Sài Gòn giữa những ngày ngàn ca nhiễm: Người với người sống để thương nhau
6h sáng, 12h trưa, 6h chiều.
Ở Sài Gòn, bao giờ những khung giờ này cũng là những lúc thật náo nhiệt, người qua xe lại như mắc cửi trên khắp mọi con đường lớn tới hẻm nhỏ. 6h sáng khi thành phố bắt đầu một ngày lao động thiệt dài trước mắt. 12h trưa thơm nức mùi đồ ăn khi nhà nhà kéo nhau đi ăn trưa. 6h tối tan tầm với đặc sản kẹt xe đã đi vào huyền thoại.
6h sáng, 12h trưa, 6h chiều.
Cả thành phố đã từng đông đúc ồn ào như thế, bây giờ chỉ còn là sự lặng im. Những ngày này ở Sài Gòn, 3 khung giờ đó đã có một ý nghĩa khác. Đó là lúc người Sài Gòn, và người cả nước đang hướng về Sài Gòn – cùng nín thở chờ đợi những bản tin “đếm số”. Hôm nay sẽ được thở phào khi thấy ca nhiễm giảm, hay lại là một ngày căng như dây đàn khi những con số tiếp tục tăng cao?
Những gì đang diễn ra ở Sài Gòn sẽ còn được chúng ta nhớ mãi đến sau này. Nhớ về một khoảng thời gian mà tất cả đã cùng đối mặt với một cơn bão khốc liệt chưa từng có tiền lệ. Nhưng cùng với những điều đó, chúng ta cũng sẽ nhớ về những điều đẹp đẽ đã và đang được chính con người ở mảnh đất này tạo ra. Dẫu cho phố xá mất đi cái nhộn nhịp thuở nào – thì đâu đó trong từng con hẻm, từng căn bếp, từng góc đường… vẫn có không biết bao nhiêu con người ngày đêm miệt mài, thầm lặng gửi trao tình yêu thương, lòng nhân ái,… để không chỉ chung tay giúp Sài Gòn chóng khỏe, mà còn là để từng con người bấu víu lấy mảnh đất này không bị bỏ lại đằng sau.
Ở đây, ngay lúc này, người với người xa nhau vì giãn cách nhưng đang xích lại thương nhau bằng rất nhiều chân tình… Giống như anh Minh Râu, một người bán rau hào sảng đang là thần tượng của biết bao nhiêu cư dân mạng, đã viết trong status Facebook mới nhất: “Cách tốt nhất để trị bệnh chán đời, là đứng dậy và làm điều gì đó…”
Mấy hôm nay trên Facebook người ta share nhau mấy tấm hình chụp sạp rau của anh Minh Râu. Một người đàn ông trung niên với nước da ngăm đen, xăm liền 3 hình choán hết ngực, mới nhìn tưởng giang hồ, ngồi bán rau mà ngó như đang chuẩn bị xưng hùng xưng bá chốn này. Dzậy chớ lỡ thấy ảnh cười cái bao lo sợ mất tiêu đâu hết, để lại đó là một người đàn ông chất phác đúng xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh, hào sảng với mấy cái biển hiệu hổng giống ai.
“Rau muống 5 tỷ/bó, giảm giá còn… 5 nghìn/bó.”
“Xoài chua lè chua loét. 5 nghìn/kí.”
Với mỗi bảng giá, anh còn tròng thêm câu:
“Ai mua thì bán, ai sin thì cho”.
Và không quên dặn khách:
“Quý zị lấy đủ ăn thôi nhé. Lấy thật tử tế, không bới móc, zùi zập. Ai lấy nhiều hơn 1kg… tính tiền. Hợp lý không quý zị”.
