Sai phạm đất đai Phan Thiết: Giải thích do ‘tin tưởng cấp dưới’, ‘chưa vững nghiệp vụ’
Trong ngày đầu tiên xét xử, chủ tọa làm rõ vai trò của bị cáo Đỗ Ngọc Điệp, nguyên chủ tịch UBND TP Phan Thiết nhiệm kỳ 2011-2016, cùng các đồng phạm trong việc ký các quyết định chuyển đổi mục đích 32 thửa đất.
Bị cáo Phạm Thanh Thái trả lời tại tòa – Ảnh: ĐỨC TRONG
Ngày 10-8, TAND Bình Thuận đưa 6 bị cáo là các cựu lãnh đạo UBND TP Phan Thiết và phòng chuyên môn nghiệp vụ ra xét xử sơ thẩm vụ án “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại địa phương.
Trong ngày đầu tiên xét xử, chủ tọa tập trung làm rõ vai trò của bị cáo Đỗ Ngọc Điệp, nguyên chủ tịch UBND TP Phan Thiết nhiệm kỳ 2011-2016, cùng các đồng phạm trong việc ký các quyết định chuyển đổi mục đích 32 thửa đất.
Theo cáo trạng, 32 thửa đất chuyển đổi mục đích sai phạm trên có diện tích 46.865m2, tổng giá trị gần 4,8 tỉ đồng.
Trả lời chủ tọa, bị cáo Điệp cho rằng “do tin tưởng anh em cấp dưới” tham mưu nên mới dẫn đến các sai phạm như vậy. Bản thân bị cáo không nhớ đã ký những hồ sơ nào.
Video đang HOT
“Ban đầu bị cáo không biết các hồ sơ được trình ký sai như thế nào. Nếu biết sai bị cáo không thể nào ký. Đến khi làm việc với các cơ quan chức năng thanh kiểm tra mới biết đó là sai phạm” – bị cáo Điệp giải thích.
Cũng theo cáo trạng, bị cáo Phạm Thanh Thái, nguyên trưởng Phòng tài nguyên – môi trường UBND TP Phan Thiết, cùng các chuyên viên đã tham mưu trình ký các hồ sơ này.
“Bị cáo thấy hồ sơ không đúng mà vẫn ký đúng không?” – chủ tọa hỏi. Bị cáo Thái trả lời: “Do bị cáo mới chuyển công tác nên chuyên môn nghiệp vụ chưa vững. Ban đầu làm theo các mẫu từ trước để lại và các chuyên viên trình lên. Sau này bị cáo mới biết làm như vậy là sai phạm”.
“Về nguyên tắc, bị cáo phải biết rõ trình tự thủ tục đất đai. Nhưng do bị cáo mới chuyển qua công việc này nên chưa tiếp cận kỹ, chưa kịp đọc các văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, bị cáo có phần cả nể anh em chuyên viên làm việc ở phòng từ trước”, bị cáo Thái trình bày tiếp.
Chủ tọa: “Nếu biết sai lẽ ra bị cáo phải hỏi lại các đơn vị chuyên môn. Đó là chức năng và nhiệm vụ mà bị cáo đảm nhận. Có phải do chuyên viên trình như thế nào thì bị cáo ký như thế hay tác động từ cán bộ cấp trên?”.
Nói không ai tác động mình và nhận việc ký sai đó là do lỗi chuyên môn nghiệp vụ, bị cáo Thái cho rằng có biết những hồ sơ xin chuyển đổi mục đích mà người dân nộp vào phần lớn để phân lô bán nền nhưng không có quyền hạn kiểm tra vấn đề này.
“Bị cáo chỉ ký hoặc không ký” – bị cáo Thái nói.
Là chuyên viên Phòng tài nguyên – môi trường UBND TP Phan Thiết, các bị cáo Nguyễn Trí, Lê Hồ Khải có nhiệm vụ đi thực địa, đo đạt, áp vị trị thửa đất đối chiếu với bản đồ quy hoạch… đối với những hồ sơ xin chuyển đổi mục địch sử dụng đất.
