“Sách ngôn tình kích thích bản năng, thỏa mãn tâm sinh lý như… ma túy”?
Trước đây, người ta “phàn nàn” rằng giới trẻ ngày càng không chịu đọc sách. Tỷ lệ sách trên đầu người ở Việt Nam quá thấp. Bây giờ, người ta lại “phàn nàn”, giới trẻ chỉ đọc rác ngôn tình- những cuốn “cố súy hiếp dâm” và là “truyện sex trá hình”… Tại sao?
Sách ngày càng là thứ… xa xỉ
Một khoảng thời gian dài, chuyện người Việt “lười” đọc sách (với tỷ lệ sách trên đầu người vào diện thấp trên thế giới) từng được xem là nỗi… hổ thẹn, và từng là đề tài “ nóng” trên các diễn đàn. Có muôn vàn lý do được đưa ra để giải thích cho việc… “lười” đọc sách của người Việt. Trong số những người Việt “lười” đọc sách, rất đông giới trẻ được lấy ra như một ví dụ tiêu biểu. Người ta đặt ra nhiều câu hỏi, vì sao “bọn trẻ” bây giờ không chịu đọc sách, đặc biệt là những cuốn sách có giá trị.
Khi sách ngôn tình nở rộ, khi hàng loạt cuốn bị đình bản vì “cố súy hiếp dâm”, vì là “truyện sex trá hình”, dư luận lại được phen giật mình trước “văn hóa đọc” của một bộ phận không nhỏ giới trẻ bây giờ.
Sách ngôn tình tràn ngập
Đứng trước sự “bùng nổ” của dòng sách ngôn tình, của các tin lá cải, giật gân đăng nhan nhản khắp các website, các trang mạng xã hội, nhiều người lớn đã phải giật mình.
Trước câu hỏi, “Liệu có hay không “sự khủng hoảng” trong văn hóa đọc của một bộ phận không nhỏ giới trẻ Việt?”, nhà văn Trần Thị Trường phân tích, “Ngày nay, do sự khắc nghiệt của cường độ lao động nên dường như quỹ thời gian dành cho vui chơi giải trí của con người ngắn bớt đi, hoặc nói cách khác nó được chia ra cho nhiều loại hình giải trí khác nhau, khiến cho đọc sách là một thú vui bị đặt lên bàn lựa chọn. Không ít người chỉ coi sách là thứ giết thời gian chờ tầu xe, hoặc thỏa chí tò mò. Vì thế, sách mỏng, sách vui vẻ, sách có vẽ nhiều tranh hơn ngôn ngữ miêu tả được người đọc tìm đến”.
Theo nhà văn Trần Thị Trường, “”Chủ nghĩa nghe nhìn” lấn át thời gian, (mặt tích cực của “nghe nhìn” ai cũng biết, nhưng mặt trái của “nghe nhìn” là làm giảm khả năng tưởng tượng và hình dung) cho nên người ta thích nghe nhìn hơn là đọc sách vì đọc sách phải vận dụng trí tưởng tượng. Con người hiện đại không cần biết đến từ đâu, và sau này sẽ về đâu, sau hóa thân tro bụi sẽ là gì, tư duy triết học ấy khiến con người xơ cứng, những trí thức trẻ chỉ quan tâm đến “Ta làm gì để tồn tại? Có tên trên Google là một tồn tại dù đó là một thế giới ảo”, câu hỏi cũ không còn khiến con người hiện đại bận tâm. Số còn lại, không quan tâm đến tồn tại hay không tồn tại, sự có mặt của họ là ngẫu nhiên, họ ra đi không để lại dấu vết, thì họ cần gì phải tư duy, họ ăn, mặc, ngủ, hưởng thụ. Hưởng thụ của họ cũng đơn giản, họ tìm cái đơn giản để hưởng thụ. Có cung thì có cầu, những cái đơn giản ra đời mang danh văn hóa…”.
“Những cái đơn giản ra đời, mang danh văn hóa”
“Sách ngôn tình kích thích bản năng thấp, gây hiệu ứng thỏa mãn tâm sinh lý tức thì”
Việc giới trẻ “ồ ạt” đọc sách ngôn tình, nhà văn Trần Thị Trường cho rằng, “Khi bản lĩnh văn hóa yếu ớt, khi không tự mình thẩm định và đặt ra được thang giá trị thì con người rất hay nhầm lẫn và nảy sinh tính a dua, hùa theo số đông”.
