Sầm Sơn, nơi biển hát bốn mùa
Với bãi cát trắng mịn trải dài, hòa với dòng nước biển trong xanh cùng hệ thống quần thể thắng tích mang đậm màu sắc huyền thoại… tất cả đã khiến cho biết bao tâm hồn bâng khuâng, rạo rực khi về với Sầm Sơn!
Sầm Sơn luôn là điểm dừng chân của hàng triệu lượt khách mỗi năm.
Nhìn một thành phố biển sầm uất như ngày hôm nay, thật khó hình dung được, xưa kia, Sầm Sơn cũng chỉ là một chấm nhỏ trên dải đất hình chữ S với những con người lam lũ sớm hôm. Từ đời này sang đời khác, họ gắn với biển để mưu sinh. Biển cho tôm cá, nuôi sống gia đình họ nhưng cũng chính biển đã gây ra bao mất mát, đớn đau. Đến Sầm Sơn khi ấy, ta bắt gặp những tấm lưng trần sạm đen vì sương gió, những ngọn đèn leo lét của người vợ chờ chồng trở về sau chuyến khơi xa.
Bỗng Sầm Sơn sôi động vào một ngày hè năm 1989, khi tập thể lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đưa ra quyết định mở hội chợ “Hè Sầm Sơn 89″. Thế là, tất cả 23 huyện, thị xã (nay là 27 huyện, thị xã, thành phố) người xe, tre nứa, luồng, gỗ, lương thực, thực phẩm… hành quân về Sầm Sơn dựng ki-ốt trưng bày hàng hóa. Những sản vật từ trung du, miền núi hay đồng bằng, vùng biển… cùng về đây hội tụ. Họ gặp nhau, trò chuyện, trao đổi hàng hóa. Chưa bao giờ Sầm Sơn lại sầm uất như thế!
Một số tài liệu cho biết, ngay từ thời Pháp thuộc, Sầm Sơn đã được đánh giá là bãi biển tốt nhất ở Việt Nam bởi bờ cát mịn, sạch, thoai thoải kéo dài ra phía biển; sóng biển hiền hòa mang nồng độ mặn phù hợp với sức khỏe con người. Người Pháp đã từng xây nhiều villa, biệt thự trên núi Trường Lệ để nghỉ dưỡng, Sầm Sơn đã trở thành điểm nghỉ mát nổi tiếng xứ Đông Dương. Rồi đến vua Bảo Đại – vị vua cuối cùng của triều Nguyễn cũng đã xây cho mình một “hoàng cung” nơi đây để nghỉ ngơi, làm việc. Những năm trở lại đây, dù nhà hàng, khách sạn mọc lên san sát, ken đặc… thế nhưng bên kia con đường biển vẫn hoang hoải như thuở nào.
Bên cạnh đó, thiên nhiên còn phú cho nơi đây một sắc màu lung linh huyền thoại trong quần thể thắng tích: Một hòn Trống Mái tình tứ, lãng mạn ngự trên dãy Trường Lệ; một đền Độc Cước uy nghi thể hiện khát vọng hòa bình, chế ngự giặc dã… bảo vệ sự bình yên cho người dân xứ Thanh; một đền Cô Tiên chênh vênh trên vách núi, hữu tình mà ẩn chứa bao điều kì bí. Xa xa là đảo, là mênh mông biển cả… như muốn nhắc nhở mỗi chúng ta phải giữ gìn sự bình yên cho Tổ quốc, quê hương.
Hiếm có một vùng đất nào ở xứ Thanh vẫn còn những di tích gắn liền với những câu chuyện huyền thoại, in đậm trong tâm thức nhân gian như ở Sầm Sơn này. Một truyền thuyết về Độc Cước – chàng trai đuổi giặc bảo vệ quê hương xứ sở, một truyền thuyết về Bà Triều – tổ nghề chài lưới, lao động dựng xây. Cả hai câu chuyện đều phản ánh ước nguyện của cư dân chài lưới cầu cho cuộc sống đủ đầy, yên ấm và đó cũng chính là niềm mong ước tự bao đời của những người con dân đất Việt.
