Samsung là chủ sở hữu nhiều bằng sáng chế nhất trong năm 2021
Không chỉ có doanh thu khủng vào năm 2021, Samsung còn là chủ sở hữu nhiều bằng sáng chế nhất.
Lợi nhuận hoạt động của Samsung Electronics tăng 53,3% trong quý 4 năm 2021, nhờ doanh thu hàng năm kỷ lục lên tới 13,87 nghìn tỷ won (11,55 tỷ USD) trong giai đoạn tháng 10 đến tháng 12 năm 2021, từ mức 9 nghìn tỷ won trong cùng quý năm trước.
Một thành công khác chắc chắn không thể bỏ qua đó là Samsung đã nộp khoảng 90.416 bằng sáng chế trên toàn thế giới, trong đó có 6.366 bằng sáng chế tại Hoa Kỳ, trở thành công ty được cấp nhiều bằng sáng chế nhất vào năm 2021, vượt qua nhiều công ty lớn, theo dữ liệu gần đây của Bankless Times. Bằng sáng chế là một yếu tố để xác định sức mạnh tài chính cũng như giá trị của một công ty vì vậy thành công trên của Samsung rất lớn.
Trong số 10 công ty có nhiều bằng sáng chế nhất năm 2021, các công ty châu Á đang thống trị. Trong đó, Trung Quốc chiếm sáu trong số mười vị trí. Mỹ và Hàn Quốc mỗi nước có một tên tuổi lớn còn Nhật Bản có hai.
Sau Samsung thì Viện Khoa học Trung Quốc (CAS) đứng thứ hai với hơn 78 nghìn bằng sáng chế. Midea Group và Huawei Investment and Holding lần lượt ở vị trí thứ ba và thứ tư. Đại diện duy nhất của Mỹ trong top 10, IBM đứng thứ 8 với 42.000 quyền sở hữu trí tuệ. Các công ty Nhật Bản Canon và Panasonic lần lượt lọt vào top 10 với 40,706 và 37,538 bằng sáng chế. Dữ liệu còn cho biết Trung Quốc nắm giữ 29% trong số 250 công ty nắm giữ bằng sáng chế trên toàn thế giới. Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản lần lượt có 24% và 19%. Các bằng sáng chế của Mỹ đang giảm xuống, So với khoảng 10 năm trước, số lượng đã giảm 7%. Còn so với năm 2020, số lượng cũng giảm 1%.
Video đang HOT
Nguồn gốc tên gọi hệ điều hành Windows
Một nhà lãnh đạo tiếp thị của Microsoft chọn "Windows" làm tên hệ điều hành máy tính vì từ này được dùng thường xuyên vào thời kỳ manh nha giao diện đồ họa.
Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, máy tính xuất hiện phổ biến trong đời sống hàng ngày, Microsoft Windows trở thành cái tên quen thuộc. Hầu hết chúng ta từng sử dụng, hoặc ít nhất là nghe đến hệ điều hành này.
Có bao giờ bạn thắc mắc: Vì sao tên của một hệ điều hành máy tính lại là "cửa sổ"? Trang Howtogeek cho biết nguồn gốc tên gọi Windows có từ khoảng 40 năm trước.
Phiên bản tiền nhiệm của Windows
Năm 1981, Microsoft bắt đầu phát triển những cấu trúc thô sơ, tiền đề của các tính năng trên Windows sau này. Ban đầu, chương trình có tên Interface Manager. Về cơ bản, đó là một giao diện đồ họa, hoạt động bên trên hệ điều hành MS-DOS.
Microsoft đã chọn Windows là tên gọi của chương trình quản lý giao diện đồ họa đa nhiệm.
Người dùng có thể điều khiển trực quan bằng chuột máy tính, thay vì thao tác hoàn toàn trên dòng lệnh. Nó cũng hỗ trợ đa nhiệm bằng cách hiển thị đồng thời các ứng dụng khác nhau trong mỗi hộp, nằm theo từng vùng của màn hình. Thiết kế này được Xerox PARC tiên phong phát triển trên các máy tính Alto và Star, sau đó Apple cải tiến thêm.
Vào thời điểm đó, ngành công nghiệp máy tính cá nhân bắt đầu phổ biến việc xây dựng giao diện đồ họa đa nhiệm. Những hộp chương trình hiển thị trên màn hình được gọi là "windows" (cửa sổ) và phần mềm quản lý chúng có tên "windowing systems"(hệ thống cửa sổ).
Đầu những năm 1980, có nhiều nhà cung cấp phần mềm loại này cho máy tính cá nhân, gồm IBM với TopView, Digital Research với GEM và VisiCorp với Visi On. Interface Manager của Microsoft cũng là một trong số đó.
Windows ra đời
Năm 1982, Microsoft thuê một Phó chủ tịch tiếp thị tên Rowland Hanson. Ông từng là một nhân vật kỳ cựu trong ngành mỹ phẩm. Hanson mang đến một góc nhìn mới, giúp định hình thương hiệu của công ty bằng cách đặt tên Microsoft trước các sản phẩm, chẳng hạn như Microsoft Word và Microsoft Excel.
Vỏ hộp đựng một chiếc đĩa chứa hệ điều hành Windows 1.01, phát hành vào năm 1985.
Trong khi nghiên cứu tên gọi mới cho Interface Manager, Hanson đọc các bài báo nói về làn sóng hệ thống đa nhiệm trên máy tính cá nhân và đi tìm điểm chung của chúng. Ông nhận thấy thuật ngữ "cửa sổ" được sử dụng rất nhiều khi nói về ứng dụng và chương trình quản lý.
Vì vậy, ông đã chọn Windows là tên gọi mới cho hệ điều hành máy tính của Microsoft. Mỗi khi có ai đó nhắc đến hệ thống giao diện đồ họa đa nhiệm với các cửa sổ ứng dụng, họ sẽ vô tình quảng bá cho Windows.
Cuối cùng Bill Gates quyết định phát triển Interface Manager trở thành Windows. Từ đó, Microsoft Windows ra đời và tồn tại đến ngày nay.
Gã khổng lồ xứ Redmond giới thiệu Windows vào ngày 10/11/1983 trước khi sản phẩm sẵn sàng xuất xưởng nhằm thu hút các nhà cung cấp phần cứng và phần mềm, vốn cũng đang làm việc trên một số hệ thống quản lý giao diện khác nhau.
Khi Windows 1.01 ra mắt vào năm 1985, nó không phải là một sản phẩm đột phá, nhưng theo thời gian, phần mềm này đã dần phát triển thành một hệ điều hành độc lập với MS-DOS.
Ngày nay, Microsoft Windows đã trở thành một thương hiệu khổng lồ. Hệ điều hành này mang đến hàng tỷ USD cho tập đoàn mẹ và sẽ tiếp tục là sản phẩm chủ chốt trong thời gian tới.
48 công ty công nghệ đòi phí cấp bằng sáng chế từ Toyota, Honda và Nissan Hàng loạt hãng công nghệ bao gồm Qualcomm, Nokia, Sony và NTT đang cùng thực hiện một động thái để có thể thu về 15 USD cho mỗi chiếc ô tô được kết nối internet. Theo Nikkei, 48 nhà sản xuất công nghệ viễn thông, bao gồm tập đoàn viễn thông Nokia của Phần Lan, nhà sản xuất chip Qualcomm của Mỹ và...