Sài Gòn 350 của nữ sinh 9X
Cô bạn ấy sẵn sàng hướng dẫn các bạn về biến đổi khí hậu suốt 4 tiếng, không ngại thức “xuyên màn đêm” dịch tài liệu về môi trường hay đạp xe mười mấy cây số để vận động mọi người hạn chế dùng túi nilông.
Đó chính là Lê Thùy Dung – sinh năm 1990, SV năm 2 ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP HCM – chủ nhiệm dự án Sài Gòn 350.
Lê Thùy Dung
Khởi nguồn từ những tâm huyết
Trong dịp tham gia chương trình “Diễn đàn tuổi trẻ Việt Nam” vào tháng 7/2009, Thùy Dung quen được sáu bạn trẻ cùng chung mối quan tâm đến môi trường. Dự án Sài Gòn 350 cũng ra đời từ đó.
Con số 350 trong tên nhóm chính là con số do các nhà khoa học nghiên cứu và rút ra kết luận về mức giới hạn an toàn của hàm lượng CO2 (tính theo đơn vị phần triệu) trong không khí.
Video đang HOT
Hoạt động “trình làng” của nhóm là hội thảo “350 – Định mức an toàn – chỉ số tương lai” nhằm cung cấp kiến thức chống lại biến đổi khí hậu, thu hút hơn 40 bạn trẻ tham gia.
Thùy Dung không chỉ xây dựng nội dung mà còn kiêm phần hậu cần của chương trình. Cô bạn ấy đã miệt mài tìm hiểu về biến đổi khí hậu, đọc nhiều tài liệu nước ngoài và dịch sang tiếng Việt để thuyết trình lại với những thành viên trong nhóm.
Gian nan thử sức
“Nếu nghĩ việc tham gia Sài Gòn 350 là theo xu hướng hay đánh bóng bản thân thì tớ đã không theo con đường này. Gian nan và vất vả không sao nói hết. Nhưng ngược lại, nó cho tớ không gian để thách thức bản thân.
Không gì thú vị bằng một sáng thức dậy phát hiện mình có thêm khả năng này, năng lực khác. Sài Gòn 350 đã đánh thức trong tớ nhiều điều các bạn ạ! Ước mơ của tớ là ôm trọn cả môi trường vào vòng tay” – Lê Thùy Dung.
Sau buổi hội thảo, nhóm Sài Gòn 350 tiếp tục với kế hoạch “Đạp xe vì môi trường”. Chương trình diễn ra với sự tham gia của 30 thành viên nhóm C4E (nhóm Đạp xe vì môi trường) đạp quanh các tuyến đường lớn của TP HCM.
Khi các thành viên khác tạm dừng hoạt động, cô bạn Thùy Dung vẫn không nản chí, tiếp tục xây dựng kế hoạch “Tiết học xanh”, liên kết với nhóm C4E để tiếp tục duy trì hoạt động và kiếm thêm tài trợ.
Làm chủ nhiệm dự án Sài Gòn 350, Dung vẫn luôn băn khoăn làm thế nào để gắn kết mọi người lại với nhau, giữ lửa và tiếp tục hoạt động.
Một khó khăn nữa là khi đi xin tài trợ, hầu hết doanh nghiệp đã chi ngân sách trong năm 2009, Dung đành đi vận động tài trợ cá nhân. Có lần, một ngày, Dung hẹn gặp đến 20 người để vận động tài trợ cho chương trình.
Ngày 29/11/2009, “Tiết học xanh” đầu tiên ra đời trong niềm vui vô bờ của Lê Thùy Dung. Tiết học diễn ra hoàn toàn ngoài trời, với mục đích chia sẻ kiến thức chung nhất về môi trường, những hiện tượng của biến đổi khí hậu và giải pháp cá nhân.
Chương trình thu hút sự tham gia của nhiều học sinh, sinh viên. Nhắc về “Tiết học xanh”, Thùy Dung nhớ ngay đến học viên Andy Law. Dung kể: “Anh chàng Andy Law là điều phối viên của tổ chức Volunteers for Peace Vietnam. Dù không biết được nhiều tiếng Việt, Andy vẫn tham gia chương trình đến phút cuối. Phần giới thiệu hài hước, súc tích, theo kiểu rất Tây cùng những chia sẻ về hành động xanh, Andy Law đã gắn kết suy nghĩ vì môi trường của các thành viên người Việt với những trải nghiệm và nhìn nhận của chính mình”.
Trong năm 2010, Thùy Dung có hai mục tiêu lớn: thực hiện thành công thí điểm “Tiết học xanh” trong môi trường đại học (tức là lồng ghép nội dung giáo dục môi trường vào ngay hệ thống giáo dục chính quy của Việt Nam) và kết nối chặt chẽ mạng lưới những nhà hoạt động môi trường, các CLB môi trường ở TP HCM.
Bên cạnh đó, các thành viên dự án vẫn đang cần mẫn dịch những bài giảng, trang web hay về môi trường từ tiếng Anh sang tiếng Việt.
Tiết học xanh tổ chức tại công viên 23/9 (quận 1, TP HCM) vào tháng 12/2009
Không chỉ mê hoạt động vì môi trường, Thùy Dung còn là một cây bút thơ cho tập san Áo Trắng, thành viên trong ban tổ chức các chương trình dành cho SV tại trường ĐH Ngoại thương cơ sở II TP HCM.
Chia lửa
Một trong những điều Thùy Dung trăn trở nhất là làm sao để bạn trẻ quan tâm đến môi trường nhiều hơn. Những giải pháp bạn đưa ra như: đọc sách về môi trường, tạo một diễn đàn…
Nhưng thú vị nhất là những điều mà các thành viên dự án Sài Gòn 350, các bạn tham gia “Tiết học xanh” tự nguyện ký cam kết: tắm không quá 5 phút, tắt máy xe khi dừng ở đèn đỏ quá 20 giây, hạn chế sử dụng túi nilông…
Những việc tưởng chừng rất đơn giản như vậy sẽ khiến teen có trách nhiệm hơn với môi trường.
Thêm một tin vui nữa là Sài Gòn 350 vừa được Vietlinked Global (một công ty truyền thông Ba Lan) hỗ trợ website. Khi có thêm công cụ này, dự án sẽ xây dựng hệ thống bài giảng “Tiết học xanh”, tổ chức các cuộc thi về môi trường…
Theo Tuổi Trẻ