Sách hay về phòng ngừa và xử lý các loại bệnh bạn nên biết
Những cuốn sách này do NXB Thông tin Truyền thông xuất bản. Đây không chỉ là tài liệu tham khảo hữu ích đối với các nhà chuyên môn, mà còn là cẩm nang giúp ích cho bạn đọc.
Các thực phẩm bẩn, ôi thiu, kém chất lượng kéo theo những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng, nếu người sử dụng không may ăn phải, nhẹ có thể gây ra các triệu chứng cấp tính, bán cấp tính, nhiễm độc nặng có thể dẫn tới tử vong.
Nhận thấy được tầm quan trọng trong việc xử lý kịp thời các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm, tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc, các tác giả GS.VS.TSKH.BS Đái Duy Ban, PGS.TS. DS Trần Nhân Thắng, PGS.TS Phạm Công Hoạt, ThS Phạm Lê Anh Tuấn đã sưu tầm và tổng hợp để giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Ngộ độc thực phẩm và cách giải độc theo các phương pháp Đông – Tây y kết hợp.
Cuốn sách không chỉ chỉ ra nguyên nhân, nguyên tắc, phương pháp xử lý ngộ độc thực phẩm, mà còn giúp bạn nhận biết một số thực phẩm có khả năng gây ung thư, ngộ độc thực phẩm do các chất độc trong môi trường gây ra và một số thảo dược có tác dụng giải độc.
Bệnh nghề nghiệp gây ra hậu quả lớn không chỉ đối với người bệnh mà còn đối với gia đình và xã hội. Phòng ngừa là chìa khóa giải quyết gánh nặng mà bệnh nghề nghiệp mang lại.
Đó là biện pháp hiệu quả và ít tốn kém hơn chi phí dành cho điều trị và phục hồi chức năng. Cuốn sách Bệnh nghề nghiệp và cách phòng tránh do TS. BS Nguyễn Việt Đồng biên soạn sẽ hỗ trợ đắc lực cho người sử dụng lao động, người lao động cũng như các cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nâng cao hiệu quả của công tác phòng tránh bệnh nghề nghiệp và giữ gìn sức khỏe đảm bảo cho quá trình lao động sản xuất.
Video đang HOT
Sách Phòng, chống các bệnh thường gặp trong gia đình bằng dược thảo quanh ta: Tập 1. Hệ Tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiết niệu, hệ tiêu hóa do GS.VS.TSKH.BS Đái Duy Ban chủ biên giới thiệu về 35 bệnh thường gặp hàng ngày của bốn hệ: hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiết niệu và hệ tiêu hóa.
Nội dung mỗi bệnh gồm có nguyên nhân, triệu chứng, sơ bộ cách Điều trị Tây y, cách phòng ngừa và quan trọng là những bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian và Đông y. Có tới hàng nghìn bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian và hàng trăm tên thảo dược từ tên Hán Việt được đổi ra tên các thảo dược thường gọi ở nước ta để bạn đọc có thể dễ dàng tìm hiểu và sử dụng.
Sách Phòng, chống các bệnh thường gặp trong gia đình bằng dược thảo quanh ta: Tập 2. Hệ xương khớp, hệ da liễu do GS.VS.TSKH.BS Đái Duy Ban, PGS.TS.DS Trần Nhân Thắng biên soạn giới thiệu 33 bệnh thường gặp về hệ xương khớp, hệ da liễu.
Nội dung mỗi bệnh gồm có nguyên nhân, triệu chứng, sơ bộ cách Điều trị Tây y, cách phòng ngừa và quan trọng là những bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian và Đông y. Có tới hàng nghìn bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian và hàng trăm tên thảo dược từ tên Hán Việt được đổi ra tên các thảo dược thường gọi ở nước ta để bạn đọc có thể dễ dàng tìm hiểu và sử dụng.
Theo Tổ chức Lao động thế giới, nếu được cấp cứu kịp thời, đúng phương pháp sẽ cứu được 81% nạn nhân qua cơn hiểm nghèo, còn Tổ chức Liên hợp quốc khuyến cáo đừng để người ta chết vì thiếu kiến thức.
Cuốn sách Sơ cấp cứu tai nạn trước khi có y tế do Thầy thuốc ưu tú, Bác sỹ Nguyễn Đức Đãn biên soạn giới thiệu một số kỹ thuật đơn giản, bất kể ai cũng xử lý được, kể cả không có phương tiện cấp cứu, có nhiều trường hợp không phải đến y tế. Trong cuốn sách, tác giả dựng nhiều hình ảnh về kỹ năng sơ cứu giúp các bạn thực hiện dễ dàng.
Việt Tú
Trị đau nhức xương khớp không đúng, hủy hoại "lục phủ ngũ tạng"
Hệ thống cơ xương khớp biến đổi, suy giảm chức năng theo sự gia tăng tuổi tác. Khi trở trời, bỗng nghe những luồng gió lạnh làm buốt nhức các khớp xương.
Nhiều người bệnh tự ý mua thuốc hoặc đến phòng mạch tư tiêm thuốc, liền thấy trong người khỏe hẳn. Vài bữa, nửa tháng sau, các cơn đau nhức trở lại, ngày càng trầm trọng và người bệnh cứ tiếp tục uống thuốc, chích thuốc, như một vòng xoáy tiếp diễn, không lối thoát...
Người bệnh như bị "bỏ bùa"
Bác sĩ Lưu Ngọc Trân, BV Đa khoa TP Cần Thơ, thăm khám, tư vấn cho người bệnh chữa trị các bệnh đau nhức xương khớp.
Bà Nguyễn Thị Tư (75 tuổi, ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) đang điều trị vết loét ở ngón chân út bàn chân trái, do biến chứng tiểu đường. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ ghi nhận bà cụ còn bị biến chứng của việc lạm dụng corticoid. Hỏi ra mới biết, nhiều năm nay, bà cụ đau nhức xương khớp; mỗi lần đau, bà đến phòng mạch tư chích một mũi thuốc và lấy thêm vài liều thuốc về uống, tốn khoảng 50.000 - 60.000 đồng.
Bà Tư kể: "Đau nhức không ngủ được, vậy mà sáng hôm sau chích vào một mũi là thấy khỏe liền, ăn ngon, ngủ ngon, như có phép tiên vậy. Nhưng ngặt nỗi, giống như bị bác sĩ bỏ bùa, cứ vài bữa lại phải kiếm bác sĩ". Bà Tư còn cho biết, người con trai thứ 6 của bà năm nay 50 tuổi cũng hay rêm mình mẩy, thường xuyên đi chích thuốc chung với mẹ. Bà con trong xóm của bà Tư nhiều người cũng vậy, nhất là khi mắc các bệnh đau nhức xương khớp.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Thanh Nhàn, công tác tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc (ICU) Bênh viên (BV) Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết: Khoa ICU tiếp nhận rất nhiều trường hợp người bệnh nguy kịch, có liên quan đến việc sử dụng corticoid. Thực tế, người dân ĐBSCL cứ 10 trường hợp có bệnh sử đau nhức khớp xương thì 8 - 9 người đều do lạm dụng corticoid. Thuốc có thành phần kháng viêm mạnh, giảm đau nhanh, dân gian gọi là đề xa. Bên cạnh hiệu quả tức thì, hầu hết người bệnh không biết rằng thuốc gây nhiều biến chứng, phá hủy lục phủ ngũ tạng của toàn bộ cơ thể.
Theo bác sĩ CKI Nguyễn Thị Thanh Nhàn, tình trạng lạm dụng corticoid phổ biến nhất ở người cao tuổi mắc bệnh đau nhức xương khớp hoặc người mắc các bệnh viêm đường hô hấp. Người cao tuổi uống loại thuốc này lâu dài dễ loãng xương, mà càng loãng xương thì càng đau, càng đau càng uống thuốc thì lại tiếp tục gia tăng tình trạng loãng xương, tạo thành một vòng xoắn không thoát ra được, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe và chất lượng cuộc sống, rút ngắn tuổi thọ.
Khó cai thuốc
Trong phòng bệnh số 1 của Khoa Nội tiết, BV Đa khoa TP Cần Thơ có 8 giường bệnh thì có 6 bệnh nhân có dấu hiệu cushing do tác hại của việc sử dụng lâu dài corticoid. Tình trạng nặng nề nhất là cụ bà Lê Thị Thạch (75 tuổi, ở Phong Điền) nhập viện vì đau cột sống thắt lưng. Người nhà của cụ Thạch cho biết, để chống chọi với các cơn đau nhức xương khớp của tuổi già, bà cụ thường xuyên hốt thuốc nam, mua thuốc bắc, thuốc tàu, thuốc tán, kể cả đi bác sĩ tư nhưng bệnh không khỏi mà ngày càng trầm trọng. Bà cụ còn mắc bệnh đái tháo đường, bị biến chứng thần kinh do tiểu đường dẫn đến nhiễm trùng, bí tiểu, phải đặt sonde thông tiểu.
Theo bác sĩ CKII Lưu Ngọc Trân, Trưởng Khoa Nội tiết BV Đa khoa TP Cần Thơ, bệnh nhân bị bệnh tiểu đường, tức lượng đường trong máu tăng cao hơn mức bình thường, lại sử dụng thuốc corticoid làm tăng đường huyết khiến cho việc kiểm soát đường huyết thêm cực kỳ khó khăn.