Đến Sầm Sơn du khách được đắm mình trong huyền thoại của đá và núi. Sừng sững Trường Lệ bao đời đổ bóng xuống tâm thức dân gian tượng hình là Bà Mẹ Núi. Truyện kể rằng: Tại ngọn núi này xưa kia có một người phụ nữ đã qua đời sau khi sinh con, cậu bé có khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, lớn nhanh như thổi, sức khỏe phi thường. Thương mẹ, chú bé nhặt đất đá đắp lên thi hài mẹ để nấm mồ lớn dần thành Núi Trường Lệ. Cậu bé đó trưởng thành trở thành một tràng trai khổng lồ, dũng cảm, phi thường cùng Nhân dân làng chài đánh tan loài quỷ biển, về sau trở thành thần Độc Cước.
Truyền thuyết đất này là bản anh hùng ca chiến trận, ngợi ca những người con làng biển không tên và có tên như Độc Cước, chàng trai đã tự xẻ thân mình ra làm hai nửa vì cuộc sống bình yên của đồng loại. Một nửa người thần theo bè mảng cùng dân chài ra khơi đánh cá và chống lại bầy quỷ biển, nửa còn lại ở lại đất liền bảo vệ dân lành khỏi bị quỷ Đỏ lẻn vào hãm hại. Ngôi đền cổ kính, linh thiêng có tượng thần ngự ở đầu non, dõi nhìn ra biển lớn luôn sáng soi trong tâm thức mỗi người, như ngọn hải đăng dẫn lối cho thuyền bè vào lộng ra khơi cập bến an toàn, tôm cá đầy khoang.
Video đang HOT
Cùng với Độc Cước người anh hùng làng Núi là Tây phương Đại tướng quân – Trần Đức, vị tướng thời Trần có tài tả xung hữu đột khiến giặc ngoại bang phải bạt vía kinh hồn, bỏ mộng xâm lăng và làm cỏ nước Nam. Đền thờ ngài được người làng Trấp và dân trong vùng quanh năm chiêm bái và hương khói phụng thờ… Miền đất bên bờ sóng Sầm Sơn không chỉ ngợi ca những anh hùng chiến trận, mà các làng chài vùng Lương Niệm còn tạc dạ ghi lòng, tri ân công ân đức của Bà Triều – anh hùng văn hóa, bà tổ của nghề xăm súc. Người đã dạy cho ngư dân nghề dệt ngư cụ để đánh bắt được nhiều tôm cá, cuộc sống đủ đầy.
Thiên nhiên đã ban tặng cho Sầm Sơn cảnh sắc kỳ thú, non nước hữu tình, con người nơi đây với lòng tin, tài năng và bàn tay lao động đã xây dựng nên nhiều di tích đình, đền, nhà cổ, xóm chài và thổi hồn mình vào đó, khiến cho Sầm Sơn luôn hấp dẫn, lay động lòng người.
Cái mặn mòi, quyến rũ của Sầm Sơn còn là những con sóng nhấp nhô xô bờ cát dài lấp lóa, là dãy Trường Lệ thuôn dài như người con gái đẹp ngủ quên bên cánh sóng, là những hải sản gom nhặt vị ngọt từ mặn chát của biển dâng đời và có cả trong men nồng của những buổi hoàng hôn bên biển… Kể sao cho hết những cảnh sắc tuyệt vời mà Sầm Sơn đang ôm trọn trong lòng. Dù hơn 100 năm tuổi, nhưng Sầm Sơn mang sức trẻ của một cô gái đôi mươi. Tất cả đều căng tràn nhựa sống! Một khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, một sân golf 18 lỗ hạng links đẳng cấp nhất Việt Nam và khu vực, cùng hàng trăm khách sạn, nhà hàng cao cấp… đã bừng lên sắc thắm gọi mời! Càng đi, càng khám phá du khách càng cảm thấy ngỡ ngàng trước những bức tranh thiên nhiên kỳ thú đó.
