Samurai trên chính trường Nhật
Thủ tướng Shinzo Abe, một “samurai” đầy kiên định – Ảnh: Blick-ch
Thuộc dòng dõi lừng danh Nhật Bản, ông Shinzo Abe đang có cơ hội ghi thêm dấu ấn sau khi quay lại giữ chức thủ tướng nước này.
Hàng thế kỷ qua, Nhật Bản luôn được biết đến với hình ảnh một đất nước của những võ sĩ samurai. Giờ đây, sự kiên cường của những samurai Nhật đang được thể hiện rất rõ ràng ở Thủ tướng Abe.
Thủ tướng trẻ nhất
Dường như ông Abe (59 tuổi) được sinh ra để làm chính trị khi là con cháu của những người từng giữ các vị trí quan trọng hàng đầu trong chính trường Nhật Bản. Ông nội của Thủ tướng Abe là nghị sĩ Kan Abe đầy ảnh hưởng tại nước này hồi thập niên 1930 và đầu những năm 1940. Tiếc thay, ông Kan Abe qua đời khi mới ngoài 50 tuổi, giữa lúc sự nghiệp chính trị đang hứa hẹn còn tiến xa hơn.
Tuy nhiên, con trai của ông là Shintaro Abe, cha của Thủ tướng Abe, đã trở thành người kế tục khá hoàn hảo. Sau khi làm phóng viên chính trị cho tờ Mainichi Shimbun, ông Shintaro Abe bắt đầu sự nghiệp chính trị vào năm 1957 khi trở thành cố vấn pháp luật cho cha vợ là Thủ tướng Nobusuke Kishi. Năm 1958, trong nhóm lãnh đạo đảng Dân chủ tự do (LDP), ông Shintaro Abe giành thắng lợi trong cuộc chạy đua vào hạ viện Nhật Bản.
Video đang HOT
Biển Đông đang ngày càng giống như ao nhà của Bắc Kinh
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Kể từ đó, ông ngày càng gầy dựng được ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ trong nội bộ LDP mà còn đối với chính trường nước này, theo tờ Los Angeles Times. Đến năm 1982, ông Shintaro Abe nhậm chức Ngoại trưởng Nhật Bản. Trước đó, ông còn giữ chức Bộ trưởng Nông nghiệp, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại quốc tế. Trong cương vị đứng đầu ngành ngoại giao Nhật, ông có nhiều đóng góp to lớn giúp Tokyo tăng cường ảnh hưởng trên thế giới.
Vào thập niên 1980, ông Shintaro Abe được cho là đã đóng vai trò quan trọng để Iran và Iraq đạt được thỏa thuận hòa bình, kết thúc cuộc chiến đẫm máu giữa hai bên. Vì thế, sau khi rời chức ngoại trưởng vào năm 1986, lẽ ra một năm sau Shintaro Abe đã thành Thủ tướng Nhật nhưng mọi chuyện không như ý vì một vụ bê bối. Tuy nhiên, bấy nhiêu là quá đủ để ông Shinzo Abe có được xuất thân mà nhiều người mơ ước: ông nội là nghị sĩ, ông ngoại là thủ tướng, cha làm ngoại trưởng.
Với nền tảng danh gia vọng tộc như vậy, ông Shinzo Abe tiến nhanh trong đảng LDP và đắc cử vào hạ viện hồi năm 1993, hai năm sau khi cha ông qua đời. Từ năm 2000 – 2003, ông trở thành Phó chánh văn phòng nội các dưới thời 2 thủ tướng Yoshiro Mori và Junichiro Koizumi. Giống như cha mình, đích ngắm của Abe vẫn là chức Thủ tướng Nhật Bản và ông có những bước chuẩn bị vững vàng. Năm 2005, ông giữ vị trí Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, rồi một năm sau làm Chủ tịch LDP để trở thành Thủ tướng Nhật thay ông Koizumi. Nhậm chức vào năm 52 tuổi, ông Abe trở thành thủ tướng trẻ nhất của Nhật Bản kể từ sau Thế chiến 2. Tuy nhiên, chỉ sau một năm cầm quyền, sóng gió đã đến với Thủ tướng Abe do một vụ bê bối chính trị và ông từ chức vào năm 2007 bởi lý do sức khỏe.
