Sắm 100 tàu bám biển cùng ngư dân
Đại hội cổ đông Công ty CP Đức Khải đã thông qua nghị quyết đầu tư 100 tàu đánh cá với công suất 500 – 1.500 mã lực và 2 trực thăng để cùng ngư dân bám biển. Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Ngọc Lâm (ảnh), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải, xung quanh chương trình này.
Dự kiến trong tháng 8, những chiếc tàu này sẽ về đến VN – Ảnh: Đ.S
Cụ thể kế hoạch này như thế nào thưa ông?
Ông Phạm Ngọc Lâm
Trong 100 chiếc tàu nói trên có 95 chiếc chuyên dụng bám biển để đánh bắt, khai thác thủy – hải sản tại 5 ngư trường lớn gồm: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng. 5 chiếc chuyên dụng công tác hậu cần, cứu hộ, cứu nạn, có nhiệm vụ chuyên chở lương thực, thực phẩm cung cấp cho các tàu đánh bắt và nhận sản phẩm đánh bắt được về đất liền. Ngoài ra, chúng tôi đầu tư 2 ụ nổi, với sức chứa 5.000 tấn, đặt tại ngư trường đánh bắt để tiếp nhận thủy hải sản sau đánh bắt, sau đó phân loại để sơ chế, bảo quản. Đối với những sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, khi đủ số lượng sẽ đưa lên tàu vận chuyển trực tiếp đi nước ngoài. 2 trạm hậu cần còn là nơi chăm sóc sức khỏe, tiếp tế hoặc bảo trì sửa chữa nhỏ cho các tàu đánh bắt. Riêng 2 chiếc trực thăng sử dụng để cứu nạn, cứu hộ hoặc các trường hợp khẩn cấp khác.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối tháng 11 sẽ hoàn tất việc mua sắm tàu, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng…, tháng 12 sẽ đưa vào vận hành thử và đầu năm 2015 sẽ chính thức hoạt động.
Video đang HOT
Làm thế nào để triển khai nhanh được như vậy?
Chúng tôi chọn hình thức mua lại các tàu cũ từ các nước phát triển và có kỹ thuật cao về đóng tàu và đánh bắt như Nhật, Hàn Quốc, Úc và Mỹ; 2 chiếc trực thăng sẽ mua từ các nước châu Âu. Đến thời điểm này, chúng tôi đã liên hệ và xác nhận được với các đối tác khoảng 45 chiếc tàu các loại. Nếu không có gì trở ngại thì 45 chiếc tàu này sẽ về đến VN trước 30.8.
Quyền lợi của ngư dân sẽ được tính toán như thế nào trong chương trình này ?
Công ty sẽ tuyển dụng ngư dân làm thuyền viên, sau đó tổ chức các đợt đào tạo về đánh bắt, sơ chế… Tất cả thuyền viên trên tàu sẽ được hưởng lương theo nguyên tắc phân chia tỷ lệ thu nhập ngư dân 65%, công ty 34% và 1% sẽ đóng góp cho quỹ kiểm ngư để hỗ trợ. Kể cả những mùa tàu không đi đánh bắt được, họ cũng sẽ được nhận trợ cấp đảm bảo mức thu nhập không dưới 5 triệu đồng/người/tháng. Khi ngư dân có thu nhập cao hơn 10 triệu đồng/người/tháng, công ty sẽ có chính sách khuyến khích họ trích số tiền vượt trên 10 triệu đồng ưu tiên mua lại cổ phần của công ty. Như vậy, chỉ sau khoảng 3 – 5 năm, ngư dân sẽ dần thay thế công ty, trở thành những chủ tàu.
Việc nhập 100 chiếc tàu đánh bắt cá công suất lớn này có gặp trở ngại gì không, thưa ông?
Hiện nay, quy định hiện hành chỉ cho phép nhập khẩu tàu với vật liệu bằng vỏ sắt đã qua sử dụng không quá 8 năm. Đây là một trở ngại lớn vì theo nghiên cứu thực tiễn của một số nước phát triển về công nghệ đóng tàu và đánh bắt thủy hải sản thì tàu vỏ sắt vận tải xuyên đại dương sử dụng từ 25-30 năm; tàu chuyên dụng để đánh bắt, khai thác thủy hải sản công suất 500 – 1.500 mã lực sản xuất bằng vật liệu composite, sợi thủy tinh và hợp kim nhôm thời gian sử dụng kéo dài từ 40 – 50 năm. Để thực hiện đề án này một cách hiệu quả, nhanh chóng, chúng tôi đã trình Chính phủ xin một số cơ chế hỗ trợ, ưu đãi để thực hiện thí điểm. Ngoài ra, để thực hiện việc đầu tư này một cách hiệu quả, chúng tôi rất cần sự đóng góp ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia, các ngư dân cho chương trình này.
