Sân khấu miền Bắc ảm đạm mùa Tết
Tết Nguyên Đán đến gần, sân khấu miền Bắc vẫn đìu hiu, ảm đạm và không có vở diễn nào mới.
Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội – 3 sân khấu kịch lớn nhất miền Bắc đều không có bất cứ vở diễn nào mới ra mắt trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Những tác phẩm đã ghi dấu ấn trong năm cũng chỉ được công diễn đến hết tháng 1 dương lịch, bắt đầu từ đầu tháng 2, các Nhà hát chủ yếu làm hoạt động tổng kết, khen thưởng thay vì tập trung vào dựng các tác phẩm mới. Đây là thực trạng của sân khấu miền Bắc suốt nhiều năm nay chứ không riêng gì Xuân Bính Thân 2016.
Nhà hát Tuổi trẻ không có chương trình nghệ thuật mới từ ngày 1/2 đến ngày 12/2.
Nhà hát Tuổi trẻ – một trong những sân khấu có doanh thu tốt nhất Hà Nội, năm nay cũng chỉ dồn sức cho các đoàn lưu diễn nước ngoài dịp cận Tết thay vì tập trung vào các chương trình ở trong nước. Không có bất cứ tác phẩm nào, dù cũ hay mới được công diễn tại sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ từ ngày 1/2 đến ngày 12/2. Khán giả thủ đô sẽ phải chờ đến ngày 13/2, tức sau kỳ nghỉ lễ dài mới có thể thưởng thức một chương trình hài kịch – ca nhạc có tên “Đón Xuân 2016″ với sự tham gia của các nghệ sĩ Đoàn kịch 1 và 2 Nhà hát Tuổi trẻ.
“Anh cả đỏ” của sân khấu miền Bắc, tức Nhà hát Kịch Việt Nam cũng trong tình trạng hẩm hiu tương tự. Mặc dù năm vừa qua, nhà hát gặt hái được khá nhiều thành công trong các hội diễn chuyên nghiệp, ra mắt nhiều vở chính kịch mới và Nam tiến với “Hamlet” nhưng mùa Tết cũng không có tác phẩm nào ra rạp. Nhà hát Kịch Việt Nam đã tiến hành tổng kết, khen thưởng vào ngày 27/1 và sân khấu 200 chỗ ngồi phía sau Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ “tối đèn’ từ nay đến ngày khai xuân 27/2 khi nhà hát quay trở lại với tác phẩm Bệnh sĩ – một vở kịch đã ra mắt trong năm 2015.
Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ diễn lại vở “Bệnh sĩ” vào dịp đầu xuân.
Không chỉ không có vở diễn nào mới, Nhà hát Kịch Hà Nội còn chưa thông báo với khán giả về lịch biểu diễn trong tháng 2. Nhà hát đã kết thúc năm cũ Âm lịch tương đối sớm bằng một chùm hài kịch biểu diễn tại Hà Đông – Hà Nội vào ngày 21/1. Rạp Công nhân – sân khấu quen thuộc của các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội được cho là sẽ khai xuân muộn hơn Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch Việt Nam, rất có thể phải đến tháng 3, khán giả mới có cơ hội thưởng thức một tác phẩm được công diễn tại đây.
Trong khi cả 3 nhà hát danh tiếng của Hà Nội đều không có vở diễn nào mới thì sân khấu trong Nam có tới gần 30 tác phẩm mới tinh ra rạp trong kỳ nghỉ Tết. Sân khấu Trịnh Kim Chi công diễn 3 vở mới là Một nửa đàn bà, Một nửa đàn ông và Chuyện tình Lương – Chúc. Sân khấu kịch Hồng Vân áp đảo với Bí ẩn cà phê 3D, Tiệm tóc âm dương, Một cha ba mẹ vàNgười vợ ma.
Video đang HOT
Thế giới trẻ có 2 vở đáng chú ý là Trót yêu và Ma nữ si tình còn sân khấu Idecaf có được đông đảo khán giả chờ đợi với 2 tác phẩm Tấm Cám vàThú… yêu thương – cả hai vở đều đang “cháy” vé. Ngay cả sân khấu kịch Hồng Hạc vừa mới ra đời vào cuối năm 2015 cũng dựng một tác phẩm mới là Diễn viên hạng ba – chuyển thể từ một tác phẩm văn học của nhà văn nữ Lý Lan.
Số lượng tác phẩm mà các sân khấu tư nhân ở Sài Gòn giới thiệu tới công chúng yêu kịch trong dịp Tết này hơn hẳn miền Bắc, tuy nhiên, chất lượng nghệ thuật của các vở diễn lại là một yếu tố khác. Phần lớn các tác phẩm hài kịch Tết năm nay ở miền Nam có nội dung về đồng tính luyến ái – một chủ đề quá nhàm chán đối với khán giả. Đó là còn chưa kể đến sự bão hòa của nghệ thuật sân khấu trước các loại hình giải trí khác, nhiều vở diễn dựng xong vẫn không biết có bán được vé hay không.
