Sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất: Chủ đầu tư sẵn sàng “dẹp”(?)
Chủ đầu tư sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) cho biết sẵn sàng “dẹp” sân golf vì lợi ích quốc gia, nhưng với điều kiện phải đảm bảo hài hòa quyền lợi các bên.
Liên quan đến các thông tin về sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, sáng 13.6, đại diện Công ty cổ phần đầu tư Long Biên (chủ đầu tư) đã có buổi trao đổi với PV Dân Việt xoay quanh vấn đề này.
Tham dự buổi trao đổi có ông Trần Văn Tĩnh – Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Long Biên; ông Trần Ngọc Hải – Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Long Biên và ông Nguyễn Thành Quang – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Long Biên.
Đây là lần đầu tiên chủ đầu tư lên tiếng trao đổi thẳng thắn với báo chí xung quanh sự kiện gây ầm ĩ dư luận suốt tuần qua: Đó là sự tồn tại của sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất.
Một góc sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất.
Đại diện công ty này thông tin, các hạng mục xây dựng trên khu đất 157ha được thực hiện theo Quyết định 596/QĐ-UBND ngày 18.4.2011 của UBND quận Tân Bình (TP.HCM) về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu sân golf và dịch vụ Tân Sơn Nhất tại sân bay Tân Sơn Nhất – quận Tân Bình quy mô hơn 157ha.
Theo Quyết định số 596, chủ đầu tư được phép xây dựng sân golf (diện tích 111ha) và các công trình phụ trợ như hồ nước, câu lạc bộ sân golf, nhà tập golf và trạm dừng chân với tỷ lệ 84% diện tích toàn khu đất. Ngoài ra, phần diện tích đất còn lại dùng để xây dựng các hạng mục công trình công cộng và phục vụ (khách sạn, nhà hàng, thể dục thể thao; đất xây dựng cụm trường; trường học nhà trẻ, mẫu giáo); công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật; khu nhà ở cho thuê (khu căn hộ, khu biệt thự).
Video đang HOT
Bên trong sân golf.
Hiện tại khu đất 157ha chỉ có sân golf 36 lỗ và khu nhà điều hành được đưa vào sử dụng từ năm 2015. Còn lại các hạng mục khác đều chưa được xây dựng hoặc tạm ngưng xây dựng. Lý do ngưng thực hiện các hạng mục công trình trong khu vực sân golf là về nguồn vốn thực hiện chứ không phải từ áp lực nào khác. Riêng các hoạt động của sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất vẫn diễn ra bình thường, hàng ngày vẫn có hàng trăm khách đến chơi golf.
Ông Trần Văn Tĩnh – Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Long Biên – cho biết đã nắm được thông tin chỉ đạo của Thủ tướng về việc dừng các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf như trường đào tạo năng khiếu golf, khu biệt thự, căn hộ cho thuê… nhưng vẫn chưa có thông tin nào cụ thể.
Còn về các ý kiến đề xuất thu hồi sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, giảm tải áp lực hạ tầng giao thông, phục vụ lợi ích quốc gia, ông Tĩnh cho rằng điều này cần nghiên cứu kỹ, có chọn lọc để tìm ra phương án tối ưu cho việc mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất trên cơ sở đảm bảo hiệu quả và lợi ích trong việc cân đối ngân sách quốc gia. Ông khẳng định nếu như vì lợi ích quốc gia, đơn vị này sẵn sàng ủng hộ phương án cho thu hồi sân golf, với điều kiện đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp.
Ông Trần Văn Tĩnh nói về vị trí sân golf.
“Theo quan điểm của Chính phủ, hiện nay tất cả các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân đều bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm. Do vậy khi cần thiết lấy diện tích đất sân golf thì các bên liên quan phải bàn với nhau để có biện pháp xử lý thích hợp, đảm bảo quyền lợi các bên”, ông Tĩnh nói.