Theo TNO
Đại gia đình 4 đời bám biển Hoàng Sa
Với gia đình ông Trương Văn Trọng (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), ngư trường Hoàng Sa đã là máu thịt. Ngư trường ấy không chỉ giúp ông Trọng nối nghiệp cha truyền, nuôi 9 đứa con khôn lớn và "tiếp lửa" cho con sắm đội tàu gia đình vươn khơi đánh bắt, giữ vững ngư trường truyền thống và góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Nối nghiệp cha "cưỡi sóng" Hoàng Sa
Nhà ông Trương Văn Trọng tọa lạc trong con hẻm nhỏ đường Trần Cao Vân (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) những ngày đầu tháng 6 đông vui hơn khi những đứa con của ông vừa trở về sau chuyến vươn khơi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Ông Trọng sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghề biển. Từ khi còn nhỏ, cậu bé Trọng đã theo cha tập tành đi biển. Năm 15 tuổi, Trọng đã nhận cú sốc lớn khi cha và chú bỏ xác giữa biển khơi bởi những con sóng dữ trong chuyến giong buồm ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản. "Hồi đó, tàu nhỏ và chưa có động cơ, máy móc hiện đại như bây giờ, nên bão ập đến mà không hề biết" - ông Trọng nhớ lại.
Sau những năm theo bạn tàu bám biển Hoàng Sa, ông Trọng vay mượn thêm tiền đóng tàu 60CV. Những chuyến ra ngư trường truyền thống "thuận buồm xuôi gió" trở về đã giúp gia đình ông dần trả hết nợ, nhưng rồi tai họa một lần nữa giáng xuống. "Hôm đó tui đang đánh bắt thì thấy chiếc tàu nhỏ chạy tới áp mạn rồi những người trên tàu nhảy lên hung hãn xua bọn tui xuống chiếc tàu nhỏ để "nhường" chiếc tàu của tui lớn hơn cho chúng, có lẽ là bọn vượt biên", ông Trọng nhớ lại: "Không ít lần đối mặt với khó khăn, nhưng tui chưa bao giờ có ý định bỏ nghề, bỏ ngư trường Hoàng Sa truyền thống".
Ngư dân Trương Văn Hay (con ông Trương Văn Trọng) trên chiếc tàu cá bị tàu Trung Quốc tông hư hỏng khi đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa
Biển khơi đã lấy đi không ít nước mắt, nhưng sau 40 năm nối nghiệp cha "cưỡi sóng" Hoàng Sa, gia sản ông Trọng để lại cho 9 đứa con là hai chiếc tàu đánh cá và những kinh nghiệm quý giá của nghề biển. Niềm vui càng được nhân lên khi cả 9 đứa con của ông (8 trai, 1 gái) đã yên bề gia thất và lần lượt sắm tàu công suất lớn vươn khơi. "Tui không còn đủ sức, nhưng mấy đứa con tui, cháu tui nối nghiệp vươn khơi bám biển. Bây giờ, tui chỉ có thể phụ giúp con cháu sửa lại ngư lưới cụ sau mỗi chuyến đi biển để vơi đi nỗi nhớ biển, nhớ Hoàng Sa".
Không thể bỏ ngư trường truyền thống
Vừa trở về sau chuyến bám biển ngư trường Hoàng Sa, anh Trương Văn Hay - người con thứ tư của ông Trọng cho biết, hơn 30 năm bám biển Hoàng Sa anh nhiều lần bị tàu Trung Quốc xua đuổi. Kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam thì các tàu Trung Quốc ngày càng hung hãn. Nhưng sóng gió biển Đông không thể làm ngư dân nản lòng bám ngư trường truyền thống. Trong chuyến đi biển vừa qua, chiếc tàu cá ĐNa 90235 TS do anh Hay làm thuyền trưởng và cũng là chủ tàu bị tàu Trung Quốc số hiệu 70715 nhiều lần rượt đuổi, đâm hư hỏng, phải sửa hết khoảng 150 triệu đồng. Từ ngày 15 - 20/5, tàu ĐNa 90235 TS bị tàu Trung Quốc số hiệu 70715 nhiều lần rượt đuổi, đâm hỏng phần lái, sập ca bin sau, thậm chí còn dùng "vật lạ" như mũi phá băng đâm một lỗ vào tàu của anh Hay rồi bỏ đi. Anh Hay và các ngư dân trên tàu vừa bơm nước ra, vừa lặn xuống bít tạm lỗ thủng, trở về bờ sửa chữa để sớm trở lại Hoàng Sa.