Video đang HOT
“Từ một vài người, hay một vài dòng tin trên mạng nói về cuốn sách nào đó hay, thế là lao theo tìm đọc, có khi đọc được nửa chừng thì chán nhưng đã trót mua (việc này khiến cho người bán sách hoặc tác giả của nó tưởng là loại sách đó ăn khách). Lý do nữa khiến tuổi trẻ thích tiểu thuyết yêu đương sướt mướt, là vì nó dễ đọc, nó chẳng bắt người đọc phải tư duy nhiều, ngoài ra những ngôn ngữ dùng trong loại tiểu thuyết này nó kích thích phần bản năng thấp, gây hiệu ứng thỏa mãn tâm sinh lý tức thì ( nhưng giống như ma túy, rất có hại cho tương lai của bản thân người đó)”- Nhà văn Trần Thị Trường khẳng định.
Nhà văn Trần Thị Trường
Lao vào những cuốn sách “kích thích phần bản năng thấp” và có thể “gây hiệu ứng thỏa mãn tâm sinh lý tức thì”, sẽ không mang lại bất kỳ giá trị nào về mặt thẩm mỹ cũng như “nhân học” cho người đọc.
Và cũng giống như một loại ma túy, để “thoát” ra khỏi những thể loại sách như thế, sẽ không phải là chuyện dễ dàng.
(Còn tiếp)
Nhà văn Trần Thị Trường nhắc nhớ lại vị trí và giá trị của những cuốn sách hay đối với quá trình hình thành nhân cách con người- “Ngày xưa, nhân loại coi giá sách (tủ sách) là vật trang trí tao nhã nhất trong ngôi nhà. Sách hay là vật bất ly thân, đọc sách là niềm vui đầu đời của con người ý thức bởi từ sách con người hình thành tư duy thẩm mỹ, phát triển trí tưởng tượng. Tuổi nhỏ đọc sách với những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, sử thi cốt truyện đơn giản nhưng giàu hình ảnh, lớn lên đọc những cuốn sách trữ tình (romantic), sử, dã sử… Rồi câu hỏi: “Ta là ai, ta từ đâu đến, ta sẽ đi về đâu” xuất hiện. Con người đi tìm câu trả lời trong những cuốn sách kinh điển, khó đọc hơn. Khó đọc, và rất cần vận động tư duy một cách ráo riết, nhưng sau khi đọc, bản lĩnh văn hóa được hình thành dần dần, con người trở nên có nhân tính và có thẩm mỹ, có khả năng phân biệt đúng sai, một cách tự nhiên và dễ dàng khước từ những gì xấu xa bỉ ổi, có xúc cảm xấu hổ và biết xấu hổ. Như vậy, từ việc đọc sách để giải trí, kiến thức sẽ đến với con người”.
Nhóm phóng viên Văn hóa
Theo Dantri
"Không có đề kháng, giới trẻ sẽ dễ bị nghiện sách ngôn tình"
Khi đọc những truyện ngôn tình "ngập ngụa" sex, trong đó cách miêu tả gây tò mò hấp dẫn cho giới trẻ với những chi tiết phi thực tế, nó sẽ hướng người đọc tới cách nhìn giới tính lệch lạc, nguy hiểm...
Sự xuất hiện tràn lan của các loại sách ngôn tình "biến tướng" đang là đề tài gây nhiều tranh cãi trong những ngày qua. Để làm rõ hơn vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.
Thưa ông, thực trạng sách ngôn tình với nhiều biến tướng hiện nay đang có diễn biến rất phức tạp, ông đánh giá thế nào về thực trạng này?
Trước hết chúng ta phải hiểu ngôn tình là gì, ví dụ đang nói loại truyện ngôn tình thì có nghĩa đấy là những câu chuyện, những loại văn viết về những chuyện tình cảm. Trong ngôn tình có tình bạn, tình yêu, tình dục, đủ mọi sắc thái và nó cũng là thể loại mang tính khơi gợi với các bạn trẻ.
Còn thực trạng hiện nay khi thị trường đang tràn ngập các loại sách ngôn tình, trước tiên chúng ta phải nhận thấy nhu cầu của người đọc là có thật nên các nhà xuất bản mới đua nhau dịch, phát hành như vậy. Chúng ta cũng nên nhìn nhận khách quan rằng, khi người đọc đến với thể loại này, họ cũng có quyền của họ, họ có sở thích của họ, đam mê của họ khi họ cho đó là hay, là hấp dẫn. Tôi cho rằng đó là một chuyện bình thường, có nhu cầu và đáp ứng nhu cầu.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
Nhưng vấn đề được đặt ra ở đây đó là, nhu cầu đó sẽ trở thành bất thường, nếu như cái ranh giới giữa tình cảm và tình yêu với tình dục, giữa viết văn để có thể thỏa mãn một nhu cầu bình thường hay mang tính nghệ thuật truyền tải thông điệp lại là chuyện khác. Rất nhiều sách ngôn tình đang kích thích, gợi dục quá mức dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc từ người đọc.
