Sài Gòn: Bánh flan khu K300 béo, thơm, ngậy
Từng miếng bánh flan vàng ươm tan trên đầu lưỡi, làm lan tỏa vị béo hòa trộn trứng, sữa, nước cốt dừa, vị ngọt thanh, thơm quyến rũ và đăng đắng đặc trưng của café…
Bánh flan hay caramen được làm từ trứng, sữa, nước caramen (còn gọi là đường thắng), mang hương vị châu Âu. Khi vào Việt Nam, ngay lập tức nó được yêu thích bởi sự bổ dưỡng, dễ ăn.
Tùy theo từng nơi mà bánh flan được cho thêm các nguyên liệu như bột mì, nước cốt dừa, dừa nạo, nước thạch trắng làm từ rau câu, kem, nước ép hoa quả; các phụ gia khác như nước cốt chanh, vani; và các loại hoa quả trang trí như thanh long, dâu tây, dứa…
Bánh flan là món ngon, được dân sành ăn vặt Sài Gòn ưa thích dùng quanh năm.
Cùng một cách làm, chỉ khác nhau về tỷ lệ, vậy nên, giữa Sài Gòn này, không khó để tìm ra nơi bán flan, nhưng không phải chỗ nào cũng khiến thực khách vừa ăn vừa tấm tắc và quay lại lần sau như quán bánh flan ở khu chung cư K300.
Quán rất nhỏ, trên đường Nguyễn Minh Hoàng, Q.Tân Bình thường mở từ khoảng 3-4 giờ chiều đến khoảng 11 giờ đêm.
Bánh flan ở đây được cho thêm nước cốt dừa và cafe thay vì caramen.
Xung quanh đó không phải chỉ có 1 quán bán loại hàng này nhưng quán lúc nào cũng đông khách hơn.
Mỗi đĩa gồm 2 bánh flan với mặt caramen quay lên trên được cho đá đập nhỏ, thêm nước cốt dừa và cafe thơm lừng chỉ có giá 8.000 đồng.
Khi ăn, cafe và nước cốt dừa sẽ hòa vào nhau.
Công thức đặc biệt của chị chủ làm ra những chiếc bánh flan mềm, đặc mịn, không khô, không vữa, nhìn đã thấy ngon.
Khi ăn, từng miếng bánh vàng ươm tan trên đầu lưỡi, làm lan tỏa vị beo béo đặc biệt – là sự hòa trộn tuyệt vời của trứng, sữa, nước cốt dừa. Bánh ngọt ngọt thanh thanh mà không quá tham đường, cộng với hương thơm quyến rũ, đăng đắng đặc trưng của cafe tạo nên tổng vị khó quên.
Video đang HOT
Bánh mướt, mềm, hấp dẫn.
Có lẽ do cafe ngon nên khi ăn hết bánh, nhiều người còn “dọn sạch” luôn cafe (khi đó đã được hòa với cốt dừa). Lần sau, nếu có dịp thưởng thức bánh flan, hãy thử một lần để đá tan trong miệng hay nhai đá khi mùi cafe và nước cốt dừa còn vướng vất, bạn sẽ cảm nhận được sự lạ lẫm thú vị.
Nhưng đá khá nhỏ nên thường tan rất nhanh, chính vì vậy, không nên ăn quá lâu vì hết lạnh, bánh mất ngon.
Khi bánh còn đá, còn lạnh ăn là ngon nhất.
Trước đây, quán chỉ bán bánh flan và yaourt, sau này, do nhu cầu của khách mà phục vụ thêm nhiều món ăn vặt hấp dẫn khác như: gỏi cuốn (4.000 đồng/cuốn) ăn với mắm nêm hoặc tương, cút lộn (12.000 đồng/chục), hột vịt lộn (6.000 đồng/cái), sữa chua (5.000 đồng/hũ), rau câu dừa (6.000 đồng/ly), bánh tráng trộn (6.000 đồng/bịch)…
Hột vịt lộn…
… gỏi cuốn… là những món khác thường được khách gọi kèm khi đến ăn bánh flan.
