Sách gây sốc: Nhà Clinton kiếm tiền ‘bẩn’ như thế nào?
Quyển sách có tên “ Clinton Cash” dự kiến sẽ được ra mắt vào ngày 5.5, vạch ra những lần ông Bill Clinton và bà Hillary Clinton bí mật đút túi từ số tiền của chính phủ, The New York Times cho biết.
Quyển “Clinton Cash” (Tiền của Clinton – NV) có tên chính thức: “Clinton Cash: The Uptold Story of How and Why Foreign Goverments and Businesses Helped Make Bill and Hillary Rich” (tạm dịch: Tiền của Clinton: Chuyện chưa kể về việc tại sao và làm thế nào những chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài giúp Bill và Hillary làm giàu).
Theo The New York Times, đây là “một cuộc điều tra dài 186 trang” về các khoản quyên góp của Quỹ Clinton từ nước ngoài của tác giả Peter Schweizer.
Đe dọa quá trình ứng cử
The New York Times hôm 19.4 cho rằng cuốn sách này đang vạch ra những chi tiết đáng sợ nhất và được mong đợi nhất về một quá trình ứng cử tổng thống Mỹ vẫn còn trong giai đoạn khởi đầu.
Ông Schweizer là một tác giả thuộc cánh bảo thủ đồng thời là chủ tịch của Viện Trách nhiệm Chính phủ (Goverment Accountability Institute – GAI). Cuốn sách của ông chắc chắn sẽ khiến người Mỹ đặt nghi vấn về những lời hứa sẽ là “người chăm sóc lợi ích dân Mỹ” của bà Clinton, The New York Times bình luận.
Cuốn sách sắp ra mắt sẽ là vật cản trên đường tranh cử của bà Hillary Clinton – Ảnh: Reuters
Tờ báo này cũng cho biết các thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, bao gồm các Thượng nghị sĩ như Rand Paul hay Marco Rubio đã nhận thông tin về cuốn sách. Chính vì thế, quyển sách của ông Schweizer sẽ là một phần quan trọng trong các chiến dịch tranh cử của đảng Cộng hòa trước đảng Dân chủ của bà Hillary Clinton.
Tầm quan trọng của những nội dung nhạy cảm trong sách đã đến tai bà Hillary. Theo đó, một kế hoạch định hướng dư luận đã được vạch ra nhằm hạn chế tác động của cuốn sách đến tiến trình tranh cử của bà Hillary, The New York Times viết.
Một phát ngôn viên của kế hoạch đối phó dư luận này, ông Brian Fallon, khẳng định một phần cuốn sách là “chiến lược phối hợp tấn công của đảng Cộng hòa nhằm vào bà Clinton”, và “cố bẻ những sự thật trước đó thành các lý thuyết âm mưu vô lý”.
Bà Hillary đã ứng phó từ trước?
Trên thực tế, rõ ràng bà Hillary Clinton là người xuất hiện nhiều trên mặt báo hơn các ứng viên khác. Vấn đề dư luận liên quan đến tài chính của đợt tranh cử lần này dường như đã được chuẩn bị trước đó.
Daily Mail ngày 20.4 cho biết bà Hillary đã chủ động từ chức khỏi hội đồng quản trị của Quỹ Clinton – tổ chức vận động vốn nước ngoài lấy theo tên của hai vợ chồng ông Bill và bà Hillary Clinton cùng con gái Chelsea của họ. Quỹ Clinton chính là mấu chốt của những đợt tiền ồ ạt trôi vào túi nhà Clinton theo lập luận của tác giả Schweizer trong cuốn sách của ông.
Video đang HOT
Trước đó vào ngày 17.4, Bloomberg tiết lộ thông tin bà Hillary sẽ thuê Gary Gensler, cựu Giám đốc Tài chính (CFO) của Phố Wall về làm việc như giám đốc tài chính của chiến dịch tranh cử của bà lần này.
Từng làm Chủ tịch Ủy ban Giao dịch tương lai, ông Gensler là “thước đo minh bạch” của bà Hillary? – Ảnh: Reuters
Theo Washington Post, động thái của bà Hillary có hai mục đích. Một là sẽ giúp bà tránh bội chi, vốn đã từng thất bại trong lần tranh cử năm 2008. Thứ hai, nó chứng tỏ bà sẽ mang xu hướng thắt chặt tình trạng tài chính nếu đắc cử.
Hai động thái của bà Hillary, cộng thêm nhận xét “lương giám đốc điều hành tại Mỹ quá cao” trước đó, cũng rất có thể là một cách cựu Đệ nhất phu nhân muốn gửi thông điệp đến người Mỹ về một lời hứa minh bạch và công bằng cho tất cả.
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
Nếu Hillary Clinton làm Tổng thống Mỹ - Kỳ 3: Biil Clinton trở thành đệ nhất... rỉ tai
Nếu Hillary Clinton trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, Bill Clinton sẽ phải liếc ngang liếc dọc xem các "tiền bối" từng làm gì.
Tình hình sẽ đảo ngược nếu bà Hillary Clinton làm tổng thống - Ảnh: Reuters
Biến hóa
Vai trò đệ nhất phu nhân nước Mỹ đã biến hóa đáng kể qua các đời tổng thống khác nhau. Các bà có hẳn phòng làm việc riêng trong Nhà Trắng để thực hiện các nhiệm vụ xã hội, lễ nghi của mình. Đó là độc chiêu của nước Mỹ.
Các đệ nhất phu nhân có chánh văn phòng, có thư ký xã hội, có thư ký báo chí, có thiết kế trưởng cắm hoa... Theo Daily Beast, bản thân bà Hillary Clinton hồi đóng vai phụ ở Nhà Trắng từng sở hữu một đội ngũ nhân viên đến 20 người. Ấy là còn chưa bằng chị, bằng em: đệ nhất phu nhân Laura Bush sở hữu ít nhất 24 "lính".
Nhưng các bà thực sự đã làm gì mà có nhiều nhân viên thế?
Dolley Madison đã "nâng tầm" cái ghế đệ nhất phu nhân nước Mỹ lên một bậc khi cống hiến nhiều thời gian và công sức cho hoạt động vì trẻ mồ côi và phụ nữ.
Những người gièm pha Edith Wilson thì gọi là bà "nữ tổng thống" vì tham gia tích cực vào lịch trình làm việc của chồng trong thời điểm Tổng thống Woodrow Wilson lên cơn đột quỵ.
Jacqueline Kennedy đã trở thành một biểu tượng của sắc đẹp, của thời trang còn ảnh hưởng tới tận ngày nay.
Jacqueline Kennedy là biểu tượng của sắc đẹp và thời trang - Ảnh: Reuters
Nancy Reagan với chiến dịch "Chỉ việc nói không" đã góp một tiếng nói lớn trên mặt trận chống ma túy.
Còn cặp mẹ chồng, nàng dâu Barbara và Laura Bush được nhớ đến nhờ hăng hái cổ xúy cho phong trào đọc sách.
Đương kim đệ nhất phu nhân Michelle Obama, một luật sư danh giá, thì dồn nỗ lực để quan tâm đến gia đình của các binh sĩ và các chương trình chống béo phì ở trẻ em.
Eleanor Roosevelt, một hình mẫu mà bà Hillary Clinton ngưỡng mộ có lẽ là "nhà cách mạng vĩ đại nhất" trong Nhà Trắng. Bà kiêm luôn "nghề" nhà báo, dẫn chương trình radio, giữ ghế Chủ tịch Ủy ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc và là đại diện công chúng cho ông chồng bị liệt của mình.
Nhưng bà Hillary Clinton có lẽ là gương mặt đáng gờm nhất. Từ trong văn phòng đệ nhất phu nhân ở cánh đông của Nhà Trắng, bà nhen nhóm thành công tham vọng làm thượng nghị sĩ để rồi sau đó trở thành đối thủ của Barack Obama trong cuộc tranh cử tổng thống, giữ ghế ngoại trưởng và giờ đây lại ngấp nghé cho chức vụ quyền lực nhất nước Mỹ.
Nhìn ra quốc tế
Ông Bill Clinton sẽ chọn hình mẫu nào để bước theo đây? Biểu tượng sắc đẹp và thời trang? Hẳn là không thể! Kêu gọi cho nữ quyền? Nghe không hợp cho lắm! Dẫn chương trình radio? Hơi lỗi thời! Hay tận dụng vai trò đệ nhất phu quân để làm bàn đạp cho một ghế nào đó trong tương lai? Đã là tổng thống Mỹ rồi thì còn ghế nào "oai" hơn nữa ở đất nước này?
Tính đi tính lại, kể cũng hơi khó cho Bill Clinton học hỏi kinh nghiệm, nhất là trong bối cảnh tất cả các "tiền bối" đều là phụ nữ.
Có lẽ ông lại phải nhìn ra quốc tế. Khi Tổng thống Đức, bà Angela Merkel tuyên thệ nhậm chức, ông chồng của bà, giáo sư hóa học Joachim Sauer ngồi trong phòng thí nghiệm xem truyền hình trực tiếp, theo tờ Telegraph. Ông cũng tránh xa mọi chuyến công du, mọi nghi thức lễ lạc, cứ để người phụ nữ quyền lực nhất hành tinh solo một mình, còn ông tập trung cho chuyện riêng của bản thân.