Không lùi bước
Ban đầu, người ta nghĩ việc từ chức cũng sẽ kết thúc sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Abe. Tuy nhiên, thực tế không như vậy. Ông một lần nữa quay lại đỉnh cao quyền lực.
Từ năm 2007, ghế Thủ tướng Nhật bị thay đổi xoành xoạch trong bối cảnh nước này đối mặt không ít khó khăn về kinh tế lẫn xã hội. Thậm chí, một cuộc đổi ngôi ngoạn mục đã diễn ra vào tháng 9.2009 khi đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), dưới sự lãnh đạo của ông Yukio Hatoyama, đã cầm quyền thay LDP. Chính hoàn cảnh khó khăn của LDP đã tạo cơ hội cho ông Abe tái khẳng định năng lực để quay trở lại lãnh đạo đảng này. Ông không ngừng hoạt động để gầy dựng hình ảnh một chính trị gia đủ sức lèo lái Nhật Bản trở thành nước có ảnh hưởng về chính trị đối với thế giới, điều mà cha ông góp phần tạo dựng. Thêm vào đó, từ năm 2010, Nhật Bản và Trung Quốc dần trở nên căng thẳng do liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà hai bên đang tranh chấp. Mặt khác, Bắc Kinh cũng thể hiện rõ nét hơn tham vọng trỗi dậy.
Trong năm 2011, với cương vị chính trị gia của đảng LDP, ông đẩy mạnh các chuyến thăm đến các nước châu Á như Ấn Độ, Việt Nam… Cũng trong chuyến thăm Ấn Độ vào năm 2011, ông Abe kêu gọi hình thành liên minh giữa Tokyo với New Delhi để đảm bảo sự ổn định của khu vực, gồm cả biển Đông. Đến năm 2012, quan hệ Bắc Kinh – Tokyo thêm căng thẳng, ông Abe nhấn mạnh chính sách ngoại giao cứng rắn để thể hiện sự khác biệt giữa ông với chính quyền đương nhiệm của Nhật. Điều này khiến giới quan sát và dư luận quan tâm nhiều hơn về những thay đổi trong chính sách đối ngoại và quân sự, điều mà dưới thời ông Abe hồi năm 2006 – 2007 vốn bị lu mờ vì các khó khăn trong nước. Dù vậy, năm 2007, chính ông trong cương vị thủ tướng đã nâng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trở thành Bộ Quốc phòng đầy đủ. Ông cũng liên tục khẳng định đẩy mạnh quan hệ liên minh với Mỹ và không khoan nhượng với Trung Quốc.
Ngay sau khi trở lại nắm ghế thủ tướng vào ngày 26.12.2012, ông Abe đã có những bước đi để hiện thực hóa chính sách đối ngoại của mình. Ngày 27.12.2012, chuyên trang phân tích chính trị kinh tế Project Syndicate đăng tải bài viết của Thủ tướng Abe. Trong bài viết, ông cảnh báo nguy cơ đến từ Trung Quốc và tuyên bố “biển Đông đang ngày càng giống như ao nhà của Bắc Kinh”. Thủ tướng Abe cáo buộc Bắc Kinh đang triển khai tàu công vụ có mang theo vũ khí để kiểm soát các vùng biển, dùng tàu sân bay đe dọa láng giềng. Vì thế, ông khẳng định vấn đề biển Hoa Đông và biển Đông sẽ là ưu tiên đối với chính sách sắp tới của Tokyo. Thủ tướng Nhật tuyên bố Tokyo phải đóng vai trò lớn hơn ở các vùng biển thuộc khu vực và cần tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á, củng cố liên minh với Mỹ.
