Saigon Center bất ngờ bốc lên khói đen nghi ngút, hàng trăm người hốt hoảng tháo chạy
Đầu giờ chiều, tại tòa nhà Saigon Center (TP.HCM), khói đen bất ngờ bốc lên nghi ngút khiến nhiều người hốt hoảng tháo chạy ra ngoài.
Khoảng 14h ngày 9/8, khói đen bất ngờ bốc lên từ lầu 7 tòa nhà Saigon Center (số 65 đường Lê Lợi, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM).
Saigon Center bất ngờ bốc khói đen nghi ngút. Ảnh: Tôi Là Dân Bình Thạnh
Sự việc xảy ra khiến nhiều người trong tòa nhà hoảng loạn chạy ra ngoài. Cùng với đó, nhiều người đi đường hiếu kỳ theo dõi khiến các tuyến đường Lê Lợi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa bị ách tắc, kẹt cứng.
Nhiều người hốt hoảng tháo chạy ra ngoài và người dân hiếu kỳ theo dõi gây ách tắc giao thông. Ảnh: Báo Giao thông
Các chiến sĩ CSGT phụ trách địa bàn đã nhanh chóng tới điều tiết giao thông, tránh ùn tắc ở khu vực này.
Khói đen bốc lên từ lầu 7 tòa nhà. Ảnh: Infonet
Nhận tin báo, nhiều xe chữa cháy đã kịp thời đến hiện trường. Theo báo Giao thông, khi Cảnh sát PCCC đến, đại diện quản lý tào nhà này mới xuống và cho biết không có cháy xảy ra. Nguyên nhân do bị cắt điện, máy phát điện của tòa nhà hoạt động, nhả khói ra bên ngoài.
Clip: Saigon Centre bốc khói đen nghi ngút
Zing.vn thông tin, đại diện Công an phường Bến Nghé (quận 1) cho biết, khi phát hiện vụ việc, máy phát điện được ngưng vận hành sau đó.
Linh Chi (tổng hợp)
Theo saostar
Băn khoăn đề xuất xây dựng 34 trạm thu phí ở TP.HCM
Nhiều chuyên gia và người dân cho rằng đề xuất xây dựng 34 trạm thu phí của Sở GTVT TP.HCM là chưa hợp lý.
Sở GTVT TP.HCM vừa đề xuất xây dựng 34 trạm thu phí ô tô trình UBND TP. Theo đó, cổng thu phí được xây bao quanh khu vực quận 1, 3 và giáp ranh quận 5, 10, bao gồm các tuyến đường: Hoàng Sa - Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng. Cách này sẽ tạo thành vành đai khép kín khu vực trung tâm TP và một số trục giao thông chính bên ngoài đang thường xuyên kẹt xe. Kinh phí dự kiến là 250 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2019 đến 2021.
Tuy nhiên, đề xuất này đang vấp phải sự phản ứng của nhiều người dân và chuyên gia giao thông.
Sẽ xuất hiện 34 điểm ùn tắc khác
Phương án xây dựng 34 cổng thu phí ở TP.HCM như đề xuất của Sở GTVT là không phù hợp. Là một tài xế, tôi rất sợ các trạm thu phí bởi người dân đã phải chịu quá nhiều thuế phí rồi. Trong khi đó để hạn chế phương tiện vào trung tâm TP thì không thể nào dùng biện pháp thu phí được. Ví dụ, nếu tôi đón trả khách từ Nhà Bè đến quận 12 thì tôi sẽ phải trả ít nhất hai lần phí, như vậy chi phí sẽ rất lớn, đồng thời sẽ gây ùn tắc tại 34 điểm này.
UBND TP, Sở GTVT cần có phương án, lộ trình cụ thể để cho người dân nắm và hiểu rõ. Tránh tình trạng nhiều tài xế sẽ cố tình tránh các cổng thu phí để đi những cung đường khác thì tình trạng kẹt xe càng nghiêm trọng hơn.
Anh NGUYỄN VĂN GIANG , tài xế taxi ở Nhà Bè
Việc xây dựng các cổng thu phí không thể nào giảm ùn tắc giao thông hay hạn chế các phương tiện vào trung tâm TP được. Thực sự nếu người dân có nhu cầu vào trung tâm TP thì người dân sẽ đi, không thể nào gửi xe ở ngoại ô để sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Trong khi đó, giao thông công cộng nước ta chưa thể đáp ứng được. UBND TP, Sở GTVT cần có phương án khác để giảm thiểu ùn tắc giao thông thay vì người dân phải oằn mình ra chịu thuế, phí.
Nếu đề xuất này được thực hiện thì trong tương lai sẽ có ít nhất 34 điểm ùn ứ xung quanh quận 1 và quận 3 bởi vì đây là trạm thu phí không dừng. Chưa kể đường ở trung tâm TP rất nhỏ hẹp, ô tô đi còn không đủ thì lấy đâu ra đường để làm đa làn. Theo tôi, TP cần phát triển giao thông công cộng trước khi đưa ra đề xuất này.
Anh NÔNG VĂN ĐỨ, ngụ quận Thủ Đức
Sơ đồ các khu vực đặt 34 trạm thu phí tạo thành vành đai khép kín trung tâm TP.HCM. Đồ họa: HỒ TRANG
Có thể gây phiền hà cho đô thị
Phương án dùng trạm thu phí nhằm giảm ùn tắc giao thông và góp phần phát triển giao thông công cộng là chưa hợp lý. Thậm chí việc xây dựng các cổng thu phí này còn gây phiền hà cho đô thị, người dân phải đóng thêm một khoản phí, gây mất mỹ quan và làm ách tắc giao thông nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, TP sẽ phải sử dụng một nguồn ngân sách lớn để xây dựng các trạm thu phí này.
Một trong các mục đích khác mà đề xuất của Sở GTVT có đề cập tới là bổ sung ngân sách để bảo trì đường bộ, phát triển giao thông công cộng của TP là chưa phù hợp. Bởi TP có thể đưa ra nhiều phương án để phát triển giao thông công cộng cũng như hạn chế phương tiện để giảm ùn tắc. Tuy nhiên, thời điểm này đề xuất trên chưa phù hợp vì giao thông công cộng hiện nay chưa thể đáp ứng được. Việc xây dựng cổng thu phí cũng không thể nào ngăn người dân sử dụng các phương tiện này được. Thậm chí người dân sẽ tránh các điểm thu phí.
Bên cạnh đó, vấn đề thu phí phải minh bạch, rõ ràng, Nhà nước cần lắng nghe ý kiến của người dân, cung cấp thông tin đẩy đủ để người dân hiểu rõ, tránh tình trạng vấp phải sự phản ứng như những trạm BOT khác.
TS VÕ KIM CƯƠNG , chuyên gia quy hoạch đô thị
Có thể thấy đối với dự án này, việc phí chồng phí là không có, vì đây là phí chống ùn tắc vào nội đô. Tuy nhiên, hiện nay thuế và phí người dân đang phải chịu rất nhiều nên việc tiếp tục có thêm phí thu nữa thì cần xem xét kỹ là có nên hay không.
Chúng ta phải nghiên cứu cụ thể về mức phí, thời gian, đối tượng... Phải tính toán các mặt, kể cả việc xây các trạm thu phí có gây ùn tắc không vì có thể làm giảm mật độ đường và bài toán giao thông cần giải quyết một cách chi tiết.
TS NGÔ TRÍ LONG , chuyên gia kinh tế
Giao thông nội đô đã quá tải
Hiện tình hình giao thông trong khu vực nội đô đã quá tải nên ngoài việc mở đường, làm hạ tầng thì giải pháp hạn chế xe cá nhân cũng được tính đến. Sở nhận thấy đã đến lúc phải bắt đầu nghiên cứu các giải pháp như thu phí ô tô vào trung tâm TP.
Việc thu phí không giải quyết được bài toán ùn tắc mà phải tổng thể nhiều giải pháp song hành như phát triển giao thông công cộng, đầu tư hạ tầng, metro, tổ chức giao thông, thu phí đậu xe dưới lòng đường...
Đề xuất của Sở vừa gửi UBND TP là dựa trên nghiên cứu từ năm 2009 của Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (ITD).
Đề xuất lần này Sở xin ủy ban chủ trương để nghiên cứu. Nếu ủy ban đồng ý, Sở mới bắt đầu tiến hành nghiên cứu các phương án cụ thể. Lúc đó 34 trạm hay bao nhiêu trạm, mức phí, phạm vi ảnh hưởng, giải quyết giao thông nội vùng trong khu vực thu phí như thế nào, người dân không đi ô tô thì đến đó đi bằng gì, khu vực vành đai đậu xe ra sao, thời gian thu phí, chính sách liên quan như miễn, giảm cho người dân trong khu vực, xe thu phí vào có thu phí ra không... mới được hình thành.
