Sắc xuân trên đảo Trường Sa
Khi những cành mai vàng, đào thắm ở đất liền còn e ấp nụ, cũng là lúc những người lính Trường Sa rậm rịch đón chào mùa xuân mới. Tết đối với các anh, những người canh giữ biển trời của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió, cũng đồng nghĩa với niềm vui phấn khởi nhưng không kém phần thầm lặng hy sinh. Niềm vui của các anh chỉ trọn vẹn khi từng đảo nhỏ tiền tiêu được yên bình để nhân dân cả nước đón Tết vui xuân.
Quà Tết được đưa xuống tàu.
1. Vùng 4 Hải quân vào những ngày cuối cùng của năm cũ nhộn nhịp niềm vui. Bốn chuyến tàu HQ – 996, HQ – 936, HQ – 571 và HQ-561 chở đầy quà Tết hú ba hồi còi dài tạm biệt đất liền, hướng Trường Sa thẳng tiến. Đứng trên cầu cảng nhìn đoàn tàu rẽ sóng ra khơi đem quà xuân cho quân dân huyện đảo, lòng tôi tràn ngập niềm vui. Mùa xuân đã về với những người lính đảo.
Tiễn bốn con tàu “xông biển” đầu năm 2015, ngoài đông đảo cán bộ chiến sĩ Vùng 4 Hải quân, còn có thân nhân, vợ con của sĩ quan, và có cả những thiếu nữ tiễn người yêu đi làm nhiệm vụ. Cô gái nọ trao cho người lính bó hoa vội vã, chàng lính trẻ hôn lén trên má người yêu, người vợ trẻ nắm chặt tay chồng, tranh thủ bế con trước giờ tàu rời bến. Tất cả gửi gắm trong nhau một niềm tin: Vì biển đảo quê hương lên đường làm nhiệm vụ.
Phấn khởi trước niềm vui mùa xuân mới, trước cảnh bịn rịn chia tay giữa người đi người ở, Chuẩn đô đốc Mai Thanh Hóa, Chính ủy Vùng 4 Hải quân nói: “Đối với Trường Sa bao giờ cũng đón Tết sớm hơn đất liền. Mùa xuân ở Trường Sa là mùa của hương hoa đất trời giao hòa giữa tình người, tình biển đảo và tình yêu Tổ quốc. Ở nơi xa ấy, không có tính toán thiệt hơn, chỉ có niềm vui và sự cống hiến thầm lặng hy sinh của lính đảo hòa vào sóng nước mùa xuân. Những phần quà của đất liền gửi tặng, đó là nguồn động viên khích lệ để những người lính Trường Sa ấm lòng hơn, thêm vững chắc tay súng canh giữ biển trời”.
- Tết này, quân dân huyện đảo Trường Sa nhận được nhiều quà Tết của đất liền không, thưa anh?
- Nhiều chứ. Hầu như tất cả các cơ quan đoàn thể đều gửi quà cho quân dân các đảo. Những phần quà ấy, không chỉ tiếp nguồn sức mạnh tinh thần cho các chiến sĩ yên tâm giữ gìn biển đảo, mà còn góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng sinh hoạt, học tập và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của quân dân huyện đảo. Chúng tôi luôn coi đó là sức mạnh đại đoàn kết, là sự chia sẻ một phần gian khó nhọc nhằn đối với những người lính nơi đầu sóng gió.
Luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.
Với quân dân huyện đảo Trường Sa, bắt đầu từ tháng 12 dương lịch không khí mùa xuân đã nhen nhóm trong lòng mỗi người. Bên gốc cây bàng vuông tốp lính trẻ nói chuyện ngày Tết ở quê. Dưới tán lá phi lao, những sĩ quan trẻ viết thư cho người yêu ở đất liền. Ấm trà Bắc nóng hổi bên bàn đá, chỉ huy đảo bàn bạc chuyện mổ lợn, gói giò, nấu bánh chưng, tổ chức đón giao thừa.
