Sai phạm tại BQL chợ Rồng (Ninh Bình): Không thể kỷ luật, nghỉ việc là… xong
Báo Lao Động nhận được đơn của cán bộ công nhân viên (CBCNV) tại Ban quản lý (BQL) chợ Rồng Ninh Bình phản ánh nhiều sai phạm trong quá trình quản lý, điều hành của BQL chợ. Đặc biệt, trong suốt thời gian dài từ năm 2008 đến tháng 5.2017, BQL chợ không thực hiện việc chi trả đủ tiền lương theo quy định cho người lao động (NLĐ) với số tiền lên đến hàng tỉ đồng.
CBCNV tại Ban quản lý chợ Rồng (Ninh Bình) phản ánh vẫn chưa được trả phần lương bị thiếu. Ảnh: N.TRƯỜNG
Suốt 10 năm không được nhận đủ lương
BQL chợ Rồng (Ninh Bình) hiện có 41 CBCNV. Theo phản ánh của CBCNV tại đây, trong suốt thời gian từ năm 2008 đến tháng 5.2017, lãnh đạo BQL chợ và kế toán thực hiện việc chi trả lương cho CBCNV ở đây không đúng với quy định của Nhà nước, hầu hết trong số họ chỉ nhận được từ 50 – 60% lương theo quy định.
Ông Bùi Văn Bảng – nhân viên có thâm niên trên 20 năm công tác tại BQL – cho biết: “Việc chi trả lương cho nhân viên ở đây được thực hiện rất thiếu dân chủ, không theo quy định nào. Hầu hết chúng tôi đều không được nhận đủ lương, bình quân hằng tháng mỗi người chúng tôi bị trả thiếu từ 300 nghìn đồng đến gần 2 triệu đồng. Nhiều năm nay tôi chỉ được lĩnh lương ở mức 2,9 triệu đồng/tháng, nhưng từ tháng 6.2017 lại được lĩnh tới hơn 4,9 triệu đồng/tháng. Điều này khiến không ít nhân viên làm việc tại BQL chợ băn khoăn số tiền lương còn thiếu hằng tháng từ trước tới nay rơi vào túi ai? Khoảng tháng 5.2017, khi biết lãnh đạo BQL chợ trả thiếu lương, nhiều CBCNV ở đây đã làm đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng của TP. Ninh Bình xem xét giải quyết”.
Video đang HOT
Nhiều khuất tất, sai phạm đã xảy ra ở BQL chợ Rồng. Ảnh: N.T
Ông Phạm Ngọc Hiệu – nhân viên tại BQL chợ Rồng – cho biết: “Sau khi chúng tôi có đơn kiến nghị, từ tháng 5.2017 đến nay, chúng tôi đã được nhận đủ số tiền lương hàng tháng theo quy định của Nhà nước. Tuy vậy, số tiền lương còn thiếu của chúng tôi từ năm 2008 đến tháng 5.2017 vẫn chưa được BQL chợ giải quyết. Nhiều lần chúng tôi đã yêu cầu lãnh đạo BQL chợ và kế toán phải tính toán rõ số tiền lương còn thiếu của từng người để có hướng giải quyết. Tuy nhiên, đến nay lãnh đạo BQL chợ và kế toán vẫn chưa công khai, bản thân chúng tôi rất bức xúc không biết số tiền còn thiếu cụ thể của mình là bao nhiêu, ai là người chịu trách nhiệm và số tiền trên đã rơi vào túi ai?”
Kỷ luật, khiển trách nhiều cá nhân
Trước những lình xình trên, UBND TP. Ninh Bình đã thành lập 2 đoàn công tác liên ngành thanh tra toàn diện hoạt động của BQL chợ Rồng. Cùng với đó, tháng 10.2017, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy Ninh Bình cũng đã cử đoàn công tác kiểm tra hoạt động của Chi bộ BQL chợ Rồng. Theo đó, UBKT Thành ủy đã chỉ ra những sai phạm của Chi bộ BQL chợ Rồng; quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với bà Ngô Thị Tuyết – Bí thư Chi bộ, khiển trách 4 chi ủy viên Chi bộ BQL chợ Rồng. Ban Thường vụ Thành ủy Ninh Bình cũng đã quyết định kỷ luật tập thể Chi bộ BQL chợ Rồng ở mức cảnh cáo.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phạm Trung Dũng – Trưởng BQL chợ Rồng – cho biết: Sau khi có kết luận về những sai phạm của cá nhân bà Ngô Thị Tuyết (nguyên Trưởng BQL chợ) lãnh đạo TP. Ninh Bình đã có quyết định cho thôi chức vụ Trưởng BQL chợ đối với bà Tuyết và mới đây vào ngày 15.6.2018 đã ký quyết định cho nghỉ việc đối với bà Tuyết. Riêng vấn đề tiền lương còn thiếu từ 2008 đến tháng 5.2017 của CBCNV tại BQL chợ, ông Dũng cho rằng cá nhân ông không liên quan gì. “Thực tế mãi tháng 2.2018 tôi mới nhận quyết định làm Trưởng BQL chợ, hồ sơ sổ sách tôi cũng không nắm được, từ khi tôi nhận công tác, tiền lương hàng tháng của CBCNV ở đây đều được chi trả theo đúng quy định” – ông Dũng nói.