Dự kiến nếu được chấp thuận thì đến năm 2021 Sở sẽ nghiên cứu xong, sau đó lấy ý kiến các bên, ý kiến người dân, trung ương..., rồi đưa ra giải quyết các bài toán về mặt khó khăn và thuận lợi.
Về lo ngại ùn tắc thì đây là phương án được xây dựng trên cơ sở trạm thu phí không dừng bằng công nghệ ETC như các trạm BOT đã triển khai. Kinh nghiệm các nước khác cho thấy kết quả đạt được là giảm 30%-50% phương tiện đi vào khu trung tâm vào giờ cao điểm. Phí này là phí chống ùn tắc và khi quyết định mức phí cần phải thông qua HĐND TP.
Ông NGÔ HẢI ĐƯỜNG - Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM
Cách đây hai năm, chúng tôi đề xuất lập vành đai thu phí ô tô tại trung tâm TP trong giờ cao điểm nhưng bị dư luận phản đối. Phương án Sở GTVT vừa đưa ra về mặt kỹ thuật vẫn như thế nhưng bây giờ là đầu tư công với vốn ngân sách nhà nước. Trong vòng 10 năm qua, ô tô TP.HCM đã tăng gấp đôi, có thể thấy khu trung tâm, một thời gian nữa mà chúng ta không làm gì thì thậm chí là không còn đường để đi.
Chi phí mở đường thì không thể theo kịp sự phát triển nên việc thu phí vào nội đô để hạn chế xe cá nhân là việc cần làm và là thu phí không dừng nên sẽ không gây ra ùn tắc. Nguồn thu từ việc này có thể quay lại dùng để phát triển giao thông công cộng.
Ông LÂM THIẾU QUÂN , Tổng giám đốc Công ty CP
Công nghệ Tiên Phong
Đề xuất thực hiện đầu tư công
Năm 2010, UBND TP bước đầu chấp thuận phương án đề xuất của ITD về dự án tổ chức thu phí ô tô vào khu trung tâm TP. Hai năm sau, đề án chính thức được trình UBND TP nhưng sau đó dự án bị ngưng.
Ngày 14-6-2019, Hội đồng tư vấn về giao thông đô thị của TP đã tổ chức kỳ họp lần thứ hai để lấy ý kiến về đề xuất dự án nói trên. Trong cuộc họp này có 13/19 thành viên tham dự và có hai nội dung cơ bản cần thống nhất: Ủng hộ chủ trương thực hiện dự án thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm TP để hạn chế ùn tắc giao thông; chỉ thu phí đối với ô tô vào trung tâm TP, không thu chiều ra.
Đồng thời hội đồng tư vấn còn đề xuất triển khai thực hiện dự án theo hình thức đầu tư công (giao một đơn vị của TP làm chủ đầu tư, quản lý theo quy định, sau khi thực hiện xong dự án sẽ tổ chức đấu thầu thuê đơn vị vận hành, khai thác và nguồn thu sẽ nộp vào ngân sách TP) nhằm tránh dư luận, phản đối tiêu cực và vận dụng kinh nghiệm quốc tế vào thực hiện.
Ngoài ra, Ban An toàn giao thông TP cơ bản cũng ủng hộ đề xuất trên, song còn góp ý một số vấn đề khác như cập nhật lại các số liệu, xem xét lại sự cần thiết xây dựng bãi đỗ xe khu vực trước các cổng thu phí, xem xét khả năng ùn tắc giao thông khu vực xung quanh.
KIÊN CƯỜNG - ĐÀO TRANG
Theo PLO
Xe cẩu hỏng, giao thông phía đông TP.HCM ùn ứ kéo dài Đến 11 giờ, công tác di dời xe cẩu trên cầu Phú Mỹ được thực hiện và đến khoảng 13 giờ sự cố mới được khắc phục . Sáng 9-7, nhiều tuyến đường cửa ngõ phía đông TP.HCM như Võ Chí Công, xa lộ Hà Nội, Đồng Văn Cống, cao tốc TP.HCM Long Thành - Dầu Giây, vòng xoay Mỹ Thủy, Mai Chí...