Sân bay Long Thành thiếu cơ chế đặc thù khó kịp tiến độ
Để đảm bảo khởi công dự án sân bay Long Thành đúng kế hoạch, tỉnh Đồng Nai đề xuất Chính phủ tạo cơ chế đặc thù trong đền bù GPMB.
Theo tinh thần của Nghị quyết Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 về chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện dự án, xây dựng phương án cụ thể và chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác thu hồi đất một lần cho toàn bộ Dự án, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết việc làm cho người dân có đất thu hồi.
Để đảm bảo đủ điều kiện khởi công dự án vào cuối năm 2018, đầu năm 2019, cố gắng hoàn thành giai đoạn 1 và đưa dự án vào khai thác năm 2013 như kế hoạch đã đề ra, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư cho người dân vùng dự án là vô cùng quan trọng. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt Bộ GTVT, UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương thực hiện các công việc cấp thiết nhằm giải quyết vấn đề này.
Tách bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành tiểu dự án
Tuy nhiên, phản hồi từ phía UBND tỉnh Đồng Nai cho thấy, việc triển khai dự án là hết sức khó khăn và phức tạp. Hiện UBND tỉnh Đồng Nai đang còn vướng về các quy định của pháp luật, dự án phải được phê duyệt mới được giải phóng mặt bằng.
Ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, việc giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan trực tiếp đến đời sống của hàng ngàn hộ dân trong vùng dự án. Chính vì lẽ đó, Đồng Nai cần phải có cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp để thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết việc làm, tổ chức lại cuộc sống cho người dân phải di dời khi thực hiện dự án.
“UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho tách nội dung bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thành tiểu dự án theo Điều 29 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời cho tạm ứng kinh phí để tỉnh Đồng Nai sớm triển khai thực hiện”, ông Đinh Quốc Thái đề xuất.
Cùng khẳng định sự cần thiết phải có một cơ chế đặc thù cho chính sách bồi thường, tái định cư, ổn định cuộc sống người dân vùng dự án, ông Đặng Minh Đức, Phó GĐ Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cho rằng, công tác bồi thường, GPMB của dự án phải được thực hiện ngay từ bây giờ. Bởi theo tính toán của UBND tỉnh Đồng Nai, công tác bồi thường, hỗ tợ tái định cư của giải đoạn 1 đối với 2.750 ha đất dự án và khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn để giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai dự án thì cần có thời gian ít nhất 3 năm.
Video đang HOT
“Nếu chậm triển khai dự án bồi thường, chắc chắn bức xúc người dân trong vùng dự án sẽ tăng lên cũng như phát sinh những vấn đề mới mà chúng ta chưa lường tới. Thực tế người dân không thể chờ đợi lâu thêm nữa”, ông Đức chỉ rõ.
UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất cơ chế đặc thù để thực hiện việc bồi thường, tái định cư cho người dân trong vùng dự án sân bay Long Thành. (Ảnh: KT)
Cũng theo ông Đức, để làm sớm công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng, phải xây dựng trước khu tái định cư, ổn định tổ chức… Đồng Nai kiến nghị cần một cơ chế đặc thù về quy trình thẩm định, phê duyệt, quy hoạch xây dựng hạ tầng khu tái định cư. Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị các Bộ, ngành liên quan thẩm tra và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung chính sách để tỉnh Đồng Nai thực hiện việc bồi thường, tái định cư.
Không nhất thiết phải chờ quyết định đầu tư
Cho ý kiến về đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai, TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP HCM cho rằng, việc tách dự án này ra để làm dự án riêng chuẩn bị mặt bằng cho xây dựng thì trong Nghị quyết Quốc hội ở Điều 3 khoản 2 có giao Chính phủ xây dựng phương án cụ thể, chỉ đạo thu hồi đất 1 lần.
Lý giải của TS. Trần Du Lịch có nghĩa là, trên tinh thần của Quốc hội, Chính phủ có thể triển khai việc này về mặt pháp lý. Những việc chuẩn bị cho san lấp nền là việc Chính phủ phải làm, không phải chờ quyết định đầu tư mới thực hiện.
Trong khi đó, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) cho rằng, theo quy định của Khoản 1 Điều 87 của Luật Đất đai, đối với những dự án đầu tư do Quốc hội quyết định hoặc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, nếu cần phải di chuyển cả một cộng đồng dân cư làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống kinh tế xã hội, truyền thống văn hóa… thì Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định khung chính sách bồi thường tái định cư. Vì thế, với dự án này chỉ cần quyết định của Thủ tướng Chính phủ là phù hợp.