Trong nhiều niềm vui đón chào xuân mới, niềm vui nhất của lính trẻ là nhận được thư người thân từ đất liền gửi tới. Họ cho rằng, nếu nhận được thư ở chuyến tàu đầu tiên chở hàng tết ra đảo là gặp may mắn cả năm. Tuy ở đảo chiến sĩ trẻ bây giờ đã được gọi điện về đất liền thăm người thân, song có những điều sâu kín không thể giãi bày hết trên điện thoại. Bởi thế, lá thư mùa xuân chứa chan niềm yêu thương đối với các chiến sĩ trẻ bao giờ cũng là món quà ý nghĩa nhất.
Video đang HOT
Chiến sĩ Lê Văn Thắng, quê Thanh Hóa, đang công tác ở đảo Sinh Tồn chia sẻ: “Những điều sâu kín không dễ dàng tâm tình qua điện thoại. Em vẫn thích thư viết tay, nó như bằng chứng chân thành nói lời mình mong muốn. Tết năm ngoái em nhận được 5 lá thư của người thân, em hy vọng chuyến tàu Tết năm nay em sẽ nhận được thư của bạn gái và quà của gia đình”.
2. Mặc dù ở giữa trùng khơi bốn bề sóng vỗ, nhưng Tết ở Trường Sa cũng có đầy đủ hương vị như ở quê nhà. Ngoài những con lợn béo, gà, vịt, ngan, ngỗng, bánh, mứt, gạo nếp, miến, măng, và nhiều thứ khác được mang ra từ đất liền, không thể thiếu mai vàng của miền Nam, đào thắm từ miền Bắc. Từ khi Trường Sa khoác lên mình màu áo mới nhờ có sự quan tâm chăm sóc của hậu phương, hầu hết các đảo đều nuôi được heo, gà, vịt, trồng được rau xanh, nên thực đơn trong những ngày Tết khá phong phú.
Chuẩn bị rau, quả cho tàu đi chúc Tết.
Nói về thực phẩm đón Tết của bộ đội ở đảo, Trung tá Đỗ Việt Hòa khoe: “Nói thật với anh, Tết ở Trường Sa bây giờ cũng đầy đủ chẳng khác đất liền. Đất liền có gì, Trường Sa có nấy. Đêm giao thừa, lính trẻ ở đảo Trường Sa Lớn và các đảo nổi khác thì đi chơi xuân trên đường băng, hoặc ngồi dưới gốc cây bàng vuông giao lưu văn nghệ, lính ở đảo chìm thì hái hoa dân chủ. Chỉ khác đất liền là không được đi hái lộc xuân, không được cùng người thân nấu bánh chưng bên bếp than hồng”.
Không biết từ bao giờ, ngày tất niên đối với lính các đảo được quy định đúng chiều 28 Tết. Từ sáng sớm, cán bộ chiến sĩ chỉnh tề trong quân phục mới nhất đi dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ. Tiếp đó là các phần việc: mổ lợn, gói giò, nấu bánh chưng và trang trí bàn thờ Tổ quốc.
Xuân về trên quân cảng Vùng 4 Hải quân.
Ngoài bộ quân phục truyền thống của lính biển, các sĩ quan trẻ được phép “diện” một bộ quần áo dân sự đẹp nhất, còn lính trẻ tự làm mới mình bằng việc cắt tóc cho nhau, là quần áo phẳng phiu, sơn sửa lại doanh trại, cổng ra vào, vọng gác; trang trí phòng nghỉ, giăng đèn, treo dây, kết hoa… Có một điều đặc biệt phải quan sát kỹ mới phát hiện được, đó là “góc nhỏ riêng tư” của các chiến sĩ ở cạnh đầu giường hoặc một nơi nào đó. Đó là một góc thu nhỏ trưng bày những lá thư màu tím hoặc vật kỷ niệm, hoặc cuốn nhật ký, để khoe với bạn bè.
Nếu đất liền gói bánh chưng bằng lá dong hoặc lá chuối, thì bộ đội Trường Sa gói bánh chưng bằng lá bàng vuông. Bánh chưng gói lá bàng vuông không chỉ đặc biệt bởi vị chát ngọt của lá, mà mang vị mặn mòi của biển và đã trở thành đặc sản chỉ lính đảo Trường Sa mới có.
“Bây giờ các đảo đều có lá dong đem từ đất liền để gói bánh chưng, nhưng gói bằng lá bàng vuông vẫn thấy thiêng liêng hơn. Bởi trong mỗi cái bánh chưng ấy, có tinh thần thép của người lính đảo. Sau ba ngày Tết, các chiến sĩ trên Trường Sa bao giờ cũng để lại dăm chiếc để đãi đoàn khách từ đất liền thăm đảo đầu năm” – Hạ sĩ Trần Văn Ban, đảo Sơn Ca cho biết.
Sau bữa cơm cuối năm, cán bộ chiến sĩ quây quần đón giờ khắc thiêng liêng. Trước bàn thờ Tổ quốc và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảo trưởng tuyên thệ: “Trong giờ khắc giao thừa linh thiêng năm mới, chúng tôi, cán bộ chiến sĩ Trường Sa xin hứa với Tổ quốc và Bác Hồ, quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất mẹ nơi đầu sóng ngọn gió, dù gian khổ đến mấy, dù phải hy sinh đến tính mạng của mình”. Trong phút giây giao thừa ấy, tim những người lính hướng về Tổ quốc, về các liệt sĩ Trường Sa đã ngã xuống để bảo vệ cột mốc chủ quyền, vì một quần đảo Trường Sa thiêng liêng giữa ngàn khơi.
Có lẽ, những ai đã từng đón Tết ở Trường Sa mới cảm nhận hết được sự thiêng liêng đến diệu kỳ của nó. Trong thời khắc giao thừa, giữa mênh mông biển trời Tổ quốc, tự trong huyết quản của những người lính đảo đều trào dâng niềm xúc động tự hào. Tự hào bởi được canh trời giữ biển cho đất liền đón Tết vui xuân, tự hào bởi được nhân dân trao gửi niềm tin giữ đảo, tự hào bởi ở đất liền bao người thân đang hướng về các anh với tất cả niềm thương nhớ vô bờ.
Tiếng đàn guitar bập bùng trên sóng nước, chẳng ai bắt nhịp, tất cả mọi người hát say mê từ trái tim mình: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa. Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua. Chiến sĩ Trường Sa, hát tiếp bài ca, về những tấm gương anh bộ đội Cụ Hồ. Đem chí trai, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta, giữ vững chủ quyền Tổ quốc Việt Nam ta…”.
Chiến sĩ Lê Văn Thắng ở đảo Sinh Tồn cho biết: “Phút giao thừa là xúc động nhất. Khi cất lên bài hát “Khúc quân ca Trường Sa”, em thấy Tổ quốc mình thiêng liêng vô cùng. Vừa hát vừa khóc. Khóc vì niềm tự hào được canh đảo để đất liền đón tết vui xuân, khóc vì sự thầm lặng hy sinh của lính đảo, và khóc vì thương Tổ quốc mình”.
Biển đã vào xuân, Trường Sa đón Tết. Cũng như đất liền, chiến sĩ Trường Sa cũng có đầy đủ rượu thịt, bánh chưng, mứt ngọt, nếp thơm. Chỉ khác không được đi dưới tiết trời đón những giọt sương mai lúc giao thừa đầu năm mới. Với tinh thần “Vui xuân mới không quên nhiệm vụ”, ở chân trời Tổ quốc ấy, các anh luôn vững vàng tay súng canh biển đảo để nhân dân cả nước đón Tết yên bình, để biển đảo ngời mãi sắc xuân.
Theo An Ninh Thế Giới
TPHCM: Sôi động thị trường ngày giáp Tết
Hòa cùng không khí ấm áp, tươi vui của mùa Xuân mới, tại các hệ thống siêu thị, chợ truyền thống hay trên những tuyến đường trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, cảnh bán buôn diễn ra nhộn nhịp với người mua kẻ bán, đồng thời những chuyến xe chở hàng hóa đến rồi đi như mang Xuân về khắp trên những nẻo đường. Đặc biệt là nguồn cung hàng hóa dồi dào, có giá bán ổn định đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng mua sắm Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015.
Sản phẩm thời vụ "đắt như tôm tươi"
Trong ngày 17/2 (tức ngày 29 tháng Chạp), lượng người Sài Gòn tiếp tục đổ về các hệ thống siêu thị, chợ truyền thống, mỗi lúc một đông hơn. Bà Lê Thanh Tâm, tiểu thương chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình cho biết, mỗi dịp Tết đến Xuân về thì đây là thời gian cao điểm mà người tiêu dùng "săn tìm" những sản phẩm độc và lạ, chỉ có vào dịp Tết để trưng bày, trang trí nhà cửa. Theo đó cũng là những mặt hàng truyền thống như dưa hấu tròn, khóm (thơm), sung, dừa, mãng cầu... nhưng mỗi năm các nhà vườn lại đầu tư, sáng tạo ra những mẫu mã đa dạng, phong phú để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng chơi Tết.
Ghi nhận tại các điểm kinh doanh mặt hàng dưa hấu cho thấy, sản phẩm bày bán rất đa dạng gồm: dưa hấu tròn xanh, vàng, sọc xanh; dưa hấu dài, dưa kim... với giá bán phổ biến từ 16.000 - 20.000 đồng/kg. Trong đó dường như đơn vị kinh doanh nào cũng có dịch vụ khắc chữ lên sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Điển hình được khách hàng ưu tiên chọn lựa là những hình vẽ Long - Phượng, chữ Phúc - Lộc - Thọ, chữ Chúc mừng năm mới, chữ Xuân Ất Mùi, chữ Thư pháp, hoa mai...
Dưa hấu khắc chữ.
Bên cạnh đó, các sản phẩm như bưởi Hồ Lô, bưởi bàn tay Phật, Phật thủ... có nguồn hàng tương đối dồi dào và được kinh doanh phổ biến ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên tùy theo kích thước, mẫu mã mà có giá bán dao động từ vào trăm nghìn đồng lên đến hàng chục triệu đồng. Đặc biệt, tại một số điểm bán buôn ở Thành phố Hồ Chí Minh còn xuất hiện sản phẩm chưng Tết với trọng lượng "khủng" lên vài chục kg một sản phẩm. Tuy nhiên, những mặt hàng này có nguồn cung hạn chế và giá rất cao hoặc nhà vườn chỉ trưng bày nhu tác phẩm nghệ thuật để thu hút khách hàng.
Ông Thanh Bình, ngụ tại quận 5, chia sẻ, theo phong tục của người Việt, trong dịp Tết Nguyên đán, ngoài dưa hấu thì không thể thiếu mâm Ngũ quả trong nhà, vì nó mang ý nghĩa cầu may mắn, sung túc, tài lộc cho gia chủ. Hiện tại trên thị trường các sản phẩm này có kiểu dáng rất đẹp và bắt mắt, nên người tiêu dùng khá dễ dàng chọn lựa được những sản phẩm vừa ý cho mùa Tết này. Đáng chú ý, các sản phẩm này đều do nông dân Việt trồng và cung ứng ra thị trường nên giá rất phải chăng, trong đó dừa (chưng) có giá từ 5.000 - 10.000 đồng/trái, sung 10.000 - 15.000 đồng/chùm, mãng cầu 40.000 - 50.000 đồng/kg, đu đủ 25.000 - 30.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc 50.000 - 70.000 đồng/kg...
Không kém phần sôi động, các điểm kinh doanh hoa cắt cành tại các chợ cũng tăng lượng hàng nhập chợ để phục vụ người tiêu dùng. Nguồn cung dồi dào nên giá các loại hoa chỉ tăng từ 5.000 - 6.000 đồng, tùy theo loại. Theo đó có kể một số loại hoa cắt cành được người tiêu dùng ưa chuộng trong mùa Tết năm nay như: hoa huệ (đỏ, vàng, hồng nhạt) có giá bán dao động từ 80.000 - 150.000 đồng/bó, lay ơn (đỏ, vàng, hồng nhạt) 60.000 - 130.000 đồng/bó, bông cúc 15.000 - 20.000 đồng/bó, ly ly 120.000 - 250.000 đồng/bó.
Nở rộ dịch vụ thuê, gửi
Dạo qua các địa điểm kinh doanh, vui chơi giải trí, bến xe trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy nhiều đơn vị treo biển cho thuê cây cảnh, nhận gửi xe, ký gửi thú cưng... trong suốt kỳ nghỉ Lễ Tết Nguyên đán Ất Mùi, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân về quê ăn Tết hay đi du lịch xa.
Tại khu vực liền kề bến xe miền Đông, miền Tây, ga Sài Gòn... xuất hiện rất nhiều điểm treo biển "Nhận gửi xe 24/24h", "Nhận gửi xe trong nhà qua Tết", "Nhận gửi xe đảm bảo an toàn"... Trao đổi với phóng viên, chủ một điểm gửi xe trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh cho biết, mỗi dịp Tết rất nhiều người dân có nhu cầu về quê ăn Tết nên lượng xe cần gửi thường quá tải ở các bãi xe. Do đó, nhiều nhà bình thường kinh doanh hàng nước giải khát, thẻ cào điện thoại, hàng ăn hay những hàng hóa khác, đều tạm nghỉ và chuyển sang nhận gửi xe vì thu nhập cao hơn. Năm nay, giá gửi xe không tăng so với Tết năm 2014 và chỉ cao hơn giá của các bãi xe trong bến xe từ 5.000 - 10.000 đồng/xe. Cụ thể gửi xe 24/24h trong nhiều ngày liền thì giá phổ biến từ 20.000 - 25.000 đồng/xe/ngày và đêm.
Người dân đi sắm Tết.
Mặt khác, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng xuất hiện nhiều điểm nhận giữ thú cưng trong dịp Tết. Theo đại diện phòng khám thú y K-9, mùa Tết năm nay, nhu cầu người dân ký gửi các vật nuôi như chó, mèo tăng đột biến so với năm trước. Vì vậy, mà phòng khám chỉ ưu tiên nhận giữ cho khách quen hoặc khách đặt chỗ trước. Tương tự, một số địa điểm nhận ký gửi "thú cưng" khác tại quận 2 chia sẻ, tính đến thời điểm này đã kín chỗ và không nhận thêm, nhưng vẫn có khách hàng tìm đến gửi vật nuôi. Trong đó giá ký gửi thú nuôi cũng tăng gấp đôi so với ngày thường và kèm theo phí bồi dưỡng, cụ thể dao động từ 120.000 - 500.000 đồng/ngày bao gồm chăm sóc, thức ăn, dắt đi dạo; đồng thời tùy theo trọng lượng và yêu cầu chăm sóc thú nuôi của khách hàng mà có mức giá khác nhau đối với loại vật nuôi.
Vào thời điểm này trên các tuyến đường trung tâm thành phố như: Hùng Vương, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Phạm Văn Đồng... và các chợ hoa thuộc 24 quận - huyện đã bắt đầu triển khai dịch vụ cho thuê cây cảnh chơi Tết. Trong đó loại cây được cho thuê nhiều nhất là hoa mai, quất, bông giấy; đặc biệt giá thuê các loại cây cảnh này không có mức cố định, mà tùy theo sự thương lượng cảm tính của nhà vườn và khách thuê. Ông Minh Thái, nhà vườn đến từ Bến Tre có gian hàng trên đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức cho rằng, hiện nay đã vào thời điểm cận Tết, do đó ngoài bán buôn thì thực hiện thêm dịch vụ cho thuê để tăng doanh thu cho mùa kinh doanh Tết năm 2015. Ngoài ra, tâm lý của một bộ phận người tiêu dùng thành phố mong muốn có mai chơi Tết nhưng ngại mua vì hết Tết không có chỗ để vun trồng, do đó phương thức thuê cây cảnh chơi Tết đáp ứng được nhu cầu của đối tượng khách hàng này.
Theo ông Thái, nhà vườn từ các tỉnh, thành phố khác mang cây cảnh về Thành phố Hồ Chí Minh kinh doanh phải tốn kém nhiều chi phí nên giá cả kém cạnh tranh so với các nhà vườn tại đây. Nếu không bán được hết hàng thì rất tốn kém chi phí để vận chuyển về vườn, trong khi vào những ngày 29 hay 30 tháng Chạp thuê xe rất khó và giá bao giờ cũng tăng.
Theo Vietnam
TP.HCM ngập nắng, lưa thưa xe chiều 29 tết! Chiều 29 tết, đường phố tại TP.HCM bỗng chốc rộng thênh thang, nằm soi mình dưới nắng xuân ấm áp... Hiếm khi thành phố sôi đông, ồn ào và náo nhiệt nhất cả nước lại có những phút lặng lẽ, thanh bình như thế. Những mảnh đời tha hương, quanh năm kiếm sống ở Sài Gòn đã tìm về quê cũ, sum họp...