Samsung nâng tổng vốn đầu tư vào Việt Nam lên 14,8 tỷ USD
Dự án Tổ hợp Samsung CE Complex (SEHC), vốn đầu tư 1,4 tỷ USD, sẽ nâng tổng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD. Dự án sẽ đi vào hoạt động đầu năm 2016. Với việc đầu tư thêm này, Samsung đã nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 14,8 tỷ USD.
Theo kế hoạch, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) sẽ trao Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho Dự án SEHC từ 1,4 tỷ USD hiện tại lên 2 tỷ USD.
Thông tin từ SHTP cho biết, Samsung chính thức nộp hồ sơ xin tăng vốn đầu tư từ tháng 9/2015 và đã được chấp thuận. Cùng với việc tăng vốn, Samsung cũng đồng thời bổ sung nội dung thành lập Phòng thí nghiệm đo kiểm trong lĩnh vực điện tử, viễn thông và bổ sung hoạt động bảo hành, sửa chữa trong phạm vi nhà máy của Dự án.
Dự án SEHC được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào cuối tháng 9/2014 và bắt đầu khởi công xây dựng vào ngày 19/5/2015. Rất nhanh chóng, Samsung đang ở giai đoạn cuối của việc xây dựng và lắp đặt máy móc, thiết bị.
Tháng 1/2016, Dự án sẽ vận hành thử và tháng 2/2016 sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Dự án này chính là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng TV toàn cầu của Samsung
Video đang HOT
Trong giai đoạn đầu, SEHC sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm TV cao cấp như SUHD TV, Smart TV, LED TV… Sau đó, giai đoạn 2018 – 2019 và 2019 – 2020 sẽ sản xuất các sản phẩm máy giặt, tủ lạnh, máy hút bụi và đồ điện gia dụng khác.
Thông tin từ Samsung cho biết, dự án này chính là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng TV toàn cầu của Samsung, góp phần củng cố vị trí nhà sản xuất TV số một thế giới mà Samsung đã nắm giữ 9 năm liên tiếp từ 2006 đến nay.
Với việc tăng vốn đầu tư này, Samsung đã nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 14,8 tỷ USD. Trong đó, riêng của Samsung Điện tử là 9,5 tỷ USD.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Có nên quá kỳ vọng dòng vốn từ EU?
Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với hy vọng sẽ có một làn sóng đầu tư lớn hơn từ EU vào Việt Nam. Năm 2015 sắp qua, nhưng hiện chưa có nhiều tín hiệu rõ nét.
Đầu tháng 12/2015, trong khuôn khổ chuyến thăm châu Âu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã ký tuyên bố về việc kết thúc đàm phán EVFTA. Sự hứng khởi là điều nhìn thấy rõ, bởi doanh nghiệp hai bên, đặc biệt là các doanh nghiệp EU đã chờ đợi sự kiện này từ lâu.
"Nhiều doanh nghiệp từ EU luôn bày tỏ mong muốn đầu tư tại Việt Nam. Vì thế, chúng tôi kỳ vọng việc thực hiện lộ trình EVFTA trước khi hiệp định có hiệu lực vào năm 2018 sẽ tạo ra làn sóng đầu tư lớn hơn từ EU vào Việt Nam", ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam khẳng định như vậy tại cuộc họp báo ngay sau khi EVFTA được các nhà lãnh đạo hai bên ký vào ngày 2/12/2015 tại Vương quốc Bỉ.
Thực tế, điều này đã được khẳng định từ nhiều năm trước khi EVFTA bắt đầu được đàm phán. Đó là viễn cảnh sáng sủa, ít nhất về mặt lý thuyết. Khi các FTA được thực thi sẽ mở ra cơ hội thúc đẩy thương mại, từ đó kéo theo vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tuy nhiên, cơ hội có trở thành hiện thực hay không lại là câu chuyện khác. Nhìn lại hơn 20 năm thu hút FDI từ EU, có thể thấy, dòng vốn đầu tư từ khu vực này vào Việt Nam chưa bao giờ ở mức đỉnh cao, dù trải qua rất nhiều thăng trầm.
Đến hết tháng 10/2015, có 1.710 dự án từ 22 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 21,48 tỷ USD, chiếm 8,7% số dự án của cả nước và chiếm 7,9% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Trong đó, trên 80% tổng vốn FDI từ EU vào Việt Nam đến từ Hà Lan, Anh, Pháp, Đức và Luxembourg.
Cụ thể, thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, giai đoạn đầu, từ năm 1988 - 1994, số vốn đăng ký của EU vào Việt Nam còn rất thấp. Tuy năm 1995, con số đã tăng gấp nhiều lần, từ 15 triệu USD vào năm 1988 lên 707 triệu USD vào năm 1995, song vẫn chưa phải là quá lớn. Trong thời kỳ này, Hà Lan và Pháp là hai quốc gia có nhiều dự án vào đầu tư vào Việt Nam nhất.