Ông cũng phản bác ý kiến cho rằng sân golf góp phần gây ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất bởi tại khu vực này có hồ điều tiết rộng 15ha với trữ lượng 700.000m3 nước. Hiện hồ này chỉ có 400.000m3 nước nên có thể tiếp nhận thêm 300.000m3 nước. Riêng về vấn đề an toàn bay, ngay từ khi lập quy hoạch tỷ lệ 1/500 các cơ quan đã xin ý kiến Bộ Tổng Tham mưu về độ tĩnh không, các biện pháp đảm bảo an toàn bay theo quy định. Riêng các vấn đề thủ tục, công tác chuẩn bị thực hiện dự án, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan phải mất đến 6 năm thực hiện (từ năm 2005 – 2011).
Ông Trần Ngọc Hải cũng đưa ra ý kiến cho rằng sân golf này mang lại một số lợi ích về xã hội kể từ khi đưa vào hoạt động. Cụ thể, sân golf này đã tạo công ăn việc làm cho 1.200 lao động, góp phần xây dựng hạ tầng giao thông khu vực khang trang, thu hút nhà đầu tư, khách du lịch vào thành phố, cải tạo cảnh quan môi trường khu vực…
Chiều 12.6, Thường trực Chính phủ đã họp với các bộ ngành liên quan và quyết định thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu mở thêm đường băng nữa, để tăng công suất khai thác sân bay Tân Sơn Nhất. Cụ thể sau cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận: Giao Bộ trưởng Giao thông Vận tải chủ trì thuê tư vấn nước ngoài để rà soát, khảo sát, lên phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, trên cơ sở hiệu quả, tiết kiệm và đảm bảo tiến độ nhanh nhất để giải quyết vướng mắc, ùn tắc, quá tải. Khảo sát đánh giá khách quan độc lập, trong 6 tháng báo cáo Thủ tướng. Thủ tướng giao Bộ trưởng Quốc phòng chỉ đạo dừng tất cả các công trình liên quan hạ tầng phụ trợ sân golf, như trường đào tạo năng khiếu golf, khu biệt thự, chung cư cao cấp cho thuê… để chờ các cơ quan tư vấn và các nhà khoa học xem xét trước khi quyết định. Thủ tướng cũng yêu cầu mọi việc phải tiến hành minh bạch trước công luận, cử tri cả nước.
Theo Danviet
Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ ra sao nếu giải tỏa sân golf?
Việc tồn tại sân golf bên trong đang gây cản trở cho sự phát triển của sân bay. Nếu giải tỏa sân golf này, sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) có thể xây dựng cơ sở hạ tầng để nâng công suất khai thác lên 56 triệu hành khách/năm.
Đây là nhận định của TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ & quản lý TP.HCM HASCON, xoay quanh đề xuất giải tỏa sân golf trong sân bay được một số đại biểu Quốc hội đưa ra tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14.
Theo ông Phuc, sân golf trong sân bay chiếm đến 157ha, việc tồn tại sân golf này không ảnh hưởng đến hoạt động bay, nhưng lại cản trở sự phát triển của sân bay TSN.
Cổng vào sân golf bên trong sân bay Tân Sơn Nhất.
TS Phúc khẳng định, nếu sử dụng khu vực sân golf 157ha và khu đất trống 38ha tiếp giáp mạn bắc đường băng, ngành hàng không hoàn toàn có thể nâng cấp TSN lên tối thiểu 56 triệu hành khách/năm, mà không cần di dời dân hay bất cứ một cơ quan nào. Ông phân tích, năng lực của một sân bay phụ thuộc bốn yếu tố, gồm đường băng, nhà ga, bãi đỗ và đường lăn.
Thứ nhất, về đường băng, Tân Sơn Nhất đang có 2 đường băng đạt tiêu chuẩn quốc tế (đường phía bắc dài 3.200m, rộng 45m; đường phía nam dài 3.800m, rộng 45m) có khả năng đón tiễn những máy bay lớn nhất thế giới hiện nay như Airbus A380 với 850 hành khách, Boeing 747-400 với 660 hành khách.
