“Sân bay Tân Sơn Nhất tắc nghẽn cả trên trời, dưới đất”
Ngày 16-10 tại cuộc họp báo ở TP.HCM, đại diện lãnh đạo Cục Hàng không VN và Bộ Quốc phòng đều khẳng định sân bay này không chỉ quá tải trên mặt đất mà còn tắc nghẽn cả trên vùng trời sân bay.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh (thứ hai từ trái qua) giới thiệu vị trí dự kiến xây dựng khu tái định cư khi xây dựng sân bay quốc tế Long Thành chiều 16-10 – Ảnh: Quang Định
Khoảng cách giữa ba sân bay: Tân Sơn Nhất, Biên Hòa và Long Thành – Ảnh: Google Map
* Thưa ông, đã có nhiều ý kiến phản biện cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) hiện chưa thật sự quá tải và hoàn toàn có thể mở thêm đủ đáp ứng nhu cầu vận chuyển cho nhiều năm tới. Quan điểm của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) về việc này như thế nào?
* Ông Nguyễn Nguyên Hùng (chủ tịch HĐTV ACV): Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, TSN sẽ quá tải vào năm 2016. Dự báo năm nay đã vượt qua mốc 24 triệu lượt hành khách, vì vậy bài toán tắc nghẽn đã được nghiên cứu đồng bộ.
Nghiên cứu cho thấy việc mở rộng sân bay phải làm đồng bộ từ những công trình trên mặt đất đến trên không. Bởi vì không chỉ đơn giản là giải quyết xây dựng thêm nhà ga trên mặt đất mà phải tính đến khả năng đáp ứng trên bầu trời.
TSN có hai đường băng nhưng khá gần nhau, vẫn với tốc độ tăng trưởng này trước mắt là quá tải đường hạ, cất cánh.
Hiện nay đường hạ, cất cánh sân bay này đã đón 160.000 chuyến hạ, cất cánh/năm, trong khi công suất an toàn của đường băng ở sân bay này tối đa đạt 188.000 chuyến hạ, cất cánh/năm. Về sân đậu đã bàn với quân đội để mở rộng thêm một số vị trí mới.
Về nhà ga quốc tế hiện có thể đón được tối đa 10 triệu lượt khách, ACV đã bàn với phía quân đội và trình Bộ GTVT phương án nâng lên được thêm 3 triệu lượt khách/năm.
Với nhà ga quốc nội (công suất 12 triệu lượt khách), không còn diện tích đất để xây dựng thêm, hiện chỉ sửa chữa nâng cấp lại.
Tính tổng hai nhà ga sẽ có thể phục vụ được 25 triệu lượt khách/năm, nếu ép thêm có thể nâng lên 26 triệu lượt, cố gắng lắm chỉ tăng thêm 3-5 triệu lượt và chắc chắn nhà ga sẽ không thể ngừng hoạt động để xây thêm nữa vì phải liên tục khai thác.
* Ông Nguyễn Hồng Trường (thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải): Tôi cho rằng trong thời gian chờ đợi xây dựng sân bay Long Thành đưa vào hoạt động, sân bay TSN chỉ có thể mở rộng nâng công suất thêm 3-5 triệu lượt khách/năm.
* Ông Lại Xuân Thanh (cục trưởng Cục Hàng không VN): Bài toán này đã đặt ra và khó giải. TSN hiện đang mở rộng, Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT đã bàn cách lấy thêm đất để đạt công suất thiết kế 25 triệu lượt khách/năm.
Video đang HOT
Nếu có nâng công suất thiết kế quá 25 triệu khách ở mặt đất thôi đã là bài toán khó, bởi có những giờ máy bay phải đậu trên đường băng, nhưng chính là tắc nghẽn vùng trời sân bay và đường băng.
TSN có hai đường băng nhưng 1 1 chỉ bằng 1,2 vì hai đường băng không thể hoạt động hết công suất, tối đa giờ cao điểm chỉ phục vụ được 29 chuyến/giờ.
Hiện các chuyến bay lên xuống TSN hoàn toàn phụ thuộc việc phía không quân cho sử dụng linh hoạt vùng trời bay qua sân bay Biên Hòa, nếu có hoạt động thì máy bay phải bay cao hơn để tránh dẫn đến tình trạng nghẽn cổ chai trên không ở đường ra đường vào sân bay.
Trong khoảng thời gian 2017-2023, nếu ACV không thể tăng công suất khai thác thì dịch vụ ở sân bay sẽ kém đi, các máy bay phải bay vòng chờ nhiều hơn mới có thể hạ cánh.
TSN hiện được xây theo hình tam giác, nếu mở rộng về phía bên kia đường băng phải dời đến 500.000 nhân khẩu di chuyển đi, chưa tính đến 9,1 tỉ USD để mở ra phía này.
Nếu vậy đường tiếp cận trên không phải tính lại, phễu bay phải lùi đi có nghĩa là quy hoạch đô thị sẽ phải lùi đi để đạt tĩnh không…
Tuy nhiên, đó chưa phải là khó khăn lớn nhất bởi ngay cả khi mở rộng được hoạt động trên không cũng không thể giải quyết vì mức 25 triệu lượt khách đã là quá tải.
* Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn (phó tư lệnh Quân chủng phòng không không quân – Bộ Quốc phòng): Hiện đã xảy ra ách tắc giao thông trên không và sẽ càng nghẽn vì lưu lượng máy bay ngày càng nhiều.
Về mặt chiến lược, sân bay Biên Hòa do phải đảm nhiệm bảo vệ vùng trời phía đông là Hoàng Sa, Trường Sa, DK1… nên không thể di dời. Việc chuyển sang sân bay Long Thành là phải làm.
Nếu phía quân đội có cấp đất thêm cho sân bay TSN để phục vụ mở rộng, phải điều chỉnh khu vực bay để phục vụ hoạt động bay và cũng chỉ đến mức nào đó, cục cựa một lúc nữa mà thôi chứ không thể để phục vụ về lâu dài.
Bộ GTVT đã yêu cầu phía quân đội nghiên cứu và bàn bạc nhiều giải pháp nhưng là giải pháp tình thế ở mặt đất và chỉ 2-3 năm nữa là hết khả năng.
Trước đã có ý kiến tính đến việc chuyển ga hàng hóa về Biên Hòa, nhưng các chuyến bay cũng phải cất, hạ cánh sẽ xảy ra chèn, chồng lấn với TSN…
* Nhiều ý kiến lo ngại việc đầu tư sân bay Long Thành trong giai đoạn hiện nay sẽ tiếp tục làm tăng nợ công của VN đang ở mức cao, chưa kể dự án này rất có thể sẽ đội vốn thời gian tới?
* Ông Nguyễn Nguyên Hùng: Việc đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn 1 là khoảng 7,8 tỉ USD, tương đương 164.000 tỉ đồng đã được tính toán vốn vay ODA khoảng 29%, vốn ngân sách 14,6%, còn lại hơn 56% là vốn đầu tư xã hội hóa.
* Ông Nguyễn Hồng Trường: Vốn vay ODA với lãi suất thấp nên không bị ảnh hưởng nặng nề về nợ công. Dự án đã có báo cáo đầu tư, trong đó có tính toán các yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội nên Hội đồng thẩm định nhà nước đã thống nhất với báo cáo tiền khả thi.
Về việc liệu công trình xây dựng sân bay Long Thành có đội vốn hay không, Bộ GTVT đã thành lập hội đồng thẩm định quốc gia về dự án.
Dự án đầu tư sân bay Long Thành đã được hình thành cách đây chín năm, nếu có việc điều chỉnh là tất yếu. Vấn đề chính là đội vốn có phù hợp với các quy định nào không.
18.500 tỉ đồng đền bù giải tỏa để xây sân bay Long Thành
Theo Bộ Giao thông vận tải, báo cáo đầu tư dự án xây dựng sân bay Long Thành đã có phương án tổng thể giải phóng mặt bằng nêu chi tiết về hiện trạng sử dụng đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ, công tác tái định cư và chuyển đổi việc làm, phân bổ nguồn kinh phí.
Trong đó, giải phóng mặt bằng toàn bộ 5.000ha sẽ được thực hiện trong giai đoạn 1 của dự án, chia thành hai phân kỳ.
Theo đó, phân kỳ 1 có diện tích 2.565,4ha sẽ được giải tỏa ngay để xây dựng công trình trong giai đoạn 1a.
Phân kỳ 2 phần diện tích còn lại 2.434,6ha, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai xem xét cho phép người dân địa phương tiếp tục khai thác canh tác ngắn ngày để phát triển kinh tế gia đình.
Tổng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho dự án khoảng 18.500 tỉ đồng.
Theo Tuổi Trẻ
165 ngàn tỷ xây sân bay Long Thành: Bộ GTVT cam kết không "đội vốn"
Xây dựng sây bay vào thời điểm này có hợp lý hay chưa khi kinh tế đất nước đang còn khó khăn? Số vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD thì khả năng và thời gian thu hồi vốn ra sao?
Nhiều vấn đề liên quan đến dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành đã được các cơ quan báo đài đặt ra trong cuộc họp báo thông tin về dự án được Bộ GTVT tải tổ chức tại TP.HCM vào ngày 16/10
Dự án xây dựng Sân bây Long Thành được dư luận nếu nhiều lo ngại như: Xây dựng sây bay vào thời điểm này có hợp lý hay chưa khi kinh tế đất nước đang còn khó khăn? với số vốn đầu tư lên đến hàng tỷ UDS như vậy thì khả năng và thời gian thu hồi vốn ra sao? cuộc sống của người dân sau đền bù giải tỏa như thế nào?...
Trước những lo ngại về số vốn đầu tư lớn sử dụng cho việc xây dựng sân bay Long Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không (ACV - chủ đầu tư lập báo cáo đầu tư dự án sân bay Long Thành), ông Nguyễn Nguyên Hùng cho hay, đây chỉ là giai đoạn tiền khả thi và là thời điểm để Chính phủ xin chủ trương từ Quốc hội.