Với non nước biển trời đẹp như tranh, có không gian chiêm bái, ngưỡng vọng những biểu tượng cao cả, thiêng liêng hướng về cội nguồn dân tộc, giao cảm với thiên nhiên, khiến du khách đến đây như trút bỏ được mệt mỏi, ưu tư căng thẳng sau những ngày làm việc vất vả, giúp họ cân bằng đời sống tâm linh, thăng hoa trong cuộc sống và tăng thêm nghị lực để vượt lên chính mình. Sầm Sơn thật đẹp!
Những thắng tích tiêu biểu của xứ Thanh
Thanh Hóa là một trong những cái nôi của văn hóa dân tộc. Điều kiện lịch sử, tự nhiên đã tạo tiền đề cho xứ Thanh sớm trở thành một vùng thắng tích tiêu biểu.
Di tích trên đất Thanh Hóa phân bổ trên diện rộng, từ vùng ven biển, núi cao đến khu vực chuyển tiếp đồng bằng với vùng núi và đồng bằng châu thổ tạo nên một vùng thắng tích nổi bật nơi địa đầu "khúc ruột miền Trung", cửa ngõ phía Nam châu thổ sông Hồng. Thắng tích Thanh Hóa là sự kết hợp hài hòa di sản thiên nhiên và sự sáng tạo của bàn tay con người khiến cho thiên nhiên nơi đây đậm tính nhân văn.
Xứ Thanh có rừng, có biển, có đồng bằng châu thổ rộng lớn, sự đa dạng về tự nhiên đã tạo nên nhiều cảnh quan hùng vĩ, tươi đẹp như: cửa Thần Phù (Nga Sơn), biển Sầm Sơn (thành phố Sầm Sơn), Lạch Bạng (Tĩnh Gia), núi Hàm Rồng (thành phố Thanh Hóa), núi Nưa (Triệu Sơn), Pù Luông (Bá Thước - Quan Sơn)... Trong đó Sầm Sơn và Pù Luông tiêu biểu cho "Biển bạc rừng vàng" của Thanh Hóa.
Trong hệ thống cảnh quan bãi biển cửa sông của Việt Nam, Sầm Sơn (thành phố Sầm Sơn - Thanh Hóa) được xem là một bãi biển lý tưởng. Các nhà khoa học khi nghiên cứu về môi trường sinh thái đã tiến hành phân tích, đối chiếu, so sánh các thông số: độ mịn của cát, hàm lượng muối trong nước biển, chế độ thủy triều, độ dốc của bãi biển, các chỉ số về sóng, gió, ánh sáng mặt trời... đã đi đến kết luận: Sầm Sơn có những ưu điểm vượt trội so với các bãi biển khác trên dải đất hình chữ S, mỗi năm thu hút hàng vạn khách thập phương.
Sầm Sơn không chỉ là nơi nghỉ mát mà còn là đểm du lịch sinh thái đậm tính văn hóa. Núi Sầm với mũi Cổ Dải dầm chân trong nước biển, vươn dài ra biển khơi đã tạo nên một "hòn non bộ" khổng lồ. Trên "hòn non bộ" đó là không ít tạo vật đặc sắc, trong đó "hòn Trống Mái" được "thợ trời" tạo dựng là điểm sáng của non nước nơi đây.
Danh thắng Sầm Sơn nhìn từ trên cao.
