Sai lầm triệu cha mẹ mắc phải khi con bị ho
Hầu hết cha mẹ đều muốn ngừng cơn ho của trẻ ngay lập tức, nhưng lại không nhận thức được điều trị tốt nhất cho trẻ là để trẻ ho, hoặc điều trị nguyên nhân gây ho…
Chuyên gia chỉ ra sai lầm triệu cha mẹ mắc phải khi con bị ho (Ảnh minh họa)
Bs Phí Xuân Thi, bác sỹ CK1 Nhi, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, khi trẻ bị ho, cha mẹ thường lo lắng. “Hầu hết cha mẹ đều muốn ngừng cơn ho của trẻ ngay lập tức, nhưng lại không nhận thức được điều trị tốt nhất cho trẻ là để trẻ ho, hoặc điều trị nguyên nhân gây ho, chứ không phải chính cơn ho”.
Theo đó, không ít bà mẹ thường thấy con ho việc đầu tiên là mua siro ho cho con uống. Tuy nhiên, theo BS Xuân Thi, “hầu hết các thuốc giảm ho không kê đơn thường không hiệu quả ở trẻ em, đặc biệt là với trẻ dưới 6 tuổi”.
“Một ủy ban tư vấn của FDA đã khuyến cáo rằng: trẻ dưới 6 tuổi không nên dùng bất kỳ loại thuốc ho hoặc cảm lạnh nào vì chúng không hiệu quả và có thể có tác dụng xấu. Cho đến nay, FDA chỉ khuyến cáo rẳng trẻ em dưới 2 tuổi không được dùng bất cứ loại thuốc ho hoặc cảm lạnh nào.
Với thuốc giảm ho theo đơn, chúng thực sự có thể nguy hiểm hơn nhiều đối với trẻ nhỏ. Nếu một đứa trẻ ho thường xuyên và dữ dội đến mức không thể ngủ được, thì nhiều khả năng đây là một đợt cảm lạnh, và nguyên nhân cơ bản cần được điều trị. Ức chế cơn ho bằng thuốc ho theo toa có thể khiến mọi thứ trở nên xấu hơn”, BS Xuân Thi nhấn mạnh.
Theo đó, những loại thuốc này cũng nguy hiểm cho trẻ em vì chúng có thể chứa chất gây nghiện. Hydrocodone hoặc codeine là một chất gây nghiện, có thể làm chậm nhịp thở của trẻ em. Nếu uống quá liều hoặc có các biến chứng khác, nó có thể dẫn tới ngừng thở ở trẻ em. “Đây là một loại thuốc có thể gây nguy hiểm cho trẻ, và theo quan điểm của FDA là không bao giờ được dùng cho trẻ dưới 6 tuổi khi bị ho vì những nguy cơ này. Họ đã nhận được báo cáo về trẻ em dưới 6 tuổi tử vong vì sử dụng thuốc ho này”, BS Xuân Thi cảnh báo.
Do đó, theo vị bác sĩ chuyên khoa nhi, nếu trẻ thỉnh thoảng ho, không ảnh hưởng tới sinh hoạt, giấc ngủ của trẻ thì cách tốt nhất là nên để trẻ ho. Bởi vì ho là cách bảo vệ đường thở, tống xuất những thứ không cần thiết như dị vật, đờm dãi ra ngoài.
Video đang HOT
Lúc này, bố mẹ có thể áp dụng một số “mẹo” nhỏ giúp giảm ho ở trẻ. Đó là dùng máy phun hơi sương tạo đổ ẩm trong cửa ngủ vào ban đêm của trẻ. Nhỏ nước muối sinh lý, và hút hoặc khuyến khích trẻ xì mũi thường xuyên sẽ giúp trẻ giảm nghẹt mũi và có thể giảm thiểu ho vì nó làm giảm nước mũi chảy xuống kích thích đường thở.
Nếu trẻ bị hen suyễn, bạn nên tuân thủ kế hoạch quản lý hen suyễn mà bác sĩ đang điều trị cho con. Nếu không chắc chắn, hoặc không có kế hoạch cụ thể, hãy gọi điện thoại trao đổi với bác sĩ ngay lập tức.
Nếu trẻ bị ho “ông ổng”, có thể cho trẻ vào phòng tắm đóng cửa, bật nước nóng và để phòng có hơi nước. Ở trong phòng có hơi nước khoảng 20 phút, cơn ho sẽ giảm dần (phải có người lớn ở trong phòng tắm cùng trẻ, tránh các nguy cơ gây bỏng). Nếu trẻ không đỡ, hay gọi ngay cho bác sĩ.