Rồi lại nghe kể, bạn chửi ảnh ngu, vì mùa này đang hốt bạc, ngày lời 5 – 10 triệu là bình thường. Anh đáp: “Kiếm tiền cả đời mà trứ đâu nhất thiết phải kiếm ngay lúc này. Tao nghỉ đây… bán giá vừa thôi…”
Dễ thương chi đâu cái con người mắc ngộ này. Bình thường đọc đâu đó sai chính tả là tức anh ách, ghim hằn trong người khó chịu bực bội. Dzậy mà hổng hiểu sao ngó mấy cái chữ “sin”, “trứ” của anh lòng ấm áp, hạnh phúc quá đỗi. Dù anh ở tuốt Đồng Nai, nhưng bao bạn bè tui ở Sài Gòn vẫn khoái chí xen lẫn ngưỡng mộ khi share thông tin về anh lắm. Vậy nên tui cũng mạn phép được đưa anh vào bài viết về Sài Gòn này, vì cái tình người thật đẹp của anh cũng đã sưởi ấm cho biết bao nhiêu trái tim Sài Gòn đang buồn hiu.
Mùa dịch này, bó rau, quả trứng tự nhiên trở thành quý giá, người người nhà nhà tranh nhau từng bó ngò cọng hành. Dzậy chớ nơi đây, ở một góc đường nhỏ xíu nắng chang chang, vẫn có mớ rau xanh mướt đang chờ để được… cho không ai đó đang cần.
Video đang HOT
“Bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm bơ, hai ngàn một ổ…”
Cái tiếng rao quen thuộc đó tự dưng biến mất trong những ngày này. Phố xá nhộn nhịp hồi đó, ba mớ tiếng rao thánh thót của mấy dì, ba mớ tiếng rao chơn thành của mấy chú luôn là một trong những thứ đặc trưng của thanh âm Sài Gòn. Giờ đi đâu mất tiêu.
Giữa những ngày dịch bệnh, ngay cả những ổ bánh mì đặc ruột thơm bơ cũng không còn là thứ dành cho người nghèo, những người vốn sống nhờ vào đường phố và đã cạn kiệt sau gần 2 tháng giãn cách. Lấy ý tưởng từ tiếng rao thân thương đó, Hoàng Đức Huy (sinh năm 1988) khởi xướng một nhóm từ thiện mang tên “Bánh mì 0 đồng”, chuyên phát bánh mì, xôi mặn, khẩu trang và nước… gửi đến những người lao động nghèo, người vô gia cư đang chật vật sinh tồn trên khắp phố giữa đại dịch.
Cứ 20h mỗi ngày, những chuyến xe của “Bánh mì 0 đồng” lại rong ruổi trên khắp những con đường Sài Gòn nay đã vắng tanh và gửi tận tay từng suất đồ ăn nóng cho những người cần đến nó. Và chỉ khi những sọt bánh đã trống trơn, họ mới trở về. Đôi khi là tận nửa đêm.
Tiếng rao thân thương đó bây giờ không chỉ đơn giản là tiếng rao, mà nó còn là tiếng lòng của bao con người xứ này. Tiếng rao của những vòng tay luôn bao dung rộng mở cho nhau cái niềm tin nương tựa. Tiếng rao của những bữa no bữa đói cùng sẻ chia nhau. Ừ thì lúc này chắc sẽ thiếu đi cái hương vị bánh mì đặc ruột quen thuộc, nhưng đổi lại ta lại có thiệt nhiều những ổ bánh mì “đặc biệt thương nhau”.
Những chuyến xe của “Bánh mì O đồng” bon bon trên những con phố từ 20h cho đến tận khuya, khi nào trao hết bánh mới chịu về.
Ngó quanh mới thấy, khắp chốn Sài Gòn này dường như ai ai cũng đang mở lòng để giúp đỡ nhau bằng hết tất cả khả năng mình đang có. Sức lớn góp công lớn, sức nhỏ góp công nhỏ, miễn là nhìn xung quanh luôn có những bàn tay đang giúp mình và đang cần mình giúp.
Hôm rồi thấy trên Facebook, người ta đăng một câu chuyện thiệt dễ thương về chiếc bơm xe trên góc đường Phạm Văn Hai – Lê Văn Sỹ, Tân Bình. Chiếc bơm xe nằm kiên nhẫn trên hè phố, bất cứ ai đi qua cũng có thể ghé lại tự bơm nếu chẳng may xe hỏng, xịt lốp. Hỏi ra mới biết đó là chiếc bơm xe là của tiệm xe cạnh đó. Mùa dịch đến, khi Sài Gòn giãn cách, vì hổng phải ngành hàng thiết yếu nên phải đóng cửa. Nhưng rồi lại nghĩ ai ai cũng phải đóng, lỡ mấy anh shipper giao hàng, lỡ người dân đi lại lo toan miếng ăn mà hổng may xe hư, hổng may xịt lốp thì sao. Vậy là anh chủ cẩn thận làm liền một góc nhỏ chỉ với cái bơm xe, cùng cái biển “Tự bơm xe” nhưng sao thấy ấm lòng chi đâu.
