Sân khấu phía Bắc èo uột vì “mắc bệnh” cao đạo
“Sân khấu miền Bắc èo uột như hiện nay một phần là do mắc bệnh cao đạo, cứ tưởng mình là ngôi sao người ta sẽ xúm vào, sẽ chạy theo nhưng ai ngờ khi ngoảnh lại, chả còn ai theo mình nữa”, NSND Nguyễn Đình Quang nói.
Sau nhiều biến động về nhân sự trong năm qua, ngày 30/3 Nhà hát Kịch Việt Nam phối hợp với Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm “Nhà hát đồng hành cùng báo chí đến với công chúng”. Mục đích của buổi tọa đàm cuối cùng để làm sao thông tin được những tác phẩm mới tới khán giả- người quyết định sự tồn tại của một nhà hát.
Không cần bán vé, không màng báo chí
Buổi tọa đàm có rất nhiều nhà báo theo dõi mảng sân khấu đã đưa ra những trăn trở, suy nghĩ cũng như khó khăn khi tiếp cận nguồn tin từ đa phần các nhà hát.
“Rất ít nhà hát có quan hệ thường xuyên với báo chí. Tâm lý bao cấp vẫn đang bao trùm sân khấu phía Bắc, một năm được chỉ tiêu bao nhiêu vở, giải ngân hết là xong, không quan tâm lắm đến việc bán vé. Vậy nên nhiều khi tôi vào trang web của một số nhà hát, tôi chẳng tìm thấy thông tin gì mới cả”, nhà báo Tố Lan cho biết.
Đồng quan điểm, nhà báo Cao Ngọc cho rằng: “Tôi luôn luôn chủ động hỏi các mối quan hệ thân thiết xem nhà hát của anh/chị có gì mới chưa. Trong thời buổi nhiều show truyền hình hút khách, nhiều mối quan hệ như vậy, nếu nhà hát không chủ động gửi thông tin từ quá trình dựng vở, cho tới khi công diễn thì nhà báo không thể nào theo dõi hết. Tôi thấy sân khấu nhiều năm qua không có scandal gì? Tôi không biết nên vui hay nên buồn”.
Còn nhà báo Thúy Hiền thì cho rằng, sân khấu đang né báo chí, mà điều này thì vô cùng tai hại. Báo chí rất cần cho mọi lĩnh vực, sân khấu cũng không ngoại lệ. Để các tác phẩm gây được sự chú ýtừ khán giả, ngay từ khâu tìm kịch bản tới quá trình dựng vở, nó phải thu hút được sự quan tâm của báo chí.
Các ý kiến của nhà báo đều thống nhất rằng các nhà hát nên có bộ phận chuyên trách truyền thông với báo chí, chủ động cung cấp đầy đủ về tác phẩm, lịch diễn và các vấn đề nghề nghiệp với nhà báo.
Video đang HOT
Mỗi vở chỉ mời 3 nhà báo
Đó là lời khẳng định của NSƯT Tuấn Hải, Nhà hát Kịch Việt Nam. Tuy nhiên, anh cho rằng, thời gian vừa qua đã có những bài báo viết về tác phẩm sân khấu khen quá hoặc chê quá khiến cho người nghệ sĩ xấu hổ khi được khen, hoặc tức giận, đóng cửa với báo chí khi bị chê quá đà. Đó cũng chính là lý do nhiều nghệ sĩ né báo chí.
NSƯT Trung Kiên, Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, nhiều năm nay, khi nhà hát của anh công bố vở mới, nhưng vì kinh phí, lãnh đạo nhà hát chỉ cho phép mời 3 nhà báo tham dự. Cho nên nhiều vở diễn được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng báo chí không vào cuộc đưa tin.
NS Mai Phương, đoàn kịch Quảng Ninh thì rất bất ngờ khi được dự tới buổi tọa đàm này lại được gặp nhiều…nhà báo đến thế. Từ trước tới nay chị chỉ biết diễn, làm nghề chứ ít khi tiếp xúc với báo chí.
Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Thế Vinh cho rằng, nhà hát không bế quan tỏa cảng nhưng việc chưa đưa thông tin kịp thời tới khán giả, báo chí cũng một phần vì Nhà hát chưa có một địa điểm diễn xứng tầm. Nhiều khi lịch diễn, lịch tập phải phụ thuộc vào sân khấu đi thuê nên khó chủ động. Ông rất buồn vì “anh cả đỏ” của sân khấu đã kỷ niệm 60 năm thành lập rồi mà nhà hát vẫn xập xệ.