"Cha luôn dặn anh em tui rằng, cha nuôi các con khôn lớn là nhờ ngư trường Hoàng Sa. Các con phải gắng bám giữ ngư trường Hoàng Sa mà đánh bắt, làm giàu. Mặc dù sóng gió tai ương có thể ập đến bất cứ lúc nào, nhưng anh em tui quyết giữ lấy nghề biển của gia đình, hỗ trợ nhau đóng tàu lớn hơn bám ngư trường truyền thống và sau thế hệ chúng tôi cũng đã có những đứa con, cháu trong gia đình nối nghiệp" - anh Hay tự hào nói.
Anh Trương Văn Kinh - người con thứ 8 của ông Trọng chia sẻ: "Anh em tui dựng được nhà, nuôi con ăn học cũng nhờ ngư trường Hoàng Sa. Hoàng Sa là biển của mình nên mình cứ đánh bắt, có khó khăn đến đâu anh em tui cũng không bỏ ngư trường truyền thống".
Ông Trương Văn Trọng phụ giúp sửa lại ngư cụ của các con sau mỗi chuyến đi biển về
Ưu tiên những gia đình có truyền thống bám biển
Theo anh Trương Văn Hay, mặc dù đội tàu của anh em trong gia đình được cải tạo, đóng mới với công suất lớn hơn nhiều trước đây, nhưng vẫn là tàu vỏ gỗ nên gặp không ít khó khăn khi trên biển Đông ngày càng xuất hiện những cơn bão lớn và tàu vỏ sắt của Trung Quốc ngày càng hung hãn rượt đuổi, tấn công.
Vì vậy, khi nghe Chính phủ có chủ trương cho ngư dân vay vốn ưu đãi đóng tàu công suất lớn, đặc biệt là tàu vỏ sắt thì anh Hay và nhiều ngư dân hồ hởi: "Nhà nước cho ngư dân vay vốn ưu đãi đóng tàu vỏ sắt với lãi suất thấp tui làm liền. Tàu vỏ sắt vốn đầu tư lớn, nhưng đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, kể cả hệ thống cấp đông giúp ngư dân bám biển dài ngày và không sợ nguy hiểm khi đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa truyền thống".
Tuy nhiên, các anh em trong đại gia đình ngư dân Trương Văn Trọng đều cho rằng, để triển khai hiệu quả gói ưu đãi, Nhà nước cần rà soát kỹ và phải ưu tiên cho những gia đình ngư dân yêu biển, có truyền thống bám ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa...Vì nếu giao cho những người không biết làm biển, không yêu biển thì sẽ không đem lại hiệu quả như một số dự án hỗ trợ ngư dân những năm 1998 - 2000.
Bên cạnh chương trình hỗ trợ lãi suất đóng phương tiện đánh bắt xa bờ, cần phải có những lớp đào tạo, trang bị kinh nghiệm đánh bắt bằng tàu cá hiện đại cho ngư dân; Ngăn chặn tình trạng tư thương ép giá... nhằm bảo vệ quyền lợi cho ngư dân vươn khơi đánh bắt xa bờ, bảo vệ ngư trường truyền thống và góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc". Ngư dân Trương Văn Hay
Theo Duy Lợi (Giaothongvantai.com.vn)
Đối diện với "quái thú" ở Hoàng Sa Những ngư dân Núi Thành (Quảng Nam) can trường bám biển Hoàng Sa, Trường Sa, họ trở thành những cột mốc sống giữa biển, góp sức mình bảo vệ chủ quyền, ngư trường truyền thống. Ra Hoàng Sa, đối diện với các loại tàu Trung Quốc, họ trở thành những "phóng viên" bất đắc dĩ ghi lại những hình ảnh tàu Trung Quốc...