Giai đoạn 1997-1999, vốn FDI đăng ký từ châu Âu vào Việt Nam lại biến động ngược chiều với xu hướng FDI của châu Âu ra thế giới. Dù dòng vốn vào Việt Nam giảm sút, nhưng tỷ trọng vốn FDI của khu vực này so với các nước khác lại tăng lên đáng kể.
Những năm 2000 - 2001, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã đánh dấu sự gia tăng đột biến và vai trò quan trọng của FDI từ Hà Lan đối với Việt Nam. Luồng FDI từ nước này tăng lên tới 20% tổng vốn đầu tư trực tiếp, trong khi đó FDI đăng ký từ Anh cũng tiếp tục tăng. Luồng vốn FDI từ hai nước này khiến cho tổng đầu tư của EU vào Việt Nam trái ngược hoàn toàn so với sụt giảm đầu tư của khu vực này trên thế giới và khiến EU trở thành nhà đầu tư quan trọng khi chiếm 38% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam.
Thế nhưng, từ năm 2002 - 2004, vốn FDI từ EU lại giảm mạnh, chỉ còn chiếm tỷ trọng 16,8%. Năm 2005 đánh dấu sự hồi phục trở lại của dòng vốn FDI của EU vào Việt Nam với mức vốn đăng ký đạt 1,7 tỷ USD. Tiếp tục thăng trầm, cho đến năm 2010, với 2,6 tỷ USD, FDI từ EU vào Việt Nam đạt đỉnh. Nhưng kể từ đó, vốn FDI từ EU có xu hướng giảm nhẹ.
Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, lũy kế đến hết tháng 10/2015, có 1.710 dự án từ 22 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 21,48 tỷ USD, chiếm 8,7% số dự án của cả nước và chiếm 7,9% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước. Một tỷ trọng đóng góp không phải quá lớn, nhất là khi đó là con số đầu tư của 22 quốc gia thuộc EU cộng lại.
Tất nhiên, dù tính là 22 quốc gia, nhưng có tới trên 80% tổng vốn FDI từ EU vào Việt Nam đến từ Hà Lan, Anh, Pháp, Đức và Luxembourg. Nếu tính riêng lẻ, quốc gia trong EU có đầu tư lớn nhất vào Việt Nam là Hà Lan, với 250 dự án và 6,9 tỷ USD - thua xa các đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, hay thậm chí cả Mỹ...
Vậy có nên quá trông chờ vào FDI từ khu vực này hay không? Theo phân tích của GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, mấy năm gần đây, các nước lớn ở khu vực EU ít đầu tư vào Việt Nam không phải vì môi trường đầu tư tại Việt Nam kém cạnh tranh, cũng không phải vì vấn đề tỷ giá, mà bởi chính các vấn đề nội tại trong khu vực EU.
"Họ còn phải lo giải quyết rất nhiều vấn đề, ví dụ chuyện nợ công của Hy Lạp cũng rất đáng quan ngại", ông Mại nói và cho rằng, vì những lẽ đó, trong tương lai gần, Việt Nam cũng chưa thể kỳ vọng lớn vào dòng vốn đầu tư từ EU.
Ngay ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EuroCham) cũng cho rằng, từ năm ngoái, khi EUR mất giá, các dự án đầu tư của các công ty đến từ khu vực đồng tiền chung châu Âu tại Việt Nam đã trở nên đắt đỏ hơn, buộc họ phải tăng vốn đầu tư nếu muốn tiếp tục theo đuổi.
Tăng vốn đầu tư là điều không hề đơn giản, bởi tổng tài sản của các công ty tại khu vực này cũng đã giảm đi nếu quy đổi sang USD. "Chính vì vậy, các công ty tại khu vực EU có thể sẽ hoãn, hoặc xem xét lại kế hoạch đầu tư trước đó của họ tại Việt Nam", ông Tomaso Andreatta nói.
Nếu để đánh giá, thì vốn FDI từ EU là quan trọng và Việt Nam rất kỳ vọng thu hút đầu tư từ các quốc gia này, bởi kèm theo vốn từ EU là các dự án công nghệ cao và trọng yếu đối với nền kinh tế, là kỹ năng quản trị tiên tiến - điều mà Việt Nam luôn mong chờ. Tuy nhiên, những khó khăn trong hiện thời của kinh tế EU có thể sẽ cản bước dòng vốn đầu tư từ khu vực này tại Việt Nam, cho dù trên lý thuyết cơ hội thúc đẩy dòng vốn này là rất lớn.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Thủy điện Lai Châu đi vào hoạt động, cung cấp 25 tỷ kWh/năm Sáng 23/12, tại Lai Châu diễn ra lễ phát điện tổ máy số 1 công trình thủy điện Lai Châu, công trình do Tập đoàn điện lực (EVN) làm chủ đầu tư. Công trình thủy điện Lai Châu đi vào hoạt động sẽ nâng tổng công suất các nhà máy thủy điện trên sông Đà đạt 6.500 MW, cung cấp khoảng 25 tỷ...