Thiếu “sao”, lăng xê kém
Nhà báo Kim Ngân cho rằng, vở diễn muốn thu hút được sự quan tâm của khán giả, báo chí thì ngoài nội dung tác phẩm, cách dàn dựng hay thì còn phải tập trung vào lăng xê một ngôi sao. Các vở diễn nên có một ngôi sao.
“Sân khấu phía Bắc èo uột nên nhà báo cũng không khai thác được gì sâu để viết một bài hay. Hiện nay có sự mất thăng bằng giữa sân khấu miền Bắc và miền Nam. Sân khấu miền Bắc èo uột như hiện nay một phần là do mắc bệnh cao đạo, cứ tưởng mình là ngôi sao người ta sẽ xúm vào, sẽ chạy theo nhưng ai ngờ khi ngoảnh lại, chả còn ai theo mình nữa”, đó là lời nhận xét của NSND Nguyễn Đình Quang.
Sân khấu miền Bắc nên xem lại, cần phải bỏ ngay “căn bệnh” cao đạo. Để sự nghiệp sân khấu phát triển, các nhà báo sân khấu phải nhiệt tình hơn để tìm kiếm thông tin. Các nhà hát phải thay đổi phương thức hoạt động. Công tác PR quảng cáo trước và cả sau vở diễn cần thúc đẩy hơn nữa. Phải có những bài báo tranh luận về sự đúng sai, hay dở của vở diễn lúc đó mới có thể gây chú ý từ phía khán giả, NSND Nguyễn Đình Quang nhấn mạnh.
Theo Dantri
Hát nhép hét tiền triệu, chơi nhạc thu nhập kém ôsin
Trong khi có những ca sĩ chỉ sống bằng scandal, thoải mái hát nhép và hét cát-sê trên trời thì có những nhạc công chấp nhận những khoản thù lao rẻ mạt để để được sống chết với nghề.
Những món trang sức tiền tỉ được người nổi tiếng khoác lên người xuất hiện nhan nhản trên các mặt báo.
Hàng ngày, những tin tức về các nhân vật trong giới showbiz, đặc biệt là giới người đẹp và các ca sĩ xuất hiện dày đặc trên các mặt báo. Người đọc đã phát ngán với những phát ngôn ngu xuẩn, những kiểu khoe của hợm hĩnh của những người được cho là nổi tiếng. Chuyện một cô diễn viên diện chiếc váy hàng hiệu lên đến cả tỉ đồng đi sự kiện, một cô người mẫu nổi tiếng khoác trên tay chiếc túi lên vài trăm triệu đồng... xuất hiện nhan nhản trên mạng cho thấy cuộc sống xa hoa của thế giới showbiz.
Vài ca sĩ mới bước ra từ một cuộc thi âm nhạc đình đám trên truyền hình đã tự cho mình quyền hét cát-sê cả chục triệu cho mỗi show, khi bị phát hiện hát nhép thì đổ ngay lỗi cho người khác và viện đủ lý do không chấp nhận nổi cho lối làm việc vô tổ chức của mình là những thực tế đã quá rõ ràng.
Trong khi đó, trên sàn tập, những người nhạc công đang mướt mả mồ hôi nắn nót từng nốt nhạc, kéo đàn đến chai tay và thổi kèn hết hơi để chuẩn bị cho một đêm diễn. Họ bỏ lại những toan tính hàng ngày, những lo lắng cơm áo gạo tiền, những hóa đơn đang đến kỳ thanh toán để dồn vào bản nhạc chỉ để nhận được vài trăm ngàn đồng sau vài tuần tập luyện.
Trần Quang Vũ (ảnh) là một nghệ sĩ chơi kèn Fagott của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam suốt 12 năm nay. Gia đình không có ai làm nghệ thuật, chỉ vì muốn thực hiện giấc mơ làm nghệ thuật của cha mẹ mình, anh thi vào Nhạc viện khi còn chưa có khái niệm gì về cuộc sống vất vả của một người chơi kèn cổ điển. Thi đỗ, Vũ vào nhập học, theo đuổi từ hệ Sơ cấp đến hết Đại học suốt 14 năm dài đằng đẵng. Tuy nhiên, anh vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác khi có được một chỗ làm tử tế ngay khi tốt nghiệp.
