Sai phạm tại Trung tâm Mắt Hà Tĩnh: Kê khống số ca mổ để trục lợi?
Không chỉ cắt xén “vô tội vạ” tiền phụ cấp của nhân viên, lãnh đạo Trung tâm Mắt Hà Tĩnh còn bị tố cáo kê khống số ca mổ, kê khống đối tượng được hưởng phụ cấp để trục lợi…
Nhiều lần bị phát hiện sai phạm
Một số nhân viên của Trung tâm Mắt Hà Tĩnh phản ánh, khi đang là Phó Giám đốc trung tâm này, ông Dương Kim Dũng (nay là Giám đốc) đã từng kê khai khống số ca mổ để lấy tiền.
Cụ thể, vào tháng 7/2009, ông Dương Kim Dũng, lúc đó là Phó Giám đốc Trung tâm mắt Hà Tĩnh, được cử vào Đà Nẵng để đi học lớp sử dụng Laser YAG trong điều trị nhãn khoa. Thời gian học 1 tháng (21/7 đến 21/8), kinh phí do Orbis tài trợ. Tuy nhiên, trong thời gian này, ông Dũng đã nhiều lần về Hà Tĩnh để tiến hành các ca phẫu thuật mắt.
Mặc dù không nằm trong Ban dự án nhưng ông Kim Dũng vẫn kiểm tra và xác nhận số hàng, tuy nhiên sau đó Trung tâm Mắt phải có văn bản yêu cầu bên phía công ty TNHH thiết bị Y tế Thành Công đổi lại số thiết bị mổ
Và để có nhiều tiền phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, có ngày ông Dũng kê là phẫu thuật được 315 ca. Tuy nhiên sự việc này đã bị một số người trong cơ quan phát hiện nên đã cho chấn chỉnh lại.
Chị P.T.H., một nhân viên cũ của Trung tâm Mắt cho biết: “Công suất nhất mỗi bác sĩ cũng chỉ phẫu thuật được 40 ca/ngày. Đằng này, có ngày ông Dũng kê phẫu thuật được 315 ca. Khi phát hiện chúng tôi đã không đồng ý thì ông ấy tỏ ra tức tối, hằn học lắm”.
Năm 2008, Công ty TNHH thiết bị Y tế Thành Công trúng một gói thầu cung cấp thiết bị mổ cho Trung tâm Mắt Hà Tĩnh. Mặc dù không nằm trong Ban dự án nhưng ông Dương Kim Dũng vẫn tiến hành kiểm tra, xác nhận số thiết bị đúng với số thiết bị trong gói thầu và đồng ý nhận số thiết bị mổ của công ty này. Tuy nhiên khi chuyển về cơ sở thì số thiết bị này không thể sử dụng được. Sau khi kiểm tra lại thì phát hiện những thiết bị này bị sai chủng loại.
Ngay sau đó, ông Phan Lợi, Giám đốc Trung tâm Mắt lúc đó, đã phải gửi văn bản yêu cầu phía Công ty TNHH thiết bị Y tế Thành Công đổi lại những thiết bị như đã cam kết trong trong hợp đồng gói thầu.
“Lúc phát hiện các thiết bị sai chủng loại, chúng tôi đã gọi ra phía công ty cung cấp thì họ nói cái này đã được ông Dương Kim Dũng kiểm tra, xác nhận và đã chấp nhận nhận số thiết bị trên. Sau nhiều lần làm việc với các bên, phía Công ty TNHH thiết bị Y tế Thành Công mới chịu đổi lại”, một nhân viên Trung tâm Mắt cho biết.
Video đang HOT
“Đây đều là những dự án do Orbis tài trợ, nên những việc làm mất uy tín như thế này ảnh hưởng rất lớn đến Trung tâm Mắt, cũng như tỉnh”, người nhân viên này cho biết thêm.
Kê khống bỏ túi tiền chênh lệch
Liên quan đến số tiền phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, những thông tin về số tiền được hỗ trợ, ông Dương Kim Dũng có những trả lời bất nhất, hết sức mập mờ.
Trung tâm Mắt Hà Tĩnh xảy ra nhiều lùm xùm, sai phạm.
Trước đó, trả lời với báo chí, ông này cho biết số tiền được truy lĩnh bồi dưỡng (tức là số tiền chênh lệch giữa quyết định 155 và 73 của Chính phủ) trong 2 năm 2012 và 2013 là hơn 300 triệu đồng.
Song PV Dân trí tìm hiểu số liệu qua Sở Y tế Hà Tĩnh thì số tiền trên là gần 800 triệu đồng. Sau khi sự việc bị bại lộ, ông Dũng lại một mực khẳng định số tiền đó là gần 800 triệu đồng.
Theo quyết định 155 của Chính phủ thì mức phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật cao nhất – tức loại phẫu thuật đặc biệt – là 70 nghìn cho phẫu thuật viên chính. Đến quyết định 73 của Chính phủ thì mức phụ cấp này được nâng lên. Theo đó phụ cấp trong ca phẫu thuật đặc biệt cho phẫu thuật viên chính là 280 nghìn. Trong khi đó ca phẫu thuật loại III phụ cấp cho phẫu thuật viên chính thì chỉ là 50 nghìn. Mỗi ca phẫu thuật có 5 người trong đó có 1 phẫu thuật viên chính.
Ông Dương Kim Dũng, Giám đốc Trung tâm Mắt Hà Tĩnh
Theo một nhân viên Trung tâm Mắt Hà Tĩnh, trước đây ở thời điểm “đỉnh cao”, mỗi năm cũng chỉ có trên dưới 300 ca phẫu thuật đặc biệt, loại I, loại II..
“Sau này, khi Bệnh viện Sài Gòn – Hà Tĩnh ra đời thì lượng bệnh nhân cũng giảm đi một phần. Mỗi năm cũng chỉ khoảng 300 ca là nhiều mà trong đó chủ yếu là loại I, loại II còn phẫu thuật loại đặc biệt thì ít hơn”, nhân viên này cho biết.
Theo tính toán của PV thì cứ cho rằng một năm Trung tâm Mắt Hà Tĩnh tiến hành được trên dưới 400 ca phẫu thuật (tất cả đều cho là phẫu thuật đặc biệt, có là 1 phẫu thuật viên chính, 3 phụ mổ và 1 giúp việc) tức là loại được nhận tiền phụ cấp cao nhất, thì trong 2 năm số tiền chỉ dừng lại khoảng 600 triệu đồng. Trong khi đó số ca phẫu thuật do các tổ chức như Orbis, HKI tài trợ chưa tính.
Vậy con số ca phẫu thuật ở đâu ra để có được số tiền phụ cấp là 800 triệu đồng như Trung tâm Mắt đã được nhận.
Khi PV xin được phép xem danh sách cán bộ nhân viên được nhận tiền, số tiền của mỗi người được nhận cũng như số ca phẫu thuật mà Trung tâm Mắt tiến hành trong 2 năm 2012 và 2013 nhưng ông Dũng đều viện lý do là kế toán đi vắng.
Có hay không việc Trung tâm Mắt Hà Tĩnh kê khống danh sách ca mổ, cũng như nhân viên ca mổ để lấy tiền phụ cấp? PV Dân trí sẽ tiếp tục điều tra làm rõ.
Sinh Hiệp – Hà Phương
Theo Dantri
Trục lợi hàng tỷ đồng qua chương trình đào tạo nghề
Nhiều đơn vị, doanh nghiệp ở Thanh Hóa bị phát hiện đã lập hồ sơ khống, ăn bớt thời gian đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm trục lợi nhiều tỷ đồng từ ngân sách.
UBND tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương thu hồi khoản tiền thất thoát trong quá trình triển khai chính sách Khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề trên địa bàn.
Theo xác minh của Phòng An ninh kinh tế PA81 (Công an tỉnh Thanh Hóa), từ năm 2006 đến hết năm 2012, tỉnh Thanh Hóa đã duyệt chi hơn 22 tỷ đồng cho 220 đơn vị nhằm hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động ở các vùng nông thôn và vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, nhiều địa phương, đơn vị đã lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi.
Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc vùng cao là một trong những ngành nghề đang được đầu tư kinh phí khôi phục phát triển ở Thanh Hóa. Ảnh: Lê Hoàng.
Kiểm tra thí điểm 38 doanh nghiệp, tổ hợp kinh tế... cơ quan điều tra xác định, tất cả các đơn vị này đều mắc sai phạm với tổng số tiền thất thoát gần 3,6 tỷ đồng.
Trong 38 cơ sở có 26 đơn vị (gồm: huyện Tĩnh Gia 17 đơn vị, Đông Sơn, Thường Xuân, mỗi huyện có 3 đơn vị, còn lại là Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa và Triệu Sơn, mỗi địa phương một đơn vị) nhận tổng số tiền hơn 1,72 tỷ đồng nhưng không mở lớp đào tạo nghề cho người lao động. Nội dung báo cáo trong hồ sơ xin kinh phí hỗ trợ không có thật; kê khai số người lao động nhiều hơn thực tế; một số đơn vị lập danh sách khống số người lao động.
12 đơn vị còn lại thuộc TP Thanh Hóa, huyện Hoằng Hóa, Quan Hóa, Triệu Sơn, Nga Sơn, Hậu Lộc, Thọ Xuân mỗi huyện có một đơn vị, nhận khoản tiền gần 1,87 tỷ đồng. Những huyện này tuy có mở lớp đào tạo nghề nhưng không đủ thời gian tối thiểu (2 tháng) theo quy định; đồng thời khai khống số người tham gia học nhiều hơn thực tế và không duy trì được nghề cho người học.
Cơ quan An ninh kinh tế kết luận, tất cả 38 đơn vị nêu trên đều có thủ đoạn gian dối, hợp thức hóa hồ sơ để chứng minh tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động sau học nghề từ 6 tháng trở lên bằng cách lập danh sách bảng lương liên tục 6 tháng và tự ký vào phần ký nhận của người lao động.
Cũng theo Phòng PA 81, để xảy ra sai phạm nêu trên là do công tác thẩm định, xét duyệt hồ sơ của Sở Công thương, Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính và UBND các huyện còn nhiều sơ hở, thiếu sót, có biểu hiện sai phạm..., nhiều cơ sở không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được ưu ái xét duyệt hỗ trợ kinh phí.
Sai phạm nêu trên được đoàn thanh tra liên ngành phát hiện trong thời gian dài nhưng không tham mưu, đề xuất cho tỉnh có hướng khắc phục những điểm bất hợp lý trong quá trình thực hiện.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã ký công văn yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương thu hồi khoản tiền thất thoát, đồng thời tổ chức kiểm điểm, kỷ luật tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm.
Ngày 7/7/2006, Chính phủ ban hành Nghị định 66 về việc phát triển ngành nghề nông thôn. Căn cứ Nghị định này và Nghị quyết số 48/2006 của HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 2409 (ngày 5/9/2006) và Quyết định bổ sung số 2541 (ngày 19/8/2008) quy định về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Chính sách này áp dụng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trực tiếp đầu tư, thu mua, tiêu thụ sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, du nhập nhân cấy nghề mới, khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống... Từ năm 2006 đến hết năm 2012, UBND tỉnh Thanh Hóa đã duyệt chi hỗ trợ cho 220 đơn vị với số tiền hơn 22 tỷ đồng.
Lê Hoàng
Theo VNE
Hành vi chăn dắt ăn xin: Xử quá nhẹ là tiếp tay cho sự vô nhân đạo! Hành vi chăn dắt ăn xin đang ngày càng phổ biến trên cả nước do chế tài xử lý quá nhẹ. Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh, việc xử lý nhẹ đến mức như "bỏ qua" hành vi tàn nhẫn này đang góp phần tạo ra sự vô cảm trong xã hội. Hai đường dây chăn dắt ăn xin vừa bị phát hiện...