Ông đã hiện thực hóa lời nói bằng cách chọn Đông Nam Á, mà cụ thể là Việt Nam, làm điểm công du đầu tiên sau khi trở lại nhậm chức thủ tướng. Sau Đông Nam Á, ông sẽ đến thăm Mỹ. Đây là thông điệp rất rõ ràng của tân Thủ tướng Nhật nhằm thể hiện chính sách đặt trọng tâm ngoại giao vào Đông Nam Á, các đối tác chiến lược như Ấn Độ, Úc mà ông kêu gọi tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải. Thực sự, ông Abe đang khẳng định sẽ không lùi bước trước Trung Quốc như đã từng thể hiện trước các đối thủ chính trị.
Theo TNO
Nhật đang lập vành đai bao vây Trung Quốc?
Các phương tiện truyền thông Nhật Bản đưa tin, 5 năm trước đây, trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên ông Shinzo Abe đã đưa ra ý tưởng chiến lược bảo vệ an ninh "Vòng cung tự do và thịnh vượng" với nội dung chính là thiết lập một mạng lưới bao vây Trung Quốc.
Trong một bài xã luận đăng trên trang nhất của mình ngày 30/12/2012, trang mạng "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc cho biết, trang mạng "Tin tức Nhật Bản" ngày 29/12/2012 đưa tin, khi trả lời phỏng vấn của giới truyền thông, thủ tướng Shinzo Abe đã khẳng định, chỉ khi nào chính phủ Nhật Bản tăng cường thiết lập quan hệ mật thiết với một số quốc gia xung quanh Trung Quốc như: Việt Nam, Ấn Độ, Nga..., đẩy mạnh hợp tác quốc phòng - an ninh với Mỹ, Ấn Độ, Australia thì quan hệ Nhật - Trung mới hy vọng có được bước tiến triển mới.
Trong cuộc phỏng vấn tại dinh thự của mình, Thủ tướng Abe khẳng định, Nhật phải lấy quan hệ đồng minh với Mỹ làm hạt nhân, đẩy mạnh quan hệ hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm an ninh với Ấn Độ và Australia, phát triển quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ - Ấn là vấn đề có tính chất then chốt nhưng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm an ninh Nhật - Mỹ - Australia cũng đóng một vai trò rất quan trọng.
Về mối quan hệ Trung - Nhật đang ngày một xấu đi, Thủ tướng Shinzo Abe nhận định, Nhật Bản phải tăng cường quan hệ hợp tác với Nga và các nước châu Á khác mới có thể cải thiện mối quan hệ "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" này. Ông Abe nói: "Nhật Bản cần xây dựng và củng cố mối quan hệ hợp tác tin tưởng lẫn nhau với một số quốc gia có vai trò quan trọng trong khu vực như Việt Nam, Philippines, Indonesia..., chỉ có như vậy mới có thể cải thiện được hiện trạng ngày càng xấu đi của mối quan hệ Trung - Nhật"
Thủ tướng Abe còn nhấn mạnh thêm, chỉ có tăng cường hợp tác với các quốc gia láng giềng mới có thể ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, đưa họ trở về đúng với hành lang trật tự quốc tế.
Mạng "Tin tức Nhật Bản" cho biết, năm 2006, trong nhiệm kỳ Thủ tướng đầu tiên, ông ông Shinzo Abe đã đưa ra ý tưởng chiến lược bảo vệ an ninh "Vòng cung tự do và thịnh vượng" với nội dung chính là thiếp lập một mạng lưới bao vây Trung Quốc. Sau khi trở lại cương vị thủ tướng một lần nữa, trong lần phát biểu ý kiến đầu tiên về chiến lược ngoại giao đối với Trung Quốc, vẫn giống như 5 năm trước đây, ông Abe không hề thay đổi tư duy "bao vây Trung Quốc".
Theo ANTD
Nhật, Mỹ tập trận chung bảo vệ đảo phía tây nam Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ dự kiến bắt đầu tập trận chung tại vùng biển gần tỉnh Okinawa hôm nay 5.11, theo Đài truyền hình NHK của Nhật. Về phía Nhật, tham gia tập trận có khoảng 37.000 binh sĩ cùng các tàu khu trục và tàu chiến được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis....