Samsung “mở lối” cho công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
Samsung, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, đang nỗ lực để liên kết các doanh nghiệp Việt vào chuỗi giá trị toàn cầu của mình và đã góp phần quan trọng để “mở lối” cho công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Là nhà cung cấp cho Samsung từ nhiều năm trước, song Goldsun phải luôn đầu tư mới để không bị “loại khỏi cuộc chơi”
Sự hỗ trợ đặc biệt
Hai chuyến công tác đặc biệt đã được các lãnh đạo Samsung Điện tử Việt Nam thực hiện trong những ngày cuối tháng 5/2016. “Mũi giáp công” thứ nhất do ông Han Myoung-sup, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Điện tử Việt Nam dẫn đầu, tới 2 công ty Dây và Cáp điện Ngọc Khánh, In và Bao bì Goldsun. Còn “mũi” thứ hai, là ông Lee Sang Su, Tổng giám đốc Khu phức hợp điện tử gia dụng và công nghệ Samsung TP.HCM (SEHC), tới thăm 3 công ty Ngân Hà, Phước Thành và Minh Đạt.
Đây chính là 5 trong tổng số 9 công ty trong thời gian qua đã nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ các chuyên gia của Samsung để cải tiến quy trình sản xuất và hoàn thiện các tiêu chuẩn trong việc cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các nhà máy của Samsung tại Việt Nam. Thực tế, trong số 5 công ty này, 4 công ty hiện đã nhà cung cấp của Samsung. Goldsun từ 8 năm trước đã bắt đầu thực hiện việc cung ứng bao bì cho các tổ hợp sản xuất thiết bị di động của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Ngân Hà, Phước Thành và Minh Đạt vốn là nhà cung cấp cho Nhà máy SamsungVina (Thủ Đức, TP.HCM), nay chuyển sang cung ứng cho SEHC. Còn Ngọc Khánh đang là nhà cung ứng tiềm năng.
“Samsung thực hiện việc hỗ trợ này với mong muốn sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực để cung ứng sản phẩm cho chúng tôi. Ngay cả với những doanh nghiệp đã trở thành nhà cung ứng chính thức của mình, chúng tôi vẫn tiếp tục có những hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp cải thiện quy trình sản xuất và đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Han Myoung-sup nói.
Trong chuyến đi lần này, ông Han Myoung-sup đi qua từng phân đoạn sản xuất của hai công ty Goldsun và Ngọc Khánh, tỉ mỉ xem xét và đánh giá quy trình sản xuất của từng doanh nghiệp. Thỉnh thoảng, ông dừng lại trao đổi với các đồng sự, đưa ra những đánh giá và góp ý cụ thể để giúp các công ty khắc phục những nhược điểm còn tồn đọng để hoàn thiện quy trình sản xuất. Chẳng hạn, với Công ty Ngọc Khánh là còn bụi và mùi. Với Goldsun, quy trình sản xuất vẫn còn nhiều khâu dừng, làm mất thời gian trong quá trình sản xuất…
Nhấn mạnh những nhận xét của ông Han Myoung-sup là hoàn toàn chính xác, ông Phạm Cao Vinh, Chủ tịch Goldsun cho biết, dù Công ty đã trở thành nhà cung cấp cho Samsung từ nhiều năm trước, song phải luôn đầu tư mới để nâng cao năng lực, nếu không sẽ bị “loại khỏi cuộc chơi”. Để đáp ứng nhu cầu của Samsung, cũng là để nâng cao năng lực cạnh tranh, ngoài nhà máy hiện tại, năm tới, Goldsun sẽ khánh thành một nhà máy mới tại Bắc Ninh, vốn đầu tư 10 triệu USD.
Video đang HOT
“Hàng năm, chúng tôi đều có các khoản đầu tư như vậy”, ông Vinh nói và cho biết, trong tổng doanh thu 36 triệu USD năm 2015 của Goldsun, thì 45% đến từ Samsung và dự kiến năm nay, doanh số từ Samsung sẽ tăng khoảng 30%. Thêm nhà máy mới, năng lực cung ứng của Goldsun sẽ lớn hơn, doanh thu sẽ tăng nhanh hơn.
Mở lối cho công nghiệp hỗ trợ
Nhu cầu của Samsung là rất lớn, bởi thế, những doanh nghiệp nhiều kinh nghiệm như Goldsun “chẳng dại gì” mà không toan tính những bước đi xa hơn. Năm ngoái, Công ty Việt Hưng, một nhà cung cấp cấp 1 của Samsung, cũng nhận được sự hỗ trợ từ chương trình nói trên của Samsung, đã quyết định xây thêm một nhà máy sản xuất bao bì ở TP.HCM, bên cạnh mở rộng nhà xưởng hiện có tại Hưng Yên, để “đón đầu cơ hội” do SEHC mang lại.
Trong khi đó, cả Ngân Hà, Phước Thành và Minh Đạt đều đang trong những ngày tất bật mở rộng sản xuất để kịp cung ứng cho SEHC, đã bắt đầu đi vào hoạt động với quy mô lớn gấp bội so với SAVINA ngày trước và hẳn nhiên, nhu cầu cũng “khủng” hơn nhiều.
“Chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư nhà máy mới và đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều của Samsung, nhất là trong cải thiện quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng đầu ra hiệu quả”, ông Châu Phước, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Nhựa Phước Thành nói và cho biết, nhà máy của Công ty Minh Nguyên, công ty con của Phước Thành, sẽ nằm đối diện SEHC để luôn sẵn sàng cung ứng cho khu tổ hợp này.
Đầu năm nay, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đã trao giấy chứng nhận đầu tư để Minh Nguyên xây dựng nhà máy sản xuất các linh kiện điện tử bằng nhựa, kim loại…, với vốn đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng.
“Khi mới bắt đầu thực hiện quá trình hỗ trợ, đúng là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, nhưng tôi đã nhìn thấy tiềm năng của họ. Các doanh nghiệp này hoàn toàn có năng lực để thực hiện việc cải tổ sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh, có thể cung ứng được sản phẩm cho Samsung”, ông Jang Yoonho, chuyên gia cấp cao của Samsung phụ trách dự án hỗ trợ doanh nghiệp Việt cho biết.
Thực tế, dự án hỗ trợ doanh nghiệp Việt của Samsung được thực hiện từ tháng 9 năm ngoái. Trong 4 doanh nghiệp đầu tiên nhận hỗ trợ, bao gồm Chiến Thắng (thỏi nhôm), An Phú Việt (ép nhựa) và Việt Hưng, Thăng Long (in ấn và đóng gói), ngoài hai doanh nghiệp đã là nhà cung ứng cho Samsung từ trước, thì An Phú Việt sau khi được hỗ trợ cũng đã chính thức trở thành nhà cung cấp cấp 2 cho Samsung. Còn Công ty Chiến Thắng, theo thông tin mới nhất, sau 3 lần nộp hồ sơ bị từ chối, thì sau lần thứ 4, đã vừa chính thức được Samsung lựa chọn là nhà cung cấp cấp 1.
Trong khi đó, ông Vũ Quang Khánh, Chủ tịch Công ty Ngọc Khánh cho biết, Công ty hoàn toàn tự tin đáp ứng được các tiêu chuẩn mà Samsung đề ra để trở thành nhà cung ứng linh kiện cho Tập đoàn. Hiện Ngọc Khánh đang cung ứng cáp đồng cho Yazaki (Nhật Bản), nhà cung cấp linh kiện cho các hãng ô tô nổi tiếng Toyota, Nissan, Honda với quy mô 1.000 tấn/tháng. Đó là cơ sở để ông Khánh tin tưởng vào tiềm năng của Công ty, cũng như tiềm năng nâng cao doanh thu từ mức 33 triệu USD hiện tại, nếu trở thành nhà cung cấp cho Samsung.
Thông tin cho biết, sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của Samsung nhằm tìm kiếm các nhà cung ứng Việt, con số các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Samsung đã tăng lên mạnh mẽ. Từ 4 nhà cung ứng cấp 1 thuần Việt, hiện Samsung đã có 11 doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng cấp 1, cùng 52 doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng cấp 2. Như vậy, tổng số có 63 doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia chuỗi cung ứng của Samsung.
Con số sẽ còn lớn hơn nữa, bởi theo ông Han Myoung-sup, Samsung sẽ tiếp tục quá trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam để họ đủ năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của Samsung. Và đó là cách để Samsung góp phần quan trọng mở lối cho công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Tăng năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững
Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, tổ chức thanh tra lồng ghép để tránh trùng lặp, chồng chéo; thống kê và công khai tin, bài báo chí phát hiện hành vi tiêu cực, cản trở hoạt động của doanh nghiệp (DN) gửi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết... là những hành động quyết liệt, được Chính phủ nêu rõ tại Nghị quyết 35/NQ-CP (NQ35), vừa ban hành trung tuần tháng 5 nhằm xây dựng môi trường kinh doanh (MTKD) lành mạnh cho DN góp phần tăng năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng được Chính phủ ưu tiên hỗ trợ để phát triển. Ảnh: viết thành
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà khẳng định như vậy tại cuộc họp báo giới thiệu NQ35, do Văn phòng Chính phủ tổ chức sáng 27-5, tại Hà Nội.
Doanh nghiệp vẫn gặp khó
Được ban hành ngay sau hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ DN, NQ35 được kỳ vọng sẽ mở ra MTKD thuận lợi, để cộng đồng DN phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD), từ đó đóng góp tích cực cho ngân sách. Tại nghị quyết này, Chính phủ xác định rõ mục tiêu: Đến năm 2020, xây dựng cộng đồng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Cả nước có ít nhất một triệu DN hoạt động, trong đó có các DN quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân đóng góp khoảng 48-49% GDP, 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nhận xét về mục tiêu tăng gấp đôi số lượng DN từ nay đến năm 2020, ông Lê Mạnh Hà cho rằng, đây là "tham vọng" lớn của Chính phủ, bởi hiện nước ta mới có hơn 500.000 DN.
