị nhưng có được đâu, chỉ là ước mơ. Sân khấu của chúng ta đang rất chông chênh nhưng dẫu vậy, tôi thấy có những nghệ sĩ rất can đảm, tự tìm sàn diễn, tự tạo vai diễn cho mình. Chẳng hạn, Trịnh Kim Chi vừa mới mở sân khấu và còn rất nhiều người vẫn tâm đắc tìm địa điểm.
Đầu năm, tôi nói những điều này không phải than vãn, thất vọng mà gióng lên một tiếng nói chung, mong tìm cách giải quyết, tìm hướng giải thoát cho sàn kịch.
- Ngoài vốn, khó khăn của sân khấu thường là vấn đề nhân lực, nhất là lúc game show bùng nổ. Sân khấu Kịch Phú Nhuận thời gian qua đã làm tốt khâu tự đào tạo nghệ sĩ trẻ. Đây có phải hướng đi chủ động để thoát khó của chị?
- Thật ra, đào tạo nhân lực không phải là công việc của sân khấu xã hội hóa. Sở dĩ chúng tôi chủ động làm việc đó là vì nhận thấy nó quá cấp thiết. Nghệ sĩ chạy sô quá nhiều, để gom đủ người tập một vở kịch là khó khăn vô cùng.
May mắn là tôi đã tiên liệu việc này cách đây khoảng 6 năm. Hiện học viên khóa 1 cách đây 5 năm đã tốt nghiệp, gần như trụ lại sân khấu chúng tôi. Về mặt nghệ sĩ trẻ, sân khấu Kịch Phú Nhuận không bị động nhưng gương mặt ngôi sao thì sân khấu nào cũng thiếu. May là bên chúng tôi còn có Minh Nhí, Anh Vũ và tôi, đàn em thì có Hòa Hiệp, Kha Ly, “Ốc” Thanh Vân…
Tuy nhiên, việc sân khấu tự đào tạo nhân lực không phải là biện pháp lâu dài vì đó là trọng trách của các trường. Tôi nghĩ việc đào tạo cần có sự liên thông với các sân khấu, nghĩa là nghĩ đến đầu ra. Chính vì không có sự liên thông này nên sinh viên ra trường thất nghiệp, tham gia các cuộc thi truyền hình thực tế tìm kiếm cơ may hoặc làm nghề một cách vụn vặt khiến nguồn thì đông mà người làm đúng nghề thì hiếm.
- Với cương vị đại biểu HĐND, phó chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, chị có kiến nghị gì để thay đổi thực trạng khó khăn đó?
- Kiến nghị, đề xuất nhiều nhưng chúng ta có thể làm được tới đâu khi mà cứ thiếu chiến lược toàn diện, thiếu nền tảng thoát khỏi sự trì trệ hiện tại? Bản thân tôi chỉ có thể canh cửa 2 sàn diễn với thương hiệu mà mình dày công vun đắp. Việc chấn chỉnh cả hệ thống sân khấu kịch xã hội hóa cần một lộ trình có tâm, mang tính khả thi cao. Bởi lẽ, nếu không sớm có sự thay đổi, rồi cũng đến lúc các sân khấu kịch sẽ cắm tấm bảng “Ở đây ngày xưa có diễn kịch!”.
Kêu mãi vẫn chẳng được gì!
NSND Hồng Vân cho biết khi đưa kịch vào học đường, chị chỉ xin mỗi tấm vé được nhà nước hỗ trợ 15.000 đồng. Giá vé đưa xuống các trường giảm, học sinh mới hưởng ứng, nguồn kịch mục theo đó cũng phong phú hơn để phục vụ.
“Có thể đưa kịch vào học đường thông qua hình thức nghệ sĩ đến trường diễn hoặc học sinh đến sân khấu kịch xã hội hóa xem. Đó cũng là cách tốt để ươm mầm cho thế hệ khán giả trẻ yêu kịch. Thế nhưng, kêu mãi vẫn chẳng được gì” – NSND Hồng Vân thẳng thắn.
Theo Thanh Hiệp/ Người Lao Động
Pha hấp hối tiền tỷ của các đại gia làng giải trí
Nghệ thuật sân khấu đang trụ mình trước cơn bão giải trí hiện đại một cách nhọc nhằn. Tuy nhiên đâu đó vẫn còn nhiều điểm sáng cần được ghi nhận.
Nhiều sân khấu đóng cửa
Bức tranh sân khấu kịch TP HCM năm 2015 không có nhiều khả quan với những mảng tối vốn tồn đọng từ lâu trong ngành nghệ thuật này. Nói là từ lâu vì tiến độ chuyển mình của kịch thường diễn ra khá chậm. Người ta có thể đếm không xuể số lần biến động ở mảng ca nhạc trong năm qua trong khi một bước chuyển mình của kịch lại cần đến 2-3 năm.