Những ai đã từng mỉm cười vì những bình nước miễn phí được bắt gặp ở bất cứ đâu, thì sẽ lại một lần nữa được mỉm cười khi nhìn thấy chiếc… bơm xe. Vậy mới hiểu, yêu thương đâu phải lúc nào cũng phải nói thiệt nhiều với nhau hay làm những điều phi thường hoành tráng. Yêu thương đơn giản là những cử chỉ quan tâm nhỏ xíu xiu, nhưng đầy chân thành và tốt bụng, như lỡ vô tình đi ngang thấy chiếc bơm xe kiên nhẫn đứng một mình giữa phố dẫu nắng mưa, tự dưng lòng thấy vui nức nở cả đoạn đường.
Chắc cũng hổng cần viết nhiều kể nhiều, hẳn mọi người cũng có thể tưởng tượng được những khổ cực mà những con người yếu thế ngoài kia đang phải trải qua trong mùa dịch này. Khổ nhất vẫn là người già và trẻ nhỏ, cuộc sống lang bạt khắp phố vốn đã vất vả, nay lại phải co cụm lại tìm cách sinh tồn khi hổng biết nay đói hay no?
Khó thể đếm được hết bao nhiêu bếp từ thiện đã đỏ lửa trong suốt mùa dịch năm nay. Ngay từ đầu kỳ giãn cách, những bếp ăn ở khắp thành phố đã rục rịch khởi động để đảm bảo không ai phải nhịn đói trong giai đoạn khó khăn này. Và cho đến lúc này, khi thành phố đã giãn cách được 1 tháng rưỡi, người Sài Gòn vẫn tiếp tục kiên trì, dốc lòng thổi bữa cơm chung mời nhau ăn.
Là một trong hàng trăm bếp ăn từ thiện trong mùa dịch, chị Đỗ Thị Tưởng (52 tuổi, quê Bến Tre) cùng một vài chị em gần nhà rủ nhau nấu cơm hỗ trợ người dân trong khu phong tỏa, bệnh viện và người vô gia cư. Hàng ngày, cứ 2h sáng là hội chị em lại lục đục dậy nấu cơm, rồi lại ngủ đến 6h dậy làm cho xong việc, và rồi cứ đúng boong 10h là bếp lại đủ 600 phần chia cho khắp các nơi.
Sau khi hoàn thành việc phân chia cơm cho các khu vực, chị Tưởng cùng chị Duyên chở nhau trên chiếc xe máy cũ, rong ruổi khắp các con hẻm, khu phố ở Sài Gòn để phát hơn 100 phần cơm dành cho người vô gia cư, lao động nghèo. “Ra đường bây giờ chị thấy nhiều người tội nghiệp lắm, có người hổng có tiền để mua cơm, sống nương nhờ vào các nhóm từ thiện. Bữa chị đi phát cơm, gặp mấy bà cụ trong hẻm, nhận được cơm họ mừng lắm. Có nhiều người khổ quá, chị cho thêm 1 hộp để chiều ăn, giờ Sài Gòn đang dịch bùng phát nặng, mọi người giúp được gì nhau cứ giúp, nó ấm áp lắm em”, chị Tưởng tâm sự.
Tiên – một bạn tình nguyện viên đi cùng nhóm kể lại, có lần đi phát cơm, trong túi chỉ còn 2 hộp cơm cuối cùng, cả nhóm dừng xe lại ở đường Trần Hưng Đạo để tặng 2 mẹ con vô gia cư. Bỗng một anh shipper bước đến ngỏ ý xin một hộp cơm, tưởng rằng người mẹ kia sẽ phớt lờ, nhưng cô bất ngờ vui vẻ san sẻ lại 1 phần cơm cho anh shipper rồi tươi cười quay về góc đường quen thuộc…
Rồi còn nhiều lắm những câu chuyện về nghĩa tình người Sài Gòn trong cơn bệnh. Những chú bác đứng ở góc ngã tư đường, trước ngực mang biển báo hiệu cần sự giúp đỡ, mừng rỡ cảm ơn rối rít khi đón lấy hộp cơm nóng, hay hôm rồi xem đoạn clip ngắn anh xe ôm trong cơn ngái ngủ chạy trốn người tới đưa cơm vì tưởng… bị đuổi đánh, rồi xong cả hai quay qua cười xòa sau lớp khẩu trang.
Những ngày này, chẳng phải thứ duy nhất sưởi ấm trái tim ta giữa những tin tức u ám, là bởi ta biết rằng ngoài kia vẫn có những người thay ta làm việc tốt, người nghèo vẫn được ăn cơm và tình người vẫn chảy nồng hậu trên khắp các con phố.
Những ngày này, dù là những người bi quan nhất chắc cũng chợt nhận ra một điều: Cứ ôm những suy nghĩ tiêu cực sẽ chỉ làm mình… tiêu cực hơn, và rồi chẳng có gì xảy ra hết. Vậy nên nếu cuộc đời cho ta chút tiêu cực, thì ta hãy sống thật tích cực đi vì đó là điều duy nhất ta có thể làm để mọi thứ tốt hơn.
Sài Gòn giãn cách theo chỉ thị 16, cứ nghĩ là mấy ngày tới chuyện ăn uống là mệt lắm đây, còn đâu bún bò, bánh canh, còn đâu rau cỏ, nguyên liệu để nấu những mâm cơm đề huề. Ấy thế mà lại nhầm, tự dưng mùa dịch, ai cũng tíu tít đăng lên Facebook được người này người kia ship cho mớ rau, củ khoai, người thì hộp trứng, cân thịt, có người lại khoe nấu nồi bún bò xong nghĩ ship ngay cho lũ bạn liền. Hay như khu chung cư của một người bạn, mấy hộ ở đó “chẳng may” đặt được dư bánh mì, bèn gửi tặng lại cho các nhà khác cần đến, nhờ Ban quản lý tòa nhà thông báo giúp. Mùa dịch, người ta học cách tự tạo ra những điều tốt đẹp, và lan tỏa cho nhau theo một cách giản dị nhất.
Đấy là chuyện ở trong nhà, ngoài kia, mỗi ngày mỗi giờ vẫn luôn ngập những màu áo xanh của tình nguyện viên khắp Sài Gòn, mặc nguy hiểm mặc khó khăn, nguyện dốc hết sức trẻ của mình để cùng Sài Gòn chiến đấu dịch bệnh.
Tình cờ tham gia vào group Go Volunteer! trên Facebook mới thấy được hết những khát khao cống hiến, những tinh thần sức trẻ máu lửa đầy nhiệt huyết của những người con đang sống, làm việc và nương nhờ ở xứ này. Một lời kêu gọi hỗ trợ trực cách ly ngay vùng dịch, mười phút sau đã kín chỗ. Một lời kêu gọi hỗ trợ vận chuyển hàng đến bệnh viện dã chiến, năm phút sau bài viết đã update ngay “Đã tuyển đủ! Cảm ơn mọi người”. Một lời kêu gọi tình nguyện hỗ trợ buổi tiêm vaccine, số lượng cần tuyển 50 vậy chớ vào link điền thông tin đã thấy đếm tới số 367. Có nhiều bạn còn nói đùa “bây giờ muốn kiếm được slot làm tình nguyện viên còn khó hơn cả săn sale”, vậy mới thấy sức trẻ Sài Gòn máu lửa và nhiệt huyết cỡ nào.
Nhấp vào danh sách đăng kí xem mình có “đậu” hay không, để ý toàn thấy những gương mặt rất trẻ, ô nhập ngày tháng năm sinh là những con số 2K, là những thế hệ Gen Z tràn đầy tự tin và muốn cống hiến hết mình khi Sài Gòn cần, khi đồng bào gọi. Thiệt tự hào biết bao!
Khó khăn, nếu nhìn theo mặt tích cực, sẽ là cách để chúng ta học nhìn về tươi sáng và tiến về phía trước, một cách mạnh mẽ hơn.