Chọn một nhạc cụ khó, lại khó có thể chơi thêm ở quán hay dạy thêm, Vũ chỉ có thể chơi trong dàn nhạc. Ngoài các chương trình của nhà hát, mỗi tháng đều đặn 1-2 show, thi thoảng lắm anh mới có thêm vài chương trình ngon như chơi cho các chương trình hòa nhạc ở Viện Goethe với thù lao mơ ước với trên dưới 1 triệu đồng/ chương trình.
Còn lại, các chương trình trong nhà hát, nhiều lắm thì được 1 triệu đồng, không thì chỉ 500.000-800.000 đồng cho vài tuần tập luyện và trình diễn. Làm việc ở Nhà hát đã 12 năm, đến nay lương của anh chỉ là 3,5 triệu đồng mỗi tháng, chẳng bằng một chị bán trà đá vỉa hè hay một cô giúp việc chẳng cần đến 14 năm ăn học.
Để tiếp tục làm nghề, cũng như những nghệ sĩ khác trong nhà hát, anh phải làm thêm. "Nếu chỉ bám vào cái kèn thì đúng là đói, về nhà chỉ biết ôm kèn ngủ thôi", anh bảo. Từng mở quán cafe để kiếm thêm nhưng rồi chỉ duy trì được 2 năm là đóng cửa, giờ anh tham gia dàn dựng các tiết mục biểu diễn, viết bài hát cho các công ty, các sự kiện kỷ niệm để sống.
Ở Nhà hát, ai cũng phải làm thêm như anh, nếu muốn duy trì cuộc sống mà không phải ngửa tay xin người nhà tiền tiêu vặt mỗi sáng. Nếu so với việc làm thêm, 2-3 triệu cho vài ba buổi dàn dựng tiết mục thì rõ ràng thổi kèn là công việc cực kỳ rẻ mạt nhưng anh vẫn theo.
Ngoài phim ảnh, Vi Cầm là nghệ sĩ chơi violin trong dàn nhạc của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch VN
Để trụ với nghề, đa số các nghệ sĩ như Vũ đều phải có công việc khác làm thêm, đa phần là không dính dáng gì đến nghệ thuật. Người mở quán ăn, người mở phòng thu, người chuyên nhận đặt cỗ.., số ít thì đi đánh thuê vào buổi tối để kiếm thêm. Người buôn bán, kinh doanh, làm thêm các nghề khác để sống ví dụ như đi đánh nhà hàng, tổ chức sự kiện, bầu sô... May mắn hơn như Vi Cầm thì còn có thêm công việc đóng phim hay đóng quảng cáo.
Với họ, có được công việc trong nhà hát cũng đã là may mắn hơn nhiều người khác bởi có không ít người ra trường không có việc làm, đành phải chuyển sang làm công việc khác. "Tôi biết có nhiều trường hợp khó khăn. Nhiều bạn nữ nếu lấy chồng Hà Nội thì còn ổn định, những bạn nam ở ngoại tỉnh thì vất vả hơn nhiều, đến mức suýt bỏ nghề vì không trụ vững. Có cậu do không có tiền thuê nhà nên cứ mỗi khi phải lên HN tập chương trình thì đến ở nhờ nhà bạn, được nghỉ 1 tuần thì về lại nhà ở Hải Dương cho tiết kiệm chi phí. Không phải ai cũng có gia đình khá giả hay có thêm thu nhập từ công việc khác để yên tâm làm nghề", Vũ nói.
Khó khăn là thế nhưng họ vẫn cố bươn chải để trụ với nghề bởi: "trái với những nỗi buồn và sự lo lắng về cuộc sống khó khăn thường ngày, về những khoản thù lao rẻ mạt, cảm giác mỗi khi diễn xong 1 chương trình thật sung sướng không thể tả. "Những ai đã theo nghề này thì không còn là nghề nữa mà là nghiệp, đã theo là không thể dứt được", anh nói.
Theo Dantri
60 người phụ nữ trong đội trống gái có một không hai Nói về làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam, nhiều người biết có làng nghề làm trống truyền thống. Nhưng ít người biết rằng Đọi Tam còn nổi danh với một đội trống nữ với những tiết mục độc đáo, những vũ điệu mê say lòng người. Đọi Tam vốn nổi tiếng với nghề làm trống lâu đời bậc...