Săn bắt tận diệt chim trời: “Bốc” máy a lô là có hàng “độc”
Từ cuối thu, chim trời bắt đầu di cư cũng là thời điểm hoạt động săn bắt loài động vật này trở nên sôi động. Với kiểu đánh bắt tận diệt, chim ngày càng vắng bóng nơi đồng quê và trở thành đặc sản trên bàn nhậu.
A lô là có hàng
Trong vai người mở nhà hàng ẩm thực trong đó có món chim trời, chúng tôi được mấy chị kinh doanh tại chợ Vôi, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) cho số điện thoại của một người tên là H, thị trấn Vôi. Bấm gọi, đầu dây bên kia bắt máy và hẹn địa điểm đón, dẫn chúng tôi vào nhà thỏa thuận.
Thấy khách, vợ chồng chị H xởi lởi: “Nhà chị uy tín, cô muốn lấy hàng cứ gọi điện cho chị là có song phải đặt từ tối hôm trước, hôm sau chị sẽ để dành cho. Mà phải lên trong buổi sáng nhé, trưa là khách lấy hết chim ngay”.
Cò đánh bắt ngoài tự nhiên được đựng trong túi lưới tại xã Đông Sơn (Yên Thế).
Chị H cho biết thêm đã có thâm niên hơn chục năm gom chim trời. Những người bán chim cho chị không chỉ ở Bắc Giang mà còn có Thái Nguyên, Tuyên Quang. Do lấy lãi không cao, chỉ chênh từ 3-4 nghìn đồng/con, thậm chí 1 nghìn đồng/con nên khách hàng ngày càng đông, hàng về đến đâu, bán hết đến đó.
Chim trời mà chị H cung cấp gồm: Bìm bịp, ngói, cò, gà rừng, chim sẻ, sâm cầm, vạc, hút giun, sáo biển…và những loại này chỉ có đến hết tháng 11. Thời gian còn lại chỉ có chim sẻ vì loài kia đi trú rét. Riêng giá chim trời không có biểu chung mà tùy theo ngày.
Chị H ví dụ, vạc hiện 70 nghìn đồng/con nhưng đầu vụ lên tới 200 nghìn đồng/con; sâm cầm nặng nửa cân 700-800 nghìn đồng/con; chim ngói dao động 65-100 nghìn đồng/con… Mỗi ngày chị cung cấp cho các mối ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội hàng trăm con.
Sau cuộc trò chuyện lấy lý do sẽ cân nhắc thêm và liên hệ lại sau, chúng tôi ra về. Tiễn khách, chị H không quên dặn: “Nếu muốn chủ động hàng thì phải lấy nhiều, thịt sẵn để tủ chứ hàng tươi sống thì hơi khó em ạ”.
Qua người thân, chúng tôi cũng tiếp cận được với chị B, người dân ở xã Tân Thanh (Lạng Giang) chuyên đi gom hàng của người đánh bắt chim trong xã và một số địa bàn lân cận giao cho nhà hàng, quán ăn. Nhờ bán chênh lệch vài giá, chị cũng thu được vài trăm nghìn đồng/chuyến.
Chị B chia sẻ, có người bắt được nhiều chim, đôi khi cả đàn thu về gần triệu bạc mỗi ngày. Đa số chị thu mua chim còn sống nhốt trong lồng hoặc có loại bắn thì làm thịt sẵn để trong ngăn đá. Muốn đặt hàng cứ gọi điện trước, chị B sẽ mang tận nhà.
Muôn kiểu săn bắt kiểu tận diệt
Video đang HOT
Nhu cầu các loại động vật hoang dã (ĐVHD) nói chung, chim trời nói riêng của người tiêu dùng ngày càng lớn kéo theo hoạt động săn bắt và kinh doanh sôi động. Ở Tân Yên, Hiệp Hòa, TP Bắc Giang, Yên Thế… đều có nhà hàng chim trời.
Bước vào một quán ăn có cơ ngơi khá rộng rãi tại xã Đông Sơn (Yên Thế), ông chủ chào đón: “Ở đây có món chim trời đặc biệt, chỉ cần chục phút có ngay. Món quay hay xào sả ớt, hấp đều sẵn sàng”.