Cùng với cảnh quan tự nhiên, trên núi Trường Lệ còn có những di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng như đền thờ thần Độc Cước trên đỉnh hòn Cổ Dải, đền thờ Thái Úy nhà Lý Tô Hiến Thành, đền Cô Tiên và đặc biệt là nơi Bác Hồ đã cùng ngư dân Sầm Sơn kéo lưới đánh cá. Địa điểm này đã trở thành di tích kỷ niệm về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Miền núi xứ Thanh có nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ. Trong đó Pù Luông được ví như "Sa Pa của khu vực Bắc miền Trung". Pù Luông nằm ở điểm cực Bắc của huyện vùng cao Bá Thước thuộc địa phận hai xã Thành Sơn (huyện Bá Thước) và Phú Xuân (huyện Quan Hóa), trong không gian của vùng giáp ranh ba tỉnh: Thanh Hóa - Sơn La - Hòa Bình. Pù Luông nằm trong hệ thống núi Tây-Bắc Việt Nam, kéo dài từ Sơn La, qua Hòa Bình đến miền Tây Thanh Hóa, theo hướng Đông chạy tới biển. Tự nhiên đã kiến tạo ở đây một thắng tích "thống nhất đa dạng" của vùng sinh thái đa tạp.
Pù Luông hội tụ các núi đá vôi cao nhất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với nhiều đỉnh cao từ trên 800 mét đến 1.000 mét. Đỉnh Pù Luông cao nhất: 1.587 mét so với mực nước biển. Nhiều núi đá vôi đã biến chất, tạo thành các "bông hoa đá" đa dạng về màu sắc. Quá trình phong hóa và kiến tạo địa chất phức tạp không chỉ tạo cho Pù Luông địa hình hiểm trở, ngoạn mục, mà còn tạo nên những thềm bậc xen giữa các khoảng núi đá, từ đó hình thành các bản người Thái, người Mường.
Pù Luông nằm trong không gian và hệ sinh thái kéo dài từ Mai Châu (Hòa Bình) nối với Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn và Vườn Quốc gia Cúc Phương tạo thành "liên khu sinh thái" Pù Luông-Cúc Phương, được đánh giá là mẫu quan trọng mang tính toàn cầu về hệ sinh thái Karst, là khu vực đất thấp duy nhất còn lại rừng sinh cảnh núi đá vôi ở miền Bắc Việt Nam. Đây là khu vực núi đá vôi rộng nhất trên đất nước ta, một điển hình về hệ sinh thái núi đá vôi.
Pù Luông có 598 loài động vật thuộc 150 họ có xương sống, trong đó có 51 loài quý hiếm (gồm 26 loài thú, 5 loài dơi, 6 loài chim, 5 loài cá nước ngọt, 6 loài bò sát). Trong số này có tới 36 loài được ghi trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới, đặc biệt có tới 13 loài bị đe dọa tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu. Hệ thực vật ở Pù Luông hết sức đa dạng với các cây "siêu cổ thụ" cho đến các loại gỗ quý hiếm gần như chỉ còn sót lại trong rừng già ẩm ướt, quanh năm thiếu ánh mặt trời. Rừng nguyên sinh ở Pù Luông là loại rừng kín nhiệt đới, lá xanh theo mùa gồm: rừng lá rộng đất thấp trên núi đá vôi, rừng lá rộng trên các phiến thạch, sa thạch, đất sét... rừng lá rộng chân núi đá vôi, rừng lá kim châm núi đá vôi và rừng lá rộng chân núi ba-zan.
Trong các dãy núi đá vôi có nhiều hang động: hang Kho Mường, hang Dơi, hang Pó Mường là những hang rộng, thoáng có nhiều nhũ đẹp rất thuận lợi cho hoạt động của người nguyên thủy. Nếu tiến hành điều tra khảo cổ học có thể phát hiện dấu tích cư trú của con người thời tiền sử như động Người Xưa ở Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Các bản người Thái, người Mường trong không gian Pù Luông có lịch sử lâu đời, còn bảo lưu nhiều văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống. Có thể xem địa điểm cư trú của đồng bào thiểu số là "bảo tàng dân tộc học" cho việc nghiên cứu văn hóa tộc người trong điều kiện những "hóa thạch văn hóa" ít bị tác động từ bên ngoài. Bởi vậy nơi đây đang được kiến tạo thành điểm du lịch, nghỉ mát. Những điểm dừng chân đầu tiên trên hành trình đã hình thành ở Son Bá Mười (xã Lũng Cao) và đỉnh Pù Luông (xã Thành Sơn, huyện Bá Thước) thu hút nhiều khách du lịch.
