Sách nhiễu doanh nghiệp nhỏ, có thể bị xử hình sự
Các doanh nghiệp nhỏ rất cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước để vượt khó, nâng cao sức cạnh tranh.
Bộ KH&ĐT mới đây đã đưa ra dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) để lấy ý kiến cộng đồng DN. Dự thảo luật này sẽ hoàn thiện để trình ra kỳ họp Quốc hội dự kiến vào tháng 7 tới đây. Ước tính có khoảng 550.000 DNNVV có thể được hưởng lợi nếu dự luật này được thông qua.
Nghiêm cấm sách nhiễu
Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV có nhiều điểm đáng chú ý như: Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức ban hành quy định phân biệt đối xử về điều kiện kinh doanh, thực hiện thủ tục hành chính, tiếp cận các nguồn lực dựa trên các tiêu chí về quy mô kinh doanh, trừ khi các quy định này được luật quy định; có hành vi phân biệt đối xử, sách nhiễu, gây khó khăn đối với DNNVV hoặc không thực thi công vụ theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt dự luật cũng nêu rõ: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Nhiều ý kiến đánh giá nội dung trên là rất có ý nghĩa nhằm hạn chế tối đa các bộ, ngành và địa phương đưa ra các điều kiện kinh doanh, giấy phép con để làm khó DN. Nhất là trong bối cảnh nhiều hành vi, chính sách đưa ra gây thiệt hại cho DN nhưng vẫn không bị xử lý, bồi thường.
Không chỉ vậy, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN thuộc Bộ KH&ĐT – đơn vị chủ trì soạn thảo dự thảo luật, cho hay dự thảo lần này còn đưa ra các chính sách cụ thể để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển DNNVV. Trong đó, Chính phủ sẽ dành một số ưu đãi cho các ngân hàng thương mại khi đạt được tỉ lệ dư nợ tối thiểu cho DNNVV là 30% hoặc cho đối tượng này vay với lãi suất ưu đãi theo các mục tiêu phát triển.
Nông sản là một trong những ngành được dự thảo luật đề nghị hỗ trợ. Trong ảnh: Đóng thùng thanh long chuẩn bị xuất khẩu. Ảnh: QH
Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra quy định hỗ trợ thuế thu nhập DN. Theo đó, các DN khởi nghiệp được hỗ trợ 5% thuế suất thuế thu nhập DN so với mức thuế suất phổ thông trong thời hạn tối đa năm năm kể từ ngày DN có hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Việc giảm thuế cho DNNVV mới thành lập trong ngành, lĩnh vực ưu tiên sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách trong thời gian ngắn hạn nhưng về dài hạn sẽ giúp các DNNVV nâng cao năng lực tích lũy, năng lực cạnh tranh” – dự thảo nêu rõ.
Video đang HOT
Ông Hùng chia sẻ thêm thông qua luật này, DNNVV cũng sẽ được hỗ trợ mặt bằng sản xuất, kinh doanh. Ví dụ, được hỗ trợ tối đa 70% chi phí thuê mặt bằng trong một năm kể từ khi đi vào hoạt động; được hưởng ưu đãi cao nhất về đất đai và thuế theo quy định của pháp luật.
Để đừng “đánh trống bỏ dùi”
Mặc dù dự luật đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ DNVVN nhưng nhiều ý kiến cho rằng vấn đề quan trọng nhất là làm sao để những chính sách này đi vào cuộc sống, tức không rơi vào tình trạng kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV, đánh giá dự luật nhằm tạo ra một khung pháp lý riêng cho cộng đồng DNNVV, đã cơ bản đáp ứng được những kỳ vọng của lực lượng DN này. Trong đó cơ quan soạn thảo là Bộ KH&ĐT đã tiếp thu khá đầy đủ những ý kiến đóng góp của hiệp hội và DN.
Ông Nam cũng hoan nghênh các chính sách hỗ trợ nhất là về thuế được nêu trong dự thảo. “Các hỗ trợ này không vi phạm các cam kết quốc tế khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ, các nước khác cũng có chính sách hỗ trợ cho DNNVV” – ông Nam nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Nam, để luật có tính khả thi trong thực tế, cơ quan soạn thảo cần lượng hóa các nội dung hỗ trợ cho DN. Chẳng hạn như hỗ trợ thông qua quỹ phát triển DN sẽ ra sao, hỗ trợ mặt bằng kinh doanh thế nào cần được chỉ rõ, không nên nói chung chung.