Đáng báo động hơn nữa đó là những người đọc sách ngôn tình lại đa phần là các bạn trẻ chưa có sức đề kháng và sự trải nghiệm trước những luồng văn hoá phức tạp như trong sách ngôn tình đang mang đến. Bên cạnh đó, chất lượng của chính các loại sách ngôn tình đang bị thả nổi, chính vì vậy mới xuất hiện nhưng ấn phẩm "bất thường" hoặc "ngập ngụa" trong sex tạo nên một hiện tượng thái quá.
Thưa ông, có ý kiến cho rằng, đọc nhiều sách ngôn tình sẽ dẫn đến tư tưởng lệch lạc về giới tính và người đọc sẽ tự thoả mãn với những thứ dễ dãi, tầm thường, ông nghĩ thế nào về quan điểm này?
Chúng ta phải nói với nhau rằng, có một thực trạng như hiện nay là vì chúng ta đã không biết cách đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về giới tính một cách lành mạnh, một cách đúng đắn với các bạn trẻ. Con người có đầy đủ nhu cầu và con người càng ngày càng có nhiều nhu cầu khác nhau, cao cấp hơn, phức tạp hơn.
Ví dụ như trước đây chúng ta rất ngại khi nói đến đồng tính, tình yêu phải trong sáng, thuần khiết, tình yêu không có tình dục, nhưng hiện nay đã hoàn toàn khác. Đời sống có thì văn học cũng phải có, văn học nghệ thuật cũng phải phản ánh. Cũng giống như trước đây chúng ta không bao giờ dám chụp nude còn hiện giờ thì hoàn toàn rộng mở.
Trở lại vấn đề sách ngôn tình cũng thế, những người đọc chủ yếu là các bạn trẻ có độ tuổi dậy thì cho đến trưởng thành. Khi đã trở thành người lớn thực sự đương nhiên sẽ có những rung động giới tính, những cái băn khoăn giới tính và họ muốn giải đáp. Lỗi trước hết của chúng ta vì không đáp ứng được nhu cầu đó một cách lành mạnh đúng đắn, một cách hợp lý trong khi những ấn phẩm độc hại vẫn tràn lan như vậy. Và khi không có sự đề kháng, giới trẻ sẽ dần bị "nghiện" những loại sách ngôn tình độc hại dẫn đến những lệch lạc khó lường.
Vậy trách nhiệm lớn nhất thuộc về ai, thưa ông?
Tôi cho rằng vấn đề là ngay từ khâu xuất bản. Nếu chúng ta kiểm duyệt chặt chẽ sẽ không thể có những ấn phẩm độc hại được. Bởi vì chúng ta biết rằng sách ngôn tình trong nước rất ít, chủ yếu dịch ở nước ngoài và chủ yếu là của Trung Quốc. Rõ ràng, các cơ quan quản lý, các cơ quan điều tra xã hội học, chúng ta không nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người đọc mà chỉ chạy đua theo số lượng. Sách vở lại thuộc một cái dạng thức ăn văn hóa tinh thần cao cấp nên sẽ xảy ra những hệ luỵ khó lường nếu cứ thả nổi như hiện nay.
Có quan điểm cho rằng, sách ngôn tình là một loại "độc dược" tinh thần về lâu về dài. Ông đánh giá thế nào?
Nếu nói là độc dược tinh thần tôi cho là hơi nặng nề. Nhưng rõ ràng nó có thể làm lệch lạc và từ lệch lạc đơn thuần dẫn sang trầm trọng không kiểm soát được. Cho nên bây giờ vấn đề của chúng ta là chúng ta phải có một sự cân bằng trở lại từ phía các nhà xuất bản, các nhà quản lý, phụ huynh và ngay chính trong các nhà trường cũng cần phải có biện pháp định hướng cho học sinh, sinh viên về văn hoá đọc và những tác hại khôn lường từ những ấn phẩm văn hoá được cho là "dâm thư" trá hình.
Phải chăng văn hoá đọc của các bạn trẻ nói riêng và cả xã hội nói chung đang có vấn đề thưa ông?
