Sắc xuân nơi thung lũng Na Ư
Trở lại Na Ư vào những ngày này, dễ dàng cảm nhận được không khí người dân ở khắp các bản làng đang chạy đua với thời gian, chuẩn bị đón Tết.
Một mùa xuân mới đang về ở bản Na Ư nơi biên giới Tây Trang. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN
Là một trong 25 xã của huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên), Na Ư là xã biên giới vùng ngoài lòng chảo Mường Thanh. Toàn xã có khoảng 230 hộ với hơn 1.400 khẩu, trong đó 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở 6 bản với tập quán chủ yếu là trồng lúa nước, lúa nương, ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Hơn 10 năm trước, Na Ư, vùng biên giới Tây Trang rất “ nóng” về tình hình buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy bằng những con đường mòn xuyên biên giới từ Lào xâm nhập vào nội địa. Đến nay, với sự quan tâm, vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, Na Ư đã bình yên trở lại và từng ngày khởi sắc. Diện mạo nông thôn vùng biên ngày một phát triển, bản làng ấm no.
Sắc xuân biên giới
Xuất phát từ thành phố Điện Biên Phủ, đi hàng chục km theo quốc lộ 279 – cung đường xuyên Á đi Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, vượt qua dốc Na Hai đầy hiểm trở với vô số dốc đứng, quanh co bên lưng chừng núi, chúng tôi đã đặt chân đến địa bàn xã Na Ư – khu vực biên giới giáp nước Lào. Di chuyển thêm 3 km qua những đỉnh dốc cao ngất là vào tới trung tâm xã Na Ư – nằm dưới chân núi Ca Hâu với trường học ngói đỏ khang trang, vô số ngôi nhà quần tụ bên nhau.
Với diện tích tự nhiên hơn 11.400 ha, xã Na Ư gồm 6 bản: Na Ư, Hua Thanh, Con Cang, Ca Hâu, Na Láy và Púng Bửa. Bản Na Ư nằm tại trung tâm xã, có 115 hộ dân với hơn 440 nhân khẩu. Trước đây, để đến Na Ư, từ trung tâm huyện Điện Biên phải mất hàng tiếng đồng hồ vì đường đi lại khó khăn, hiểm trở. Nay, giao thông đã thông suốt do được “cứng hóa”, ô tô các loại có thể “chạm ngõ” vào tận bản. Với việc giao thông thuận tiện suốt hai mùa mưa, khô, Na Ư đã thật sự “hồi sinh” với những đổi thay nơi vùng biên cương Tổ quốc.
Vừa “chạm” cửa ngõ của bản Na Ư, điều làm chúng tôi thấy thích thú là cảnh từng tốp em nhỏ xúng xính trong những bộ quần áo mới đang tụ tập chơi đánh cù, ném pa pao trên những khoảng đất trống, tiếng nói cười thật hồn nhiên, trong trẻo. Bên hiên nhà, bên bếp lửa, chị em quây quần khâu vá những bộ trang phục truyền thống cho các thành viên trong gia đình để chuẩn bị vui xuân, đón Tết. Thanh niên trai tráng sửa chữa, gia cố lại bờ rào quanh nhà, quanh vườn hoặc hỗ trợ nhau sửa chữa nhà cửa.
Trẻ em dân tộc Mông đang chơi trò chơi đánh Tu Lu (chọi cù), trò chơi truyền thống của cộng đồng dân tộc Mông mỗi khi Tết đến, xuân về. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN
Video đang HOT
Khác với ngày thường, giáp Tết, những cửa hàng tạp hóa trong bản Na Ư tấp nập người ra vào mua hàng, nhu yếu phẩm. Những chiếc xe tải cỡ nhỏ chở hàng phục vụ Tết cũng đổ về đây để bày bán vải, chăn nệm và đồ gia dụng, thu hút nhiều bà con trong bản đến mua.
Cảnh sắc cuộc sống của người dân nơi đây cũng tràn ngập sắc xuân. Nhiều cây đào cổ thụ trên đường đi vào bản đang bung nở sắc thắm; những vườn cải cuối mùa bên hiên nhà đang trổ hoa vàng tô điểm cho không gian bản làng; nhiều ngôi nhà gỗ được cất dựng lâu năm, mái đã phủ rêu xanh, ẩn hiện trong sương sớm bảng lảng, quấn lấy chân người đi đường.
Bên căn nhà truyền thống của người Mông vừa mới dựng, anh Vừ A Lử, người dân sinh sống trong bản vui mừng cho biết: “Thời gian qua, bà con trong bản đã tập trung đến giúp đỡ ngày công để gia đình tôi mau chóng làm xong nhà. Có nhà mới, gia đình tôi rất vui mừng. Năm nay kinh tế gia đình thuận lợi hơn, mùa màng bội thu nên mới có đủ tiền để làm nhà. Giờ mọi người trong gia đình sẽ trang trí, sắp xếp đồ đạc trong nhà, dọn dẹp lại khuôn viên và đi mua sắm gà, nếp nương để làm thịt, giã bánh dày trong những ngày Tết. Năm nay, tết của gia đình sẽ vui hơn vì gia đình sẽ tổ chức mừng nhà mới, mời đông đủ bà con đến chung vui”.
Trưởng bản bản Na Ư, ông Ly A Pó cho biết, gia đình anh Vừ A Lử thuộc diện nghèo. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ con giống chăn nuôi, chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp và bằng nỗ lực của hai vợ chồng, gia đình anh Lử đã vươn lên thoát nghèo, làm được căn nhà mới là niềm ao ước bây lâu nay của gia đình, người dân trong bản.
Cũng theo Trưởng bản Ly A Pó, đổi thay tích cực, đáng mừng nhất là những năm gần đây, người dân trong bản đã nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy, từ đó không buôn bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, không tiếp tay cho kẻ xấu, luôn có tinh thần đấu tranh và tố giác tội phạm để gìn giữ bản làng trong sạch, bình yên. Trong phát triển kinh tế hộ gia đình, người dân đã không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của cấp chính quyền địa phương khi mạnh dạn vay vốn phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình để xóa đói giảm nghèo. Năm 2018, trong bản có 11 hộ thoát nghèo và cận nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo, khó khăn của bản còn 26%.
“Người dân trong bản rất vui mừng, phấn khởi khi năm qua mùa màng thuận lợi, bội thu. Ngoài việc mua sắm hàng hóa, đồ dùng, các gia đình cũng tập trung dọn dẹp vệ sinh, phát quang đường sá, nạo vét lòng suối chạy qua bản, tạo không khí đón xuân thêm vui vẻ, đầm ấm”, Trưởng bản Ly A Pó cho biết.
Mang xuân ấm cho đồng bào nơi biên cương
Người dân bản Na Ư (xã Na Ư) mua sắm quần áo, chăn đệm chuẩn bị đón tết. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN
Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tây Trang đóng chân trên địa bàn xã Na Ư, quản lý địa bàn với địa hình hiểm trở. Đại úy Nguyễn Đình Thuần, Phó Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang (Bộ đội Biên phòng Điện Biên) cho biết: Lợi dụng địa hình đồi núi chia cắt, nhiều lối mòn, đường tiểu ngạch hiểm trở, lòng tin của người dân còn khó khăn, những năm qua, địa bàn xã Na Ư và khu vực biên giới Tây Trang luôn là “điểm ngắm” mà đối tượng buôn bán ma túy hướng tới để tập kết hàng rồi xuất đi, thẩm lậu vào nội địa. Xác định thời điểm trước và trong tết, tình hình buôn bán ma túy, hàng lậu tiềm ẩn phức tạp, đơn vị đã triển khai công tác bám, nắm tình hình địa bàn, xây dựng nhiều kế hoạch trong đó trọng tâm là sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tết, đảm bảo an ninh trật tư, an ninh biên giới.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang đã bố trí tổ công tác cắm chốt từng địa bàn với các tổ lưu động có nhiệm vụ tăng cường công tác nắm bắt tình hình trong dân và nắm bắt từ xa. Trục đường 279- con đường xuyên Á cũng được bố trí một tổ công tác lưu động thường xuyên kiểm tra dọc tuyến đường lên Trạm kiểm soát Cửa khẩu quốc tế Tây Trang.