Vài năm trở lại đây, trừ các sân khấu thiên về hài, các sân khấu kịch nói lừng lẫy một thời của TP HCM lại đang từng bước đi vào ngõ cụt. Hàng chục buổi hội thảo được mở ra, nguyên nhân đã tìm thấy nhưng tìm xong để đó vì tồn đọng nhiều bất cập trong khâu giải quyết.
Sự kiện đáng chú ý nhất trong năm 2015 là nhà hát kịch lâu năm 5B đóng cửa vào hồi cuối tháng 5. Đơn vị này thành lập từ năm 1997, đi vào hoạt động 18 năm, từng biểu diễn hơn 100 vở kịch, trong đó có nhiều tác phẩm chất lượng và gặt hái các giải thưởng của Hội sân khấu Việt Nam. Tuy vậy nhà hát vẫn phải đóng cửa hồi cuối tháng 5 với lý do trùng tu, sửa chữa.
Điểm đáng lưu ý là vào thời điểm đó, NSƯT Việt Anh cho biết số tiền khoảng 6,5 tỷ đồng để sửa chữa nhà hát đã được UBND TP HCM duyệt. Nhưng cho đến nay, NSƯT Mỹ Uyên cho biết chuyện kinh phí vẫn chưa đi đến đâu và chuyện mở lại nhà hát kịch 5B khi nào là việc không thể nói trước.
Một cảnh trong vở Tình lá diêu bông của nhà hát 5B.
Kỳ thực, nhà hát 5B không làm kịch cứng nhắc mà rõ ràng cũng ý thức được việc phải thay đổi, chuyển mình để dung hòa giữa hai yếu tố thị trường và chuyên môn. Những người đứng đầu đơn vị từng vắt óc làm đủ mọi cách xoay sở như cập nhật vấn đề nóng vào kịch, dựng kịch ma, mời diễn viên ngôi sao hay làm mới đội ngũ diễn viên bằng những người trẻ ... với tinh thần sẵn sàng bỏ tiền túi bù lỗ trong nhiều năm liền để gồng gánh duy trì sân khấu.
Một sân khấu lớn khác đang có dấu hiệu hấp hối là Hoàng Thái Thanh. Vợ chồng Ái Như - Thành Hội từng nổi như cồn với những vở kịch ăn khách mà vẫn hoàn toàn tự do trước áp lực phải cài vào những chiêu trò câu khách. Ở thời hoàng kim, những vở như Hãy khóc đi em, Nửa đời ngơ ngác, Sông dài... từng cháy vé nhiều tháng liền và khách đến xem luôn kín rạp. Tuy nhiên thời gian gần đây, những vở mới dựng ở sân khấu Hoàng Thái Thanh bắt đầu lộ những yếu điểm, đơn cử như vở Nửa đời hương phấn bị nhiều khách quen chê sến, cũ kỹ. Nguyên nhân được lý giải là do người thực hiện quá cứng nhắc, không chịu đổi mới tư duy làm kịch khiến màu kịch vốn từng hút khách, tạo nên thương hiệu riêng cho sàn diễn nay lại thành ra lỗi thời, ngán ngẩm.
Vở Nửa đời hương phấn đánh dấu sự đi xuống trong nội dung tác phẩm của sân khấu Hoàng Thái Thanh.
Bên cạnh đó, nhiều biểu hiện cho thấy sân khấu Hoàng Thái Thanh lục đục nội bộ khi một loạt đào, kép chính liên tục ra đi như Thanh Thủy, Trí Quang, Ngọc Lan... khiến nơi đây rơi vào khủng hoảng do thiếu nhân lực. Hệ quả là Hồng Ánh, Tuyết Thu phải gồng sức gánh những vở của Thanh Thủy, Ngọc Lan còn những vai nam chính của Trí Quang lại đâm ra kệch cỡm khi NSUT Thành Hội đã quá tuổi hay Quang Thảo quá "yếu" để thay thế.
Bù lỗ cho đến khi đóng cửa
Đầu tiên, vấn đề chung của hầu hết sân khấu kịch ở TP HCM là tình trạng vắng khán giả. Đạo diễn Ái Như, đồng sáng lập sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cho biết bà thấy rất áp lực khi trong vòng 2 năm, lượng khách đến đã giảm gần một nửa. Đây cũng là tình hình chung của các sân khấu còn lại khi hình ảnh khán giả chỉ ngồi nửa rạp hoặc thậm chí chỉ vài hàng ghế đầu trong mỗi suất diễn đã không còn hiếm thấy.
Lý giải đầu tiên về mặt khách quan, một là khán giả hiện nay đang có quá nhiều lựa chọn phương thức giải trí khiến mảng kịch bị xao nhãng. Hai là việc ra đời tác phẩm kịch nhưng không đi kèm với phương thức giao lưu, quảng bá, biểu diễn mang tính cộng đồng khiến nguồn khán giả trẻ bị thiếu hụt. Điều này dẫn tới lượng vé bán ra không đảm bảo.