Quán thu hút không chỉ phụ huynh đón con đi học về rẽ ngang qua, người đi làm ghé ngang mua về nhà, mà nhiều “nam nhi” cũng không cưỡng lại được vị thơm béo của bánh mà tìm đến.
Dù giờ tan tầm (4h30- 5h30) xe cộ đi lại khá đông làm người ngồi hơi khó chịu nhưng đến tối, khu vực này hút gió, mát mẻ và bớt ồn ào, khiến nơi đây trở thành điểm đến của nhiều cặp đôi, nhóm bạn.
Quán là điểm đến thường xuyên của các chị em khi đón con.
Quán cũng là nơi hẹn hò của các chị em sau giờ làm.
Nhiều “nam nhi” cũng mê mệt các món ở đây, đặc biệt là bánh flan.
Chỗ ngồi và để xe ở quán khá thoải mái, nhưng bạn sẽ luôn phải chú ý, vì quán không có người trông xe. Chị chủ cũng thân thiện nên khách có thể gọi thêm các món từ quán khác để đa dạng khẩu vị hơn. Quán phục vụ trà, khăn giấy miễn phí.
Theo MASK
Ẩm thực Việt 2012 khiến thế giới xôn xao
Đưa cơm thịt ba chỉ, trứng ốp la đặc trưng hương vị Việt Nam đến vòng chung kết thi Vua Đầu bếp Mỹ, cô gái khiếm thị Christina Hà giành giải quán quân khiến người Việt tự hào. Ẩm thực Việt 2012 cũng xác lập nhiều kỷ lục.
Dưới đây là 5 sự kiện ẩm thực nổi bật trong năm 2012.
1. Christine Hà trở thành Vua đầu bếp Mỹ 2012
Tháng 9/2012, Christine Hà - cô gái khiếm thị 33 tuổi gốc Việt đến từ ĐH Houston giành vị trí quán quân cuộc thi Master Chef (Vua đầu bếp Mỹ) mùa thứ ba. Christine đã đánh bại nam đầu bếp 24 tuổi Josh Marks để giành giải thưởng chung cuộc bao gồm 250.000 USD tiền mặt, một hợp đồng xuất bản sách dạy nấu ăn cùng chiếc cúp Master Chef.
Christine Hà giành chiến thắng tại cuộc thi Vua đầu bếp ở Mỹ với món cơm Việt. Ảnh: Fox.
Ở phần thi trong đêm chung cuộc, Christine Hà và Josh Marks phải thực hiện 3 món ăn trong vòng hai tiếng để tham dự. Trong khi Josh Marks chọn làm các món tôm hùm rim bơ, thịt cừu non sốt cà ri rau quả và bánh pecan thịt xông khói thì Christine Hà lại trổ tài với các món salad cua papaya Thái, cơm thịt ba chỉ, trứng ốp la đặc trưng hương vị Việt Nam và kem dừa gừng. Bữa ăn được Christine Hà mô tả như "bản giao hưởng của hương vị" khá giản đơn nhưng lại gây bất ngờ cho Ban giám khảo. Nhiều món ăn quê hương khác cũng được cô gái mang một chứng bệnh khiến mất dần thị lực, giới thiệu tại Master Chef.
2. 10 món ăn Việt Nam xác lập kỷ lục châu Á
Ngày 30/8/2012, tại Faridabad, Indian, Tổ chức Kỷ Lục Châu Á đã xác lập 10 món ăn Việt Nam là kỷ lục châu Á theo tiêu chí Giá trị Ẩm thực Châu Á.
Phở là 1 trong 12 món ăn Việt Nam được xác lập kỷ lục châu Á. Ảnh: Khánh Hòa.