Tại Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, thời điểm giáp Tết lượng người qua lại thăm người thân, khách du lịch qua lại sẽ tăng cao, tình hình vận chuyển trái phép chất ma túy, hàng cấm, hàng giả sẽ phức tạp. Do vậy, Ban chỉ huy Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang đã chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Trạm kiểm soát Cửa khẩu thực hiện đồng bộ công tác nghiệp vụ như: xuất nhập cảnh, kiểm soát người và phương tiện ra, vào chặt chẽ tại khu vực cửa khẩu và khu vực biên giới.
Ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ, đấu tranh với các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm an ninh, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo địa bàn an toàn tuyệt đối, các chiến sĩ Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang còn chăm lo, tổ chức cho người dân địa phương đón tết đầm ấm, vui tươi.
Lực lượng biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang thường xuyên bám nắm địa bàn, làm tốt công tác dân vận, xây dựng thế trận lòng dân ở khu vực biên giới Tây Trang. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN
Đại úy Nguyễn Đình Thuần, Phó Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang cho biết: Trong dịp này, Đồn sẽ tổ chức các tổ, đội công tác phối hợp cùng các đoàn thể, chính quyền địa phương dọn dẹp đường làng thôn bản; đồng thời kết hợp với đoàn thanh niên xã tổ chức chương trình “Bánh chưng xanh” để trao tặng người nghèo trên địa bàn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi đón Xuân đầm ấm.
Ngoài ra, Chi đoàn Đồn biên phòng còn phối hợp với chi đoàn của các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tổ chức chương trình “Tay kéo biên cương” để cắt tóc miễn phí cho các cháu học sinh; tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa học sinh và các chú bộ đội, đoàn thanh niên của xã. Những hoạt động này càng thêm thắt chặt tình đoàn kết dân bản, khẳng định niềm tin của người dân đối với những chiến sĩ mang quân hàm xanh nơi biên cương.
Theo Xuân Tiến – Hải An (TTXVN)
Trồng 40ha đặc sản táo sơn tra, nông dân Sơn La làm giàu
Nhờ được quỹ hỗ trợ nông dân tiếp sức, anh Giàng A Chinh, dân tộc Mông, ở bản Nậm Lộng (xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) đã vượt khó, vươn lên làm giàu trên mảnh chính mảnh đất mà bao thế hệ người Mông bị cái đói, cái nghèo đeo bám. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh còn mở lối cho bà con dân bản cùng vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ấm no.
Đến thăm gia đình anh Giàng A Chinh những ngày đầu xuân, chúng tôi ai nấy đều thán phục trước nghị lực vượt khó phi thường của chàng trai Mông nơi miền sơn cước, bốn mùa sương phủ này. Căn nhà gỗ của anh Chinh nằm lọt thỏm giữa rừng táo sơn tra rộng hơn 40 ha, ngút tầm nhìn. Theo anh Chinh thì trong số diện tích này, có gần 10 ha năm nào cũng cho thu hoạch vào chục tấn quả. Mỗi năm anh thu về hàng trăm triệu đồng tiền bán táo.
Nhờ quỹ hội nông dân anh Giàng A Chinh đã vượt khó, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình
Anh Chinh nói rằng: Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, ngoài sự nhờ sự nỗ lực của bản thân, là sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể. Trước đây, từ ngày hai vợ chồng lấy nhau hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, hai vợ chồng phải phiêu bạt "nay đây, mai đó" để "làm thuê, làm mướn" cho có đồng ra đồng vào lo sinh hoạt gia đình và cho con cái đến trường học.
