Sài Gòn FC: Từ phận ‘con ghẻ’ bóng đá TP.HCM đến giấc mơ vươn tầm thế giới
5 năm sau quyết định chuyển giao gây sốc làng bóng Việt, Sài Gòn FC đang lớn mạnh từng ngày để trở thành thế lực mới của bóng đá TP.HCM.
Cách đây 5 năm, V-League chào đón tân binh CLB Hà Nội lên chơi từ giải hạng Nhất. Đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Nguyễn Đức Thắng là đại diện thứ hai của Thủ đô đá mùa 2016, bên cạnh Hà Nội T&T từ bầu Hiển.
Không sánh được với Hà Nội T&T về danh tiếng, nhưng CLB Hà Nội có một lượng khán giả nhất định. Hàng trăm cổ động viên CLB Hà Nội đã có mặt ở khán A, mặc áo hồng, để chứng kiến trận ra quân gặp HAGL của đội bóng con cưng.
Đó là một trong những trận cuối cùng trước khi đội bóng Thủ đô bước đến ngưỡng cửa lịch sử.
Sài Gòn FC là hiện tượng V-League 2020.
Cuộc chuyển giao chớp nhoáng
Ngày 3/3/3016, thông tin CLB Hà Nội chuẩn bị “Nam tiến” râm ran trên báo. Theo kế hoạch, đội bóng của HLV Đức Thắng đá nốt vòng 4, rồi chuyển vào TP.HCM, đổi tên thành Sài Gòn FC.
31/3/2016, VFF và VPF nhận công văn xin thay tên, đổi họ của CLB Hà Nội. 5/4/2016, cuộc chuyển giao được phê duyệt mà một quan chức VFF vẫn không quên cảm giác ngỡ ngàng khi được gợi lại. Từ CLB Hà Nội đến Sài Gòn FC, tất cả diễn ra trong 5 ngày.
Không chỉ giới mộ điệu, mà các cầu thủ cũng bị sốc. ” Tôi đấu tranh quyết liệt để ở lại nhưng rồi bị thuyết phục bởi trọng trách. Ngọc Duy quyết định đi nên cả hai cùng lao, bắt đầu làm lại “, hậu vệ Nguyễn Quốc Long nhớ lại.
HLV Đức Thắng lại thương cầu thủ vì “có những người mới về Hà Nội sau một thời gian dài phiêu bạt tại Đồng Nai hay khắp các tỉnh thành khác. Họ có gốc gác phía Bắc như Vĩnh Phúc, Nam Định hay xa hơn là Nghệ An. Họ muốn về Hà Nội để được gần nhà hơn”.
Quốc Long và đồng đội đột ngột phải vào TP.HCM thi đấu.
Đột ngột di chuyển 1.700 km để đá bóng ở phương trời xa lạ là thách thức khổng lồ với CLB non trẻ, mới hít thở bầu không khí V-League chưa nổi 3 tuần.
Bóng đá TP.HCM có không ít CLB “ăn nhờ ở đậu”, hầu hết trong số này đều có hậu vận tăm tối. Năm 2011, lãnh đạo CLB Xi măng Xuân Thành Hà Tĩnh mua lại suất đá hạng Nhất của Hòa Phát V&V, hợp nhất với Hà Tĩnh và chuyển đội vào TP.HCM, lấy tên là Xi măng Xuân Thành Sài Gòn.
Được đầu tư “khủng”, Xuân Thành Sài Gòn đua vô địch, nhưng thất bại ở V-League 2012. Năm 2013, đội bóng giải thể. Cũng “yểu mệnh” như Xuân Thành Sài Gòn còn có Sài Gòn United và Navibank Sài Gòn – đội bóng có tiền thân là Quân khu 4 của HLV Vũ Quang Bảo.
Navibank Sài Gòn sớm nở, sớm tàn.
Các đội bóng mang mác Sài Gòn tồn tại lay lắt kiểu “đẽo cày giữa đường” với công thức chung: lãnh đạo đổ tiền làm bóng đá, mua sao, tuyên bố đao to búa lớn và giải thể đội bóng khi đã… chán chơi. Bóng đá Sài Gòn trở thành quân cờ cho những mục tiêu ngoài bóng đá của các doanh nhân. Khán giả không được coi trọng.
Nhiều người lo Sài Gòn FC cũng “vắn số” như vậy.
Phận “con ghẻ” và ý chí vươn lên
Sài Gòn FC không được chào đón, dù khán giả TP.HCM “đói” bóng đá từ lâu. Các trận đấu lác đác khán giả. Sân Thống Nhất chỉ sôi động khi Sài Gòn FC gặp HAGL, SLNA, nơi phần đông đến xem và cổ vũ đội khách.
” Khi chuyển tên thành Sài Gòn FC và di chuyển vào TP.HCM, tôi chưa biết được liệu người hâm mộ có ủng hộ đội bóng hay không. Có lẽ toàn đội phải chờ đến khi thi đấu mới biết được.
Nhưng tôi luôn truyền đạt cho các cầu thủ của mình rằng, dù thi đấu ở đâu thì chúng ta đã được thi đấu, được chơi bóng, được cháy với đam mê của mình. Đó là hạnh phúc rồi. Phương châm của đội bóng sẽ là cống hiến hết sức mình vì khán giả “, HLV Đức Thắng chia sẻ trong ngày đầu vào TP.HCM.
Video: Sài Gòn FC 1-0 HAGL
Đức Thắng đi từng ngõ ngách, ngồi với nhiều cựu cầu thủ Sài Gòn, Hải Quan, Công an TP.HCM để hỏi người Sài Gòn thích bóng đá như thế nào. Nỗ lực bắt đầu đơm hoa, khi Sài Gòn FC đứng nửa trên bảng xếp hạng ở mùa đầu dự V-League.
Năm 2017, Sài Gòn FC giữ bộ khung lực lượng, chiêu mộ ngoại binh giỏi và đứng hạng 5. Khán giả bắt đầu đến sân nhiều hơn.
” Ở Sài Gòn FC có sự xen kẽ một chút thực dụng của Hải Quan, một chút máu lửa của Công an TP.HCM, một chút hào hoa của Cảng Sài Gòn “, HLV Đức Thắng tự hào kể lại với báo giới về đứa con tinh thần. ” Chúng tôi đá hay, đá đẹp lắm “.
Khi đội đang vào phom, sóng gió lại ập đến khi Chủ tịch Nguyễn Giang Đông từ chức, nhường chỗ cho ông Trần Tiến Đại. Mùa 2018, Sài Gòn FC trụ hạng, để rồi bật lên khi Chủ tịch Dương Nghiệp Khôi và HLV Nguyễn Thành Công lần lượt cập bến.
Mùa 2019, Sài Gòn FC một lần nữa đứng ở nhóm đầu, dù không có tuyển thủ quốc gia hay ngôi sao nào.
Sài Gòn FC thăng tiến thần tốc.
Quyết tâm “Nhật hóa”
Nguyên nhân Sài Gòn FC bị ghẻ lạnh cũng chính là lý do đội bóng này thành công. Không thuộc hình mẫu CLB được tỉnh nhà chiều chuộng, o bế và mang bản sắc địa phương, Sài Gòn FC buộc phải chiến đấu để được tôn trọng và thừa nhận. Họ không muốn trở thành tấn bi hài kịch như Sài Gòn Xuân Thành năm nào.
Khó khăn dập tắt ngọn lửa nhỏ và thổi bùng lên ngọn lửa lớn. Sài Gòn FC là “ngọn lửa lớn”, cháy hừng hực qua rất nhiều thử thách.
Mùa 2020 là bước ngoặt với Sài Gòn FC. 3 đại gia Hồ Quốc Minh, Nguyễn Cao Trí, Trần Hòa Bình chung tay thâu tóm CLB, ông Vũ Tiến Thành giữ cương vị chủ tịch.
Sau vòng đầu, HLV Hoàng Văn Phúc từ chức, Sài Gòn FC lại làm chuyện chưa ai làm: ông Vũ Tiến Thành ngồi luôn ghế huấn luyện, trở thành người đầu tiên vừa là chủ tịch, vừa là HLV. Dường như Sài Gòn FC luôn được lịch sử lựa chọn cho những điều bất thường.
Không ai có thể đánh giá thấp Sài Gòn FC.
Và một lần nữa, đội bóng này lại vượt qua. Dẫn đầu bảng V-League gần hết lượt đi, giành huy chương đồng với lực lượng khiêm tốn, đội bóng Sài Thành cho thấy sức sống mãnh liệt.
5 năm thăng trầm chưa thể giúp Sài Gòn FC thành thế lực V-League, nhưng chắc chắn đội bóng này sẽ không đi vào vết xe đổ của các đội TP.HCM trước kia. Đây là đội bóng của người Sài Gòn, với dự án bóng đá nghiêm túc, chiến lược bài bản và hướng tới khán giả, qua các dự án cộng đồng tổ chức suốt 2 năm qua.
