Sai phạm tại dự án cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi: Tranh cãi về đền bù thiệt hại
Thiệt hại do sai phạm xảy ra tại dự án cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi được xác định là hàng trăm tỷ đồng, tại tòa, các bên tranh cãi về việc đền bù thiệt hại.
Chiều 17/10, phiên tòa xét xử vụ án sai phạm xảy ra tại dự án cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi giai đoạn 2 tiếp tục với phần thẩm vấn.
Theo cáo trạng, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam, định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng phê duyệt. Bộ GTVT giao Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam ( VEC) làm Chủ đầu tư dự án.
Dự án thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn vay rất lớn của các tổ chức tài chính quốc tế, được tổ chức đấu thầu quốc tế rộng rãi, với sự tham gia của các Nhà thầu có đủ năng lực.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức đầu tư xây dựng từ Chủ đầu tư, Ban QLDA, Nhà thầu thi công, Tư vấn giám sát đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát, không tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế được áp dụng cho dự án, dẫn đến tuyến đường khi mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng.
Kết quả điều tra, kết luận giám định của cơ quan giám định tư pháp xác định đối với các gói thầu thuộc giai đoạn 2 của dự án, VEC đã thanh toán cho các Nhà thầu thi công các hạng mục xây dựng không đảm bảo chất lượng số tiền hơn 460 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có chiều dài từ Km65 – Km139 204, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới – WB và do Tổ chức tư vấn CDM Smith Inc (Mỹ) thực hiện giám sát thi công.
Các nhà thầu, gồm: Liên danh Tổng Công ty xây dựng số 1 – Tập đoàn Lotte E&C (Hàn Quốc); Tập đoàn Shandong Luquao Group., Ltd (Tập đoàn Sơn Đông, Trung Quốc); Tập đoàn Jiangsu Provincial Transportation Engineering Group Co., Ltd (Tập đoàn Giang Tô, Trung Quốc); Tập đoàn Lotte E&C (Hàn Quốc); Tập đoàn Posco E&C (Hàn Quốc), thực hiện thi công xây lắp các Gói thầu A1, A2, A3, A4 và A5.
Video đang HOT
Đối với hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến các đối tượng người nước ngoài tại các Nhà thầu, Tư vấn giám sát thi công các gói thầu thuộc giai đoạn 2 dự án, kết quả điều tra xác định: Có 27 đối tượng người nước ngoài có quốc tịch Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Philippines, Úc.
Các đối tượng gồm: 22 đối tượng tại các Nhà thầu thi công là Giám đốc Ban điều hành, Giám đốc quản lý chất lượng, Kỹ sư và 5 đối tượng tại đơn vị Tư vấn giám sát các gói thầu là Giám đốc dự án, Kỹ sư thường trú, đều đã về nước trước khi khởi tố vụ án.
Cơ quan điều tra (CQĐT) đã có các văn bản ủy thác tư pháp về hình sự đến các cơ quan có thẩm quyền tại 5 nước trên đề nghị phối hợp xác minh, cung cấp nhân thân, lai lịch các đối tượng, làm căn cứ giải quyết vụ án, đến nay chưa có kết quả trả lời.
Do thời hạn điều tra vụ án đã hết, CQĐT tách vụ án hình sự liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của 27 đối tượng trên để xem xét xử lý sau khi có kết quả tương trợ tư pháp về hình sự.
Tranh cãi về bồi thường thiệt hại
Tại tòa, đại diện VEC cho hay: “Chúng tôi đã ký kết hợp đồng với các nhà thầu, các nhà thầu phải thực hiện xây dựng tuyến đường đảm bảo an toàn, đúng tiêu chuẩn chất lượng theo phê duyệt. Nếu các nhà thầu thực hiện không đúng, để xảy ra sai sót, gây thiệt hại thì phải bồi thường cho chủ đầu tư”.
Đại diện Tổng công ty xây dựng số 1 không đồng ý yêu cầu bồi thường thiệt hại của VEC vì cho rằng đơn vị đã làm đúng hợp đồng, lỗi nhà thầu không có. Hơn nữa, VEC đang có công nợ với nhà thầu A1 là 150 tỷ đồng khối lượng đã thi công, nhưng chưa được thanh toán.
Đại diện Posco E&C (Hàn Quốc) cũng không đồng tình với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của VEC. “Đây là trường hợp duy nhất trên thế giới đánh giá chất lượng con đường sau khi đường đã đưa vào sử dung…”, lời đại diện Posco.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, đại diện Lotte E&C (Hàn Quốc) cũng không đồng ý với yêu cầu bồi thường của VEC. Theo đại diện Lotte E&C, VEC đã thuê 1 đơn vị kiểm tra chất lượng riêng biệt. Đơn vị này cũng đã kiểm tra quy trình tương tự như bên giám định. Kết quả báo cáo là không có vấn đề gì. Sau đó, cơ quan nghiệm thu quốc gia cũng đã đánh giá đạt chất lượng theo yêu cầu và đã đưa đường vào sử dụng.
Theo hợp đồng, Lotte E&C sẽ bảo hành 2 năm sau khi đưa vào sử dụng. Trong thời gian 2 năm đó, đơn vị không nhận được phản ánh gì về sai sót, cũng không nhận được công văn yêu cầu gì về việc sửa chữa bảo trì phát sinh trên gói thầu mà Lotte E&C đảm nhiệm.
Liên quan đến vụ án, giống như Tập đoàn Lotte E&C (Hàn Quốc) và Tập đoàn Posco E&C (Hàn Quốc), Tập đoàn Shandong Luquao Group., Ltd (Tập đoàn Sơn Đông, Trung Quốc) cùng Tập đoàn Jiangsu Provincial Transportation Engineering Group Co., Ltd (Tập đoàn Giang Tô, Trung Quốc) được triệu tập đến tòa với tư cách bị đơn dân sự.
Hai đơn vị trên ủy quyền cho đại diện tham gia phiên tòa nhưng giấy ủy quyền chưa được hợp pháp hóa lãnh sự nên chưa được tòa công nhận.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, giám định viên cho hay đã giám định theo đúng quy định, quy trình, quy chuẩn. “Chúng tôi làm việc rất căng thẳng, quan trên trông xuống, ở dưới người dân trông vào”, lời vị giám định viên.
Theo giám định viên, không phải hư hỏng mới sai, mà thi công sai thì là sai, căn cứ đưa ra của Lotte E&C (Hàn Quốc) và Posco E&C đều không có căn cứ…
VEC đề nghị các nhà thầu bồi thường thiệt hại trong vụ án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Ngày 18/10, TAND TP Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi trong phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 22 bị cáo trong vụ sai phạm tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 2) gây thiệt hại của Nhà nước 460 tỷ đồng.
Dự án này do Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là chủ đầu tư.
Quá trình xét hỏi, đại diện các nhà thầu không đồng ý với kết quả giám định, không đồng ý yêu cầu bồi thường của chủ đầu tư. Các nhà thầu cho rằng, đường cao tốc vẫn vận hành bình thường, không bị đình chỉ để sửa chữa, kết quả giám định không chính xác, không khách quan...
Giám định viên khẳng định, đã giám định rất cụ thể giai đoạn 2 của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Phản bác lại ý kiến của các nhà thầu tại phiên tòa, đại diện cơ quan giám định khẳng định, họ đã sử dụng nhiều phương pháp giám định, trong đó mỗi phương pháp đều có giá trị trưng cầu giám định, mục tiêu thí nghiệm, chỉ tiêu đánh giá thi công, chất lượng vật liệu...
Về tần suất lấy mẫu, giám định viên khẳng định, đây là giám định cho Cơ quan điều tra của Bộ Công an nên đã phải lấy rất nhiều số liệu. Đơn vị tổng thầu đi thuê nhiều nhà thầu khác, việc giám định đã thống kê rất chi tiết từng trạm trộn bê tông nhựa để phân đoạn và đánh giá, so sánh quy trình, quy phạm, quy định và tham khảo giá trị thiết kế của từng trạm để đánh giá kết quả thực địa.
