Samsung Việt Nam: Sản xuất được phục hồi nhờ các giải pháp kịp thời
Bên lề Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, doanh nhân tổ chức mới đây tại Hà Nội, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho đã có những chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về thực trạng, những bước tiến thành công của doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19.
Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho. Ảnh: vietnamlawmagazine.vn
Hơn 1 thập kỷ có mặt và đầu tư tại thị trường Việt Nam, Samsung đã gây dựng được những thành quả như thế nào, thưa ông?
Samsung Việt Nam bắt đầu hoạt động đầu tư tại Việt Nam từ năm 1995. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư chính thức của Samsung tại Việt Nam được đánh dấu bằng việc xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động tại tỉnh Bắc Ninh vào năm 2008.
Từ đó đến nay, qua hơn 13 năm phát triển, hiện Samsung đang vận hành 6 nhà máy sản xuất, 1 pháp nhân bán hàng, 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển tại các tỉnh, thành phố lớn như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tổng số cán bộ công nhân viên của Samsung Việt Nam hiện cũng đã lên tới 110.000 người.
Ngoài ra, Samsung Việt Nam còn đang xây dựng mới Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển R&D của riêng Samsung với quy mô 220 triệu đô la Mỹ (USD) tại khu vực Tây Hồ Tây, Hà Nội. Tiến độ hiện nay đã đạt khoảng 50% và dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022.
Tính đến thời điểm này, tổng số vốn Samsung đã đầu tư vào Việt Nam đạt khoảng 17,7 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 vừa qua đạt 56,5 tỷ USD. Năm nay, mặc dù, Samsung Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn năm 2020, song kim ngạch xuất khẩu từ tháng 1 đến tháng 9/2021 đã đạt 47 tỷ USD, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2020.
Chúng tôi đang kỳ vọng từ giờ đến cuối năm, nếu hoạt động sản xuất có thể duy trì ổn định như hiện tại thì công ty sẽ thuận lợi trong việc đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 61 tỷ USD cho năm 2022.
Để có được những thành quả này là nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ, của chính quyền các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi để Samsung Việt Nam triển khai hiệu quả các chính sách phòng dịch an toàn; đồng thời, vừa có thể đảm bảo hoạt động sản xuất không bị gián đoạn. Cùng với đó là sự cống hiến của tất cả cán bộ công nhân viên của Samsung Việt Nam và các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng.
Đại dịch COVID-19 là 1 thách thức lớn của nền kinh tế toàn cầu; trong đó, có Việt Nam. Tác động của COVID-19 đã và đang khiến hầu hết doanh nghiệp lâm phải tình cảnh khó khăn và thậm chí phải rút lui khỏi thị trường. Trong khi đó, Samsung lại đạt những kết quả tích cực trong giai đoạn này, điều này có được là nhờ đâu, thưa ông?
Video đang HOT
Có thể nói, vượt qua đại dịch COVID-19 cũng là một trong những thành công của Samsung Việt Nam; minh chứng cho những nỗ lực phấn đấu và ý chí quyết tâm của tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân của doanh nghiệp.
Cùng với các công ty cung ứng, Samsung Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về phòng chống dịch của Chính phủ với phương châm 3 tại chỗ để duy trì hoạt động và sản xuất không gián đoạn trong suốt 2 – 3 tháng diễn ra đợt dịch COVID-19 lần thứ 4.
Tất cả các nhân viên đều tuân thủ chặt chẽ quy định 5K và các quy định duy trì khoảng cách. Công ty đã tạo mọi điều kiện để nhân viên yên tâm làm việc trong nhà máy an toàn như cấp khẩu trang KF94, xét nghiệm định kỳ COVID-19. Đồng thời, cung cấp miễn phí 3 bữa ăn mỗi ngày trong nhà ăn của công ty để giảm thiếu tối đa việc tiếp xúc với bên ngoài cũng như đảm bảo sức khoẻ cho người lao động.