"Hai đường băng tại sân bay TSN hoàn toàn có thể đáp ứng được 80 triệu hành khách/năm. Nên nhớ rằng sân bay Hongkong cũng chỉ có 2 đường băng rộng 45m dài 3.800m, có năng lực 87 triệu hành khách/năm", ông Phuc noi.
TS Nguyễn Bách Phúc - người đã có nhiều ý kiến đề xuất bỏ sân golf bên trong sân bay Tân Sơn Nhất.
Còn về nhà ga hành khách, hiện nhà ga quốc nội đón 8 triệu hành khách, nhà ga quốc tế đón 12 triệu hành khách/năm. Để tăng lượng hành khách, đương nhiên phải xây thêm nhà ga. Tổng diện tích cần thiết cho 1 nhà ga quốc tế 12 triệu hành khách/năm, như nhà ga quốc tế của TSN hiện hữu chỉ cần 16ha. Nếu lấy đất sân golf cùng bãi trống rộng 38ha thì dư sức thực hiện vì làm thêm 3 nhà ga, chỉ sử dụng khoảng 48ha. Với việc thêm 3 nhà ga, lượng khách sẽ tăng lên 36 triệu và công suất của sân bay sẽ là 56 triệu hành khách/năm.
Riêng về các bãi đỗ máy bay, TS Phúc cho biết, vào năm 2014 sân bay có 47 vị trí đỗ rải rác ở phía nam đường băng. Theo tính toán, thời điểm đó các bến bãi này đáp ứng được 20 triệu hành khách/năm. Do đó để đáp ứng được 56 triệu hành khách/năm cần phải xây thêm 85 điểm đỗ. Để có thể tiếp nhận những máy bay lớn nhất hiện nay như Airbus A380 (sải cánh 79,8m, chiều dài 73m) diện tích một điểm đỗ phải khoảng 1,3ha. Như vậy tổng diện tích cần thiết xây thêm 85 điểm đỗ chỉ khoảng 110ha. Ngoài 3 sân ga quốc tế và 85 bãi đỗ, vùng đất sân golf vẫn còn hàng chục ha, đủ để xây dựng thêm đường lăn và các công trình phụ khác.
Việc nâng công suất sân bay lên 56 triệu hành khách/năm, theo ông, cũng không gặp trở ngại về tình trạng giao thông trên các tuyến đường trong khu vực, bởi đường Trường Sơn hiện chỉ mới sử dụng khoảng 11% năng lực thông xe. Đó là chưa kể còn có thể mở thêm các cửa cho TSN ở đường Trường Chinh, Phạm Văn Bạch, Tân Sơn, Quang Trung.
Với những phân tích trên, TS Phúc cho rằng cần phải thu hồi đất sân golf trong sân bay TSN để có mặt bằng xây dựng các cơ sở hạ tầng nâng cấp sân bay. Đặc biệt việc này còn nhằm để bảo vệ môi trường sống của người dân trong khu vực.
"Việc trồng loại cỏ trong sân golf phải sử dụng nhiều hóa chất, phân hóa học để chăm sóc. Tuy nhiên lượng hóa chất này cũng chỉ được cỏ hấp thụ một phần, một phần sẽ ngấm vào đất rồi ngấm vào nguồn nước ngầm và đe dọa cuộc sống người dân xung quanh", TS Phúc nêu.
Theo Danviet
Thuê tư vấn nước ngoài, nghiên cứu đường băng số 3 cho Tân Sơn Nhất Lãnh đạo Chính phủ quyết định thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu mở thêm một đường băng, tăng công suất khai thác sân bay Tân Sơn Nhất. Chiều 12/6, Thường trực Chính phủ họp với các bộ ngành liên quan về việc nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất. Trả lời báo chí sau cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm...