Sâm Ngọc Linh ở Kon Tum chết vì nấm
Sáng 6/7, ông Nguyễn Hoài Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum cho biết, Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung (thuộc Cục Bảo vệ thực vật) đã có kết quả giám định bước đầu về nguyên nhân sâm Ngọc Linh chết.
Theo đó, kết quả giám định của Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung với lá sâm Ngọc Linh của cây bị bệnh ở xã Ngọc Linh và Măng Ri (huyện Tumơrông) đều phát hiện nấm Puccini sp; trên mẫu củ sâm Ngọc Linh thu tại xã Ngọc Linh phát hiện nấm Rhizoctonia sp. Ngoài ra, trong mẫu đất thu tại xã Ngọc Linh có tuyến trùng ký sinh thực vật, mẫu còn lại tại xã Măng Ri không có tuyến trùng gây hại.
Từ kết quả giám định ban đầu của Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum khuyến cáo các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, trừ sinh vật gây hại trên cây sâm Ngọc Linh.
Cụ thể, người dân cần thường xuyên kiểm tra vườn nhằm phát hiện sớm các đối tượng sinh vật gây hại và chủ động phòng, trừ bệnh sớm. Vệ sinh vườn cây để thạo độ thông thoáng, tách những cây bị bệnh ra khỏi luống và trồng vào giá thể mới để tránh bệnh lây lan; sửa chữa, bổ sung mái che cho luống trồng để mưa không tác động trực tiếp vào cây sâm nhằm hạn chế nấm lây lan bệnh. Cùng đó, bổ sung mùn núi đã được xử lý bằng các chế phẩm sinh học từ 3-6 tháng/lần để tăng dinh dưỡng cho cây….
Hiện tại, một số vườn cây, số cây sâm Ngọc Linh chết vẫn còn. Dạo quanh một số vườn sâm Ngọc Linh ở huyện Tumơrông, tại các vườn cây 1-3 năm tuổi, số cây sâm bị vàng lá, héo dần, thối củ vẫn còn xuất hiện tại vườn cây.
Video đang HOT
Là một người có thâm niên trồng sâm Ngọc Linh, mấy tháng qua, chị Y Bắp, làng Đăk Viên, xã Tê Xăng huyện Tumơrông vẫn lo lắng từng ngày trước tình trạng sâm chết nhiều ở các vườn sâm.
Theo chị Y Bắp, trước khi xuống giống để trồng, người dân không biết được những cây sâm Ngọc Linh lại bị bệnh như thế này. Khi cây bắt đầu lên mầm trông rất đẹp, phát triển tốt. Đến khoảng tháng 3-4 năm nay thì mưa nhiều quá, lá cây sâm Ngọc Linh bắt đầu chuyển sang màu vàng, héo dần. Người dân kiểm tra thì thấy một số củ bị hư một nửa, có củ hư toàn bộ. Thấy cây sâm bị bệnh bà con rất lo lắng nhưng không biết cứu chữa thế nào.
Diện tích sâm Ngọc Linh bị bệnh chết rất nhiều, thường tập trung ở cây 1-2 tuổi. Sốt ruột khi thấy cây sâm Ngọc Linh bị bệnh chết và tình trạng này đã kéo dài nhiều tháng nay, song gia đình chị Y Bắp cũng như những hộ dân khác ở làng Đăk Viên vẫn đang rất lúng túng trong việc tìm cách cứu cây sâm Ngọc Linh.
Có thể nói, cây sâm Ngọc Linh bị bệnh đang gây thiệt hại rất lớn về kinh tế đối với người dân, nhất là với các vườn ươm năm nay. Hiện mỗi cây sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi có giá bán trên thị trường khoảng 300 nghìn đồng và cây từ 3 năm tuổi trở lên là hàng triệu đồng. Việc hàng chục nghìn cây sâm chết, gây thiệt hại rất lớn cho người dân nơi đây…
Đẩy nhanh triển khai cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm nông nghiệp
An Giang là một trong những tỉnh có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và hướng tới xuất khẩu nông sản, tỉnh An Giang đang đẩy mạnh triển khai cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm nông nghiệp, qua đó, tạo điều kiện cho nhiều loại nông sản mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tỉnh An Giang sẽ hình thành các vùng chuyên canh, chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua, đơn vị phối hợp với Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã thực hiện việc cấp mã số vùng trồng rất bài bản.
Tính đến nay, tỉnh An Giang đã được cấp 180 mã số vùng trồng (gồm 139 mã số xoài, 7 mã số chuối, 4 mã số mít, 30 mã lúa) và 21 mã số cơ sở đóng gói. Đặc biệt, mã số vùng trồng cấp cho cây xoài chiếm nhiều nhất với diện tích trên 6.734 ha, tương đương 37% tổng diện tích cây ăn quả của toàn tỉnh.
Cụ thể, mã số vùng trồng trong tỉnh đăng ký xuất khẩu sang các thị trường khó tính (ngoài thị trường Trung Quốc) đến nay, có 104 mã số; trong đó, có 66 mã số công ty/doanh nghiệp đứng đại diện, 38 mã số của hợp tác xã, tổ hợp tác đứng đại diện, với tổng diện tích trên 1.973 ha.
Mã số vùng trồng trong tỉnh đăng ký xuất khẩu sang thị trường EU có 2 mã số, với diện tích 21,8 ha của Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit trên xoài keo tại An Phú; và 1 mã số vùng trồng xoài đăng ký xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc.
Riêng, thị trường Trung Quốc, toàn tỉnh đã có 30 mã số vùng trồng cho xoài với diện tích 7.195ha, 7 mã số vùng trồng cho chuối với diện tích 386 ha chủ yếu ở huyện Tri Tôn, 4 mã số vùng trồng cho mít với diện tích 86 ha (tập trung tại thành phố Châu Đốc, huyện Chợ Mới và thị xã Tân Châu), cùng 19 mã số được cấp cho các cơ sở đóng gói, chủ yếu tại các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, Chợ Mới, An Phú.
Bên cạnh đó, An Giang hiện có 30 mã số vùng trồng trên lúa, nếp với diện tích 1.980 ha với các giống lúa OM 5451, OM 18, Đài thơm 8, nếp với các giống IR 4625, CK 2003 đã được cấp cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời phân bố các huyện Thoại Sơn, Phú Tân, Tri Tôn, Châu Thành của tỉnh An Giang. Các mã số vùng trồng lúa và nếp này để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản (364 ha), Châu Âu (336 ha), còn lại tiêu thụ trong nước.
Ngoài ra, tỉnh An Giang cũng đã chứng nhận vùng và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho 2 doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản với diện tích 254,63 ha (vùng ương giống tập trung Công ty Cổ phần cá Tra Việt Úc có diện tích 104,63 ha và vùng ương giống tập trung Công ty TNHH MTV nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú có diện tích 150 ha); góp phần đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu quy mô lớn, hướng đến xuất khẩu bền vững.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, tính đến cuối năm 2021, tổng diện tích sản xuất lúa và rau màu, cây ăn trái toàn tỉnh là trên 260.000 ha; trong đó, có 229.791 ha trồng lúa, hơn 18.000 ha rau màu và trên 17.421 ha cây ăn quả (chủ yếu là xoài là 11.896ha, chuối 872 ha, nhãn 481 ha, cây có múi 1.516ha, mít 948 ha,...)
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho rằng, việc cấp mã số, kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng có ý nghĩa quan trọng đối với xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh An Giang, qua đó khuyến khích người dân sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, thuận lợi trong việc liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Để từng bước cao chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu, thời gian tới, ngành nông nghiệp An Giang sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Cục Bảo vệ Thực (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp mã số đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như: lúa, rau màu, cây ăn trái....
Phấn đấu trong năm 2022, An Giang sẽ có 860 mã số vùng trồng được cấp cho các cây trồng chủ lực của tỉnh như lúa, xoài, cây có múi, nhãn, mít, sầu riêng và rau màu các loại. Trong đó, với lúa cấp 543 mã trên 38.010 ha, rau màu cấp 185 mã trên 925 ha và cây ăn trái cấp 131 mã trên 2.620 ha.
Cấp 20 mã số vùng trồng rau đủ tiêu chuẩn xuất khẩu Ngày 1/1, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, Cục Bảo vệ thực vật vừa cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu cho 20 vùng trồng rau của tỉnh Hải Dương với tổng diện tích 163 ha; trong đó, có 13 mã số cho vùng trồng...