Tôi luôn tin Covid-19 xảy ra là để khiến chúng ta học một điều gì đấy. Nếu như năm ngoái, con virus quái ác dạy chúng ta cách cân bằng, tìm về bản thân, học cách lắng nghe và sống chậm lại, trân quý những gì mình đang có. Thì đây, năm nay, đại dịch dạy cho chúng ta một bài học thật lớn về tình yêu thương giữa con người với con người.
Hãy nhìn những câu chuyện thật đẹp về Sài Gòn những ngày qua. Giữa chuỗi ngày khó khăn, người ta từ chối để đại dịch ngăn cách những trái tim, mà ngược lại, tìm cách xích lại thật gần hơn bên nhau. Giữa khó khăn, người ta không muốn bỏ ai lại phía sau, mà tìm cách để che chở cho tất cả. Giữa những con số cứ thế tăng dần sau mỗi ngày, kỷ lục sau xô đổ kỷ lục trước, giữa những thông tin u ám và lo lắng về một đợt dịch căng thẳng nhất từ trước đến nay, ta lại mỉm cười khi biết rằng tình yêu thương và sự thiện lương vẫn được tưới tắm ở khắp mọi ngóc ngách trong thành phố này. Mọi người đều đang cố gắng làm tốt nhất việc của mình, để giảm đi những gánh nặng cho Sài Gòn đã từng dung dưỡng và yêu thương ta.
Và có phải vì thế, mà dẫu giữa mây mù, ta vẫn thấy những tia nắng lấp lánh? Có phải lần này, đại dịch dạy ta hãy yêu thương nhiều hơn, nhiệt thành cho đi và ôm ấp, bao bọc, để rồi từ chính tình yêu ấy sẽ tạo ra điều kỳ diệu và một niềm tin tích cực vào cầu vồng. Vì chẳng phải, người sống với người là để thương nhau đó sao?
Ảnh: Internet
Thiết kế: Tuấn Maxx, Trường Dương
Thuận Kiều Plaza từng sở hữu nhiều cái "NHẤT", trong đó có một thứ khiến người Sài Gòn một thời "đi đâu cũng ngước cổ lên trời"
Thuận Kiều Plaza trong miền kí ức của những người Sài Gòn những năm 2000.
Thuận Kiều Plaza từng là kí ức của giới trẻ thời điểm nó còn là trung tâm thương mại, điện tử, vui chơi sầm uất. Sau thời gian chìm đắm trong cũ kĩ, bỏ hoang, Thuận Kiều Plaza được "thay áo" trở thành The Garden Mall với cơ sở hạ tầng hiện đại, hoạt động thương mại đông đúc. Người ta lại có dịp nhắc nhớ về kí ức huy hoàng của ba tòa tháp màu hồng tại Sài Gòn - Chợ Lớn thời những năm 2000.
Dự án "khủng" bậc nhất Sài Gòn
Thuận Kiều Plaza bắt đầu xây dựng từ năm 1994 tại vị trí đắc địa gần Chợ Lớn, nơi kết nối giao thương của Sài Gòn với các tỉnh miền Tây, cũng là trung tâm mua sắm sầm uất của TP.HCM. Với các mặt tiền giao giữa 4 con đường Hồng Bằng, Dương Tử Giang, Tân Hưng, Châu Văn Liêm.
Ba tòa tháp sừng sững giữa khu Chợ Lớn đắc địa là giấc mơ xa xỉ của rất nhiều người thời đó.
Tổng thể thiết kế của Thuận Kiều Plaza bấy giờ là tổ hợp 3 tòa tháp cao trên 110m với mỗi tòa tháp có 33 tầng, trên khu đất có tổng diện tích 9.971 mét vuông với tổng kinh phí xây dựng trong 5 năm hơn 55 triệu USD do Công ty TNHH MTV Xây dựng thương mại Sài Gòn 5 (trực thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn) liên doanh với Kings Harmony Int MTV của HongKong.
Những năm 1999, mặt bằng ở Thuận Kiều Plaza là "cơn sốt" trong giới bất động sản, các hoạt động môi giới, cho thuê mặt bằng thương mại rất sôi nổi, nhộn nhịp. Mức giá rao bán căn hộ 45-50 mét vuông tại Thuận Kiều Plaza thời điểm đó từ 35-40 nghìn USD (tương đương với 100 lượng vàng).