Hành khách làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh: Nguyễn Cường)
Dự án được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2025) sẽ đầu tư Nhà ga hành khách với công suất 25 triệu khách/năm, 2 đường băng cất, hạ cánh với tổng mức đầu tư khoảng 165.000 tỷ đồng (khoảng 7,8 tỷ USD).
Trong giai đoạn 1 này, ông Hùng cho biết sẽ phân kỳ đầu tư thành các giai đoạn 1a và 1b, đồng thời việc huy động vốn đầu tư xây dựng sẽ gắn với dự án đầu tư các hạng mục theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn. Việc khuyến khích đầu tư vào các hạng mục thành phần dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn cũng đã được tính đến.
Theo tính toàn sơ bộ, nguồn vốn gốc ngân sách Nhà nước (vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA...) để thực hiện giai đoạn 1 của dự án vào khoảng 165.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA là 47.859 tỷ đồng (chiếm 29,1%), do ACV vay lại vốn ODA của Chính phủ và nhận tự hoàn trả, còn vốn ngân sách Nhà nước là 24.081 tỷ đồng (chiếm 14,6%).
Cũng theo ý kiến của chuyên gia phản biện độc lập (thuộc Hội đồng thẩm định Nhà nước), cần chú ý rằng đây chỉ mới nghiên cứu tiền khả thi nên không có khái niệm tổng mức đầu tư dự án mà chỉ là khái toán đầu tư. Trong tờ trình cũng nêu rất rõ nhiệm vụ cụ thể, Chính phủ và Bộ GTVT vẫn phải tiếp tục nghiên cứu, xét kỹ mọi yếu tố trong nghiên cứu tiền khả thi; trong đó, về mức đầu tư dự án cũng cần phải nghiên cứu tiếp.
Ngoài ra, nghiên cứu về các phương thức huy động nguồn vốn để phù hợp với từng dự án thành phần. Dự án xây dựng chỉ có thể triển khai và chính thức đưa ra kế hoạch phương thức huy động vốn sau khi đã được Quốc hội thông qua. Còn nếu chưa thì cũng chỉ tính toán mọi phương án trên giấy tờ.
Trước lo ngại việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành sẽ khiến cho nợ công tăng cao, ông Nguyễn Nguyên Hùng, Tổng giám đốc ACV cho hay, nếu Quốc hội cho phép thì trên cơ sở đó Chính phủ mới chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan làm việc trực tiếp với các tổ chức tài chính, tính toán cụ thể. Từ đó, mới đưa ra được tổng mức đầu tư dự án và các phương thức huy động vốn...
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cam kết, để tránh tình trạng đội vốn, Bộ GTVT đã lập Hội đồng thẩm định Quốc gia để tham mưu, xem xét chi tiết mọi vấn đề trong quá trình thực hiện.
Hiện tại, sân bay Tân Sơn Nhất đã khai thác quá công suất thiết kế. Cụ thể, năm 2013, sân bay này phục vụ hơn 20 triệu hành khách trong khi công suất khai thác chỉ 20 triệu hành khách/năm. Cơ quan chức năng cũng đã có phương án và thực hiện song song việc cải tạo mở rộng nhằm đạt công suất 25 triệu khách/năm. Tuy nhiên theo tính toàn đến năm 2017, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ rơi vào tình trạng quá tải.
Đã có tính toán đến việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để đáp ứng nhu cầu 40-50 triệu hành khách/năm trong giai đoạn 2025-2030 nhưng kế hoạch này không khả thi vì nhiều lý do, trong đó có ô nhiễm tiếng ồn, khí thải vượt tiêu chuẩn cho phép, không đáp ứng được các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, an toàn hàng không...
Trước câu hỏi xây dựng sân bay Long Thành vào thời điểm này đã hợp lý chưa? Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, trong tương lai sân bay Long Thành sẽ "giảm gánh" cho sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã đạt công suất thiết kế và trở nên quá tải.
Bản đồ quy hoạch khu đất dự kiến sử dụng xây dựng sân bay Long Thành (Ảnh: Nguyễn Cường)
Cũng theo ông Thanh, vùng trời tiếp cận dành cho máy bay cất, hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất đang bị chồng lấn với vùng trời tiếp cận của căn cứ không quân Biên Hòa ở phía Bắc. Chi phí mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất tính ra lại gần bằng kinh phí xây dựng sân bay mới.
Theo tính toán, chi phí để nâng được công suất khai thác thêm 20 triệu hành khách phải cần tới khoảng 9,1 tỷ USD, phải giải phóng 140.000 hộ dân (khoảng 500.000 nhân khẩu), chưa kể chi phí và số lượng dân cư phải giải toả để làm thêm các tuyến đường giao thông huyết mạch.
Theo Infonet
Dự án sân bay Long Thành: Nhiều vấn đề chưa được làm rõ Nhiều câu hỏi "nóng" của báo chí về dự án Cảng hàng không (gọi tắt là sân bay) quốc tế Long Thành chưa được lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị có liên quan trả lời một cách thỏa đáng; hoặc trả lời với vai trò của một... cử tri. Máy bay lên xuống tại sân bay Tân Sơn...