Săn cua trong rừng dừa nước
“Đêm chèo thuyền đi soi phải khua thật nhẹ mái chèo, động là cua bò xuống nước. Trời mưa, nước đục thì đành dùng thuổng đào, câu cua ra khỏi hang”, anh Lê Hùng Thanh, thợ săn cua có tiếng ở rừng dừa Hội An (Quảng Nam) nói.
Nằm ở vùng ngoại ô của phố cổ Hội An, rừng dừa nước xã Cẩm Thanh với hệ sinh thái nước ngập mặn được biết đến với tên Bảy Mẫu do tiền nhân mang giống dừa nước từ miền Tây về trồng. Đến nay, diện tích dừa đã nhân lên gấp vài lần và là nơi tập trung của tôm, cua, cá nước lợ khi thủy triều lên.
Chèo thuyền và dùng tay len theo các bẹ dừa nước bắt cua. Ảnh: Nguyễn Đông
Nghề săn cua được nhiều người dân địa phương chọn làm kế sinh nhai. Ngày trước, hầu hết người dân khu vực đều đi bắt cua để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Khi kinh tế khá lên, họ thôi không làm nữa, nhưng mỗi thôn vẫn còn trên dưới chục người theo nghề mưu sinh. Anh Thanh năm nay 34 nhưng đã có 20 năm trong nghề săn cua ở rừng dừa này.
Sắp bộ đồ nghề thô sơ với thuổng, một que sắt nhỏ bẻ cong phần đầu cùng chiếc xô nhỏ, anh Thanh dẫn vị khách lên chiếc ghe nhỏ chèo ra rừng dừa. Khua đều mái chèo vượt qua diện tích nước giữa rừng dừa, anh Thanh cho biết có nhiều cách để bắt cua. Gặp cua nha càng tím bám trên thân dừa nước thì tiến lại xục tay theo bẹ dừa để bắt. Buổi đêm dùng đèn đi soi, dễ dàng thấy cua nổi trên mặt nước và dùng vợt xúc đổ vào giỏ.
“Nhưng thợ bắt cua phải có kinh nghiệm sông nước, chèo sao không để mặt nước bị động, gợn sóng lớn là cua lặn khỏi mặt nước. Xúc được cua vào trong vợt thì phải bắt chúng từ phía sau để không bị cắn”, anh Thanh nói và cho biết thợ phải có đôi mắt tinh tường để không bỏ qua mọi động tĩnh của loài cua.
Trời mưa, nước đục không đi soi cua ban đêm được, thợ săn phải đi dọc các gò đất tìm hang đào. Ảnh: Nguyễn Đông
Trời mưa, nước đục không soi buổi đêm được, cánh thợ săn đành đi bộ len lỏi trong rừng dừa để tìm hang cua ở. Dừng thuyền trước một khu đất nổi, anh Thanh xách thuổng đi lục lọi khắp các mô đất. Thấy một chiếc lỗ lớn có vết chân cua mới đào, anh thoăn thoắt dùng chiếc thuổng đào sâu chừng nửa mét, lấy chiếc gậy sắt móc vào thân cua kéo ra ngoài rồi bỏ vào xô.
Video đang HOT
“Nhìn thì đơn giản nhưng đã là thợ bắt cua thì phải biết đích thị lỗ nào có cua để đỡ tốn công đào. Việc đào hang cũng phải biết chừng, không đào phải thân cua đang nấp phía trong. Nếu cua bị dập, nhanh chết thì không bán được. Ngày trước cua nhiều, đi đào hang hay dùng mồi câu, thả vó nhỏ cũng kiếm ăn được, nhưng giờ người ta chủ yếu đi soi đêm hay bỏ lờ, gặp tôm, cua lớn bé đều bắt hết”, anh Thanh nói.
Bà Lê Thị Phước, mẹ anh Thanh, là một trong những phụ nữ đầu tiên ở rừng dừa làm nghề săn cua, cho biết cua ở rừng dừa này thường là cua ta, cua riêu, cua nha, bìu rìu, tôm… Phổ biết nhất là cua ta bởi số lượng nhiều, thịt thơm ngon, dễ bán. Những loại coòng hay cáy người dân địa phương không bắt vì quá nhỏ.