Tôi cho rằng, nếu nói văn hoá đọc của các bạn trẻ đang có vấn đề có vẻ như hơi khiên cưỡng vì ai học được chữ rồi thì cũng đọc được sách, nhưng văn hóa đọc thì lại khác. Giáo dục văn hóa đọc, hướng dẫn, định hướng mà giúp cho người đọc là rất quan trọng ngay từ trong gia đình, nhà trường rồi đến xã hội.
Bên cạnh đó, người đọc cũng phải có sự tự vệ của mình, có cái tự ý thức của mình chứ không ai ép buộc được. Nhất là những người đọc trẻ, một mặt cần phải được rèn luyện , được giáo dục nhưng mặt khác họ cũng phải tự ý thức được mình . Cái ý thức này quả thực còn rất ít, rất thấp. Tôi nói ví dụ như bao nhiêu người đi đường chẳng hạn, văn hóa giao thông chúng ta hiện nay dù bao nhiêu biện pháp đã làm rồi. Đèn xanh, đèn đỏ, xử phạt các kiểu nhưng mỗi người mà không tự ý thức thì dù có trưng bao nhiêu biển cấm dù có bao nhiêu nữa thì họ vẫn cứ vi phạm.
Cho nên đọc sách cũng thế thôi, đọc sách là việc tự nguyện, đọc sách không phải là việc ép buộc, đọc sách là sở thích, là nhu cầu , nhưng nếu anh có ý thức thì anh sẽ biết như vậy là đúng hay sai. Làm sao phải giáo dục được ý thức của người đọc. Ví dụ như khi hỏi anh đang đọc gì, mà anh nhắc đến 1 quyển sách đó thì người ta kính trọng anh còn anh đọc cái quyển đó thì người ta sẽ xem thường anh và anh phải thấy xấu hổ thì chúng ta chưa đạt đến việc đó
Cũng là một phụ huynh, ông nghĩ thế nào về vai trò của các bậc làm cha, làm mẹ khi định hướng cho con cái mình trong việc đọc sách?
Theo tôi, bên cạnh vai trò của người bố người mẹ, người ông người bà, chúng ta có một vai trò không kém nữa là người bạn, người bạn tâm tình với con trẻ. Hình như cái vế làm bạn này nhiều người chúng ta chưa có. Thậm chí, nhiều ông bố bà mẹ còn khoán trắng cái việc này. Chỉ chăm chăm lo con không nghiện, không chơi bời, hút sách mà không biết rằng, sách vở đôi lúc như là thuốc phiện tinh thần.
Đọc sách cùng con chính là làm bạn với các con. Những lúc đó đứa trẻ không bị bỏ một mình mà đứa trẻ thấy có gì thắc mắc, khó hiểu hoặc nó muốn chia sẻ sẽ có người bạn bên cạnh. Còn nếu không thì đứa trẻ với một quyển sách, vì không có ai để chia sẻ thì nó bị cuốn theo những nhân vật trong đấy là điều dễ hiểu. Dần dần, lành mạnh thì nó dẫn đến chỗ tốt, mà không lành mạnh thì nó dẫn đến chỗ xấu và hậu quả thì không ai có thể lường trước được.
Xin cám ơn ông !
Nói về những tác hại và thực trạng của các loại sách ngôn tình "biến tướng" đang xuất hiện tràn lan trên thị trường, nhà phê bình Văn Giá nhận định: "Tiểu thuyết ngôn tình nằm trong văn hoá đại chúng rất lớn. Nhưng vấn đề ở chỗ chúng ta đang tiếp nhận loại văn học ngôn tình có cơ cấu bị lệch lạc, hay xuất bản bị lệch. Điều này sẽ rất nguy hiểm vì chúng ta chỉ đơn thuần cứ đưa ra thị trường tất cả mà không có định hướng. Trong khi đó, các nhà xuất bản Việt Nam cũng không mấy quan tâm, họ cho dịch, đăng ký mua bản quyền, trong khi chỉ biết đến ngôn tình mà không biết những giá trị đỉnh cao của ngôn tình. Trẻ em mới lớn chưa có sức đề kháng nên tiếp nhận mọi thứ rất lệch lạc.
Xuân Ngọc - Anh Dũng
Theo Dantri
Chuyện đời "người đọc truyện đêm khuya" Bao nhiêu năm gắn bó với chuyên mục "Đọc truyện đêm khuya" trên Đài tiếng nói Việt Nam, giọng đọc của NSƯT Kim Cúc không chỉ dừng lại ở sự mến yêu, thân thuộc, còn là ký ức đẹp đẽ trong lòng nhiều thế hệ khán giả nghe đài... Từ một diễn viên trở thành một phát thanh viên nổi tiếng NSƯT Kim...