Tuy vậy, không khí sân khấu miền Nam mùa Tết vẫn được cho là tương tối sôi động, khán giả có nhiều sự lựa chọn – điều rất khó thấy ở sân khấu miền Bắc.
Phần 2 của “Xóm trọ 3D” sẽ ra mắt với tên gọi “Bí ẩn cà phê 3D” tại sân khấu của NSND Hồng Vân.
Lý giải về không khí đìu hiu, ảm đạm của làng kịch nghệ miền Bắc, NSND Anh Tú – Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho rằng: “Sân khấu miền Bắc ảm đạm mùa Tết vì yếu tố thiên thời – địa lợi – nhân hòa. Thời tiết miền Bắc thường rất lạnh vào dịp Tết lại có thêm mưa xuân nên mọi người rất ngại đi xem kịch. Nói thật là, đến tặng vé người ta còn chưa chắc đã đi chứ nói gì đến việc mua để đi xem. Khán giả không có nhu cầu nên các nhà hát không thể mạo hiểm được”.
NSND Anh Tú cho biết thêm: “Khán giả trong Nam có thói quen đi xem kịch vào dịp Tết như một loại hình giải trí từ rất nhiều năm nay. Thời tiết trong thời gian nghỉ lễ ở trong đó cũng ấm áp, buổi tối mọi người thích rủ nhau đi thưởng thức kịch, đặc biệt là hài kịch nên việc sân khấu trong Nam có nhiều vở diễn mới trong dịp này cũng là điều dễ hiểu”.
Theo Zing
Hồi hộp chờ kịch mùa Tết
Kịch mục phong phú nhưng hiếm có vở diễn đủ chất lượng làm nên dấu ấn.
Còn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Bính Thân, thời gian duyệt phúc khảo kịch mục mới cũng đã khép lại để các sàn diễn tạm nghỉ xả hơi chờ vào "vụ mùa", bắt đầu từ mùng 1 Tết. Nếu những năm trước, kịch đề tài kinh dị, ma dễ câu khách được các sân khấu khai thác triệt để thì mùa kịch Tết 2016, đề tài phong phú, đa dạng từ hài, tâm lý xã hội, giới tính, nhạc kịch... Tuy nhiên, sự thay đổi này vẫn làm nhiều nhà tổ chức chưa an tâm bởi lượng vé bán chậm hơn mọi năm khi 2/3 kịch mục đều là vở cũ diễn lại.
Lượng sức mình
Năm nay, các sân khấu kịch lớn nhỏ của TP HCM đều rơi vào tình trạng khan hiếm kịch bản. Vì vậy, việc lựa chọn cho sàn diễn mình những "món" ngon, lạ trong thực đơn ngày Tết nhằm kéo khán giả đến từng phòng vé đang là việc khó của các "bầu" sân khấu.
Cảnh trong vở "Gia đình bá đạo" (Kịch Phú Nhuận).
NSND Hồng Vân đầu tư cho sàn diễn Super Bowl và Phú Nhuận một cách thận trọng. Những mùa Tết trước, bà nghiêng về các vở kịch đề tài ma, kinh dị thì năm nay đã thay đổi chiến lược. Trong số các vở hài ra quân mùa Tết như: Gia đình bá đạo, Tiệm tóc âm dương, Ác nghiệt và phần 2 vởXóm trọ 3D, Một cha ba mẹ, bà cho chen vào Người vợ ma và Quả tim máu. "Tôi biết đó là 2 vở ăn khách, tuy cũ nhưng chắc chắn sẽ bảo đảm doanh thu. Phải lượng sức mình vì mùa Tết năm nay nghỉ dài đến mùng 8, khán giả đi chơi xa nhiều, đến ngày về là đã vào cơ quan làm việc, do vậy phải hết sức cẩn thận khi đầu tư kịch Tết" - NSND Hồng Vân cho biết.
Sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn giữ vững lập trường dựng mới các kịch bản nổi tiếng một thời. Nếu năm ngoái sân khấu này dựng mới thành công vở Nửa đời hương phấn (đoạt Giải Mai Vàng lần thứ 21 Vở diễn sân khấu được yêu thích nhất) thì năm nay, 2 vở Lan và Điệp và Mình có quen nhau không? (tức "Đứa con tiền kiếp" của tác giả Phùng Cao Bảng) được sân khấu Hoàng Thái Thanh làm mới với nhiều yếu tố hấp dẫn. Đạo diễn Thành Hội chia sẻ: "Làm mới một tác phẩm đã in sâu vào lòng khán giả nhiều thập niên và phản biện lại nguyên tác, mở ra một hướng mới cho số phận nhân vật Lan, sàn diễn của chúng tôi đang đối mặt nhiều thách thức. Tuy nhiên, cảm xúc từ khán giả sẽ là thước đo cho sự thành công của chúng tôi khi quyết định tái dựng kịch bản Lan và Điệp. Tết kéo dài khoảng hơn một tuần nên chúng tôi vẫn giữ phong cách của Hoàng Thái Thanh".