Giăng lưới bẫy chim trời trên cánh đồng thôn Am, xã Xuân Hương (Lạng Giang).
Được biết mỗi đĩa cò hay chim có giá hơn trăm nghìn đồng. Trong lúc vờ chọn đồ, chúng tôi thấy nhiều thực khách vào đây thưởng thức món chim trời. Sau đó, một phụ nữ đi xe máy đến giao hàng cho người chủ. Chị có dáng người gầy gò, gương mặt sạm đen đem theo một túi cò đã giết mổ sẵn và một số con còn sống đựng trong túi lưới giẫm đạp lên nhau vẻ hoảng sợ.
Lân la hỏi chuyện, chị cho biết tên là G, ở thôn Ve, xã Đại Hóa (Tân Yên). Mặc cả mãi chủ quán trả chị 40 nghìn đồng/con vì chê cò gầy, hàng nhiều, nể mối quen mới lấy hàng của chị. Chị theo nghề này nhiều năm rồi, nếu chúng tôi muốn bán hàng cứ về thôn hỏi thăm nhà anh chị người ta sẽ chỉ tận nơi.
Trong quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi được nghe nhiều chiêu thức săn bắt chim. Đơn cử, đồ nghề để bẫy cò là những con cò giả bằng xốp cắm xuống đồng ruộng xăm xắp nước và cắm thêm xung quanh các cây que được phết keo. Lúc này, đàn cò thật trên trời tưởng đồng loại đang kiếm ăn dưới ruộng nên sà xuống và bị dính vào những cây đã gắn keo.
Người lại dùng tấm lưới có đoạn dây kéo để giật lưới kết hợp bật băng ghi âm tiếng chim gọi đàn vào ban đêm. Với cách làm như trên, có đêm cánh thợ săn bắt được cả đàn to lẫn nhỏ. Đặc biệt, cánh thợ săn bắt chim chỉ thích những đêm tối còn đêm sáng trăng thì ít khi bẫy được chim.
Để làng quê rộn tiếng chim ca
Kiểu săn bắt tận diệt như trên chính là nguyên nhân làm cho trên cánh đồng, làng quê giờ hiếm thấy cảnh đàn chim bay liệng mỗi khi chiều về. Nhiều người không khỏi tiếc nuối bởi đâu còn cảnh đồng quê có “Con cò mỏi cánh bay ngang/Dạt dào sóng lúa mênh mang sớm chiều”. Chim trời cạn kiệt cũng đồng nghĩa với hệ sinh thái bị ảnh hưởng.
Được biết, ngày 29-5-1996, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 359 về bảo vệ và phát triển ĐVHD. Chỉ thị khẳng định, ĐVHD là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự cân bằng sinh thái, bảo đảm môi trường sống trong lành cho con người. Vì vậy mỗi đất nước, mỗi dân tộc và mọi người dân đều phải có trách nhiệm bảo vệ ĐVHD, tạo môi trường sống cho các loài động vật này được bảo tồn và phát triển.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư phối hợp với các ngành, các cấp chỉ đạo chặt chẽ việc kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc săn bắt trái phép ĐVHD, quý hiếm, các loại chim cảnh bắt từ tự nhiên, đặc biệt là các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Mọi tổ chức, cá nhân vi phạm đều bị xử lý nghiêm theo pháp luật.
Trao đổi về việc thực hiện nội dung trên tại tỉnh với ông Nguyễn Duy Thịnh, Phó trưởng phòng Thanh tra pháp chế (Chi cục Kiểm lâm), ông cho biết, trước đây, mọi hoạt động săn bắt chim tự nhiên và quán ăn treo biển chim trời đều vi phạm và đơn vị có thể xử lý.
Tuy nhiên, năm 2012, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Thông tư 47 quy định về quản lý khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường. Theo đó, không phải tất cả các loài chim trời đều nằm trong danh mục cấm. Đối với lớp chim chỉ có gà gô, gà rừng, trĩ đỏ, gà đồng, cuốc lùn, cuốc ngực trắng, gà nước vằn muốn khai thác phải được cấp phép.