Trong số đó, Hà Nội đóng góp nhiều nhất với ba món ăn nổi tiếng là phở, bún thang và bún chả. TP HCM xếp thứ hai với cơm tấm và gỏi cuốn. Những món ăn còn lại là đặc sản của từng địa phương như: bánh đa cua Hải Phòng; cơm cháy Ninh Bình; miến lươn Nghệ An; bún bò Huế; mì Quảng; phở khô Gia Lai; bánh khọt Vũng Tàu.
3. 50 đặc sản nổi tiếng Việt Nam
Tháng 9/2012, trong "Hành trình tìm kiếm đặc sản Việt Nam lần thứ nhất năm 2012 do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam thực hiện, 50 món ăn thuộc nhiều vùng miền trong cả nước được đưa vào danh sách đặc sản nổi tiếng.
Lợn cắp nách Lai Châu là một trong 50 món ăn đặc sản Việt Nam. Ảnh: V.K.
Những địa phương đóng góp nhiều nhất trong danh sách này là Hà Nội (6 món), Thừa Thiên - Huế (5 món), TP HCM (3 món), Quảng Nam (2 món), Quảng Ngãi (2 món), Cà Mau (2 món)... Trong danh sách này, ngoài những món ăn quen thuộc như: cơm tấm, bún chả, bún bò Huế, gỏi cuốn... còn có một số món ăn rất lạ như: lẩu thả Bình Thuận, súp lươn Nghệ An, lợn cắp nách 6 món Lai Châu...
4. Món ăn đường phố TP HCM đứng thứ 6 trong top 10
Trong top 10 thành phố có món ăn đường phố hấp dẫn nhất thế giới do tờ Vancouversun (Canada) bình chọn vào tháng 8/2012, TP HCM xếp thứ 6. Châu Á còn đóng góp 3 đại diện khác là Penang (Malaysia), Bangkok (Thái Lan) và Singapore.
Bánh tráng trộn là món ăn đường phố rất nổi tiếng ở Sài Gòn. Ảnh: A.N.
Theo báo này, nghệ thuật nấu ăn của người Việt đã đi vào ký ức của nhiều du khách phương Tây, đặc biệt là ẩm thực đường phố. Chỉ cần một tour ngắn vòng quanh từ chợ Bến Thành đến chợ Bình Tây thôi là có thể tìm ra câu trả lời tại sao người ta mê mẩn món ăn đường phố ở đây đến thế. Món ăn đường phố ở Sài Gòn là sự pha trộn nhiều nét văn hóa ẩm thực khác nhau, đặc biệt là khẩu vị Pháp từ thời thuộc địa trên nền hương vị và nguyên liệu truyền thống của người Việt.
5. 10 trái cây có giá trị nhất Việt Nam
Trong cuộc "Tìm kiếm đặc sản Việt Nam" lần thứ nhất vào tháng 8/2012, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam lập danh sách 10 loại trái cây thơm ngon, đặc trưng của đất nước. Các loại trái này đều được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học công nghệ) cấp giấy "Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa".
Vú sữa Lò Rèn - Tiền Giang là một trong 10 trái cây có giá trị kinh tế cao nhất Việt Nam. Ảnh: V.K.
Đây là những loại trái cây rất quen thuộc và nổi tiếng như: vú sữa Lò Rèn, Tiền Giang; vải thiều Thanh Hà, Hải Dương; nhãn xuồng cơm vàng Vũng Tàu; bưởi da xanh Bến Tre; thanh long Bình Thuận; nhãn lồng Hưng Yên... Tiêu chí chọn trái cây không chỉ thơm ngon, gần gũi mà còn đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Khánh Hòa
Theo VNE
Ra phố Sài Gòn ăn vặt Chỉ cần bước chân xuống vỉa hè bất kỳ một con đường nào ở Sài Gòn, bạn đều có thể dễ dàng thưởng thức những món ăn ngon nhưng rất bình dị như: gỏi khô bò, bún riêu hay canh bún... Bánh canh cua Bạn có thể thưởng thức đủ loại bánh canh ở Sài Gòn như: bánh canh cua, bánh canh bò...