Giám định viên cho biết thêm, phương pháp lấy mẫu là lấy xác suất trên toàn đoạn tuyến. Cơ quan giám định đã giám định rất cụ thể giai đoạn 2 của dự án này, bởi dự án giao cho một tổng thầu, nhưng sau đó tổng thầu đi thuê rất nhiều đơn vị khác nhau, lớp này một đơn vị, lớp khác một đơn vị... Việc thực hiện giám định phân bổ, phân đoạn phải căn cứ theo kết cấu dự án đã thực hiện.
Trình bày tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn dân sự là Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) cho biết, nếu xác định được các nhà thầu thi công 5 gói thầu trên có sai phạm, vi phạm hợp đồng và pháp luật, gây thiệt hại cho VEC thì các nhà thầu này phải bồi thường theo nguyên tắc, thiệt hại đến đâu bồi thường đến đó.
Cụ thể, khi ký kết hợp đồng với VEC, 5 nhà thầu có nghĩa vụ xây dựng đảm bảo yêu cầu, tiến độ và chất lượng được phê duyệt. Nếu không đúng, không đầy đủ hoặc có lỗi, nhà thầu đương nhiên phải bồi thường. Chi tiết thiệt hại, VEC đã có văn bản gửi Cơ quan điều tra Bộ Công an và Viện KSND tối cao. "Chúng tôi nhất quán quan điểm không yêu cầu các bị cáo bồi thường", đại diện VEC nhấn mạnh.
Cũng theo trình bày của đại diện VEC, có 5 gói thầu trong giai đoạn 2 của vụ án gồm: Gói thầu A1, do nhà thầu là liên danh Tổng Công ty Xây dựng số 1 và Lotte thực hiện. Gói thầu A2 có nhà thầu Sơn Đông thực hiện. Gói thầu A3 là nhà thầu Giang Tô thực hiện. Gói thầu A4 do nhà thầu Lotte E&C thực hiện. Gói thầu A5 do nhà thầu Posco E&C thực hiện.
Kết quả điều tra, kết luận giám định của cơ quan giám định tư pháp xác định đối với các gói thầu thuộc giai đoạn 2 của dự án, VEC đã thanh toán cho các nhà thầu thi công các hạng mục xây dựng không đảm bảo chất lượng số tiền là 460 tỷ đồng. Trong đó, thanh toán cho nhà thầu của gói thầu A1 là 47,5 tỷ đồng; gói thầu A2 là 129 tỷ đồng; gói thầu A3 là 85 tỷ đồng; gói thầu A4 là 127 tỷ đồng và gói thầu A5 là 71 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, đại diện VEC nêu quan điểm: "Các bị cáo trong vụ án đều là nhân viên, chuyên gia có đóng góp cho ngành Giao thông vận tải và có nhiều bằng khen, giấy khen. Mong Hội đồng xét xử xem xét cho các bị cáo trên cơ sở tính nhân văn của pháp luật, coi đó như rủi ro nghề nghiệp. VEC không yêu cầu các bị cáo bồi thường về thiệt hại. Rất mong Hội đồng xét xử xem xét, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với các bị cáo để họ sớm được trở lại cuộc sống bình thường".
Theo cáo trạng, Dự cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, do Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 140km. Trong đó, giai đoạn 2 của dự án dài hơn 74km, từ TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) đến TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), thông xe tháng 9/2018, nhưng khi vừa đi vào sử dụng, đường cao tốc đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành khai thác, an toàn giao thông.
Hoãn phiên tòa xét xử vụ án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 2) Sáng 25/9, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án vi phạm quy định về xây dựng gây thiệt hại 460 tỷ đồng tại Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 2, dài 74km). Thẩm phán Nguyễn Thanh Nhã làm chủ tọa phiên tòa. Hai đại diện Viện KSND TP Hà Nội...