Vì thế, hơn 5 năm qua, đơn vị gần như không xử lý trường hợp nào liên quan đến săn bắt chim trời. Ông Thịnh lý giải, rất khó bắt được quả tang các trường hợp săn bắn chim nằm trong danh mục quản lý. Khi vào nhà hàng, chim thường được chế biến thành các món, vì vậy không phát hiện rõ từng loài để có cơ sở xử phạt.
“Cách săn bắt chim như hiện nay đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến bảo tồn loài. Để bảo vệ đàn chim trời, cơ quan chức năng cần sửa Thông tư 47 cho phù hợp với thực tế, trong đó đưa chim trời vào danh mục quản lý”-ông Thịnh nói.
Có thể thấy, chim trời đang bị săn bắt tận diệt một cách không thương tiếc, có người còn lấy công việc này như một nghề mưu sinh, kiếm lời. Chỉ qua mấy đầu mối thu mua mà chúng tôi ước được có khoảng hàng nghìn con chim trời bị săn bắt, giết thịt mỗi ngày khi vào mùa di cư. Cứ như vậy thì chẳng bao lâu nữa, loài chim trời có thể bị “xóa sổ” nếu không có biện pháp ngăn chặn.
Theo Khánh Vân (Báo Bắc Giang)
Con đặc sản bán Tết: Có ngựa bạch, lợn rừng, "chuột" ăn tre nứa
Ngựa bạch, lợn rừng, thỏ, loài dúi rừng ăn tre nứa... là những mặt hàng đắt khách trong dịp Tết cổ truyền. Thời điểm này, nông dân trong tỉnh Bắc Giang đang dồn sức chăm sóc đàn vật nuôi đặc sản, chuẩn bị đưa ra thị trường sản vật chất lượng tốt nhất.
Vài năm nay, khi đời sống, thu nhập khá hơn, người tiêu dùng có xu hướng chọn mua các mặt hàng đặc sản sử dụng trong dịp lễ, Tết. Vì vậy, đây cũng là thời điểm người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm dễ dàng với giá cao, lợi nhuận lớn.
Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán sắp tới, gia đình ông Đào Lý Trí, xã Quế Sơn (Sơn Động) - hộ có thâm niên nuôi thỏ gần 5 năm, đang tập trung gia cố, sửa chữa chuồng trại và chăm sóc đàn thỏ thương phẩm phục vụ nhu cầu người dân...
Mô hình chăn nuôi lợn rừng của gia đình anh Bùi Văn Truyền, xã Tân Thanh (Lạng Giang).
Từ hơn ba tháng trước, ông Đào Lý Trí đã cho thỏ sinh sản và giữ lại con giống nuôi với quy mô lớn cung ứng trong dịp Tết. Theo ông Trí, giá thỏ vào những ngày áp Tết thường cao nhất trong năm, tăng từ 10-20 nghìn đồng/kg.
Tương tự, trang trại nuôi dúi rừng của anh Lục Văn Sầy, thôn Lái, xã An Bá (Sơn Động) những ngày này đón nhiều khách đến tham quan, đặt hàng.
Nhiều nông dân huyện Sơn Động (Bắc Giang) thuần hóa, nuôi dúi rừng thành con đặc sản bán Tết.
Năm 2011, trong một lần đi rừng lấy nấm lim, anh Sầy bắt được vài con dúi rừng. Thay vì làm thịt, anh để lại nuôi thử. Thấy loài vật này sinh trưởng, phát triển tốt, anh tiếp tục thu mua dúi rừng của bà con trong vùng về nhân giống.
Nuôi dúi rừng-loài "chuột" ăn tre, nứa, cỏ voi là mô hình làm giàu của anh Lục Văn Sầy (trái).
Nhờ áp dụng quy trình chăm sóc khoa học, tiêm phòng đầy đủ và đầu tư chuồng nuôi bài bản, đàn dúi phát triển tốt. Hiện anh sở hữu hơn 200 con. "Đây là động vật hoang dã, ít bệnh tật; thịt thơm, dai, ngọt.