Kịch IDECAF vẫn với các vở: Thú yêu thương, Phép lạ, Tấm Cám, Vẻ đẹp hoàn hảo. Trong số đó, phiên bản mới của Tấm Cám từng đem về doanh thu cao cho chuỗi chương trình Ngày xửa ngày xưa đã được tái dựng.
Cảnh trong vở Thú yêu thương (Kịch IDECAF).
Kịch Sài Gòn không chịu thua các sân khấu khác, vẫn có 4 vở kịch ma, cạnh tranh tại rạp Đại Đồng. "Tuy vậy, vẫn cần phải thận trọng trong chọn kịch bản và chăm chút vở diễn" - ông bầu Mạnh Tràng nói. Nhà hát Kịch TP HCM năm nay "canh tác" 2 vở: Yêu nhầm hoa hậu và Cô gái triệu đô. Sân khấu Sao Minh Béo với các vở: Tình ảo, Cưới vợ cho chồng, Hồn ma phá án... và 2 vở cho thiếu nhi: Cậu bé rừng xanh, Nữ thần mặt trăng. Kịch Sen Việt, ngoài vở cũ Đại Hỷ còn có thêm vở mới là Thần tài...
Chạy đua với thời gian
Phải nhìn nhận là căn bệnh tập kịch Tết cập rập như mọi năm vẫn chưa trị dứt. Game show, truyền hình thực tế gom hầu hết các nghệ sĩ hài, kịch nói, cải lương. Nghệ sĩ chạy sô tốc lực với phim điện ảnh, truyền hình, game show... đã khiến chất lượng các vở kịch bị kéo xuống. NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, đại diện Hội đồng Nghệ thuật Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, nói: "Mấy tuần qua, chúng tôi xem phúc khảo các vở kịch Tết, hiếm hoi mới có được vài vở đạt chất lượng. Cách diễn chưa có chiều sâu là hậu quả tất yếu của việc tập vội. Tuổi thọ của vở diễn Tết khó sống đến hết tháng giêng".
"Đề tài cứ quanh quẩn chuyện đồng tính, kinh dị, hài hước ngẫu hứng, hết ma rồi quỷ, giả gái... tràn ngập kịch Tết, khó mà dự đoán thị hiếu khán giả hôm nay thế nào, đón nhận ra sao"- đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc nói.
Cảnh trong vở Xóm trọ 3 D (Kịch Phú Nhuận) .
Quả thật guồng quay truyền hình, game show đã kéo nhiều sân khấu vào tình huống dở khóc dở cười. Tìm được kịch bản diễn Tết lại thiếu diễn viên, hiếm có buổi tập đầy đủ mọi người. NSND Hồng Vân nói: "Giải pháp của sân khấu chúng tôi là để các em diễn viên trẻ tập thế cho các anh chị nghệ sĩ có quá nhiều việc, đây cũng là cách để các em học tập, sau đó khi các anh chị quay về, xem vở diễn đã được hình thành, tự "đắp da thêm thịt" vào vai diễn. Làm như thế mới kịp tiến độ".
Đạo diễn Lê Nguyên Đạt than: "Thật khó sáng tạo hay hơn khi phải tập kịch trong tâm thế đạo diễn sẽ thế một số diễn viên khi họ chưa thể rời sàn quay. Yếu tố ngôi sao quan trọng lắm! Có tên ngôi sao mới bán được nhiều vé, do đó phải chạy đua với thời gian nhưng lực bất tòng tâm. Chất lượng là điều đáng lo bởi phải có sự phối hợp thì diễn viên diễn mới hay".
Tránh rơi vào tình trạng ngồi chờ ngôi sao, nhiều sân khấu chọn phương án đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nhưng để họ vụt sáng thành sao thì phải có thời gian. Khó khăn chung của các sân khấu kịch TP HCM chính là sự dễ dãi, tự thỏa mãn với cái đang có của nhà tổ chức, không có mục tiêu phát triển có tính chiến lược. Hài kịch, tâm lý hay nhạc kịch sẽ "lên ngôi" trong mùa Tết vẫn phải trông chờ vào sự ăn may khán giả.
Theo Thanh Hiệp/NgườiLaoĐộng
Sân khấu miền Nam cũng ảm đạm vì... tiền Chưa bao giờ tình hình sân khấu TP.HCM lại ảm đạm như hiện nay. Những ngôi sao, cột trụ của sân khấu phải lên tiếng trước nguy cơ phải từ bỏ thánh đường nghệ thuật. Cơm áo không đùa với khách thơ Đối với những người diễn viên chân chính, sân khấu là thánh đường nghệ thuật và sân khấu chính là nơi...