Sai lầm khiến nCoV xâm nhập tàu sân bay Pháp
Hồi tháng một, Thủ tướng Pháp phát biểu trước các thủy thủ trên tàu sân bay Charles de Gaulle, ca ngợi chiến hạm là viên ngọc quý của đất nước.
“Hãy nhớ rằng người Pháp luôn theo dõi các bạn và tự hào về các bạn”, Thủ tướng Édouard Philippe nói khi Charles de Gaulle, tàu sân bay duy nhất trong biên chế hải quân Pháp, đang thực hiện nhiệm vụ ở Địa Trung Hải.
Ba tháng sau, niềm kiêu hãnh đó nhường chỗ cho những lời đổ lỗi và các cuộc điều tra, khi hơn 1.000 thủy thủ, chiếm khoảng 60% lực lượng nhóm tác chiến tàu sân bay Charles de Gaulle, nhiễm nCoV, buộc hải quân phải cắt ngắn nhiệm vụ để quay về cảng.
Hàng trăm thủy thủ tàu sân bay sau đó bị cách ly tại các căn cứ quân sự khắp nước Pháp. Một thủy thủ bị đang được chăm sóc tích cực, khoảng một nửa không có triệu chứng.
Lính hải quân và lính cứu hỏa khử trùng tàu sân bay Charles de Gaulle tại Toulon ngày 16/4. Ảnh: AFP.
Célyne Flandrin, 29 tuổi, vợ của một thủy thủ nhiễm nCoV, cho biết cô không ngờ tình cảnh này có thể diễn ra. “Tôi đã nói với mọi người rằng tôi rất yên tâm vì anh ấy ở giữa đại dương. Anh ấy sẽ không bị nhiễm và tôi không phải lo lắng. Tôi rất ngạc nhiên khi kết cục thành ra thế này”.
Flandrin, sống ở Toulon, kể rằng chồng cô gọi điện sau khi về Pháp cuối tuần trước, cho biết mình bị ho và đau họng. Chồng cô sau đó được xác nhận dương tính với nCoV nhưng sức khỏe đã cải thiện và đang được cách ly tại một căn cứ hải quân. “Thật đáng sợ khi thấy thiệt hại virus có thể gây ra”, Flandrin nói.
Pháp không phải là quốc gia duy nhất đối mặt với sự bùng phát nCoV trên tàu sân bay. Một thủy thủ Mỹ đã chết và hàng trăm người nhiễm nCoV trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt.
Video đang HOT
Tuy nhiên, hải quân Mỹ có 11 tàu sân bay, còn Pháp chỉ có một. Charles de Gaulle, được đưa vào hoạt động năm 2001 và dự kiến “nghỉ hưu” năm 2040, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống răn đe hạt nhân của Pháp vì các chiến đấu cơ Rafale mang đầu đạn hạt nhân cất cánh từ đây.
Hồi cuối tháng một, Charles de Gaulle rời cảng Toulon đến đông Địa Trung Hải để tham gia chiến dịch chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, trước khi lên đường đến Đại Tây Dương và Biển Bắc, nơi họ có kế hoạch tham gia tập trận hải quân đa quốc gia.
Phát ngôn viên hải quân Pháp Éric Lavault cho biết vì khu vực đó lạnh, các bác sĩ trên tàu không ngạc nhiên khi thấy 15-20 thủy thủ có triệu chứng ho mỗi ngày. “Chỉ huy tàu bắt đầu lo lắng từ ngày 5/4, khi ông chứng kiến sự gia tăng đột ngột, theo cấp số nhân lượng người đến phòng khám trên tàu có dấu hiệu đặc trưng của Covid-19″, Lavault nói.
Mẫu sinh phẩm từ hai thủy thủ được gửi đến các bệnh viện quân đội ở Pháp để phân tích và họ phát hiện các thủy thủ này nhiễm nCoV. Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly nhanh chóng quyết định cắt ngắn nhiệm vụ của nhóm tàu Charles de Gaulle sau khi các quan chức hải quân báo cáo về tình hình trên tàu. “Vấn đề đó khiến tôi mất ngủ cả đêm”, Parly nói.
Hiện chưa rõ nCoV xâm nhập tàu sân bay Pháp từ khi nào. Tàu từng dừng ở Cyprus vào tháng hai, nhưng giả thuyết chính là nCoV đã “lẻn” lên tàu sau khi nó dừng ở cảng Brest của Pháp.
Khi con tàu cập cảng Brest vào tối 13/3, Pháp đã cấm tụ tập hơn 100 người và Tổng thống Macron vừa thông báo đóng cửa trường học. Nhưng doanh nghiệp, hàng quán vẫn mở và nước này sắp bầu cử địa phương. Đến thời điểm tàu rời đi vào sáng 16/3 cùng 52 thủy thủ mới, chính phủ yêu cầu các nhà hàng, rạp chiếu phim và các cơ sở giải trí khác đóng cửa. Tối hôm đó, Macron thông báo các hạn chế nghiêm ngặt trên toàn quốc.
Khi ở Brest, hạm trưởng Guillaume Pinget không còn cho phép người thân thủy thủ lên thăm tàu, nhưng các thủy thủ được lên bờ. Chồng của Flandrin đã gặp cô khi cô bay tới Brest và đi cùng các thủy thủ khác đến các nhà hàng, quán bar, cửa hàng.
Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Pháp Franois Lecointre cuối tuần trước cho biết các quan chức từng cân nhắc hủy chuyến đi tới Brest, nhưng đó là một điểm dừng hậu cần quan trọng. Các thủy thủ được yêu cầu tuân thủ chỉ dẫn “cách biệt cộng đồng”, tránh đến câu lạc bộ đêm và tụ tập hơn 50 người.
Nhiều người nói rằng làm vậy là chưa đủ. “Tại sao tàu sân bay duy nhất của chúng ta, có tầm quan trọng chiến lược đối với Pháp, quay trở lại biển mà không có đánh giá rủi ro sau khi các thủy thủ lên bờ, tiếp xúc với cư dân tại Brest và gặp gia đình họ?”, Alexis Corbière, nghị sĩ thuộc đảng Nước Pháp Không khuất phục, nói.
Sau khi tàu rời Brest, hạm trưởng đã hủy một số cuộc họp hàng ngày và đóng cửa khu vực tụ tập giao lưu trên tàu. Chỗ ngồi trong căng tin được giãn cách. Nhưng sau 14 ngày không phát hiện ca nghi nhiễm rõ rệt nào, ông đã cho phép nới lỏng một số hạn chế cho đến khi thấy xu hướng đáng lo ngại từ 5/4.
Giống như hầu hết nước Pháp, con tàu đối mặt với tình trạng thiếu khẩu trang. Họ không có chiếc khẩu trang nào cho đến khi dừng lại ở Đan Mạch vào cuối tháng ba.
Đô đốc Barshe Prazuck, người đứng đầu hải quân Pháp, nói rằng các biện pháp phòng bị trên tàu đã bị “virus lén lút, quỷ quyệt” qua mặt và nhấn mạnh “phải tìm hiểu những gì đã xảy ra”. Bộ Quốc phòng đã yêu cầu điều tra nội bộ và dịch tễ học, dự kiến ra kết luận sơ bộ trong vài tuần.
“Những quy định được đưa ra đã không đủ để đảm bảo các thủy thủ không mang nCoV lên tàu”, Lecointre nói cuối tuần trước, nhấn mạnh rằng “công cụ quân sự thiết yếu và mang tính biểu tượng” giờ đây không còn sử dụng được. “Chúng ta phải khôi phục khả năng này càng nhanh càng tốt, bởi vì nó là một lỗ hổng”.
Phương Vũ
Gần 1.100 thủy thủ nhóm tàu sân bay Pháp nhiễm nCoV
Khoảng một nửa hay gần 1.100 thủy thủ trên tàu sân bay Charles de Gaulle và nhóm chiến hạm hộ tống dương tính với nCoV.
Trong số hơn 1.081 ca nhiễm, 545 người có triệu chứng, 24 người đã nhập viện và một người đang nằm tại đơn vị chăm sóc tích cực (ICU), Bộ trưởng Quốc phòng Pháp nói trong phiên họp tại quốc hội ngày 17/4.
2.010 trong số hơn 2.300 thủy thủ thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay Charles de Gaulle đã được xét nghiệm và những người âm tính đang được cách ly.
Tàu sân bay Charles de Gaulle cùng các chiến hạm hộ tống được lệnh đình chỉ nhiệm vụ và về căn cứu sớm hơn dự kiến 10 ngày sau khi hàng chục thủy thủ có triệu chứng nhiễm nCoV. Nhóm tác chiến tàu sân bay cập cảng Toulon, Pháp, ngày 12/4 và đang được khử trùng.
Christian Martinez, điều phối viên quốc gia phụ trách dịch vụ y tế và tâm lý cho quân đội Pháp, ngày 16/4 cho biết hơn 10 bác sĩ đã được điều động để chăm sóc các thủy thủ nhiễm nCoV. "Những người có triệu chứng đang được theo dõi chặt chẽ hơn những người không có", Martinez nói.
Tàu sân bay Charles de Gaulle cập cảng Toulon, Pháp ngày 12/4. Ảnh: AFP.
Chưa rõ nguồn gốc lây nhiễm trên nhóm tác chiến tàu sân bay Charles de Gaulle, khi các chiến hạm không liên lạc với bất cứ đơn vị nào sau khi cập cảng Brest, tây bắc nước Pháp, ngày 13-16/3. "Chúng tôi chưa rõ liệu virus xâm nhập khi con tàu cập cảng ngày 13/3 hay không", Bộ trưởng Parly nói.
Các ca nghi nhiễm trên tàu Charles de Gaulle được ghi nhận hôm 7/4, sau lần cập cảng cuối khoảng ba tuần, trong khi virus này có thời gian ủ bệnh được cho là khoảng 2-14 ngày.
Hải quân Mỹ ngày 14/4 thông báo hai trong số 4 thủy thủ nước này làm việc trên tàu sân bay Pháp nhiễm nCoV, song không cho biết tình trạng của họ. Các thủy thủ trên được cử đi theo Chương trình Trao đổi Nhân sự Hải quân giữa Mỹ với các đối tác.
Charles de Gaulle là soái hạm của hải quân Pháp và là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân duy nhất trên thế giới không thuộc Mỹ. Trước khi nhận lệnh về căn cứ, chiến hạm được triển khai tại Đại Tây Dương trong khuôn khổ diễn tập của NATO, sau khi tham gia Chiến dịch Chammal truy kích tàn dư tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria.
Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn hai triệu ca nhiễm nCoV, hơn 134.000 người chết và hơn 510.000 người đã hồi phục. Pháp ghi nhận gần 148.000 ca nhiễm, cao thứ ba châu Âu, trong đó hơn 17.000 người chết và gần 31.000 người đã hồi phục.
Nguyễn Tiến
668 thủy thủ trên tàu sân bay Pháp mắc COVID-19 Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, ít nhất 668 quân nhân từ nhóm tàu sân bay Charles de Gaulle đã bị nhiễm virus corona chủng mới. Hôm 15/4, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết 1/3 trong số gần 1.800 thủy thủ trên tàu sân bay Charles de Gaulle và tàu hỗ trợ của Pháp đã bị nhiễm virus corona chủng mới. "Tối 14/4,...