Nói về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cũng nhìn nhận lâu nay các chính sách hỗ trợ DNNVV nằm rải rác ở nhiều văn bản, nhiều cơ quan quản lý và chưa nêu cụ thể. Hệ quả là nhiều DN lớn tiếp cận các ưu đãi tốt hơn. Do vậy, luật này sẽ nhất thể hóa, đảm bảo tính liên tục, đồng bộ các chính sách dành riêng cho các DNNVV.
Ông Đông cũng khẳng định: “Cơ chế ưu đãi, hỗ trợ chỉ dành cho những đối tượng DN nào hoạt động có hiệu quả, có tiềm năng phát triển, có trí tuệ và ý tưởng đổi mới sáng tạo. Các cơ chế ưu đãi sẽ đảm bảo công khai, minh bạch”.
Sao không hỗ trợ 4,5 triệu hộ cá thể? Tiêu chí xác định DNNVV trong dự thảo là doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề không vượt quá 100 tỉ đồng hoặc lao động bình quân năm của năm trước liền kề không quá 300 người. Góp ý cho dự luật, nhiều ý kiến cho rằng còn một bộ phận đóng góp rất lớn cho nền kinh tế là các hộ kinh doanh cá thể. Do đó cần xem xét để có thể đưa hộ kinh doanh cá thể vào đối tượng của dự luật nhằm khuyến khích các hộ chuyển thành DN, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Tuy vậy, ông Hồ Sỹ Hùng cho rằng với quan điểm hỗ trợ DNNVV có chọn lọc và đem lại hiệu quả, luật này cần hướng vào đối tượng là các DNNVV được thành lập theo Luật DN. Theo thống kê, số lượng hộ kinh doanh cá thể hiện nay là khá lớn, ước tính hơn 4,5 triệu hộ. “Do đó ngân sách nhà nước sẽ không đủ khả năng để hỗ trợ cho các đối tượng này. Ngoài ra, khi chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV đủ mạnh và hiệu quả, tất yếu sẽ thúc đẩy khu vực hộ kinh doanh đăng ký thành lập DN để hoạt động” – ông Hùng giải thích. ____________________________ Đóng góp 45% GDP Các DNNVV chiếm khoảng 97% số DN tại Việt Nam. Hiện đối tượng này đang đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách; đóng góp gần 50% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia hằng năm và đang tạo ra 51% tổng việc làm của nước ta. Vai trò của DNNVV trong đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo là đặc biệt quan trọng. Tuy vậy, theo báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2015, các DNNVV chưa có nhiều thuận lợi trong tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn, cập nhật thông tin chính sách và pháp luật; chịu gánh nặng lớn về chi phí không chính thức và chưa được hưởng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh có chất lượng với chi phí phù hợp.
Theo_PLO
Tín hiệu nào cho tăng trưởng thực chất?
Những kết quả khảo sát, dự báo tăng trưởng kinh tế gần đây có thể làm không ít người "phấn chấn". Nhưng với giới doanh nghiệp, điều băn khoăn là nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng dựa vào con số điều hành hay con số tăng trưởng thực chất và bản thân họ sẽ đối mặt những rủi ro gì?
Công bố mới đây của hãng Nikkei về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam trong tháng 12/2015 đã tăng trở lại, vượt qua mức trung bình 50 điểm lên mức 51,3 điểm, đang làm cho dư luận quan tâm.
Nói như một chuyên viên phân tích của Markit - đơn vị thu thập kết quả khảo sát này, các doanh nghiệp đang kỳ vọng nhu cầu sẽ tiếp tục tăng lên trong năm 2016. Giai đoạn yếu kém gần đây ở cả trong nước và khu vực đã vượt qua thời điểm tồi tệ nhất.
Cần tăng trưởng thực chất
Điểm tích cực trong kỳ khảo sát mới nhất là số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng trở lại sau sáu tháng giảm liên tục. Trong đó, sản lượng tăng chủ yếu ở các nhà sản xuất hàng hóa đầu tư cơ bản và trong lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng.
Điều này làm cho những người quan tâm đến lĩnh vực sản xuất thở phào khi PMI đã khởi sắc trở lại từ mức báo động dưới ngưỡng 50 điểm (49,4 điểm của tháng 11/2015); và có thêm đà lạc quan trong năm 2016 để nghĩ đến mục tiêu kinh tế mà Quốc hội đề ra cho tăng trưởng xuất khẩu 10%.