Thời điểm sai phạm trên, bị cáo Trí biết Luật đất đai năm 2013 đã có hiệu lực nhưng vẫn áp dụng Luật đất đai năm 2003. “Do bị cáo nghĩ mình sắp về hưu nên làm vậy” – bị cáo cho biết.
“Dù còn một ngày làm việc vẫn phải làm đúng hồ sơ”, chủ tọa nói.
Ngày mai, tòa tiếp tục làm việc.
Nguyên Chủ tịch TP Phan Thiết bị đề nghị truy tố
Đỗ Ngọc Điệp, nguyên Chủ tịch UBND TP Phan Thiết cùng 5 cấp dưới bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm các quy định trong quản lý đất đai.
Các đồng phạm với ông Đỗ Ngọc Điệp gồm: ông Trần Hoàng Khôi (nguyên Phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết), Phạm Thanh Thái (nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Phan Thiết), Nguyễn Trí, Lê Hoàng Anh Tân (chuyên viên) và Lê Hồ Khải (nhân viên phòng Tài nguyên và Môi trường).
Ông Đỗ Ngọc Điệp đang phát biểu tại một cuộc họp ở TP Phan Thiết, tháng 9/2019. Ảnh: Việt Quốc.
Theo kết luận điều tra chuyển sang VKSND ngày 24/4 của Công an Bình Thuận, với chức vụ, quyền hạn được giao, từ tháng 2/2016 đến 12/2018, các bị can đã cố tình chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật 132 thửa đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn với tổng diện tích trên 170.000 m2, tại ba xã: Thiện Nghiệp, Tiến Lợi và Phong Nẫm.
Lúc đó, với vai trò Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, ông Đỗ Ngọc Điệp đã ký 32 quyết định tách thửa và chuyển mục đích với hơn 46.000 m2 nhưng không có văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất theo quy định. Ông Điệp còn áp dụng những quy định hết hiệu lực để làm căn cứ ban hành các quyết định này. 32 thửa đất mà ông Điệp ký có trị giá gần 5 tỷ đồng.
Ông Trần Hoàng Khôi, nguyên Phó chủ tịch UBND TP, đã ký 100 quyết định cho chuyển mục đích trái quy định với tổng diện tích hơn 124.000 m2. Ông Khôi cố ý làm sai dù biết rõ các căn cứ, trình tự, thủ tục. 100 thửa đất ông Khôi đã ký có trị giá hơn 8,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Phạm Thanh Thái và ba cấp dưới đã thẩm định, tham mưu cho các lãnh đạo UBND TP ký các quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật. Hành vi của các bị can đã xâm hại trực tiếp đến trật tự quản lý đất đai, quản lý đô thị trên địa bàn, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp tỉnh phê duyệt, làm mất lòng tin trong nhân dân.
Vụ án đã được khởi tố ngày 23/7/2019. Vài tháng sau, sáu người lần lượt bị khởi tố. Trong đó, bốn người bị bắt giam, ông Điệp và ông Trí được cho tại ngoại.
Liên quan đến các sai phạm này, các ông Lê Nguyễn Thanh Danh (Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận), Phạm Văn Quân (Giám đốc Văn phòng Đăng ký Đất đai Bình Thuận) đã bị giáng chức. Hai ông Nguyễn Ngọc Hải và Nguyễn Hữu Hoành (Giám đốc và Phó giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Phan Thiết) đã bị cách chức.
Công an tỉnh Bình Thuận đang tiếp tục làm rõ sai phạm của những người này cũng như lãnh đạo UBND các xã liên quan.
Việt Quốc
Truy tố vợ Đường 'Nhuệ' cùng 4 cán bộ biến đấu giá đất từ trượt thành trúng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 4 cán bộ thuộc Sở Tư pháp và Sở Tài nguyên - môi trường Thái Bình do tiếp tay cho Nguyễn Thị Dương (40 tuổi, vợ Đường "Nhuệ") thao túng kết quả đấu giá đất. Nguyễn Thị Dương - Ảnh: KHÁNH LINH Liên quan sai phạm trong việc...