Thuốc này có tác hại gây rối loạn chuyển hóa, rối loạn mỡ máu, hạ kali và natri máu, giảm canxi, dị hóa protein dẫn đến teo cơ, giảm sức đề kháng nên tăng nguy cơ nhiễm trùng. Biến chứng nặng nề nhất của loãng xương do dùng corticoid là gãy xương, hoại tử chỏm xương đùi. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định cụ bà loãng xương rất nặng, xẹp đốt sống thắt lưng.
Cơ thể bà nặng nề, phình to, khiến tưởng lầm là béo phì, là tình trạng của rối loạn chuyển hóa, giữ muối nước, rối loạn phân bố mỡ, mỡ tập trung ở mặt, vùng gáy và vùng bụng, teo cơ ở tay và chân. Những dấu hiệu điển hình, nhìn qua dễ biết như mặt tròn như mặt trăng, da ửng đỏ, tay chân khẳng khiu, có nhiều vết bầm tím ở cẳng tay, bụng bệu mỡ và có nhiều vết nứt da ở bụng màu đỏ tía.
Theo bác sĩ CKII Lưu Ngọc Trân, Khoa Nội tiết tiếp nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân sau khi được cấp cứu qua cơn nguy kịch ở Khoa Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực chống độc. Khoa Nội tiết sẽ điều trị tiếp tình trạng nhiễm trùng cho ổn, thứ hai là sẽ giảm liều thuốc corticoid, giảm liều từ từ. Ở giai đoạn bệnh nhân đang có tình trạng thiếu hụt corticoid và nhiễm trùng, bác sĩ cho thuốc corticoid liều cao. Khi bệnh nhân ổn định hoàn toàn thì bắt đầu giảm liều theo phác đồ. Sau khi xuất viện, bệnh nhân tái khám được bác sĩ ở phòng khám điều chỉnh giảm liều từ từ trở về liều thấp cho đến khi tuyến thượng thận phục hồi chức năng bác sĩ sẽ ngưng thuốc corticoid cho bệnh nhân. Nói chung, một quá trình lâu dài, muốn bỏ được thuốc đó, cần phải có thời gian 1 tháng, 6 tháng, 1 năm, 2 năm mới có kết quả.
Tuy nhiên, việc "cai nghiện" cho bệnh nhân corticoid vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự đồng lòng, quyết tâm của cả người bệnh và cán bộ y tế. Khi người bệnh thiếu hụt corticoid do giảm liều dùng, sẽ đối mặt tình trạng mệt mỏi, nôn ói, đau nhức xương khớp không chịu nổi. Bệnh nhân không quay lại BV có chuyên khoa điều trị mà tiếp tục mua thuốc, chích thuốc ở phòng khám tư có lạm dụng corticoid thì sẽ tiếp diễn tình trạng lệ thuộc thuốc, biến chứng do thuốc sẽ càng gia tăng.
Các chuyên gia y tế nhìn nhận, thực trạng lệ thuộc corticoid dẫn đến nhiều biến chứng hủy hoại tổng trạng sức khỏe. Người bệnh muốn được khỏi bệnh mau, nhanh. Từ đó, các cửa hàng thuốc và các phòng mạch tư, vì kinh tế, thường thêm thành phần corticoid vào các liều điều trị, để tạo "uy tín mát tay", thầy hay, thuốc giỏi. Những bệnh dễ lạm dụng corticoid nhất là đau nhức, kế đến là tai mũi họng và bệnh phổi, thứ ba là da liễu. Ngoài ra, người dân còn sử dụng các loại thuốc gia truyền trôi nổi, tiềm ẩn nguy cơ chứa nhiều chất corticoid và độc dược ảnh hưởng sức khỏe.
Bác sĩ Lưu Ngọc Trân khuyến cáo, người bệnh đau nhức khớp nên đến các bác sĩ chuyên khoa, hoặc BV có phòng khám chuyên khoa khớp để điều trị tốt hơn, không nên đến thầy lang, hay tự mua thuốc uống. Những bệnh lý cần thuốc này thì cũng phải sử dụng đúng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, dùng đúng liều lượng và thời gian. Trường hợp người bệnh đã được chẩn đoán suy thượng thận mạn do corticoid (hội chứng cushing do corticoid), nên khám và theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa nội tiết để được giảm liều và ngưng thuốc, giúp giảm được các tác dụng phụ do corticoid, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG
Thạc sĩ bác sĩ Ngô Quang Hùng Người thầy thuốc với phương pháp cấy chỉ đột phá Thạc sĩ bác sĩ Ngô Quang Hùng - giám đốc Viện Cấy Chỉ Hải Thượng Lãn Ông là cái tên nổi tiếng trong giới y khoa. Ông đã có đóng góp rất lớn cho nền y học nước nhà trong việc tìm ra hướng điều trị mới cho bệnh nhân mắc xương khớp, thoái hóa, thoát vị đó là phương pháp cấy chỉ...