Lãnh đạo các nhà máy cũng tích cực trao đổi và phối hợp với chính quyền các địa phương để thường xuyên báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Nhờ việc được tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất không bị gián đoạn, các hoạt động của Samsung đã và đang dần được phục hồi; nhanh chóng hạn chế được những thất thoát trong quá trình sản xuất. Điều quan trọng là toàn bộ quy trình hoạt động sản xuất kinh doanh đã và đang dần đi vào ổn định để phát huy hiệu quả.
Ban lãnh đạo của Samsung Việt Nam cũng nỗ lực phối hợp cùng các công ty cung ứng khắc phục các khó khăn, vướng mắc và động viên các cán bộ công nhân viên của các công ty cung ứng áp dụng chung một phương án phòng dịch đồng nhất.
Có thể thấy, Samsung là một trong những doanh nghiệp điển hình nỗ lực vượt lên nghịch cảnh để nhanh chóng phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh. Với tình hình hiện nay, ông đánh giá như thế nào về khả năng hoàn thành các mục tiêu và kế hoạch đề ra cho năm 2021?
Ngoài những nỗ lực tự thân và sự đoàn kết, nhất tâm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra theo kế hoạch, Samsung Việt Nam cho rằng, không thể thiếu được sự hỗ trợ, tiếp sức của Chính phủ, các cấp, ngành và địa phương để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có những phương án khắc phục cần thiết nhằm thích ứng với tình hình dịch bệnh nói chung và COVID-19 nói riêng.
Đầu tiên, Samsung Việt Nam đề nghị, các bên liên quan tích cực thúc đẩy việc ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác sản xuất tại các tỉnh trong các khu công nghiệp phía Bắc và phía Nam. Theo đó, nội dung chủ yếu là đảm bảo hoạt động sản xuất không gián đoạn, đảm bảo việc di chuyển của người dân và vận chuyển hàng hóa thuận lợi giữa 3 tỉnh giống như trong một tỉnh. Samsung và các công ty cung ứng hoàn toàn ủng hộ sự nỗ lực của 3 tỉnh và hy vọng việc ký kết nhanh chóng được thực hiện.
Hiện nay, 3 tỉnh khu vực phía Bắc là Bắc Ninh, Bắc Giang và Vĩnh Phúc đã nhất trí ký kết thỏa thuận hợp tác, hy vọng rằng, việc ký kết sẽ nhanh chóng diễn ra khi đạt được sự thống nhất cuối cùng. Ở khu vực phía Nam, Samsung Việt Nam cũng hy vọng Chính phủ và các địa phương quan tâm hỗ trợ hơn nữa để Tp. Hồ Chí Minh cùng các tỉnh như: Đồng Nai, Bình Dương, Long An sẽ sớm ký kết thỏa thuận hợp tác với nội dung tương tự khu vực phía Bắc.
Ngoài ra, Samsung Việt Nam còn kiến nghị, tiêu chuẩn hóa các tiêu chí quản lý phòng dịch của Chính phủ. Theo đó, các doanh nghiệp có thể dự đoán được tình hình để có phương án quản lý nhân sự hiệu quả, lên kế hoạch sản xuất và hạn chế những khó khăn trong quản lý và vận hành.
Hy vọng Chính phủ sẽ nhanh chóng soạn thảo tiêu chí quản lý phòng dịch đồng nhất và đại diện chính quyền các địa phương cũng cần thường xuyên trao đổi với các doanh nghiệp trước 1 tuần hoặc tối thiểu 3 – 4 ngày/lần trước khi thực hiện các quy định mới hoặc thay đổi các quy định hiện hành.
Nếu được như vậy, thì các doanh nghiệp có thể tích cực tuân thủ các quy định của Chính phủ, góp phần tạo nên sự chủ động cho doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch sản xuất và vận hành quản lý nhân sự.
Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng nói: “Lợi ích thì hài hòa, Khó khăn thì chia sẻ!”. Samsung cam kết trong thời gian tới sẽ luôn luôn đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam, nỗ lực hết sức để chăm lo đời sống của 110.000 cán bộ công nhân viên để giúp họ tập trung, ổn định việc làm. Samsung Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, duy trì ổn định hoạt động xuất khẩu, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Tôi luôn trông đợi, trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cùng các địa phương sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa, hỗ trợ tích cực hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp; trong đó có Samsung Việt Nam để không chỉ vượt qua đại dịch thế kỷ, mà còn vượt lên phía trên và chiếm lĩnh những vị trí quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đại diện Samsung: Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đầu tư FDI
Về lâu dài, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài (FDI), ông Choi Joo Ho, tổng giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam, nhấn mạnh tại tọa đàm COVID-19 và FDI, tác động và triển vọng tổ chức chiều 27-9.
Tổ hợp nhà máy Samsung Thái Nguyên, một cơ sở sản xuất lớn trong tổ hợp Samsung Việt Nam - Ảnh: L.B.
Tọa đàm do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức, với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành và một số nhà đầu tư FDI lớn.
Đánh giá về triển vọng đầu tư FDI tại Việt Nam thời gian tới, ông Choi Joo Ho cho biết hiện Samsung Việt Nam đang tiếp tục xây dựng trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) quy mô hơn 220 triệu USD tại Hà Nội. Trung tâm R&D này sẽ nghiên cứu phát triển 5G, cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, góp phần nâng tầng tổ hợp Samsung tại đây.
Theo ông Choi Joo Ho, nếu Việt Nam vừa chống dịch hiệu quả, vừa duy trì lưu thông hàng hóa, bảo đảm hoạt động chuỗi cung ứng thì đầu tư nước ngoài vào sẽ tiếp tục tăng lên trong dài hạn.
Cũng theo người đại diện Samsung Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm công ty này vẫn duy trì sản xuất, xuất khẩu, và nếu nhà máy Samsung tại TP.HCM sớm hoạt động trở lại thì hãng sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu đã đề ra trong năm nay.
Về chiến lược đầu tư của Samsung tại Việt Nam, ông Choi Joo Ho khẳng định Samsung sẽ không thay đổi chiến lược đầu tư vào thị trường này dù làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đang gây nhiều khó khăn cho các nhà máy sản xuất.
Và với sự hỗ trợ từ các bộ, ngành, địa phương, thời gian tới Samsung sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, tiếp tục đầu tư thiết bị cho 6 nhà máy đang hoạt động tại quốc gia này.
"Nếu trước đây Samsung chỉ đầu tư và sản xuất, lắp ráp thì sắp tới tập đoàn sẽ nâng cấp đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển để đưa Samsung Việt Nam trở thành một cứ điểm sản xuất lớn trên toàn cầu", đại diện Samsung Việt Nam nhấn mạnh.
Là một trong những nhà đầu tư vừa quyết định mở rộng đầu tư tại quốc gia này, ông Binu Jacob, tổng giám đốc Nestlé Việt Nam, cho biết tập đoàn vừa quyết định đầu tư 132 triệu USD để xây dựng nhà máy mới tại Đồng Nai trong 2 năm tới, qua đó đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của Nestlé tại châu Á và châu Đại Dương.
Về lý do Nestlé quyết định mở rộng đầu tư, ông Binu Jacob cho hay cơ sở sản xuất tại Việt Nam đang là nhà máy hiệu quả hàng đầu của Nestlé, vì vậy, tập đoàn đã quyết định đầu tư nhà máy sản xuất mới tại Đồng Nai.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng ghi nhận đến 20-9, tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt 22,15 tỉ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ 2020, vốn đăng ký mới, vốn điều chỉnh đều tăng.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, vốn FDI vào Việt Nam tăng cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư trong nước, và những khó khăn dịch bệnh trước mắt chỉ là tạm thời.
Người TP HCM được xét nghiệm như thế nào đến 30/9 Học sinh, giáo viên, cán bộ công nhân viên tại trường học sẽ được xét nghiệm Realtime PT-PCR mẫu gộp tần suất 7 ngày một lần. Nội dung này được nêu trong công văn do Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam ký ngày 21/9, gửi các quận huyện về việc triển khai xét nghiệm giám sát thường xuyên đến 30/9....