Những mục tiêu này không phải là không có cơ sở khi Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục đạt được thêm nhiều thị phần trên cơ sở đã ký một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực trong năm 2016 (riêng hiệu ứng TPP phải chờ đến khoảng 4 năm nữa mới có thể nhận thấy chuyển biến)
Thậm chí, với chỉ số PMI tháng cuối năm 2015 vụt cao trở lại cũng cho thấy tăng trưởng sản xuất công nghiệp chế biến của Việt Nam đã lấy lại đà cho năm mới.
Được biết trong năm 2016, Quốc hội đã phê duyệt chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 9-10% so với năm 2015, xuất khẩu đạt 178 tỷ USD tăng 10% so với năm 2015, tỷ lệ nhập siêu duy trì dưới mức 5%.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, để hoàn thành các chỉ tiêu này, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, trong đó có việc tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao chất lượng trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch.
Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động, sản xuất của doanh nghiệp, tìm kiếm mở rộng thị trường, coi trọng phát triển thị trường trong nước với tiềm năng thị trường trên 90 triệu dân.
Còn Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng mục tiêu mà Quốc hội đề ra cho năm 2016 sẽ khả thi. Bởi vì một loạt các mặt hàng chủ lực vẫn tăng trưởng, thị trường đầu ra vẫn được đảm bảo và duy trì. Bên cạnh những nhóm sản phẩm rất quan trọng và nhạy cảm với nền kinh tế, như nông sản, thủy sản vẫn khẳng định được vị thế của mình thì những mặt hàng mới, như công nghiệp chế biến chế tạo, cơ khí, điện tử...cũng đã khẳng định được vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong năm 2016, mục tiêu xuất khẩu Việt Nam đạt 178 tỷ USD tăng 10% so với năm 2015
Vực dậy doanh nghiệp nhỏ
Đối với năm 2016, giới chuyên gia kinh tế nhận định nếu Việt Nam tiếp tục ổn định được kinh tế vĩ mô thì tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt 6,8-7%. Con số này là khá lạc quan, nhưng với giới doanh nghiệp, điều họ băn khoăn là nền kinh tế Việt Nam trong năm mới sẽ tăng trưởng dựa vào con số điều hành hay con số tăng trưởng thực chất?
Bởi vì năm nào cũng nói đến con số tăng trưởng nhưng thực chất của nền kinh tế vẫn còn nhiều "điểm nghẽn", khó khăn cần phải tháo gỡ. Đây cũng là bài toán nan giải mà các nhà hoạch định chính sách hay các cơ quan quản lý Nhà nước cần lưu tâm trong bối cảnh hiện nay.
Bên cạnh những dự báo, những khảo sát lạc quan cho tăng trưởng kinh tế, trong đó có chỉ số PMI, thì nhiều câu hỏi của giới doanh nghiệp nội địa đang tự vấn là trong năm 2015, trong bối cảnh hội nhập sâu hơn từ các FTA, bản thân các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam đã và sẽ phải đối mặt với những rủi ro gì?
Trên thực tế, đã từng có những nhận định từ phía các công ty khảo sát quốc tế qua đó cho thấy những rủi ro lớn nhất đối với Việt Nam chính là những yếu tố chủ quan trong nước hơn là những yếu tố khách quan bên ngoài.
Nói như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh, chúng ta cần có kế hoạch rõ ràng hơn, cụ thể hơn để cho mỗi doanh nghiệp, người dân hiểu được cơ hội khi mà các hiệp định này mang lại, và chỉ cho cách làm thế nào để tận dụng cơ hội đó, đồng thời, phải chỉ ra được những thách thức trong từng ngành, từng lĩnh vực.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, chúng ta chưa quan tâm đầy đủ và chưa có đủ luật mạnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, vừa và nhỏ của Việt Nam phát triển. Đấy cũng là điều đáng trăn trở. Mặc dù, đã ưu đãi rồi nhưng cần phải làm, làm nữa để cho doanh nghiệp yếu vực dậy, mạnh lên để trở thành lực lượng nòng cốt của nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang soạn thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chứ không dừng lại ở cấp Nghị định nhằm đề ra những chính sách ưu đãi thực chất để hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hy vọng rằng với động thái mới này thì các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam sẽ bớt yếm thế và có thực lực hơn trong tương lai.
Theo Thời báo Kinh doanh
Thúc đẩy cơ hội làm ăn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được Bộ Công Thương công bố toàn văn để người dân và doanh nghiệp nắm rõ. Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam hiện...