Ông Joachim Sauer khá thoải mái với lối sống tránh xa đèn flash dẫu vợ ông được gọi là người phụ nữ quyền lực nhất hành tinh - Ảnh: Reuters
Ông Bill Clinton còn lâu mới có thể bắt chước như thế, dẫu cảnh ngộ của ông cũng giống chút chút với ông bạn Sauer (Clinton cũng từng là giáo sư đại học). Người Đức tôn trọng cuộc sống riêng tư và báo chí không có thói quen tọc mạch vào đời tư chính trị gia. Còn ở Mỹ, chỉ mỗi chuyện đệ nhất phu nhân mặc gì trong đêm dạ tiệc sau lễ nhậm chức tổng thống xưa nay cũng đủ là đề tài dài hơi cho báo chí tán ra tán vào!
Hay thử nhìn qua xứ sở kangaroo, nơi bà Julia Gillard từng được bầu làm thủ tướng. Cùng với sự kiện này, đệ nhất... bạn trai của bà, ông Tim Mathieson đột nhiên bị đèn flash làm chói cả mắt. Nhưng ông vẫn cứ thản nhiên làm ông chủ tiệm hớt tóc, chỉ kiêm thêm một số công việc từ thiện không nhận thù lao. Phát biểu "đình đám" nhất của ông Mathieson là lời khuyên đưa ra cho các quý ông sau lần ông đi kiểm tra tuyến tiền liệt: hãy chọn các nữ bác sĩ châu Á nhỏ con thăm khám. Ông Mathieson bị "dập" tơi bời sau câu nói đùa "vô duyên" ấy. Xem ra kinh nghiệm ở xứ sở kangaroo không giúp ích gì được cho ông Bill Clinton.
Vô tình nhặt được bí kíp
Thực ra không cần phải phóng tầm mắt quá xa. Ông Bill Clinton, nếu được theo chân vợ vào Nhà Trắng lần nữa, đã có sẵn một ví dụ điển hình ngay ở châu Mỹ để tham khảo: Argentina.
Đệ nhất phu quân Bill Clinton sẽ là nhà cố vấn tuyệt vời bên cạnh Hillary Clinton nếu giấc mơ tổng thống trở thành hiện thực - Ảnh: Reuters
Ở đất nước này, ông Néstor Kirchner từng làm tổng thống trước khi trao lại cái ghế đó cho chính vợ ông, đương kim Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner. Thế là ông Néstor vui vẻ giữ "ghế" đệ nhất phu quân cho tới ngày ông qua đời hồi năm 2010. Nhưng ông Néstor không tự hài lòng với một "chức" duy nhất. Trong quãng thời gian "hành nghề" đệ nhất phu quân, ông cũng tranh thủ để giữ chức Tổng thư ký Liên đoàn các quốc gia Nam Mỹ, tham gia đàm phán giải thoát con tin, tham gia giải quyết vụ khủng hoảng của chính phủ trong lĩnh vực nông nghiệp ...
Nhưng ông Néstor cũng là bạn thân của cố tổng thống Venezuela Hugo Chavez - một cái gai trong mắt Mỹ. Xem ra cũng không phải là hình mẫu của ông Bill Clinton nốt.
Vậy là ông Bill Clinton sẽ phải tự "biến tấu" cái nơi mà xưa giờ vẫn được gọi là văn phòng đệ nhất phu nhân Mỹ theo phong cách của riêng mình. Ông chủ của văn phòng đó hẳn là sẽ người thú vị nhất, mạnh mẽ nhất, quyền lực nhất, chí ít là kể từ sau thời đệ nhất phu nhân... Hillary Clinton.
Nhưng làm gì thì làm, hẳn ông ta sẽ không thôi rỉ tai vợ về hòa bình Trung Đông, về quan hệ với Trung Quốc, về chính sách thuế khóa... Ai chẳng biết tổng thống Mỹ là "nghề" cực khó nuốt, tại sao lại không tận dụng nguồn lực nếu bạn mới chân ướt chân ráo vô nghề mà vô tình lại có ông chồng đã thủ sẵn 8 năm kinh nghiệm trong mình ?
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Nếu Hillary Clinton làm Tổng thống Mỹ - Kỳ 2: Chức danh nào cho Bill Clinton ? Nếu bà Hillary Clinton trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ, ông Bill Clinton cũng sẽ đảm trách vai... đệ nhất phu quân. Vợ chồng nhà Clinton lại tha hồ làm mưa làm gió nếu giấc mơ quay lại Nhà Trắng trở thành hiện thực - Ảnh: Reuters Xưa nay, các đệ nhất phu nhân Mỹ luôn đóng một vai...