Sacomreal có liên quan đến vụ xô xát ở dự án Charmington Plaza?
Trong quá trình đền bù giải toả để thực hiện dự án Charmington Plaza ( quận 5, TP.HCM), các công nhân làm việc tại công trường đã xô xát với người dân có quyền lợi liên quan.
Charmington Plaza còn có tên gọi khác là Khu liên hợp cao ốc Trung tâm Thương mại – Văn phòng Tản Đà – Hàm Tử. Dự án do Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hùng Anh Năm ( Công ty Hùng Anh Năm) làm chủ đầu tư. Được biết, Công ty Hùng Anh Năm là đơn vị liên kết của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín ( Sacomreal).
Mới đây, anh Nguyễn Tiến Phong (ngụ tại 740 Hàm Tử, phường 10, quận 5, TPHCM) đã có đơn phản ánh gửi đến cơ quan chức năng. Theo đơn, anh Phong cùng gia đình đã cư ngụ tại địa chỉ này từ lâu. Thế nhưng, chỗ ở của gia đình anh đang thuộc diện đền bù giải tỏa để xây dựng dự án Khu liên hợp cao ốc Trung tâm thương mại – Văn phòng Tản Đà – Hàm Tử của Công ty Hùng Anh Năm.
Sau một thời gian dài, Công ty Hùng Anh Năm đã thương lượng đền bù và giải tỏa được một phần các hộ dân thuộc dự án. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều hộ dân vẫn chưa được công ty Hùng Anh Năm đưa ra mức đền bù đúng với giá trị nên chưa thể tiến hành di dời, mặc dù đã có rất nhiều cuộc “đàm phán” giữa 2 bên.
“Khu vực tôi đang sinh sống là những căn nhà, chung cư liên kết và do thời gian xây dựng đã quá lâu nên các công trình xây dựng tại đây đã phần nào xuống cấp. Do đó, những hộ dân còn lại chưa di dời muốn được Công ty Hùng Anh Năm đền bù đúng với giá trị thực và khi đã đền bù xong, tất cả các hộ dân còn lại tại đây đã di dời đi thì Công ty Hùng Anh Năm mới được tiếp tục đưa đơn vị thi công đến phá dỡ, tránh gây nên những hậu quả đáng tiếc cho người dân. Vậy nhưng mong muốn này của người dân chúng tôi không được công ty Hùng Anh Năm đáp ứng”, anh Nguyễn Tiến Phong cho biết.
Cũng theo anh Phong, sau nhiều lần thương lượng bất thành, đến 8h30 ngày 27.2.2018 tại địa chỉ hẻm 11 đường Tản Đà, phường 10, quận 5, TP.HCM xuất hiện gần 30 thanh niên lạ mặt xăm trổ. Những thanh niên trên đã xô xát với người dân và dùng gạch đá tại công trình ném khiến nhiều người phải nhập viện.
Charmington Plaza còn có tên gọi khác là Khu liên hợp cao ốc Trung tâm Thương mại – Văn phòng Tản Đà – Hàm Tử
Video đang HOT
Liên quan đến sự việc trên, đại diện Sacomreal thông tin, đây là vụ xô xát xảy ra ngoài ý muốn giữa đơn vị thi công và những hộ dân thuộc diện giải toả ở dự án Charmington Plaza.
“Công ty Hùng Anh Năm hiện tại chỉ là đơn vị liên kết chứ chưa chính thức trở thành công ty thành viên của Sacomreal. Mới đây, chúng tôi trình đại hội cổ đông để sát nhập Công ty Hùng Anh Năm vào Sacomreal, nhưng vẫn chưa chính thức hoàn thành”, đại diện Sacomreal nói.
Song song đó, Công ty Hùng Anh Năm cho rằng, theo hồ sơ pháp lý, dự án Khu liên hợp cao ốc Trung tâm thương mại – Văn phòng Tản Đà – Hàm Tử đã được các cấp thẩm quyền của thành phố chấp thuận phê duyệt cho Công ty Hùng Anh Năm đầu tư dự án với diện tích 5077m.
Với quỹ đất trên, Công ty Hùng Anh Năm đã chủ động thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của 52/57 trường hợp. Chỉ còn lại 5 hộ gia đình là chưa đồng thuận, dù rằng mức giá bồi thường do Công ty Hùng Anh Năm đưa ra cao hơn nhiều lần so với mức giá bồi thường theo phương án được duyệt của chính quyền và mức giá thị trường đang giao dịch tại khu vực.
Để chuẩn bị cho công tác thực hiện dự án, Công ty Hùng Anh Năm đã ký hợp đồng với nhà thầu chịu trách nhiệm tháo dỡ mặt bằng đối với phần đất và nhà của các hộ gia đình đã được bồi thường và bàn giao cho công ty.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công, công nhân nhà thầu đã gặp phải sự cản trở vô lý từ một vài hộ gia đình chưa chuyển đi nên xảy ra sự việc đáng tiếc, xô xát giữa công nhân và các hộ gia đình nói trên.
“Ngay khi xảy ra sự việc, đại diện lãnh đạo Công ty Hùng Anh Năm ngay lập tức có mặt, gặp gỡ các bên để tháo gỡ khúc mắc nói trên. Chúng tôi mong muốn các bên bình tĩnh, cùng nhau xem xét giải quyết vấn đề hợp tình, hợp lý để giải quyết sự cố vừa qua, tránh căng thẳng kéo dài, bảo đảm an ninh trật tự cho địa phương và khu dân cư…”, đại diện Hùng Anh Năm cho hay.
Theo Danviet
Vì sao kiểm duyệt chặt vẫn lọt 94 hồ sơ ứng viên GS, PGS... có vấn đề?