Thành Nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô) là một trong những di sản văn hóa Việt Nam được UNESCO vinh danh. Thành được Nhà Hồ xây dựng trên địa bàn hai xã: Vĩnh Long và Vĩnh Tiến thuộc huyện Vĩnh Lộc. Thành có nhiều tên gọi khác nhau: Khởi đầu là Thành An Tôn, rồi Thành Nhà Hồ, Thành Tây Giai, Thành Tây Đô... Đến nay, tòa thành đá vĩ đại đã đi vào từ điển văn hóa nhân loại với tên gọi Thành Tây Đô.
Thành Tây Đô ở Tây-Bắc tỉnh Thanh Hóa, trong không gian chuyển tiếp từ vùng núi xuống đồng bằng mang dấu ấn của vùng châu thổ sông Mã. Thành được xây dựng vào cuối thế kỷ XIV (năm 1397) do Hồ Quý Ly - nhân vật lịch sử có sự gắn bó, am tường vùng đất, có ý chí, tham vọng, nắm quyền gần như cao nhất trong triều đình nhà Trần chỉ đạo xây dựng.
Trong lịch sử thành cổ Việt Nam, Tây Đô không phải là tòa thành được xây dựng sớm nhất, có quy mô lớn nhất nhưng được tiếp thu, kế thừa những giá trị truyền thống và phát triển cao hơn, là điển hình cho tư duy sáng tạo của người Việt Nam. Thành gồm hai vòng: Thành nội và Thành ngoại. Thành ngoại chủ yếu dựa vào tự nhiên, liên kết các dải đồi thấp, đê sông và sự hợp dòng của sông Bưởi với sông Mã tạo thành hệ thống phòng ngự vòng ngoài. Thành nội có hình vuông, lệch nhau khoảng 3 mét (chiều Bắc - Nam 860 mét, chiều Đông - Tây 863 mét).
Thành có 4 cửa theo 4 hướng: Đông-Tây-Nam-Bắc. Ba cửa Đông, Tây, Bắc là loại cửa đơn, riêng cửa Nam (cửa tiền) có 3 lối đi vào, lối giữa dành cho vua, hai bên dành cho bá quan văn võ. Các cửa thành được xây dựng theo kiểu cuốn vòm bằng các khối đá lớn hình chữ nhật, vuông thành sắc cạnh, mài nhẵn, ghép khít vào nhau. Các khối đá cuốn vòm cửa được đẽo thành hình "múi bưởi" để tăng độ chịu lực và tạo vòm cho cửa. Đá xây thành có kích thước, trọng lượng lớn, có khối nặng tới hơn 10 tấn. Trong điều kiện lao động thủ công thời bấy giờ, việc khai thác, vận chuyển, lắp đặt lên cao là công việc rất mệt nhọc, đòi hỏi óc sáng tạo của người chỉ huy. Nhiều vấn đề về kỹ thuật, mỹ thuật xây dựng thành đến nay vẫn còn là bí ẩn chờ được giải mã.
Thành nội được đắp bằng đất trộn đá cuội nhỏ, phía ngoài được bao bởi các khối đá lớn. Nét đặc biệt của tường thành là việc dùng đá khối lớn hình chữ nhật vuông vắn có khối lượng đồ sộ, trung bình nặng từ 6-8 tấn, cá biệt có khối hơn 20 tấn xây phía ngoài của tường thành. Học giả nước ngoài khi nghiên cứu về tường thành đã phải thốt lên: Thành Tây Đô là mẫu mực về việc sử dụng những khối đá to lớn được đẽo gọt và ghép một cách tài tình. Quy mô tòa thành cho thấy đã có hàng triệu khối đất, đá được đào đắp, khai thác, vận chuyển đến để xây dựng thành. Kỳ tích này được hoàn thành trong "thời gian huyền thoại"- 3 tháng.