Căn hộ trong Thuận Kiều Plaza đã từng được giới bất động sản rần rần mua bán.
Trung tâm thương mại, giải trí sầm uất nhất Sài Gòn
Thuận Kiều Plaza là một trong những cao ốc phức hợp đầu tiên được xây dựng với kì vọng góp phần vào sự phát triển hưng thịnh của Sài Gòn. Trung tâm thương mại của Thuận Kiều Plaza những năm 2000 là địa điểm thu hút khách tham quan vào những ngày cuối tuần hoặc lễ Tết, nổi bật với các mô hình trò chơi điện tử, dịch vụ ăn uống, mua sắm, thương mại điện tử. Rất nhiều mô hình kinh doanh thương mại hoạt động sầm uất với đầy đủ quy mô lớn nhỏ tại Thuận Kiều Plaza lúc bấy giờ.
Thu hút nhiều giới trẻ thời đó nhất
Khi Sài Gòn phát triển, rất nhiều điểm vui chơi được xây dựng mới mẻ, hiện đại khắp các quận. Tuy nhiên người trẻ sống ở Sài Gòn chắc không thể nào quên thời điểm mà nhắc tới vui chơi, giải trí sẽ nghĩ ngay đến trung tâm điện tử của Thuận Kiều Plaza với hàng trăm mô hình trò chơi hiện đại bậc nhất thời đó.
Không kể cuối tuần hay dịp lễ, bất cứ khi nào muốn tìm một chốn vui chơi là giới trẻ thời đó sẽ có lựa chọn tốt nhất là đến Thuận Kiều Plaza.
Khu ẩm thực Trung Hoa hấp dẫn nhất
Thời điểm Thuận Kiều Plaza khánh thành và đưa vào sử dụng, hoạt động kinh tế của tiểu khu này có bước nhảy vọt đáng kể. Những con đường thương mại luôn tấp nập hoạt động mua bán, thu hút sự tò mò tham quan của khách du lịch. Những quán ăn đặc trưng của ẩm thực Trung Hoa mọc lên như nấm xung quanh tòa nhà để phục vụ cho thương nhân đến mua bán Chợ Lớn và thực khách lui tới khu Thuận Kiều Plaza.
Đến ngày nay, những quán ăn sinh cùng thời với Thuận Kiều Plaza vẫn "ăn nên làm ra" và có tên tuổi không chỉ riêng khu quận 5 mà phổ biến khắp Sài Gòn.
Từng là niềm tự hào của người Sài Gòn
Tòa nhà Thuận Kiều Plaza là niềm tự hào cho người dân ở khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn, vì quy mô và sự hào nhoáng từ lúc nó bắt đầu được xây dựng cho đến khi trở thành ba tòa tháp chọc trời. Thuận Kiều Plaza sở hữu chiều cao 110m, so về độ cao thời đó chỉ xếp thứ 2 sau Saigon Trade Center nhưng đối với người Sài Gòn là biểu tượng cao nhất, được quan tâm và chú ý nhiều nhất.
Ba tòa tháp này là tâm điểm chú ý của người Sài Gòn thời đó, bất kể bao nhiêu lần đi ngang qua khu này, người ta vẫn không khỏi "ngước cổ lên trời" để trầm trồ về sự hào nhoáng và bề thế của nó. Thuận Kiều Plaza vô tình cũng trở thành thứ mà ai cũng tìm kiếm mỗi khi đi ra khỏi khu vực quận 5 để trầm trồ "Đi xa tận đây rồi vẫn thấy được Thuận Kiều nè!".
Choáng ngợp cảnh tượng cơn mưa một loài hoa trút xuống phố Sài Gòn, người qua đường chẳng thể cầm lòng phải dừng xe xuống nhặt Mỗi năm cứ vào thời điểm này, từng cơn mưa chò nâu cứ thế trút xuống đường khiến không gian Sài Gòn trở nên lãng mạn lạ thường. Mỗi thành phố, vùng đất đều có riêng một loài cây đặc trưng. Với người Sài Gòn, chò nâu là thức quà không thể thiếu mỗi khi tháng 5 ùa về. Tháng này vừa có...