Sai phạm của haivl là nghiêm trọng
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: “Đối với trang haivl, có dấu hiệu vi phạm hình sự, nói xấu lãnh tụ, danh nhân thì chuyển sang an ninh điều tra và đã chuyển rồi”.
Bên lề kỳ họp Quốc hội sáng nay (28/10), Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông – ông Nguyễn Bắc Son về công tác quản lý các website hiện nay, với những thí dụ điển hình là haivl và 24h.
Chuẩn bị công bố danh sách trang web bị thu hồi
Xin Bộ trưởng cho biết sau vụ việc rút giấy phép của haivl, Bộ Thông tin và Truyền thông có siết chặt quản lý các trang thông tin điện tử?
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Một số trang thông tin điện tử, gọi là trang thí điểm thì thu hồi hết theo Nghị định 72 của Chính phủ. Hôm nay sẽ công bố danh sách nhưng trang sẽ bị thu hồi.
Rõ ràng, công tác quản lý của mình có sơ hở, phản ứng không kịp thời. Nhưng khi đã phát hiện rồi thì không thể không xử lý. Nếu mình sai, có khuyết điểm, tức là công tác quản lý của Bộ TTTT nói chung và Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử nói riêng trong quá trình giám sát chưa phát hiện đầy đủ những trang này, khi đã phát hiện ra thì phải xử lý.
Khuyết điểm của mình là phát hiện chậm những sai sót này, để nó duy trì lâu quá. Ở trường hợp này không phải không phát hiện mà có phát hiện nhưng không xử lý ngay từ đầu, vì ngay trang haivl bị phạt thì đã bị cảnh báo nhiều lần. Ngay A87 cũng đã cảnh báo 3 lần.
Cục Quản lý Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử cũng cảnh báo, nhắc nhở nhiều lần nhưng lúc đó mức độ sai phạm chưa lớn như bây giờ nên chỉ nhắc nhở chứ chưa dùng biện pháp mạnh. Dù bị nhắc nhở nhưng website này vẫn tái phạm nhiều lần, cùng lúc tái phạm nhiều lỗi, có 4 khuyết điểm được đưa ra thì đến mức độ không thể nhắc nhở và xử phạt bình thường, sai phạm và cộng dồn lại là phạt hơn 200 triệu đồng và thu hồi trang web.
Video đang HOT
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định, sai phạm của trang web haivl không phải bình thường.
Cụ thể ở đây, đơn vị cấp phép sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Cục Phát thanh – Truyền hình và thông tin điện tử cấp phép cho haivl, còn trang 24h là do mua lại sau này. Cục phát thanh truyền hình sẽ không phải chịu trách nhiệm gì vì họ chỉ cấp phép cho trang web này, còn hoạt động sai thì thu hồi giấy phép.
Để xảy ra sai phạm như vậy thì trách nhiệm thuộc về ai, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Sai phạm ấy là do chủ quản của trang web này và bản thân ông chủ trang web đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Giả sử cấp phép sai thì mới xử lý. Ở đây Cục cấp phép đúng, nhưng chủ trang web đã hoạt động sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Giả sử, Cục Quản lý Phát thanh-Truyền hình và thông tin điện tử phát hiện ra sai phạm mà không xử lý thì anh phải chịu trách nhiệm. Hoặc là anh không đủ yếu tố được cấp phép mà vẫn cấp phép (các điều kiện để một đơn vị được cấp phép trang thông tin điện tử, tại Điều 24, Nghị định 72). Nếu không đủ các yếu tố qui định mà Cục vẫn cấp phép thì mới là sai.
Tiếp tục siết chặt quản lý các trang điện tử
Sau vụ việc này, kinh nghiệm được rút ra là gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Sau đây sẽ kiểm tra, thanh tra lại một lần nữa để lập lại trật tự, an toàn trên mạng nói chung, trong đó có các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội. Những diễn biến phức tạp trên truyền thông xã hội, trong đó có những nguyên nhân từ công tác quản lý có những sơ hở hoặc khi cấp phép rồi thì nhiều trang mạng xã hội lại vượt rào làm những việc sai phạm. Đây cũng là một đợt để cảnh tỉnh những người quản lý các website.
Có nghĩa là sẽ có một đợt truy quét trên mạng, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Cũng chưa hẳn là một đợt truy quét vì đây là một việc làm thường xuyên cùng các lực lượng. Lực lượng chuyên ngành đã tiến hành nhiều đợt, gần đây nhất là báo của Hội Tri thức trẻ đã bị đình bản. Vừa rồi, do cùng lúc có hai quyết định xử lý liên tiếp nên có cảm giác như là một đợt cao điểm. Đây là sự làm việc thường xuyên, nhưng qua lần này thì phải làm tốt hơn nữa. Vì nếu không cẩn thận sẽ tạo sơ hở để nhiều người lợi dụng.
Nghĩa là công tác kiểm soát xuất bản trên mạng hiện đang có vấn đề?
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Đây không phải là có vấn đề nữa, mà là thách thức lớn với cả thế giới chứ không riêng Việt Nam. Lượng người truy cập Internet ở Việt Nam đứng trong top 20 thế giới. Người truy cập Internet chủ yếu là lớp trẻ, tuổi đời 15-25 (chiếm tới 42%), còn lại là từ 25-34 khoảng 32%. Người trẻ truy cập mạng rất lớn nên việc kiểm soát phải kỹ hơn.
Nhà nước mình khuyến khích sử dụng Internet với điều kiện để tìm hiểu những trí tuệ, chất xám trên mạng để phục vụ đời sống xã hội. Nhưng xu hướng hiện nay có một số thanh thiếu niên, không phải tất cả, truy cập Internet để vui chơi, giải trí, bao gồm cả cái tốt, cái xấu. Cho nên, chúng ta phải tăng cường giáo dục, cảnh báo để khai thác mặt tốt của Internet. Quan trọng hơn nữa là phải tự bảo vệ mình.
Cùng với đó, cơ quan Nhà nước cũng phải đưa ra những chế tài, vừa là cảnh báo, định hướng tuyên truyền, vừa là ngăn chặn những trang mạng không tốt. Rút kinh nghiệm từ ngay trang mạng haivl, phải có chế tài mạnh, kiểm soát tốt từ khâu xét duyệt và cấp phép phải chặt chẽ. Cấp phép rồi phải quản lý, giám sát, kịp thời ngăn chặn và chấn chỉnh, thậm chí là thu hồi giấy phép như thời gian qua.
Đối với trang haivl, có dấu hiệu vi phạm hình sự, nói xấu lãnh tụ, danh nhân thì chuyển sang an ninh điều tra và đã chuyển rồi. Phạt hành chính nhưng nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự thì chuyển cơ quan chức năng xử lý.
Theo Giáo Dục
Sẽ 'khai tử' những trang thông tin điện tử 'đội lốt' thử nghiệm
Cơ quan chức năng sẽ rà soát và chấm dứt hoạt động của những trang thông tin điện tử "đội lốt" thử nghiệm để đăng tin bài trái quy định.
Trong buổi trả lời phỏng vấn sáng 25/10 về vi phạm của Haivl.com, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết sẽ yêu cầu cơ quan chức năng chấm dứt hoạt động của các trang thông tin hoạt động thử nghiệm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: www.dreamstime.com).
Theo ông Tuấn, thực tế cho thấy, khá nhiều trang thông tin điện tử hiện nay lấy tin bài của phóng viên đăng tải ở các cơ quan báo chí về trang của mình; lấy tin bài xào xáo lại để thành tin bài của mình như những trang báo.
Thậm chí, hiện nay có nhiều website của các công ty cung cấp nội dung thông tin, song lại "ghi chú" là trang web đang hoạt động thử nghiệm, chờ cấp phép. Ông Tuấn nói, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các cơ quan quản lý cấp dưới chấm dứt hoạt động của các trang hoạt động thử nghiệm nói trên.
Cụ thể, như trường hợp trang web ghi chờ giấy phép của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Bộ sẽ yêu cầu Sở chấm dứt; nếu trang web chỉ ghi chờ xin phép thì yêu cầu Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử xử lý. Không cho phép các website nói trên hoạt động dưới dạng không có giấy phép.
Trả lời câu hỏi về việc có thông tin Bộ "giơ cao đánh khẽ" với vi phạm của cơ quan báo chí, ông Tuấn khẳng định thông tin này hoàn toàn không chính xác. "Chúng ta xử phạt cơ quan báo chí căn cứ vào văn bản pháp luật. Vi phạm mức độ nào thì xử phạt mức độ đó, không có chuyện giơ cao đánh khẽ," ông Tuấn khẳng định.
Theo Vietnam
Vụ việc HaiVL sẽ được chuyển sang công an Không chỉ bị tước giấy phép ngày 24/10/2014, hồ sơ vụ việc mạng xã hội HaiVL sẽ bị chuyển sang cơ quan công an để điều tra các sai phạm. Ảnh chụp từ màn hình Chiều ngày 24/10/2014, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quyết định thu hồi Giấy...