Cách thành nội khoảng 50 mét là hệ thống hào thành bao quanh. Hào thành vừa là thành tố "thành cao, hào sâu" của kiến trúc thành cổ vừa có tác dụng điều hòa môi trường trong mùa nóng và thoát nước khi kinh thành vào mùa mưa. Trong nội thành vẫn lưu giữ dấu tích quần thể kiến trúc hai vương triều Trần và Hồ.
Trong không gian Thành Tây Đô còn là các công trình khác như đàn tế Nam Giao, xưởng đúc tiền, làng hoa cùng mạng lưới đường xá được xây dựng trong quá trình đô thành hóa khu vực.
Xứ Thanh còn rất nhiều di sản văn hóa được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tiêu biểu là di tích Lam Kinh. Lam Kinh được xếp hạng trong đợt đầu của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đến nay được nâng cấp thành Di tích quốc gia đặc biệt.
Quần thể kiến trúc Lam Kinh thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân (nay thuộc thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân). Di tích có liên quan đến dòng họ Lê Lợi từ khi dựng nghiệp, là cái nôi của khởi nghĩa Lam Sơn và cũng là Lam Kinh - Tây Kinh của quốc gia Đại Việt. Lam Kinh hội tụ những giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa vùng đất Lam Sơn và vương triều Hậu Lê từ buổi sáng nghiệp đến thời Trung hưng trong "Kỳ nhà Lê".
Không gian văn hóa vùng núi Lam là nơi tiến hành các lễ hội văn hóa truyền thống hàng năm với nhiều lễ thức, diễn xướng nhằm tôn vinh, tưởng nhớ công đức của anh hùng dân tộc Lê Lợi trong sự nghiệp bình Ngô. Lễ hội Lam Sơn được tiến hành 3 ngày, từ 21 đến 23 tháng 8 âm lịch là lễ hội văn hóa - lịch sử lớn nhất xứ Thanh.
Trung tâm di sản Lam Kinh là khu điện miếu Lam Kinh, đền thờ, lăng mộ các vị vua triều Lê sơ. Khu điện miếu gồm: hồ bán nguyệt, nghi môn, sân điện, tòa đại điện Diên Khánh, tòa Thái miếu và các công trình có liên quan đến chính điện Lam Kinh... được xây dựng trong nhiều năm, từng bước hoàn thiện trong triều Lê sơ trở thành kinh đô thứ hai (Tây Kinh) của vương triều Hậu Lê. Các công trình này không chỉ tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc, mỹ thuật thời Lê sơ mà còn phản ánh bước chuyển của mỹ thuật truyền thống dân tộc từ thời Trần sang thời Lê và quá trình dân gian hóa nghệ thuật trong thời Lê Trung Hưng.
Cũng với điện miếu là các lăng mộ, bia ghi công đức của các vị Hoàng đế, Hoàng hậu của vương triều như lăng Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao... Các khối bia cùng tượng quan hầu, tượng thú dựng ở các lăng được xem là những tác phẩm điêu khắc có giá trị mang dấu ấn nghệ thuật Lê sơ.
Song song với việc tôn tạo khu điện miếu, lăng mộ... một bảo tàng Lam Sơn cũng được xây dựng. Cung điện, lầu son gác tía xưa, nay đang được đầu tư tôn tạo để xứng đáng là khu di tích đặc biệt quan trọng, điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch xuyên Việt.
Vùng thắng tích Thanh Hóa với những di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu phản ánh chiều sâu văn hóa, bề dày lịch sử là tài sản vô giá của dân tộc.
Khám phá khu du lịch sinh thái vườn chim Thung Nham Khu du lịch sinh thái vườn chim Thung Nham cách thành phố Ninh Bình khoảng 12km về phía đông, nằm trọn trong vùng lõi của quần thể danh thắng Tràng An, cạnh khu du lịch nổi tiếng Tam Cốc-Bích Động. Khu du lịch sinh thái vườn chim Thung Nham cách thành phố Ninh Bình khoảng 12km về phía đông, nằm trọn trong vùng...