Khó nhất là việc tìm hang, đào lỗ và dùng gậy sắt kéo cua ra ngoài. Ảnh: Nguyễn Đông
“Đà làm nghề săn cua thì phải thông thuộc địa hình để đi được nhiều nơi mà không sợ lạc đường. Ngày trước tôi hay đi bộ nhưng giờ gần 60 tuổi rồi nên chỉ chèo thuyền soi cua đêm. Tùy theo con nước, nhiều hôm đi bắt cua từ 1h đêm đến sáng mới về”, bà nói.
Mùa săn cua của người dân nơi đây là mùa xuân và hè. Mùa đông sau khi lũ lụt, cua không sinh sản và thường tìm chỗ ẩn nấp, khó tìm. “Nhưng cũng tùy theo con nước, có khi mùa đông gặp nước vẫn bắt được kha khá”, bà Phước nói. Nghề săn không quá nguy hiểm nhưng chuyện gặp rắn phải bỏ chạy hay bị cua cắn sưng tấy tay, hay nửa đêm soi cua bị cháy bóng đèn đành bỏ về là thường.
Sau buổi săn với “chiến lợi phẩm” gần một kg cua các loại, mẹ con bà Phước ngồi phân loại. “Cua ta lớn (2-3 lạng một con) thường để bán ở chợ với giá từ 200 đến 250 nghìn đồng/kg. Cua ta loại nhỏ thì có người đến tận nhà mua về làm giống. Thu nhập vào vụ chính của nghề này bình quân 200 nghìn mỗi ngày”, anh Thanh nói và cho biết cua ta thường dùng để nấu canh, luộc hay vào các nhà hàng ở Hội An, Đà Nẵng để chế biến thành món rang me, rang muối…
“Chiến lợi phẩm” có giá trị nhất với thợ săn cua là những con cua có càng lớn, bán được giá. Ảnh: Nguyễn Đông
Ông Trần Văn Khoa, Giám đốc công ty lữ hành Khoa Trần Hoi An Eco-tour, cho biết công ty đang mở các tour khám phá rừng dừa nước tại thôn 2 và thôn 7 xã Cẩm Thanh, kết hợp việc du khách chèo thuyền thúng tham quan và dùng cần nhỏ buộc mồi tôm, cá để câu cua. Câu cua lên bờ, khách lại thả về môi trường nước nên du khách rất thích thú.
Lo ngại việc nhiều người dân bắt cua theo hướng tận diệt, ông Khoa cho biết để sản phẩm du lịch được bền vững thì cần thiết có sự tham gia của cộng đồng, cụ thể là phải tạo sinh kế cho người dân địa phương bằng việc họ cùng chèo thuyền, hướng dẫn du khách câu cua.
“Chỉ khi những người làm nghề bắt cua có thu nhập ổn định mới hy vọng họ ngừng đánh bắt tận diệt, đảm bảo sự sinh sản của loài cua và giữ được hệ sinh thái của rừng dừa nước”, ông Khoa nói.
Theo VNE
Trần Văn Khoa: Cộng đồng cùng hưởng lợi từ du lịch xanh
Khi còn ngồi trên giảng đường đại học, Trần Văn Khoa, sinh năm 1978 tại làng chài Phước Hải (Cửa Đại, TP.Hội An) đã ấp ủ ý tưởng phát triểndu lịch xanh và anh nghĩ "tại sao không để người dân làng chài cùng làm du lịch rồi hưởng lợi từ chính trên mảnh đất quê hương mình".
Khởi nghiệp cùng nông dân
Tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng ngành cử nhân biên phiên dịch tiếng Anh, Trần Văn Khoa về làm việc ở bộ phận chăm sóc khách hàng thuộc khách sạn Victoria - Hội An. Khoa cho rằng, đây là may mắn trong đời, bởi làm việc ở đây hai năm đã nắm bắt, học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm trong ngành khách sạn và du lịch.