“Các loại nước mát (như nước lọc, hoặc nước trái cây) có thể làm dịu cổ họng của trẻ. Tuy nhiên nên tránh đồ uống có ga, và nước trái cây họ cam quýt vì chúng có thể gây kích ứng vùng cổ họng. Không cho trẻ uống thuốc ho, hoặc thuốc cảm lạnh mà không có thăm khám và hướng dẫn trước đó của bác sĩ”, BS Xuân Thi nhấn mạnh.
Các chuyên gia nhận định, ho là cơ chế bảo vệ tốt của bộ máy hô hấp, đôi khi rất hữu ích nên phải tôn trọng. Trong trường hợp ho cấp dưới 3 ngày mà không có sốt, không kèm theo đau ngực, không khó thở, không khạc đờm máu, mủ thì không cần dùng thuốc mà có thể áp dụng một số mẹo trên.
Nhưng một số trường hợp, Bs Phí Xuân Thi cho rằng cha mẹ nên lưu tâm và đưa con đi khám để được xử trí phù hợp. Đó là khi trẻ ho kèm khó thở, hoặc khó thở hơn khi bú, hoặc khi gắng sức. Trẻ thở nhanh hơn bình thường. Trẻ tím tái (xanh tím hoặc tái ở mặt- môi- miệng). Trẻ ho kèm sốt cao trên 38.5 độ hoặc bất cứ nhiệt độ nào sốt ở trẻ dưới 3 tháng tuổi.
Đối với trẻ dưới 3 tháng mà bị ho hơn vài giờ thì bố mẹ cũng không nên chủ quan. Đặc biệt với nhóm trẻ này, phát ra tiếng “khùng khục” khi thở sau khi ho hoặc trẻ bỏ bú, không thể bú thậm chí ho ra máu, thở rít khi hít vào, khò khè khi thở ra…bố mẹ cần đưa trẻ đến viện sớm.
Ngoài ra trẻ ho liên tục, không ngủ được do ho hoặc trẻ mệt mỏi, khó chịu khi bị ho thì người chăm sóc cũng không nên chủ quan.
Điều quan trọng nhất là phải phòng bệnh, nhất là vào ngày lạnh. Cha mẹ cần giữ cho trẻ không bị nhiễm lạnh bằng cách giữ ấm cơ thể trẻ nhất là vùng cổ, ngực. Ngoài ra, nên cho trẻ uống nhiều nước, tránh môi trường khô và lạnh, tránh các yếu tố gây kích thích như khói thuốc, khói than, bụi, mùi khí lạ, phấn hoa, lông súc vật…; không ăn uống đồ quá nóng gây kích thích vòm họng.
Nên xông hơi nóng cho đường mũi họng bằng tinh dầu bạc hà, khuynh diệp. Việc hít ngửi hơi nóng sẽ giúp làm loãng chất nhầy, chất đờm đặc giúp khạc ra đờm dễ dàng hơn. Nên nghỉ ngơi nhiều, ăn hoa quả, uống nước cam, chanh, ăn tỏi, hành, hẹ để hỗ trợ thêm hệ miễn dịch.
Ngoài ra, trẻ bị ho cấp, ho từng cơn và ho khan thể nhẹ các chuyên gia đông y cho rằng có thể áp dụng các liệu pháp dân gian như: có thể sử dụng chanh và mật ong trộn lẫn hoặc pha chanh với mật ong vào nước ấm để uống giúp trị ho, viêm họng. Cách khác là có thể dùng quất và mật ong hấp lên để ngậm giúp trị ho mà không cần dùng thuốc.
Không nên tự ý dùng thuốc trị ho cho trẻ
Ho là triệu chứng của bệnh đường hô hấp rất phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, đặc biệt là khi thời tiết thay đổi hay giao mùa.
Để điều trị ho phải điều trị nguyên nhân gây ho. Việc tự ý dùng thuốc cho trẻ, dùng thuốc không đúng là những sai lầm mà các bậc làm cha mẹ cần tránh.
Việc tự ý cho trẻ dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ khi bị ho, nhiều khả năng bệnh sẽ tiến triển nặng hơn
Khi nào cho trẻ dùng thuốc ho?
Nhiều cha mẹ cứ thấy trẻ ho là ra hiệu thuốc mua thuốc giảm ho mà không biết ho là một phản ứng của cơ thể để tống các chất kích thích, chất nhầy tiết nhiều ra khỏi các ống dẫn khí. Đây là một cơ chế để bảo vệ tốt bộ máy hô hấp nên trong nhiều trường hợp, không nên tìm cách ngăn cản triệu chứng ho. Đặc biệt, không dùng thuốc giảm ho trong các bệnh như viêm phế quản cấp, hen phế quản, viêm phổi... Trong những trường hợp này ho để tống đờm dãi ra ngoài cơ thể, làm sạch đường thở.
Việc cho trẻ uống thuốc giảm ho sẽ gây ứ đọng các chất đờm dãi, dịch... ở đường hô hấp, gây cản trở sự hô hấp và gây ứ khí phế nang, làm giảm khả năng chống lại vi trùng, làm cho bệnh nặng hơn. Đối với trường hợp ho có nhiều đờm dãi ở trẻ, điều quan trọng là phải làm sạch đường thở cho trẻ bằng các biện pháp không dùng thuốc như giúp trẻ xì mũi, hút đờm đúng cách...
Chỉ dùng thuốc giảm ho trong trường hợp trẻ ho khan, ho do kích ứng, dị ứng. Khi trẻ ho khan nhiều quá, bị mất sức vì ho ban đêm thì mới cho uống thuốc ho để làm dịu cơn ho. Tuy nhiên cũng có khuyến cáo không nên cho trẻ dưới 2 tuổi dùng thuốc trị ho chứa thuốc kháng histamin vì đối với trẻ quá nhỏ thuốc có thể gây kích động, co giật. Khi thấy trẻ ho và đã cho trẻ dùng thuốc sirô chống dị ứng 2, 3 ngày mà không thấy đỡ thì nên đưa trẻ đi khám. Việc tự ý dùng thuốc cho trẻ, hoặc dùng lại đơn thuốc cũ đều là những sai lầm cần tránh.
Dùng kháng sinh khi nào?
Chỉ cho trẻ dùng kháng sinh do đã xác định được ho lúc này là triệu chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp hoặc xác định có bội nhiễm. Đặc biệt lưu ý, những thuốc như kháng sinh, thuốc chống viêm corticoid đều phải do bác sĩ chỉ định, không nên tự ý mua cho trẻ dùng.
Một số cha mẹ cho con uống thuốc kháng sinh để cải thiện tình trạng trẻ em bị ho, điều này là hoàn toàn không nên nếu như chưa xác định được nguyên nhân ho. Trong trường hợp ho do cảm virus thì thuốc sẽ không đem lại hiệu quả, thay vào đó trẻ có nguy cơ bị nhờn thuốc. Nhiều loại thuốc giảm ho còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi, bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ.
Chăm sóc trẻ bị ho
Đối với trẻ bị ho, cần chú ý giữ ấm cho bé, tránh gió lạnh, tránh cảm cúm, cảm lạnh. Cha mẹ nên cho bé uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm để bổ sung nước cho cơ thể. Trong thời gian này, bạn cũng nên hạn chế tắm cho bé quá lâu, tốt nhất là lau rửa người cho con mỗi ngày bằng nước ấm. Đây là cách để tăng độ ẩm cho da, con sẽ cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn.
Khi trẻ bị ho, cha mẹ nên để trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn, theo dõi bé thường xuyên để đề phòng trường hợp trẻ ho nhiều, có biểu hiện khó thở, thở nhanh thì cần đưa đi bệnh viện ngay lập tức. Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức. Ngoài ra cần bổ sung nhiều nước và điện giải cho bé.
Việc tắm nước ấm cũng có thể làm giảm cơn ho của trẻ. Hơi nước ấm, nóng sẽ giúp đường hô hấp của trẻ được thư giãn. Cha mẹ cần ngồi cùng bé khi tắm hơi và tránh để trẻ bị bỏng. Với trẻ trên 1 tuổi, cha mẹ có thể dùng nước chanh ấm pha mật ong để giảm cơn ho của trẻ. Tuyệt đối không dùng mật ong cho trẻ em dưới 1 tuổi vì hệ cơ quan của trẻ chưa phát triển đầy đủ, khi dùng mật ong có thể khiến trẻ bị ngộ độc, thậm chí là tử vong.
Về chế độ dinh dưỡng, cha mẹ cần hạn chế cho bé ăn những thực phẩm không tốt cho bệnh ho như: bạc hà, chocolate, đồ ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ hoặc các chất kích thích, đồ uống có ga...
Khi trẻ em bị ho, cha mẹ nên cho bé súc miệng bằng nước muối ít nhất 2 lần mỗi ngày để vệ sinh họng sạch sẽ. Việc này chỉ áp dụng cho những bé từ 3 - 4 tuổi, đã biết súc miệng như vậy tránh được hiện tượng con nuốt nước súc miệng vào trong.
Cúm A vào mùa: Cách điều trị như thế nào? Cúm là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, ghi nhận các trường hợp mắc quanh năm. Vào mùa đông là thời điểm thích hợp để dịch cúm bùng phát. Dấu hiệu cảm cúm Bác sĩ Chuyên khoa Nhi Phí Xuân Thi, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, cho biết cúm là một bệnh lây nhiễm mạnh, có thể gặp ở...