“Sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia gây lo lắng, bất bình lớn”
Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề cập câu chuyện thời sự đang xảy ra tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 của Hội đồng Công tác quần chúng TƯ với khuyến cáo, đây là những vấn đề thực tiễn mà công tác quần chúng phải thực sự quan tâm.
Hội nghị diễn ra tại Hà Nội ngày 23/7 với sự chủ trì của Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai – Chủ tịch Hội đồng và Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.
Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Hội đồng công tác quần chúng nhân dân
Báo cáo của Hội đồng công tác quần chúng Trung ương do Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Văn Hùng trình bày nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm 2018, các cấp ủy, chính quyền, các ngành, MTTQ và các đoàn thể đã quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác quần chúng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác quần chúng, phát huy nội lực trong các tầng lớp nhân dân, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, đảm bảo an sinh xã hội.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, công tác quần chúng có nhiều nội dung, phương thức đa dạng, phong phú, sát với thực tiễn. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động được các cấp các ngành, Mặt trận, đoàn thể, hội quần chúng triển khai ở nhiều địa phương, cơ sở đã phát huy tinh thần sáng tạo và ý thức tự quản trong nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Các hoạt động vì người nghèo, công tác vận động hỗ trợ, cứu trợ nhân dân ở một số địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, được triển khai kịp thời.
Đặc biệt, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp lý, hoạt động hòa giải, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của cán bộ, đoàn viên, hội viên và công dân. Các hoạt động đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân được triển khai ở nhiều nơi, nhiều cấp, các vấn đề phức tạp, điểm nóng được được quan tâm giải quyết, cơ bản đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự.
Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, thời gian qua, công tác phối hợp giữa Mặt trận, Dân vận, các Đoàn thể đã chặt chẽ, đồng bộ và hiệu quả hơn; hoạt động của Hội đồng đã có nhiều điểm sáng, điểm mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ là tư vấn, kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước các vấn đề cần quan tâm, giải quyết nhằm chăm lo tốt hơn đời sống của các tầng lớp nhân dân và sự phát triển của đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được khiến cử tri phấn khởi, ông Mẫn cho biết, cử tri cũng chia sẻ những lo ngại về thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao; tình trạng thua lỗ thất thoát nhiều dự án của doanh nghiệp nhà nước còn chậm xử lý; các vấn đề bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ,… còn nhiều bất cập, tình hình tội phạm ma túy phức tạp. Cùng với đó là sự xuống cấp về đạo đức xã hội, bạo lực gia đình học đường, xâm hại trẻ em gây lo lắng bất an trong nhân dân.
Video đang HOT
“Ngay cả những sai phạm phát hiện trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, không chỉ ở Hà Giang mà một số địa phương khác cũng gây lo lắng, bất bình lớn cho người dân… Đây là những vấn đề mà công tác quần chúng phải thực sự quan tâm” – Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nói.
Ông Mẫn yêu cầu, MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên các cấp cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua, thông qua đó để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phản biện góp ý cho Đảng chính quyền, phán ánh trung thực đề xuất giải pháp kịp thời và tổ chức tiếp xúc đối thoại với người dân để nắm tâm tư nguyện vọng giải quyết kịp thời bức xúc của người dân.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương yêu cầu không né tránh, phải nắm chắc tình hình quần chúng nhân dân
Kết luận Hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao các tổ chức quần chúng đã có nhiều nỗ lực đổi mới phương thức sát với thực tiễn, đối tượng, quan tâm phát triển tổ chức tập hợp đoàn viên hội viên, nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng của quần chúng mà mình đang đại diện
Khẳng định bên cạnh những tích cực của kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại đã tác động tích cực đến đời sống nhân dân trong thời gian tới vẫn còn tiềm ẩn những thách thức trước mắt và lâu dài, Trưởng ban dân vận Trương Thị Mai đề nghị các tổ chức quần chúng cần nắm chắc tình hình nhân dân, tình hình các giai tầng xã hội, tăng cường việc lắng nghe tâm tư nguyện vọng của đoàn viên hội viên, sâu sát cơ sở, tăng cường đối thoại… qua đó nắm chắc tâm tư nguyện vọng của xã hội, phản ánh đầy đủ, trung thực, kịp thời tới Đảng, Nhà nước để ban hành những chính sách hợp lòng dân, cũng là để củng cố tốt hơn nữa lòng tin của người dân.
Không chỉ gần và lắng nghe dân, Trưởng ban Dân vận còn yêu cầu các tổ chức quần chúng cần đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức quần chúng nhân dân, giải thích, thông tin đầy đủ kịp thời về chính sách của Đảng, Nhà nước để dân hiểu hơn có như vậy hoạt động quần chúng mới đi vào thực chất, hiệu quả.
Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Trưởng ban Dân vận Trương Thị Mai đề nghị Ban Dân vận Trung ương trong thời gian tới phải đổi mới hoạt động của Hội đồng quần chúng để Hội đồng làm tròn nhiệm vụ tư vấn cho Đảng về những vấn đề liên quan đến quần chúng hiệu quả hơn.
P.Thảo
Theo Dantri
Lạng Sơn: Rà soát 35 bài thi THPT quốc gia bị phản ánh "cao bất thường"
Dư luận đang xôn xao về bảng điểm của 35 thí sinh được cho đã tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Lạng Sơn với điểm cao bất thường vừa được đăng tải trên mạng xã hội.
Theo bảng điểm vừa được đăng tải này, có đủ danh sách tên, tuổi, ngày tháng năm sinh và số điểm 3 môn (Toán, Văn, Lịch Sử) với số lượng điểm trên 8 và 9 tại hai môn Ngữ Văn và Lịch sử cao đột biến.
Đối với môn Ngữ Văn, trong số 35 thí sinh nêu trên, có 5 thí sinh đạt điểm 9. Trong khi đó, theo phổ điểm môn Ngữ Văn được bộ GD&ĐT công bố, cả nước có 1.706 thí sinh đạt điểm 9.
Tổng 3 môn thi Ngữ Văn, Toán, Lịch sử và điểm ưu tiên của 35 thí sinh trong bảng nêu trên không có thí sinh nào dưới 24 điểm.
Cao nhất là thí sinh N.V.D với tổng điểm 27,9 điểm - môn Toán (7,4); môn Ngữ Văn (9); môn Lịch sử (8.75); điểm ưu tiên là 2,75. Đứng thứ 2 là N.V.L với tổng điểm 26,8 - môn Toán (7,8); môn Ngữ Văn (8,75); môn Lịch sử (7,5); điểm ưu tiên là 2,75...
Sau sự việc 330 bài thi bị nâng khống điểm ở Hà Giang chưa kết thúc, bảng điểm thi "cao bất thường" trên đây của Lạng Sơn tiếp tục khiến nhiều người tranh cãi. Nhất là khi một số ý kiến cho biết, lực học của một số em trong nhóm điểm "cao bất thường" khá bình thường.
Với một đề thi được đánh giá là khá khó như năm nay, những em học lực bình thường này khó có thể "lột xác" để đạt điểm cao đến vậy.
Bảng điểm thi được cho là của Lạng Sơn gây xôn xao trên mạng xã hội.
Theo thông tin mới nhất có được, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia Lạng Sơn cũng đã bắt đầu vào cuộc để xác minh danh sách 35 thí sinh có điểm được cho "cao bất thường" này.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay: "Sáng 18/7, chúng tôi nhận được thông tin ở Lạng Sơn có 35 bài thi điểm thi bất thường.
Chúng tôi đã chỉ đạo Sở GD&ĐT là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh cho kiểm tra, rà soát lại quá trình tổ chức thi và chấm thi để xem có gì không đúng quy định, có gì sai sót không để chỉ đạo xử lý".
Cũng theo ông Thiệu, Sở GD&ĐT đã tập trung xử lý và cung cấp thông tin có hơn 30 bài thi có điểm cao hơn mức bình thường.
"Chúng tôi đã chỉ đạo Sở GD&ĐT tập trung rà soát đối chiếu hơn 30 bài thi đó so với bản gốc đang lưu ở Lạng Sơn với bản scaner đã được gửi về Bộ GD&ĐT xem có gì sai lệch hoặc khác nhau không.
Đối với bài thi tự luận (môn Ngữ Văn), chúng tôi cũng yêu cầu rà soát xem đã chấm đúng với đáp án và thang điểm chưa.
Anh em đang tích cực triển khai việc này và khi có thông tin, sẽ cung cấp cho công luận".
Về quy trình rà soát, theo ông Thiệu, đối với hơn 30 bài thi được cho bất thường này, đích thân ông sẽ kiểm tra. Tuy nhiên, trước mắt cứ để Sở GD&ĐT làm trước một bước. Sau đó, ông mới là người trực tiếp xem.
Ông Thiệu cho biết thêm, địa phương này sẽ tập trung rà soát khâu bài thi và chấm bài vì các việc khác đã diễn ra không thể dựng lại được. Chỉ còn sản phẩm còn lại là bài thi. Do đó, bài thi sẽ phải rà soát lại xem có đúng với đáp án hay không.
Phó Chủ UBND tỉnh cho biết, ngay đầu giờ chiều nay (18/7), địa phương này đã vào cuộc và đang tích cực chỉ đạo rà soát các bài thi.
Được biết, theo số liệu đăng kí, toàn tỉnh có 9.068 thí sinh. Và đơn vị phối hợp chấm thi do Bộ GD&ĐT cử về là ĐH Văn Hóa và Học viện Báo chí Tuyên truyền. Còn ở tỉnh, trường CĐSP cùng phối hợp.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc!
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Tổng Bí thư nhắc ngành công an luôn giữ mình trong sạch, vững vàng Ngày 15.1, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73, nhằm tổng kết tình hình, kết quả công tác Công an năm 2017, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Đến dự hội nghị còn có...