Thực tế cho thấy, để thực hiện NQ 35, còn ngổn ngang công việc. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2015), do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cuối tháng 4, khu vực DN nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn có cảm nhận bị "phân biệt, lép vé" so với các DN lớn trên một số lĩnh vực như: Tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng và hỗ trợ DN. 65% DN nhỏ và siêu nhỏ cho biết phải thường xuyên chi trả chi phí không chính thức. Chỉ 51-61% DNNVV có thông tin về các chính sách ưu đãi của Nhà nước, thấp hơn nhiều so với nhóm DN lớn (77%). Thế nhưng, một hiện tượng đáng lo ngại là các DN có quy mô càng lớn, gánh nặng về thanh tra, kiểm tra càng cao. Các DNNVV thông thường phải tiếp đón 1-2 đoàn thanh tra/năm, trong khi DN quy mô lớn khoảng 3 đoàn/năm. Ngoài ra, 25% DN siêu nhỏ, DN nhỏ và 30% DN vừa cho biết nội dung thanh tra, kiểm tra bị trùng lặp...
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI cho biết, có nhiều thông tin về chi phí không chính thức của DN, chủ yếu liên quan đến các thủ tục kinh doanh có điều kiện; và hầu hết DN cho biết họ phải mất phí "bôi trơn". "Thuế, phí hiện nay chiếm khoảng 40% tổng lợi nhuận của DN, đó là mức cao so với khu vực" - bà Hằng cho biết.
Nhận xét về mức thuế, phí mà DN phải "gồng gánh", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, DN sẽ mất năng lực cạnh tranh từ những chi phí này. "DN và xã hội có quyền yêu cầu làm rõ vấn đề này. Riêng khoản phí giao thông đã ảnh hưởng tới từng cân thịt, cân gạo, mớ rau... của người dân đưa nông sản ra thành phố" - ông Đông nhận định.
Công khai kết quả giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp
Theo ông Lê Mạnh Hà, NQ35 của Chính phủ có 10 nguyên tắc, nổi bật là DN tư nhân được xác định là động lực phát triển kinh tế; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm và tổ chức theo hướng liên ngành để tránh trùng lặp... giúp cho những sự việc đáng tiếc như vụ quán cà phê "Xin chào" không lặp lại. "Nếu các tỉnh, thành phố thực hiện đúng, DN sẽ yên tâm làm ăn" - ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànộimới, Chính phủ sẽ làm gì nhằm giám sát việc thực hiện quy định đã nêu tại NQ35, ông Lê Mạnh Hà khẳng định, với các kiến nghị của DN về MTKD, các bộ, ngành, địa phương, VCCI phải công khai kết quả giải quyết để DN nắm rõ tiến độ; trường hợp tồn đọng cũng phải nêu rõ lý do. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ công khai phản ánh của báo chí về hành vi tiêu cực, gây khó khăn cho DN và kết quả giải quyết vụ việc. Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN sẽ báo cáo, giao ban hằng quý, hằng tháng để Chính phủ nắm rõ tiến độ thực hiện và phương án xử lý.
Liên quan đến những khoản phí không chính thức, ông Lê Mạnh Hà cho biết, VCCI có trách nhiệm thống kê, đánh giá và đề xuất biện pháp giải quyết; UBND các tỉnh, thành phố đối thoại với DN 2 lần/năm để cải thiện tình hình. Nếu phát hiện thanh tra quá 1 lần/năm, DN có quyền không tiếp.
Ông Lê Mạnh Hà cũng khẳng định, ngay sau khi NQ35 được ban hành, TP Hà Nội đã có những bước đi đầu tiên nhằm cải thiện MTKD, thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào thực thi các thủ tục hành chính, tạo tiền đề triển khai chính quyền điện tử. Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT sẽ tiết kiệm khoảng 1 tỷ USD chi phí hành chính cho TP Hà Nội; lớn hơn nhiều là thời gian và chi phí mà cộng đồng DN tiết kiệm được.
Chính phủ đã cụ thể hóa những quy định nhằm xây dựng một MTKD minh bạch. Vấn đề còn lại là sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương nhằm gỡ bỏ những rào cản đang ngáng đường DN, tránh tình trạng Trung ương quyết liệt còn địa phương vẫn y nguyên.
Hương Ly
Theo_Hà Nội Mới
Thuế, phí chiếm 40% lợi nhuận doanh nghiệp Đây là tỉ lệ rất cao so với các nước trong khu vực. Tỉ lệ này sẽ hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Sáng 27-5, Văn Phòng Chính phủ họp báo chuyên đề về Nghị quyết 35 hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Bà Phạm Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp...