Sài Gòn, những đêm trắng mưu sinh
Mặt trời đã ló rạng, chia tay các nhân vật của mình, mắt tôi bỗng đỏ hoe rồi lăn dài những giọt nước. Thành phố đang trên con đường phát triển và hội nhập mạnh mẽ, mỗi ngày một hiện đại với biết bao dự án quy hoạch khu đô thị mới, chung cư, nhà cao tầng, khách sạn…nhưng đâu đó trong lòng thành phố về đêm vẫn cponf quá nhiều người khó khăn, vất vả. Họ đã không có một cuộc sống đúng nghĩa. Bây giờ, tôi đã hiểu vì sao người ta nói Sài Gòn có những góc không hề ngủ…
Những chiếc xe bán hàng đêm như thế này được rất nhiều người nghèo chọn để kiếm cơm
Nước mắt nhỏ theo từng chiếc ve chai
0h30″ sáng, trên vỉa hè đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cô Nguyễn Thị Thân (50 tuổi, quê Quảng Bình) đang lui cui nhặt nhạnh số vỏ chai nước cho lên chiếc xe đạp cà tàng của mình. Dù đồng hồ đã chỉ sang ngày mới nhưng cô cũng cố nán lại bên đường để mong tìm thêm số phế liệu còn nằm lẩn khuất đâu đó. Ngồi nghỉ ngơi lấy sức, cô Thân tâm sự: “Đời người sao mà nó ác thế, chỉ giản đơn muốn có cái ăn, cái mặc nhưng cuộc sống quá trớ trêu. Hết bất hạnh này đến bất hạnh khác gieo xuống đời cô”.
Đến Sài gòn vào lúc 16 tuổi nhưng thất học, lại không biết một nghề gì, cô Thân phải vất vả chạy ăn từng bữa. Còn trẻ, còn sức nên làm đủ nghề, nào công nhân, phụ bàn, bán hàng, khuân vác… cũng tạm đủ sống qua ngày. Nhưng, ông trời không thương mà khiến cô Thân bị một cơn bạo bệnh nặng lúc 31 tuổi, khiến cô thân tàn ma dại, sống lay lắt nay đây mai đó.
“Vì cái đói cồn cào ruột gan, cô đi xin việc khắp nơi nhưng không nơi nào nhận. Ngồi khóc hu hu ở góc đường Đinh Tiên Hoàng (Quận 1), có một bà cụ đến hỏi chuyện. Thương cảm cho số phận hẩm hiu, bà cụ ấy hướng dẫn cô vào nghề lượm ve chai. Cái nghề ấy vậy mà đã theo cô suốt 20 năm nay rồi”.
Không nhà, không người thân, không chồng, không con nhưng trong ánh mắt của người phụ nữ chịu nhiều bất hạnh vẫn mơ ước về một mái nhà để có thể được nấu một bữa cơm gia đình đúng nghĩa, nhưng ước mơ ấy ngày càng xa vời vợi. Ngày ngày, cô vẫn đạp chiếc xe cà tàng đi khắp phố phường Sài Gòn tìm từng cái vỏ chai, bịch ni lông để kiếm từng chén cơm, manh áo.
“Bố mẹ cô mất đã lâu lắm rồi, đến giờ cô vẫn chưa có cơ hội để về quê thắp cho bố mẹ một nén nhang. Nhà giờ không còn ai, anh chị thì mỗi người phiêu bạt mỗi phương, nhưng cũng nghèo cả. Nhiều lúc muốn đi thăm anh, thăm chị nhưng vật giá ngày càng cao, lượm ve chai thế này biết ngày nào đủ tiền mua vé chứ, rồi còn tiền quà, tiền bánh cho các cháu…” – cô nức nở.
Video đang HOT
Cô Nguyễn Thị Thân (50 tuổi, quê Quảng Bình) đang cặm cụi nhặt nhạnh phế liệu
Vì nghèo nên …không một lần dám để ý ai
Hơn 24 năm qua, ông Lê Văn Hùng (57 tuổi, quê Quảng Trị) cố bám trụ tại giao lộ này quen thuộc như mái nhà thân yêu của mình, có lúc ở góc đường phía bên Chợ Bà Chiểu, có khi thì ở bên hông siêu thị Coop Mart. Hơn 30 năm qua, ông không một lần về thăm quê dù cha mẹ và anh chị ruột đều ngoài đó. “Về mà chẳng có tiền, chỉ hai bàn tay trắng thế này thì nhục quá”, ông trầm ngâm.
Ông kể, sau 30 năm lăn lộn ở đất Sài Gòn, đến năm 2002 thì thị trường vé số dạo eo hẹp. Lúc đó, ông bị tai nạn giao thông bị gãy mất một chân, thành người tàn phế nên phải đành quyết định chuyển sang vá xe đêm kiếm thêm chén cơm cho qua những ngày tuổi già.
Không có vốn, không có mặt bằng, để dụng cụ vá xe trước nhà người ta thì họ không chịu, cái khó ló cái khôn, cứ 10h đêm ông Hùng lại đem các dụng cụ vá xe để ở góc đường, 5h sáng hôm sau lại đem về. Tuy nhiên, vá xe đêm cuộc sống cũng không khá hơn, ông phải lăn lộn thêm nhiều việc lặt vặt khác. “Tui đâu ngờ, cuộc mưu sinh vá xe đêm như mình giờ đây khó khăn đến thế. Khách thì ít mà người vá thì đông, một đêm bươn chải cũng không đủ để chi tiêu”- ông buồn rầu.
Bộ đồ nghề vá xe đêm đã theo ông bôn ba bao nhiêu năm trời như một định mệnh. “Nó là người bạn tâm tình của tôi cũng phải vài chục năm rồi đấy chú ơi”, ông vừa giơ cái mỏ lết ra cho tôi xem vừa nói. Ông đã qua cái tuổi đẹp nhất của đời người, cuộc mưu sinh đã không cho phép ông nghĩ đến cái gì khác ngoài miếng cơm manh áo. Vì nghèo nên đời ông không một lần dám để ý đến ai. Ăn cơm bụi, ngủ mái hiên, còn tắm gội thì ra nhà vệ sinh công cộng. Cho đến bây giờ tóc đã điểm bạc, ông vẫn một mình với bộ đồ nghề vá xe vẫn đè nặng trên đôi vai gày guộc.
Chia sẻ với bạn đời tổ ấm…vỉa hè
May mắn hơn bà Thân và ông Hùng, ông Phạm Văn Hai (69 tuổi, quê Quảng Nam) có người bạn đời chia sẻ nhưng gần cả đời người, ông và vợ lấy vỉa hè khu vực cầu Thị Nghè (Quận 1) làm nhà.
Trong 40 năm đạp xích lô, các bà, cô cô ở xunh quanh cầu Thị Nghè đã ghi nhận và phong cho ông Phạm Văn Hai cái tên là “đệ nhất xích lô chở hàng”. Bởi vì, lúc trai tráng mỗi ngày ông chở hàng chục chuyến hàng mà không biết mệt mỏi. Nhưng, “điều quan trọng nhất là tôi rất đúng giờ và hàng hóa không bao giờ hư hỏng hay mất mát”- ông Hai tự hào khoe.
Sau này khi đã luống tuổi, sức khỏe không còn được như trước, nhưng với thói quen đi chậm đã giúp ông giữ rất nhiều mối quen từ thuở xưa. Đặc biệt, các bậc cao niên, các bà, các chị rất thích đi xích lô của ông. Và chiếc xích lô cũ kĩ cùng khuôn mặt luôn tươi vui của ông Hai đã trở thành một thương hiệu riêng tại đây.
Năm 1998, sau gần nửa đời người thiếu vắng cùng chia ngọt sẻ bùi, duyên số đã đến với ông Hai một cách tình cờ. Bà Lê Thị Ba, bán trái cây dạo ở chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh) thương cảm cho số phận của ông và thế là nên vợ nên chồng. Ông Hai hóm hỉnh: “Tui gặp bả cũng tình cờ lắm, lúc đó trời đổ mưa, bả bị té đi không nổi. Tui chạy tới bốc lên xe chở một mạch đến chợ để bả bán hàng. Trời đất xui khiến thế nào, bả lại thương thằng khố rách áo ôm như tôi”.
Thương ông già 69 tuổi ngày ngày vẫn chăm chỉ chạy xích lô kiếm sống, anh em xe thồ bố trí cho ông một góc đậu xe thuận lợi nhất ngay gần chân cầu, nhờ thế cuộc sống của ông được đảm bảo, không phải lo đói, lo không có khách nữa. Hàng ngày, ông Hai và bà Ba vẫn sống đạm bạc với những đồng tiền kiếm được từ đạp xe xích lô cùng với quầy trái cây.
Ông Hai cho hay: “Tui còn sức còn đạp xích lô chứ bây giờ nghỉ thì hai vợ chồng già không biết lấy gì mà ăn”. Người dân ở xung quanh lúc nào thấy ông Hai cũng cười vui, nhưng ít ai hiểu đằng sau đó là nỗi buồn thăm thẳm của một đời đạp xe cực khổ trăm bề…
Theo PLVN
Cô học trò mồ côi học giỏi
Mồ côi cả cha lẫn mẹ, cuộc sống vô vùng khó khăn nhưng Nguyễn Thị Diệu Hiền, lớp 9E, Trường THCS Phạm Đình Quy (xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa) đã vượt qua nhiều thử thách, luôn là học sinh khá, giỏi.
Nguyễn Thị Diệu Hiền đang ôn tập chuẩn bị tham gia kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử sắp tới.
Khi chào đời được ba tháng tuổi, cha bỏ nhà ra đi theo người phụ nữ khác nên Hiền không được sự che chở trong vòng tay của cha, không được ăn ngon mặc đẹp như những đứa trẻ khác. Từ đó, hai mẹ con Hiền phải sống trong những tháng ngày đầy khổ cực. Tình thương của mẹ không lấp đầy hơi ấm tình cha, nên càng lớn lên, trong ánh mắt Hiền càng hiện rõ nỗi buồn sâu kín. Thấy chúng bạn được quây quần, che chở bên sự yêu thương của cha mẹ, Hiền mơ ước được cha âu yếm nhưng hơn 15 năm qua giấc mơ đó vẫn hoài là giấc mơ.
Sau khi người cha ra đi, mẹ Hiền - chị Trương Thị Cam Linh ngày càng vất vả hơn. Hai mẹ con ở trong căn nhà cấp bốn xập xệ, ngày thêm xuống cấp. Hôm căn nhà sắp sập, hai mẹ con không còn chỗ nương thân, chị Linh đành phải bán đi mảnh vườn, vay mượn thêm hàng xóm, người thân mới có tiền dựng lại căn nhà để có chỗ che nắng, che mưa. Thế nhưng số phận nghiệt ngã vẫn chưa dừng lại ở đó, hai mẹ con về nhà mới được hai ngày thì chị Linh bị sốt xuất huyết mạch máu não ra đi mãi mãi để lại một mình Hiền, lúc đó mới 10 tuổi. Từ đó, Hiền trở thành đứa trẻ mồ côi sống cô đơn, buồn bã giữa dòng đời với bao khốn khó. Ruộng vườn đã bán hết, không có tiền, lại mang nợ hơn 20 triệu đồng, Hiền đứng trước nguy cơ... phải bỏ học.
Cũng may là Hiền còn có ông bà ngoại. Ông Trương Đình Vui, ngoại của Hiền nói: "Tội nghiệp con bé, mới mười tuổi đầu mà phải chịu cảnh mồ côi cha mẹ, vừa phải lo ăn học, vừa phải chạy tiền để trả nợ..."- Nói chưa dứt câu, ông Vui đã quay mặt đi chỗ khác để tránh những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má khô khan...
Mỗi tháng, Hiền sống chủ yếu dựa vào 180.000 đồng từ tiền trợ cấp của Nhà nước. Vì vậy để bảo đảm chi phí cho sinh hoạt, ăn uống hàng ngày, Hiền phải dè sẻn trong chi tiêu. Mỗi ngày Hiền chỉ ăn hai bữa lưng bụng trưa và chiều, còn buổi sáng phải nhịn đói đến trường. Để có tiền trả nợ cho mẹ, ngoài thời gian đến lớp Hiền phải về nhà giúp ông bà ngoại hái, băm rau nấu cháo cho heo... Có người trong TP Hồ Chí Minh ra xin nhận Hiền làm con nuôi, cho ăn học đến nơi đến chốn nhưng em không chịu, bởi vì "Em đi rồi ai sẽ trông nhà, dọn nhà cửa và thắp hương cho mẹ mỗi ngày". Hiền cho biết, từ khi mẹ mất, mỗi khi nhìn thấy các bạn cùng trang lứa quây quần bên gia đình đầm ấm, vui vẻ cùng cha mẹ, nhất là vào những ngày tết, em rất buồn và nhớ mẹ vô cùng. Nhắc đến cha, Hiền không nói câu gì. Sự lặng im kéo dài như một dấu chấm than.
Khó khăn, vất vả là thế, nhưng Hiền luôn nỗ lực vươn lên học giỏi. Suốt tám năm học vừa qua, Diệu Hiền luôn là học sinh khá, giỏi của trường. Hiện em đang nỗ lực ôn luyện để chuẩn bị tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn lịch sử.
Hỏi về cô học trò có hoàn cảnh đặc biệt của mình, cô Lê Thị Nữ, giáo viên chủ nhiệm của Hiền nói: "Tuy có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng các hoạt động của trường Diệu Hiền đều tham gia nhiệt tình. Chăm học, chăm làm và vượt khó học giỏi, em là tấm gương sáng cho học sinh trong trường noi theo". Khi hỏi về ước mơ sau này, Diệu Hiền nghẹn lòng nói: "Em luôn có một ước mơ, nhưng sẽ mãi là mơ ước, không bao giờ làm được đó là mái ấm có cha và mẹ. Bây giờ, em chỉ biết cố gắng học thật tốt để sau này vào đại học rồi ra trường kiếm được việc làm, tự lo cho cuộc sống của mình và làm điểm tựa cho ông bà ngoại đang tuổi xế chiều".
Chia tay cô học trò giàu nghị lực, tôi thầm cầu mong cho em sẽ có một tương lai tươi sáng, sớm thực hiện được ước mơ, hoài bão của mình.
Theo Vũ Hạnh
Báo Phú Yên
Mãn nhãn "hàng độc" miền Tây phục vụ ngày Tết Bưởi hồ lô, dưa hấu thỏi vàng, dưa hấu xe hơi,... tất cả đã sẵn sàng lên phố phục vụ Tết Nhâm Thìn. Cả tuần nay, các chủ vườn ở Hậu Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp hối hả thu hoạch "hàng độc" để kịp giao cho các thương lái mang về phố trước Tết. Năm nay, bưởi hồ lô có chữ tài, lộc...