Nghệ sĩ hài Cát Phượng từng tiết lộ chi phí cho mỗi vở kịch lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng số tiền thu lại rất thấp. Chính nguồn thu đầu vào quá thấp khiến đa phần "đầu tàu" phải tự bỏ tiền túi bù lỗ cho đến khi không thể tiếp tục gồng gánh và phải đóng cửa sân khấu.
NSND Hồng Vân, đạo diễn Ái Như trăn trở với nghề.
Về chủ quan, diễn viên và kịch bản cũng là 2 vấn đề nhức nhối của mỗi sân khấu. Nếu như kịch bản cho nghệ thuật kịch nói luôn rơi vào cảnh khan hiếm thì vấn đề nhân sự của các sàn diễn lại nằm ở chỗ thiếu diễn viên "đinh". Thực trạng chua chát là hiếm có diễn viên kịch nào có thể sống thoải mái với nghề mà không phải làm thêm các công việc khác như đóng phim, diễn hài, tham gia chương trình truyền hình thực tế... để có được thu nhập ổn định như hầu hết hiện nay. Đồng lương èo ọt nhưng yêu cầu diễn kịch lại cao và khắt khe hơn hẳn so với đóng phim nên việc diễn viên kịch lấn sân là điều tất nhiên.
Nam diễn viên Nguyên Bảo cho biết việc lấn sân đóng phim, game show cũng một là ý tưởng hay, giúp diễn viên kịch có thể tự tạo dựng sức hút truyền thông, tương tác nhiều hơn với công chúng rồi từ đó câu kéo khán giả đến sân khấu kịch.
Cần có sự phối hợp
Theo NSND Hồng Vân từng, một phần trách nhiệm còn nằm ở phía cơ quan có thẩm quyền. Bà cho rằng thực trạng hiện này là do thiếu sự phối hợp tổ chức của chính quyền, sự định hướng, hỗ trợ và kết hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng và văn nghệ sĩ. Bầu Hồng Vân mong muốn giữa các đơn vị kịch và cơ quan Nhà nước sẽ có sự bắt tay cùng triển khai xây dựng và định hướng cho lứa thế hệ khán giả mới.
NSƯT Thành Hội cũng từng than thở rằng các sân khấu kịch hoạt động hiệu quả, có nhiều đóng góp lớn nhưng lại như những đứa con rơi chẳng được quan tâm, chăm sóc. Vợ ông, nghệ sĩ Ái Như cũng không còn tha thiết gì với việc xin kinh phí vì bà đã từng kiến nghị cơ quan chức năng giúp đỡ và tham gia họp nhiều lần nhưng vẫn không có gì thay đổi. Trong khi đó, sân khấu kịch 5B đã đóng cửa hơn 7 tháng để chờ xin kinh phí sửa chữa, trùng tu nhưng số tiền này vẫn còn treo... lơ lửng.
Tuy nhiên, đâu đó trong toàn cảnh bức tranh kịch nói TP HCM vẫn còn những điểm sáng: những sàn diễn còn sáng đèn hàng đêm như Idecaf, Nụ cười mới, Thế giới trẻ... hay sân khấu của NSƯT Trịnh Kim Chi vừa khai trương tại quận 6. Trước câu hỏi cho rằng cô quá can đảm khi ngành kịch nói đang đi vào ngõ cụt thế này, Trịnh Kim Chi cho hay đã sẵn sàng bù lỗ 2 năm và làm sân khấu này bằng tất cả khả năng, tâm huyết, tình yêu dành cho nghề.
Diễn viên Lê Nguyên Bảo.
Diễn viên trẻ Lê Nguyên Bảo tâm sự: "Mỗi sân khấu đều được làm nên từ tâm huyết của rất nhiều người. Sân khấu chọn diễn viên, còn khán giả thì có quyền lựa chọn sân khấu. Riêng về sự phát triển sân khấu, tôi nghĩ nó như một vòng tuần hoàn từ xưa đến nay, tạo dựng, phát triển tố, thời hoàng, thoái trào và lặp lại.
Sân khấu nào cũng đang cố gắng hết sức để duy trì, hoàn thiện và đổi mới để thu hút khán giả yêu kịch hơn. Tôi luôn tin sự cố gắng của những diễn viên yêu nghề và nghiêm túc với nghề cố gắng nhiều sẽ làm khán giả sẽ lại ủng hộ sân khấu nhiều hơn. Hy vọng năm tới sẽ là một năm khởi sắc của các hoạt động sân khấu và khán giả luôn yêu thương sân khấu và kịch nói vẫn luôn là một nét văn hoá thật đẹp của Sài Gòn và Nam Bộ".
Theo Gia Bảo/ Vietnamnet
Kim Huyền ngất xỉu trên sàn diễn Tối 18/7, tại sân khấu SuperBowl, khi vừa diễn xong vai Duyên trong vở "Người đàn bà uống rượu", nghệ sĩ Kim Huyền ngất xỉu khi ê-kíp nói lời chào khán giả ở màn kết. Đây là vở diễn mà sân khấu Hồng Vân dàn dựng lại để dự thi liên hoan nghệ thuật sân khấu "Hình tượng người chiến sĩ Công an...