94 hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư nghi là chưa đủ điều kiện là kết quả rà soát vừa được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước báo cáo Thủ tướng. Con số này khiến dư luận đặt lại câu hỏi về quy trình xét duyệt vì sao bỏ sót?
Theo người phát ngôn Chính phủ - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, sau khi rà soát trong số 1.226 ứng viên GS, PGS, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước (HĐCDGSNN) đã để lại 94 ứng viên nghi chưa đủ điều kiện. Trong số này có những ứng viên bị phản ánh về hồ sơ chưa đủ giờ giảng, chưa có nghiên cứu khoa học, hồ sơ có kiện cáo... Ông Dũng cũng cho biết thêm: "Mặc dù, Bộ GD ĐT đã báo cáo nhưng Thủ tướng cho biết, tới đây, tại phiên họp thường trực Chính phủ cần báo cáo lại với tinh thần rõ ràng".
Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đã để lại 94 hồ sơ tiếp tục rà soát. Ảnh minh họa: IT.
Sau kết quả này, nhiều ý kiến cho rằng việc để lại một số lượng hồ sơ không hề nhỏ sau khi rà soát đã thể hiện tinh thần cầu thị của HĐCDGSNN. Tuy nhiên, điều đó cũng khẳng định quy trình bình xét, công nhận các chức danh GS, PGS của các hội đồng ngành là rất... có vấn đề.
Theo một GS trong ngành Ngôn ngữ: "Số lượng 94 hồ sơ nghi có vấn đề được HĐCDGSNN để lại cho thấy Hội đồng này đã "dám làm" và dám chịu trách nhiệm về việc thiếu chính xác trong quá trình xét duyệt để "sót" 94 hồ sơ nghi không đạt chuẩn. Nếu như không có sự vào cuộc của Thủ tướng thì những hồ sơ thiếu chuẩn này sẽ "lọt lưới" ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo và uy tín của những người đủ tiêu chuẩn thực sự" - vị này nói.
Vậy vì sao quy trình công nhận GS, PGS phải qua 3 vòng xét duyệt, thẩm định ở hội đồng cấp cơ sở, cấp ngành, liên ngành rồi cấp Nhà nước với nhiều lần bỏ phiếu mà vẫn để lọt 94 hồ sơ không chuẩn? Nhiều chuyên gia cho rằng, có một số vấn đề trong việc xây dựng các tiêu chí tạo "kẽ hở" khiến các ứng viên có thể "lách luật". Ngoài ra, quy định về bỏ phiếu kín cũng nảy sinh tiêu cực "xin - cho".
Thừa nhận điều này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt ý Thủ tướng cho biết: "Về tiêu chí giờ giảng dạy, ngay cả khi ứng viên nói đủ giờ giảng thì cũng phải làm rõ giảng ở đâu, giáo trình nào, hợp đồng giảng dạy ra sao, thỉnh giảng thế nào, có xin tiền hay không xin tiền? Không phải giảng nhưng lại viết tờ giấy nói ủng hộ nhà trường rồi không lấy tiền, không có chuyện đó. Những kiểu "lách luật" như vậy Thủ tướng biết hết".
Trong khi đó, ở khâu bỏ phiếu kín, PGS Vũ Hào Quang - Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học - Giáo dục và Mội trường (Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho rằng, đã có hiện tượng rất nhiều người giỏi chuyên môn, điểm nghiên cứu cao nhưng bị trượt ở khâu bỏ phiếu vì "cảm tình".
"Khi đã xác định làm hồ sơ xét duyệt thì không được làm mất lòng vị nào có lá phiếu trong tay. Bởi lẽ phải đủ số phiếu mới được thông qua" - ông Quang chia sẻ.
Tương tự, GS Vũ Văn Hóa - Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho rằng, quy trình xét duyệt, bỏ phiếu chưa thực sự chặt chẽ. Theo ông Hóa, Chủ tịch HDCDGS phải là người biết được tên thành viên bỏ phiếu để làm rõ trách nhiệm của họ với lá phiếu của mình trong trường hợp phản đối những hồ sơ tốt hay bầu cho những hồ sơ chưa chuẩn.
Để khắc phục những kẽ hở này, PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn - ĐH Quốc gia Hà Nội đề xuất, cần trả lại việc đánh giá, công nhận và bổ nhiệm các ứng viên đạt chuẩn GS, PGS về cho trường ĐH theo lộ trình.
Ngoài ra, cần xây dựng lại quy chế xét duyệt, công nhận và bổ nhiệm các chức danh GS, PGS theo hướng bỏ HĐCDGS nhà nước, chỉ cần HĐCDGS của các trường ĐH và HĐCDGS ngành (trợ giúp về mặt chuyên môn cho Hội đồng trường, danh sách Hội đồng có thể thay đổi hàng năm tùy theo yêu cầu chuyên môn).
Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động thanh tra hậu kiểm của Bộ GD ĐT với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về việc thực hiện quy chế, chỉ tiêu, quá trình xét công nhận và bổ nhiệm của các trường.
Theo Danviet
Đội nắng đón Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở Chợ Lớn Chiều 2/3 (rằm tháng Giêng), mặc dù thời tiết nắng nóng, hàng nghìn người vẫn đổ về khu vực Chợ Lớn, quận 5, TPHCM để tham gia lễ hội Tết Nguyên tiêu của cộng đồng người Hoa. Chiều 2/3 (rằm tháng Giêng), mặc dù thời tiết nắng nóng, hàng nghìn người vẫn đổ về khu vực Chợ Lớn, quận 5, TPHCM để tham...