“Với một dự án lớn như sân bay Long Thành, chúng ta cần huy động xã hội hóa trong việc xác định giá đất, nếu cần cơ chế đặc thù để đẩy nhanh dự án có thể chỉ định thầu. Với đề xuất khung chính sách, UBND tỉnh Đồng Nai cần có đề xuất tách dự án tái định cư theo một tiểu dự án riêng, Bộ TN&MT đã có công văn nhất trí về đề xuất của Bộ GTVT và UBND tỉnh Đồng Nai về việc tách dự án tái định cư thành một dự án tiêng”, ông Chính chỉ rõ.
Lạc quan hơn với đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật lại cho rằng, theo Nghị định 69 của Chính phủ, đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, nếu một dự án trải dài từ 2 – 3 huyện thì Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch làm Trưởng ban đền bù, GPMB 1 huyện thì giao cho Chủ tịch huyện và không thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương.
Nếu được tạo cơ chế đặc thù thì lấy tiền ở đâu?
Về đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xin tạm ứng vốn ngân sách để thực hiện GPMB, tái định cư, TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, hiện nay ngân sách là vấn đề lớn, do đó nếu khả năng ngân sách không thể đáp ứng yêu cầu, Bộ GTVT, UBND tỉnh Đồng Nai cũng cần có một đề án, trong đó giải trình thật cụ thể làm sao cho dòng tiền dùng cho dự án tương thích với nhu cầu thực tế.
“Nên theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, không nên chỉ dựa vào nguồn vốn ngân sách để đáp ứng cho nhu cầu đền bù giải tỏa. UBND tỉnh Đồng Nai cần tạo ra phương thức huy động vốn đa dạng hơn, có thể thông qua phát hành trái phiếu, tín phiếu cho các hộ gia đình sẽ khiến quá trình đền bù giải tỏa nhanh chóng hơn”, ông Phước đề xuất.
Tuy nhiên theo TS. Trần Du Lịch, nếu giờ UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Quốc hội phân bố ngân sách chắc chắn sẽ rất khó. TS. Trần Du Lịch gợi ý UBND tỉnh Đồng Nai nghiên cứu xin cơ chế, vì là tỉnh thuận lợi là tỉnh điều tiết ngân sách về Trung ương, do đó Đồng Nai có thể đề xuất xin trích lập trả chậm ngân sách theo tiến độ đền bù./.
Nguyễn Quỳnh
Theo_VOV
Hạn chế quy hoạch dự án quanh sân bay Long Thành
Chính quyền tỉnh Đồng Nai chỉ đạo không được quy hoạch dự án, khu dân cư mới giáp với sân bay Long Thành để sau này khi cần, cảng hàng không có thể mở rộng.
UBND tỉnh Đồng Nai vừa chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND huyện Long Thành cần quan tâm việc quy hoạch quanh sân bay quốc tế Long Thành. Trong đó phải chú ý khu vực máy bay lên xuống, hạn chế cấp phép đầu tư khu dân cư, chỉ phát triển nông nghiệp, dịch vụ thấp tầng. Không quy hoạch dự án, khu dân cư mới giáp với sân bay để sau này nếu muốn mở rộng thì có đất thực hiện.
Bản đồ quy hoạch không gian xung quanh sân bay Long Thành.
Với những dự án đã cấp phép quanh khu vực này vẫn được thực hiện nhưng phải có giới hạn thời gian và quy mô, cần quản lý chặt chẽ không để xảy ra chuyện "đầu cơ", phân lô bán nền.
Theo Sở Xây dựng, khu vực phụ cận xung quanh sân bay Long Thành rộng khoảng 21.000 hecta, bao gồm: khu dân cư, dịch vụ phía Bắc; khu dân cư hiện hữu hai bên, sản xuất nông nghiệp; khu dân cư phía Nam gắn với dịch vụ logistic; khu xung quanh hồ Cầu Mới gắn với du lịch sinh thái.
Ngoài quy hoạch dự án, ông Đinh Quốc Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu quan tâm cả mạng lưới giao thông, hệ thống điện, nước. "Cần chú trọng giao thông kết nối sân bay với đường cao tốc để hạn chế việc ùn tắc quốc lộ 51 trong tương lai", ông Thái nói.
Dự án sân bay quốc tế Long Thành được xây dựng trên diện tích 5.000 hecta, là cảng hàng không đạt cấp 4F. Long Thành có công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sau khi hoàn tất ba giai đoạn vào năm 2050. Dự án dự kiến khởi công vào năm 2018.
Hoàng Trường
Theo VNE
Công suất sân bay Tân Sơn Nhất sẽ "đóng băng" vào năm 2018? Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết, có thể phải "đóng băng" hoạt động khai thác tại sân bay Tân Sơn Nhất khi công suất đạt 32 - 35 triệu lượt khách/năm. Sân bay Tân Sơn Nhất đứng trước nguy cơ sắp quá tải công suất khai thác. "Đóng băng" khai thác vì quá tải...