Thỏa thuận hợp tác toàn diện cùng FC Tokyo, chiêu mộ 3 ngoại binh Nhật Bản, trong đó có Daisuke Matsui – cựu cầu thủ từng đá World Cup, hay mới nhất là tạo điều kiện cho Cao Văn Triền sang Nhật Bản thi đấu, chỉ là những bước đầu tiên trong tham vọng của đội bóng này.
” Chủ tịch Sài Gòn FC nói về kế hoạch muốn làm những điều tích cực cho bóng đá Sài Gòn và bóng đá Việt Nam. Chủ tịch rất tâm huyết với bóng đá, không quan trọng thành tích lúc này, mà chỉ quan tâm để mang tới những mặt tốt đẹp cùng sự cải thiện về chuyên môn để bóng đá Việt Nam có thể tiến gần thế giới “, Cao Văn Triền chia sẻ.
Từ chỗ phải chiến đấu để tìm kiếm sự thừa nhận, Sài Gòn FC đã bắt đầu nghĩ đến những điều lớn lao hơn.
Văn Triền, Thủ lĩnh 'hai lúa' của Sài Gòn FC
Ở Sài Gòn FC, các đồng đội vẫn gọi vui tiền vệ Cao Văn Triền với biệt danh là "Triền Kante".
Ngoài việc chọn vị trí, cách chơi có phần nhang nhác với ngôi sao N'golo Kante, tiền vệ gốc Bình Định cũng có tính cách hiền lành, chân chất, sống khép kín như chính thần tượng người Pháp.
Giá trị của sự khẳng định
"Nếu được giới thiệu cầu thủ của Sài Gòn FC lên tuyển, tôi sẽ tiến cử Quốc Long, Văn Phong, Tấn Tài và đặc biệt là Cao Văn Triền. Họ có chuyên môn tốt, lại đang thể hiện sự nỗ lực và phong độ rất cao nên chắc chắn thầy Park sẽ để ý", HLV Vũ Tiến Thành chia sẻ sau chiến thắng 3-0 của Sài Gòn FC trước Thanh Hóa ở vòng 9.
Không riêng gì HLV Vũ Tiến Thành, chính người thầy cũ Nguyễn Thành Công cũng dành những lời khen đặc biệt khi chứng kiến màn trình diễn ấn tượng của cậu học cưng một thời ở Sài Gòn FC. "Văn Triền tiến bộ nhất đội Sài Gòn. Văn Triền là tiền vệ đa năng, không những thu hồi bóng tốt mà còn tấn công cũng rất tốt. Tôi hy vọng Triền sẽ được thầy Park trao cơ hội vì cậu ấy rất xứng đáng thời điểm hiện tại".
Việc nhận được những lời khen, đánh giá cực cao của 2 ông thầy cũ và mới ở Sài Gòn FC thực sự có ý nghĩa giá trị với Cao Văn Triền. Trong chuỗi 9 trận bất bại ấn tượng của đội chủ sân Thống Nhất từ đầu mùa giải, tiền vệ gốc Bình Định có những đóng góp thầm lặng nhưng rất quan trọng.
Ít người biết, trước khi "bước ra ánh sáng" và được những người thầy tiến cử lên ĐTQG ở V.League 2020, Văn Triền là trụ cột trong đội hình của Sanna.KH và Sài Gòn FC suốt những mùa giải qua. Tiền vệ sinh năm 1993 được xem là "người không phổi" ở V.League.
Trước khi gia nhập Sài Gòn FC năm 2017, Văn Triền từng có 44 trận thi đấu cho Sanna.KH ở V.League 2015 và 2016. Trong 3 năm khoác áo Sài Gòn FC, dù đội bóng liên tục có sự thay đổi ở trên băng ghế huấn luyện nhưng vị trí của Văn Triền là "bất khả xâm phạm". Từ thời HLV Đức Thắng cho đến Tài Em, Thành Công hay hiện tại là HLV Vũ Tiến Thành, Văn Triền luôn là sự lựa chọn số 1 ở vị trí trung tâm hàng tiền vệ của Sài Gòn FC. Tính đến đến hiện tại, sau 4 mùa giải khoác áo Sài Gòn FC, tiền vệ gốc Bình Định đã thi đấu tới 75 trận.
