Sai lầm của Mỹ tại Iraq còn lớn hơn ở Việt Nam?
Người Mỹ có “bài học Việt Nam”, vậy mà họ lại không rút ra được gì từ bài học đó. Họ thậm chí còn lún sâu vào những sai lầm lớn hơn, để rồi phải nhận một kết cục thảm hại tại Iraq.
Theo giới phân tích, bản chất của hai cuộc xâm lược của Mỹ tại Việt Nam và Iraq tương đối giống nhau và điểm tương đồng lớn nhất là Washington không còn một lựa chọn nào khác ngoài quyết định rút quân để tránh tổn thất lâu dài và trầm trọng cho vị thế siêu cường của Mỹ trên thế giới.
Tuy nhiên, những sai lầm và tổn thất mà Mỹ phải gánh chịu sau cuộc chiến Iraq dường như còn trầm trọng hơn nhiều so với bài học cách đây 36 năm.
Nỗi đau Việt Nam
Sau thất bại của Mỹ tại Việt Nam năm 1975, một câu hỏi được đặt ra cho nhiều người Mỹ: “Vì sao Mỹ thất bại ở Việt Nam?”. Và nhiều câu trả lời được đưa ra.
Những người luyến tiếc cho ánh hào quang rực rỡ trong lịch sử nước Mỹ quả quyết: “Mỹ thất bại vì không nỗ lực hết mình, do đó, không giữ được uy quyền vốn có”.
Trong khi đó, một số người hiếu chiến khẳng định: “Mỹ không biết đẩy mạnh leo thang chiến tranh”. Cũng có không ít người kết luận, sự thất bại của Mỹ ở Việt Nam là do quân đội Mỹ bị đưa đến chiến trường châu Á xa xôi với quá nhiều cạm bẫy.
Video đang HOT
Thậm chí không rút ra được bài học xương máu tại Việt Nam, Mỹ còn lún sâu hơn vào những sai lầm liên tiếp tại Iraq. Ảnh: layoutsparks.
Tuy nhiên, cũng có những người biết nhìn thẳng vào sự thật, trong số đó có Mc. Namara – Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng dưới các thời Tổng thống Johnson và Nixon. Ông này thú nhận, cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam là một “sai lầm, sai lầm khủng khiếp”.
“Chúng ta đã đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc”, ông Namara thừa nhận.
Quả thực, chiến thắng của nhân dân Việt Nam chứng tỏ rằng, cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ là “một sai lầm ngớ ngẩn ghê gớm, con đẻ của một hỗn tạp kỳ quặc giữa sự hoang đường và tính kiêu ngạo, mù quáng đối với lịch sử, sự tin tưởng ngây thơ về vai trò quyền lực đứng đầu trên quả đất”.
Mỹ đã sử dụng những giải pháp quân sự cho những vấn đề chủ yếu là chính trị và văn hóa. Đây là một cuộc chiến tranh sai lầm, tại một địa điểm sai lầm, ở một thời gian sai lầm, cho những lý lẽ sai lầm.
Kết cục bi thảm tại Iraq
Vậy mà, 28 năm kể từ sau thất bại tại Việt Nam, vào tháng 3/2003, lấy cớ tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt, liên quân do Mỹ đứng đầu với khí thế áp đảo về lực lượng và vũ khí công nghệ cao, lại tiến vào Thủ đô Baghdad, lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein.
Một số nhà nghiên cứu hồi đó nêu ý kiến về những bài học mà các nhà cầm quyền Mỹ cần tính tới. Theo họ, đã đến lúc cần nhìn lại cuộc chiến tại Việt Nam, Iraq và bài học gì mà cuộc chiến thứ nhất có thể dạy nước Mỹ về cuộc chiến thứ 2.
Tuy nhiên, rốt cuộc, sai lầm vẫn lặp lại, quân đội Mỹ năm nay lại phải thực hiện cái việc mà 36 năm trước đây họ làm ở Việt Nam: rút quân về nước với “hai bàn tay trắng”.
Tuy nhiên, sai lầm lần này dường như lớn hơn rất nhiều bởi hậu quả mà nó để lại thực sự đang trở thành gánh nặng đè lên vai Mỹ.
“Cuộc chiến tại Việt Nam vẫn được cho là đáng thất vọng nhất nhưng đến nay có thể khẳng định rằng, chiến tranh Iraq mới thực sự là sai lầm lớn nhất trong lịch sử quân sự Mỹ”, tác giả Loren Thompson của tờ Pravda nhấn mạnh.
Cuộc chiến tranh Iraq lần này kéo dài ngoài dự kiến của Mỹ, lâu hơn cả cuộc nội chiến ở Mỹ, chiến tranh thế giới thứ nhất và chiến tranh thế giới thứ 2. Nó tiêu hao của Mỹ gần 1.000 tỷ USD trong khi nước Mỹ phải gồng mình để vượt qua khủng hoảng kinh tế. Chính quyền Mỹ cũng phải cay đắng thừa nhận, một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng kinh tế là do “sa lầy” trong cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.
Thêm vào đó, trái với tuyên truyền của Mỹ rằng sẽ đem lại tự do cho người dân Iraq, đất nước này hơn 8 năm qua chìm trong bom đạn, chết chóc, đau thương. Những vụ đánh bom đẫm máu của lực lượng nổi dậy xảy ra với mức độ gia tăng, gây nỗi kinh hoàng cho dân thường Iraq và cả binh sĩ cũng như nhân dân Mỹ.
Vì vậy, làn sóng phản đối cuộc chiến tranh ở Iraq không ngừng nổi lên trong lòng nước Mỹ. Nhiều người dân Mỹ bất bình khi chứng kiến hằng ngày con em họ phải đổ máu ở một đất nước xa xôi, rồi cả những nỗi đau bị giày vò cả về thể xác lẫn tinh thần, khi hàng nghìn người mắc bệnh tâm thần với “hội chứng Iraq”.
Ngoài ra, theo học giả Stephen M. Walt thuộc Trung tâm Belfer, Mỹ đã “chuốc họa vào thân” khi quyết định can thiệp vào Iraq. Đây có lẽ là lỗi lầm lớn nhất trong lịch sử chính sách đối ngoại của Mỹ. Quyết định đi đến chiến tranh bị ảnh hưởng bởi những nguồn tin sai lệch, những nhận định thiếu chắc chắn và những phân tích sai sự thật.
Hơn nữa, cuộc chiến Iraq cũng là thất bại của chiến dịch đối phó với chủ nghĩa khủng bố của Mỹ. Washington không những không trấn áp được khủng bố mà Baghdad còn trở thành một “địa bàn” cho khủng bố tung hoành.
Ngoài ra, cuộc chiến Iraq góp phần đẩy giá dầu tăng một cách đột biến, hủy hoại giá trị của chế độ dân chủ và bôi nhọ hình ảnh của Mỹ trong mắt cộng đồng Arab và Hồi giáo.
Cuộc chiến này còn làm mai một đáng kể mối quan tâm của Mỹ với Trung Đông và khiến khu vực này trở nên bất ổn, cùng lúc đó “vô tình” tạo đòn bẩy cho vị thế của Iran.
Như vậy, dù Tổng thống Obama coi việc rút quân của Mỹ vừa qua là “dấu mốc lịch sử” và cuộc chiến đang khép lại, song xét về các mục tiêu chiến lược, Mỹ đã hoàn toàn thất bại. Kết cục thảm hại tại Iraq tiếp tục là lời cảnh báo cho nước Mỹ: Nếu người Mỹ không rút kinh nghiệm từ cuộc chiến này và xử lý thích đáng những sai lầm một cách có trách nhiệm, thất bại tại Iraq sẽ không phải là thất bại cuối cùng của người Mỹ.
Theo Báo Đất Việt