Salomon Kalou bị yểm bùa vì nhường bồ cho anh
Christelle Gnahoua, nữ diễn viên xinh đẹp người Bờ Biển Ngà vừa thừa nhận cô đã thuê pháp sư yểm bùa, nguyền rủa tiền đạo Salomon Kalou không thể ghi bàn sau khi tiền đạo Chelsea bội ước, hủy bỏ đám cưới của hai người vào năm 2010.
Kalou bị nguyền rủa vì bạc tình
Từng được đánh giá là một ngôi sao mai tiềm năng của bóng đá thế giới, Salomon Kalou nhanh chóng đánh mất phong độ sau khi rời Feyenoord gia nhập Chelsea. Nhiều người cho rằng Kalou chỉ là một nạn nhân của “lò xay tài năng trẻ” Chelsea và cách làm bóng đá của chủ tịch Roman Abramovich. Tuy nhiên, nữ diễn viên Christelle Gnahoua – người yêu cũ của tiền đạo Salomon Kalou lại không nghĩ như vậy. Người đẹp cho rằng cô phải chịu một phần trách nhiệm cho sự thất bại của ngôi sao Bờ Biển Ngà tại Chelsea.
Salomon Kalou bị bạn gái cũ nguyền rủa vì bạc tình
Trả lời phỏng vấn tạp chí Selec (Bờ Biển Ngà) Gnahoua thừa nhận cô từng nguyền rủa bạn trai cũ không thể ghi bàn sau khi hai người chia tay. Nhưng Kalou đã làm gì nên tội mà Christelle Gnahoua lại hành động độc ác như vậy? Lý giải cho việc làm của mình, nữ diễn viên xinh đẹp chia sẻ: “Tại thời điểm đó, chúng tôi đã đính hôn và anh ta làm tôi tin rằng mối quan hệ ấy sẽ dẫn chúng tôi tới một đám cưới vào năm 2010. Thành thật mà nói, tôi không nghĩ Salomon lại làm tôi bẽ mặt như vậy”.
Gnahoua có nằm mơ cũng không ngờ rằng có ngày Kalou lại bỏ rơi cô vì … một người đàn ông. Cựu tiền đạo Chelsea không phải hạng người đam mê sắc dục. Anh từng lột trần như nhộng trên tờ The Sun và tuyên bố xanh rờn: Bóng đá hơn hẳn sex. Kalou cũng chẳng phải dân đồng tính bởi người đàn ông được chân sút Bờ Biển Ngà “nhường” bạn gái chính là anh trai của anh, Bonaventure Kalou.
Khổ nỗi, nếu Kalou chạy theo một chân dài khác thì còn đỡ. Đằng này, anh lại “nhường” bạn gái cho ông anh thì chẳng quá coi Gnahoua là “hàng hóa”. Việc làm của Kalou gần như đánh gục cô bạn gái xinh đẹp. Gnahoua thổ lộ: “Tôi đã bị suy sụp và thậm chí còn nguyền rủa anh ta rất nhiều. Tôi không muốn anh ta ghi bàn nữa”.
Salomon Kalou nên cảm ơn Chúa
Nguyền rủa bằng mồm thì đã đành, Gnahoua còn thuê hẳn một pháp sư dòng tôn giáo Voodoo yểm bùa chân sút Bờ Biển Ngà để đạt hiệu quả cao nhất có thể. Không ai còn lạ gì những ông thầy Voodoo bởi họ từng nguyền rủa Cristiano Ronaldo và đội tuyển Đức tại vòng chung kết World Cup 2014. Kết quả thì sao? Cả Ronaldo và “Cỗ xe tăng” vẫn chạy ầm ầm.
Bonaventure Kalou, anh trai Salomon Kalou.
Tuy nhiên, trường hợp của Salomon Kalou có một chút khác biệt. “Muốn cởi nút thì phải tìm người thắt nút”, Christelle Gnahoua đã đi tìm vị pháp sư kia nhờ ông hóa giải lời nguyền dành cho cựu tiền đạo Chelsea. “Tôi từng rất hận Salomon nhưng bây giờ tôi đã là một người theo đạo Cơ đốc. Vì vậy, tôi đã tha thứ cho anh ta” – Gnahoua chia sẻ với tạp chí Selec.