Khi PV đặt câu hỏi về vấn đề tiền lương còn thiếu sẽ giải quyết thế nào và số tiền cụ thể là bao nhiêu, ông Dũng chỉ trả lời ngắn gọn là không biết và cá nhân ông không liên quan đến việc đấy.
NGUYỄN TRƯỜNG
Theo LĐO
Kỷ luật hiệu trưởng xúc phạm, "gợi ý" giáo viên phá thai
Chiều 19.9, ông Lê Trung Thành - Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) cho biết, huyện đang thành lập hội đồng xét kỷ luật bà Phan Thị Hậu - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai vì có nhiều sai phạm trong công tác quản lý, điều hành.
Kỷ luật bà Phan Thị Hậu - Hiệu trưởng trường Mầm non Sao Mai. Ảnh:TH
Trước đó, vào ngày 6.9, ông Lê Trung Thành - Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa đã ký 2 thông báo kết luận vụ việc liên quan đến những tố cáo đối với bà Phan Thị Hậu - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai (thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa).
Theo kết luận về nội dung đoạn ghi âm ép giáo viên phá thai vì sinh con thứ 3, đoàn thanh tra nhận định đây là đoạn ghi âm cuộc nói chuyện giữa bà Phan Thị Hậu với bà Nguyễn Thị Thanh Bình (giáo viên sinh con thứ 3) là có cơ sở.
Và cho rằng, việc bà Phan Thị Hậu - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai, ép giáo viên phá thai, giữ thành tích cho trường, vi phạm đạo đức nhà giáo là chưa đủ cơ sở kết luận.
"Những lời thoại mang tính định hướng và xây dựng giữa tập thể và cá nhân trong đơn vị. Tuy nhiên, có những lời lẽ không được tế nhị, làm cho người nghe phản cảm, gây hiểu nhầm và suy diễn, hậu quả sự việc chưa xảy ra", kết luận nhấn mạnh.
Đối với 20 nội dung tố cáo bà Phan Thị Hậu - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai như: Ép giáo viên làm ngoài giờ quá nhiều; tố cáo hiệu trưởng vi phạm đạo đức nhà giáo, nói năng chưa chuẩn mực, xúc phạm giáo viên; lạm thu; không minh bạch tài chính...
Chiều 19.9, ông Lê Trung Thành cho biết, sau khi xác minh gần 20 nội dung tố cáo của các giáo viên trong trường, đoàn thanh tra xác định, trong quá trình điều hành, quản lý nhà trường, bà Phan Thị Hậu để xảy ra 7 đến 8 sai phạm. Vì vậy UBND huyện đang thành lập hội đồng xét kỷ luật bà Phan Thị Hậu.
Giữa tháng 4.2018, Báo Lao Động đã đưa tin, chị Nguyễn Thị Bình - giáo viên Trường Mầm non Sao Mai khẳng định, trong thời gian đang mang thai đứa con thứ ba, chị nhiều lần bị bà Phan Thị Hậu - Hiệu trưởng xúc phạm, gợi ý phá thai hoặc bắt phải chuyển trường vì sợ ảnh hưởng đến thành tích của trường.
Cùng thời điểm đó, các giáo viên trong trường cũng có đơn tố cáo bà Phan Thị Hậu với 20 nội dung.
TRẦN HÓA
Theo LĐO
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn bị khiển trách Ông Đỗ Tuấn Khiêm bị kỷ luật do thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo hoạt động của cơ quan. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Kạn vừa kỷ luật khiển trách ông Đỗ Tuấn Khiêm - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, và ông Nguyễn Văn Tấp - Chánh Văn phòng, nguyên Trưởng phòng Quản lý Khoa học Công nghệ...