Hai năm gần đây, lượng khách tìm mua dúi tăng mạnh vào những ngày cuối năm. Dịp Tết này, gia đình tôi đã nhận đơn hàng cung cấp gần 100 con cho thương lái ở tỉnh Quảng Ninh, dự kiến thu lãi gần 40 triệu đồng", anh Sầy chia sẻ.
Anh Bùi Văn Truyền (SN 1978), thôn Trung, xã Tân Thanh (Lạng Giang) cho biết: "Hơn 10 năm nuôi lợn rừng, tôi đã thuần thục kỹ thuật. Lợn rừng tuy không khó nuôi song phải chú ý bảo đảm chế độ thức ăn phù hợp thì thịt mới thơm ngon, săn chắc. Lợn rừng từ 2 đến 3 năm tuổi đang bán rất chạy. Dự kiến, Tết này, tôi thu về hơn 50 triệu đồng".Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông Nghiệp và PTNT), nguồn cung các sản phẩm chăn nuôi từ vài tháng trước, nhiều cơ sở chăn nuôi gà, lợn rừng, chim bồ câu quy mô lớn cũng tăng đàn khoảng 30% phục vụ thị trường dịp cuối năm.
Là người đầu tiên đưa ngựa bạch về nuôi ở xã Bích Sơn (Việt Yên), đến nay, trang trại của anh Nguyễn Sỹ Kiên (SN 1981), thôn Tăng Quang (Bích Sơn) luôn duy trì từ 8-10 con. Ngay từ đầu năm, anh Kiên đã tìm đến một số địa phương của tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên tìm mua những con ngựa tốt về chăn thả.
Nuôi ngựa bạch-mô hình giảm nghèo, làm giàu của nông dân xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).
Theo chủ trang trại Nguyễn Sỹ Kiên, vào dịp áp Tết có nhiều hộ chung nhau "đụng" ngựa ăn tất niên. Phần thịt ngon, không có gân dùng để làm giò, còn lại để nấu thắng cố hoặc trữ trong tủ lạnh ăn dần, xương nấu cao. "Tết vừa rồi, tôi chỉ chuẩn bị 4 con ngựa. Đến ngày 28 tháng Chạp đã bán hết hàng trong khi nhu cầu của người dân vẫn còn. Rút kinh nghiệm, dịp này tôi có sẵn 8 con ngựa trong chuồng, một nửa đã có khách đặt trước. Số còn lại sẽ thịt bán từ 23 tháng Chạp", anh Kiên nói.
Để bảo đảm hiệu quả sản xuất, ngoài những yếu tố như nắm bắt thông tin thị trường, tìm đầu mối tiêu thụ các loại con đặc sản, các cơ quan chức năng trong tỉnh khuyến cáo bà con nông dân đặc biệt quan tâm đến việc phòng ngừa dịch bệnh.
Ông Lê Văn Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: "Dịp này, thời tiết diễn biến thất thường, rét đậm, rét hại kết hợp mưa ẩm là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, gây hại cho vật nuôi. Vì vậy, người chăn nuôi phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô thoáng, duy trì nhiệt độ chuồng ổn định. Ngoài ra, cần lưu ý các biện pháp chống rét, chú ý khẩu phần ăn phù hợp để vật nuôi đủ sức đề kháng chống chọi với thời tiết khắc nghiệt cũng như có cách phòng bệnh bằng dân gian, bảo đảm vật nuôi luôn khỏe mạnh".
Theo Sơn Quang (Báo Bắc Giang)
Chim hoang dã bị bày bán, làm thịt công khai bên đường Hà Nội Hàng trăm con chim trời nhiều chủng loại như diệc, le le, gà đồng, ngói... bị bày bán công khai bên đường gom đại lộ Thăng Long, đoạn qua huyện Quốc Oai, Hà Nội. Vào các buổi chiều, chợ chim tấp nập người mua kẻ bán, trong đó có nhiều khách "xộp" đi ô tô, mua số lượng lớn. Những con chim trời...