Kalou vừa ghi bàn thắng duy nhất và cũng là pha “nổ súng” đầu tiên trong màu áo Hertha Berlin, giúp đội nhà đánh bại Wolfsburg vào thứ Sáu tuần trước. Sau khi ghi bàn, Kalou đã ngửa mặt lên trời như muốn gửi lời cảm ơn tới Chúa đã giúp anh thoát khỏi lời nguyền độc ác của cô bạn gái cũ.
Theo VNE
Làn sóng cầu thủ Surinam nhập cư vào Hà Lan: Đã đến thời kỳ mai một?
Giovanni Drenthe (23 tuổi, CLB Excelsior) quyết định khoác áo ĐT Surinam, trái ngược với người anh ruột Royston Drenthe vốn nổi tiếng hơn.
Giovanni Drenthe là cầu thủ mới nhất quyết định khoác áo ĐT Surinam dù anh trai Royston từng là tuyển thủ Hà Lan.
Một mặt, đấy là do chính sách mới ở Surinam, khuyến khích các tài năng bóng đá Surinam trở về phục vụ quê hương (trước đây, Surinam không bao giờ khuyến khích điều này).
Mặt khác, đấy cũng là do chính sách của Hà Lan, thắt chặt vấn đề quốc tịch và không dễ dàng mở cửa cho các tài năng đến từ nước ngoài. Hà Lan chọn một con đường khác hẳn con đường mà các nước xung quanh như Pháp, Đức, Bỉ đã chọn.
Trước World Cup 2006, người ta hồi hộp chờ xem Salomon Kalou có khoác áo ĐT Hà Lan và đối đầu với người anh ruột Bonaventure Kalou trong ĐT Bờ Biển Ngà hay không. Kalou khi ấy đã là ngôi sao nổi tiếng trong màu áo Feyenoord. Nhưng bộ tư pháp Hà Lan quyết định anh chưa đủ tư cách nhập tịch. Bất mãn, Kalou chuyển sang Chelsea, thề không bao giờ chơi bóng ở Hà Lan nữa. Sau đó, anh đồng ý khoác áo Bờ Biển Ngà.
Tất nhiên, Bờ Biển Ngà không phải là Surinam. Nhưng vấn đề tổng quát thì khá tương đồng. Muốn nhanh chóng nhập tịch và dễ khoác áo ĐTQG? Bạn hãy sang Đức. Tại đấy, người ta đang có nhu cầu giới thiệu với thế giới về một xã hội đa sắc tộc. Hà Lan thì khác.
Vả lại, chính sách của chính quyền Hà Lan thì, suy cho cùng, cũng chỉ là sự phản ánh đời sống xã hội Hà Lan. Người dân Hà Lan có sẵn sàng tôn vinh các tài năng đến từ bên ngoài, hoặc cụ thể hơn là "những chàng trai Paramaribo"? Hãy hỏi Edgar Davids. Tại EURO 1996, một cuộc "nội chiến" về quyền lực đã tiến đến mức sắp bùng nổ giữa 2 nhóm cầu thủ da đen và da trắng trong đội. Để dập tắt mọi chuyện, HLV Guus Hiddink lập tức đuổi Davids (của phe Surinam) về nước.Không có gì lạ khi lực lượng ngôi sao đến từ Surinam ngày càng giảm đi, cả về chất lẫn về lượng, trong làng bóng Hà Lan vài năm gần đây. Khá nhất có lẽ chỉ là Nigel de Jong. Một mặt, thời đỉnh cao (giữa thập niên 1990) của "những chàng trai Paramaribo" đã trôi qua. Mặt khác là do tác động của xã hội. Đã vậy, Hà Lan bây giờ còn có thêm vài nguồn cầu thủ khác, cũng đáng kể. Lực lượng cầu thủ gốc Morocco, như Ibrahim Afellay, đang đe dọa lực lượng gốc Surinam. Cộng đồng người Morocco ở Hà Lan hiện cũng chiếm 2% dân số, không thua gì cộng đồng Surinam!
Theo VNE