Văn Triền (trước) dũng mãnh tại V.League trong màu áo Sài Gòn FC ảnh: Đức Cường
Hình mẫu của sự chuyên nghiệp
Ngoài những đóng góp quan trọng về chuyên môn, Văn Triền còn được các HLV, đồng đội đánh giá là cầu thủ có lối sống chuẩn mực, chuyên nghiệp bậc nhất ở Sài Gòn FC. Đó là lý do trong 2 mùa giải trở lại đây, khi những anh lớn, thủ lĩnh của đội là Quốc Long, Ngọc Duy vắng mặt, băng thủ quân thường được BHL trao lại cho Văn Triền.
Thi đấu máu lửa và mạnh mẽ trên sân nhưng ở ngoài đời, Văn Triền chính là chàng... "hai lúa" chính hiệu. Bởi sống khép kín và tính cách hiền lành, chân chất nên ngày mới đầu quân cho Sài Gòn, tiền vệ 27 tuổi rất ít nói, ngại giao tiếp với các đồng đội cũng như BHL. Thế nên, để kéo anh lại gần hơn với toàn đội, các đồng đội đã nghĩ "đủ chiêu" để bông đùa với Văn Triền. Và câu chuyện cả đội Sài Gòn "khích tướng" thành công để Văn Triền từ bỏ kiểu tóc cổ điển, sang phong cách cá tính và nhuộm màu bạc trắng như hiện tại giống như giai thoại vui vẫn được mọi người nhắc đến mỗi khi nói về sự "lột xác" của tiền vệ người Bình Định.
Nhiều đồng đội của Văn Triền ở Sài Gòn kể rằng, ngoài giờ tập luyện, thi đấu và sinh hoạt chung cùng các đồng đội, tiền vệ này gần như dành toàn bộ thời gian cho gia đình nhỏ của mình. Thỉnh thoảng, khi toàn đội có ngày nghỉ, tổ chức liên hoan để gắn kết anh em, Văn Triền đều góp mặt đầy đủ nhưng chỉ xin phép được uống nước ngọt, thay vì uống một vài chai bia như các đồng đội. "Nó lành lắm. Tập xong là về nhà luôn với vợ con. Nếu về sinh hoạt thì có lẽ Văn Triền là số 1 ở Sài Gòn FC", tiền vệ Xuân Toàn chia sẻ khi được hỏi nhận xét về người đồng đội cùng trang lứa ở đội.
Từ cầu thủ vô danh, Cao Văn Triền dần khẳng định được vị trí ở sân chơi V.League. Và để làm được điều này, ngoài sự khổ luyện, nỗ lực không biết vươn lên, tiền vệ 27 tuổi cũng cho thấy sự cầu tiến trong sự nghiệp. Sau mỗi trận đấu, anh thường xem lại mình thi đấu như nào để rút kinh nghiệm và thay đổi. "Văn Triền là cầu thủ ngoan, sống tình cảm, dám thay đổi và luôn nỗ lực. Tôi nghĩ cậu ấy xứng đáng nếu được gọi lên tuyển. Tuy nhiên, để có thể phù hợp với lối chơi của thầy Park hay không thì có lẽ phải đợi đợt tới Văn Triền tập trung ở ĐTQG mới rõ. Với cá nhân mình, tôi rất hy vọng thấy Triền góp mặt ở ĐTQG", HLV Thành Công nói về cậu học trò cũ.
Từng từ chối nhiều đội bóng để ở lại Sài Gòn
Thể hiện phong độ ổn định và được đánh giá cao về sự chuyên nghiệp nên không ngạc nhiên khi Cao Văn Triền nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đội bóng ở V.League. Tiền vệ này từng từ chối lời mời của Thanh Hoá, Sanna.KH và đội bóng quê hương Bình Định để tiếp tục ở lại gắn bó, cống hiến cho Sài Gòn FC.
Ước mơ được khoác áo ĐTQG
"Là một cầu thủ ai cũng có ước mơ được một lần khoác áo ĐTQG. Nếu được gọi lên tuyển thì đây thực sự là vinh dự lớn trong sự nghiệp của tôi. Trong trường hợp được triệu tập, tôi sẽ cố gắng nỗ lực hết khả năng để cống hiến cho ĐTQG", Cao Văn Triền chia sẻ.
V.League chốt nội binh: Khép lại kỳ mua sắm sôi động Hôm qua, thị trường chuyển nhượng nội binh trước thềm V.League 2021 đã khép lại. Suốt gần 2 tháng qua, hàng loạt thương vụ đình đám đã được cả 14 CLB tạo ra. "Bom tấn" Lee Nguyễn và đầu tư trọng điểm "Phiên chợ" trước thềm V.League năm nay trở nên rộn ràng hơn so với thông lệ. Sự xuất hiện của một...