Ở Hội An, ngay sát Cửa Đại có rừng dừa sinh thái 7 mẫu (thuộc thôn 2 và thôn 7 xã Cẩm Thanh) là một nơi rất đẹp bởi vì ở đây vô cùng yên tĩnh, có thể gọi là thiên đường cho du lịch sinh thái. Những ngày tháng tuổi thơ in đậm trong ký ức, cùng với dòng chảy thời gian, đất nước mở cửa, du khách tìm về với mong muốn được hòa mình, trải nghiệm cùng cuộc sống nhẹ nhàng của nông dân đã tạo cơ hội cho Khoa thể hiện bản lĩnh của người dân vùng sông - nước.
"Thật ra ý tưởng làm tour du lịch xanh Hội An Eco-Tour này từ khi Khoa còn đi học đại học năm 1999-2003", Trần Văn Khoa hồi tưởng. Liên tiếp những tour "độc" do Khoa thiết kế đã làm cho du khách bốn phương đến Hội An cảm thấy hào hứng. Lần lượt các tour "Một ngày làm ngư dân ở Cửa Đại", "Đi cày ruộng cùng nông dân", hay "Trồng rau với nông dân ở làng rau Trà Quế", rồi "Ngắm bình minh trên biển Cửa Đại và thăm rừng dừa 7 mẫu"... đã thực sự gây ấn tượng mạnh trong lòng du khách.
Theo Khoa: "Cái thú vị ở đây là ở chỗ mình đã thực sự giúp du khách hòa mình vào thiên nhiên, trải nghiệm thực sự với cuộc sống của bà con làng chài ở Cửa Đại và làng quê sinh thái ở Cẩm Thanh. Họ được tham gia vào công việc hằng ngày như đánh bắt cá, bơi thuyền thúng, nghe kể chuyện về bộ đội du kích trong rừng dừa nước hoặc tham gia công việc đồng áng của bà con nông dân như cày bừa, gieo sạ, tát nước, cấy lúa, thu hoạch, học nấu cơm, làm bánh xèo từ hạt gạo mà bà con nông dân trồng ra...". Du khách sau khi đắm mình vào không gian tuyệt đẹp, xanh ngút của rừng dừa, còn gặp gỡ giao lưu với bà con ở địa phương, xem và thử tay nghề làm thủ công mỹ nghệ từ lá dừa nước và tre, cách làm tranh dừa để lợp nhà...
Giữ màu xanh để tạo sự bền vững
Khi bắt đầu khởi nghiệp, Trần Văn Khoa chỉ có 2 cái thuyền thúng chài được thuê từ người hàng xóm bên nhà. Dần dà, tích lũy, đến nay Khoa đang có 4 chiếc thuyền, trung bình 1 chiếc chở được từ 14 đến 50 khách. Riêng thúng chài Khoa có 50 cái, mới hơn, đẹp hơn và an toàn hơn. Từ một mình ôm đồm mọi việc, giờ số lượng nhân viên chính thức lên con số 25. Hoạt động ổn định, doanh thu hằng năm lên đến vài tỉ đồng. Con số này không lớn, song với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở miền Trung, đây cũng là "thứ hiếm".
Phát triển bền vững trong du lịch sinh thái đơn giản là không được bất chấp lợi ích để khai thác quá mức hay tàn phá môi trường, hoặc làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cộng đồng dân cư xung quanh đó
Ra riêng với Hội An Eco-Tour, ban đầu cũng không tránh khỏi những khó khăn nhất định, song với cách nghĩ, cách làm táo bạo, thuộc diện "không đụng hàng" trong lĩnh vực dịch vụ du lịch lúc bấy giờ đã giúp thương hiệu "Hội An Eco-Tour" dần lan rộng. Với người dân ở làng, Trần Văn Khoa đã thực sự biết "dựa vào lòng dân" để phát triển. "Hội An Eco-Tour mang lại cho cộng đồng bà con ngư dân ở Cửa Đại, nông dân ở Cẩm Thanh, ở làng rau Trà Quế là khá lớn và bền vững về thu nhập. Hiện tại có hàng trăm hộ gia đình, hơn 1.000 nhân khẩu hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ du lịch sinh thái" - Trần Văn Khoa cho biết. Tất cả những hộ dân này đều liên quan đến các tour du lịch hằng ngày của Hội An Eco-Tour như dẫn khách tham gia trồng rau ở Trà Quế; đánh rớ, kéo chài ở Cửa Đại; học bơi thuyền thúng chài với ngư dân; hoặc hỗ trợ du khách thử làm nông dân trồng lúa nước ở Cẩm Thanh...
"Trong điều kiện biến đổi khí hậu và kinh tế thị trường tác động không nhỏ đến đời sống của nông dân (mùa màng thất bát), ngư dân (giá xăng dầu tăng, thiên tai) dễ dẫn đến cảnh bán ruộng, bán thuyền. Bằng cách để người dân cùng tham gia vào công ty, cùng hưởng lợi từ dịch vụ du lịch cũng là cách để giúp người dân nông thôn ổn định kinh tế, trang trải đời sống gia đình" - Trần Văn Khoa nhẹ nhàng nói về sự hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Đặc biệt, theo Khoa cái được lớn nhất không phải vì tiền mà ý thức của người dân về môi trường đã được nâng lên. Bà con đã biết và tích cực dọn dẹp môi trường xung quanh nhà họ, trên sông, trên biển tốt hơn. Họ đối xử thân thiện hơn với môi trường nơi chính mình đang sinh sống. Nói rồi Trần Văn Khoa tâm sự: "Thật ra, thuyết phục du khách đi lượm rác, làm sạch môi trường trên sông, biển dễ hơn gấp nhiều lần với bà con địa phương. Bởi đơn giản du khách họ ở các nước ý thức rất rõ về trách nhiệm với môi trường và họ xem đó là trách nhiệm phải làm khi mình đề xuất. Họ vô cùng thích thú và tự hào khi làm việc này với Hội An Eco-Tour ở trong rừng dừa. Họ tỉ mỉ thu nhặt từng cái chai, cái lọ, túi ni lông bỏ vào bao rồi gửi lên thuyền của công ty đem về chuyển đến xe thu gom rác".
"Còn với bà con địa phương của mình, khi nhìn thấy dân Tây vớt rác, nhặt ve chai thì cũng phải tự hỏi là tại sao họ làm sạch cho quê hương mình, còn mình sống sờ sờ đây lại không tham gia những công việc đơn giản như thế. Có làm sạch môi trường thì du khách mới đến chơi, tham quan, nghỉ dưỡng rồi người dân mới có thu nhập từ dịch vụ..." - Trần Văn Khoa giải thích ý nghĩ và tâm lý người dân, cũng như cách vận động của mình để người nông dân tham gia bảo vệ môi trường.
Từ góc nhìn và thành công bước đầu của mình, Trần Văn Khoa bộc bạch: "Phát triển du lịch sinh thái mà không gắn kết với bảo vệ môi trường thì dễ dẫn đến phát triển du lịch không bền vững. Phát triển bền vững trong du lịch sinh thái đơn giản là không được bất chấp lợi ích để khai thác quá mức hay tàn phá môi trường, hoặc làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cộng đồng dân cư xung quanh đó. Phải gìn giữ cảnh quan thật đẹp và phải thật sự để người dân tại địa phương đó có thu nhập từ du lịch thì mới có sự phát triển bền vững".
Chuyên mục "Sáng tạo vì Khát vọng Việt" giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.
Theo TNO
Nghệ An: Một người treo cổ trong công viên Hơn 21h hôm nay (15/6), người thân đã đưa thi thể anh Trần Văn Khoa (36 tuổi ở xã Hưng Chính, huyện Hưng Nguyên) về nhà để an táng và không yêu cầu giám định pháp y. Người thân đưa thi thể anh Khoa về quê an táng trong đêm 15/6 Trước đó, gần 18h chiều cùng ngày, một người dân đã phát...