Rừng táo sơn tra của anh Chinh phủ xanh kín khắp các triền đồi
Trước đây đất quanh bản Nậm Lộng rộng mênh mông nhưng nhiều nơi phải bỏ hoang, cỏ dại um tùm, thấy vậy anh Chinh buồn lắm. Muốn lên đồi trồng cây, chăn nuôi nhưng khổ cái là không có vốn đầu tư mua giống. Trong lúc khó khăn đó, năm 2012, anh nằm trong danh sách được Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Bắc Yên cho vay 50 triệu đồng để đầu tư sản xuất. Có vốn, anh tính ngay đến việc mua bò sinh sản về nuôi gây giống, còn dư bao nhiêu anh đầu tư ươm cây giống táo sơn tra. Cách làm của anh khiến bà con người Mông bản Nậm Lộng ai nấy đều thấy lạ, người khen có, người chê cũng nhiều. Bởi xưa nay ở cái bản Nậm Lộng này chưa thấy có ai biết làm giàu.
Nhờ cần cù chịu khó gia đình anh Chinh đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu và có cuốc sống ổn định.
Có vốn, anh Chinh không chút chần chừ, đầu tư mua luôn bò giống và ươm cây. Cả tháng trời gia đình anh cần mẫn trên đồi để khai khẩn phát dọn cỏ dại trồng cây. Bao nhiêu đất người Mông bỏ hoang anh đều trồng hết táo. Còn những đồi lau sợi, lắm cỏ dại anh rào lại để chăn thả bò ăn cỏ. Vì thế, mà bây giờ khắp các triền đồi xung quanh nhà anh Chinh đều phủ kín rừng táo sơn tra, xanh mướt, ngút tầm nhìn.
Khi đã có vốn, anh tiếp tục đầu tư đào ao thả cả, nuôi gà, vịt phục vụ sinh hoạt gia đình. Cứ đến mùa táo chín cả nhà ai nấy đều tất bật lên rừng hái táo, chở táo mang ra chợ, bán cho các lái buôn lấy tiền. Từ ngày thấy anh Chinh trồng táo "ăn nên làm gia", bà con người Mông bản Nậm Lộng, nhiều người bắt trước học theo, cũng trồng táo, cũng chăn nuôi. Nhờ thế mà người Mông ở bản Nậm Lộng có cuộc sống khá lên, không còn ai nghĩ đến chuyện "du canh, du cư" nay đây mai đó, cùng quyết tâm bám đất, bám bản, chăm chỉ làm ăn.
Táo trong bản ngày một nhiều lên, anh Chinh tích vốn mua luôn một chiếc ô tô tải để mua và chở táo cho bà con dân bản, đem bán cho các thương lái dưới xuôi, vừa lợi cho gia đình, vừa giúp bà con bán được táo. Nhờ chăm chỉ làm ăn, kinh tế gia đình anh Chinh ngày khấm khá, giàu lên. Nhớ lại những ngày gian khó, anh Chinh chia sẻ: May mắn có Quỹ Hỗ trợ nông dân tiếp sức kịp thời, giúp cho gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, thoát được nghèo và có cuộc sống ấm no như ngày hôm nay...".
Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp trên địa bàn Sơn La hiện đạt hơn 44 tỷ đồng, trong đó, nguồn Quỹ Hỗ trợ do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ủy thác là trên 14,3 tỷ đồng; Quỹ Hỗ trợ nông dân của cấp tỉnh trên 11,5 tỷ đồng; Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp huyện 14,8 tỷ đồng. Nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp hơn 1.300 lượt hộ hội viên, nông dân vay vốn; xây dựng 164 mô hình kinh tế hợp tác xã, liên kết (tổ, nhóm) sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm...
Theo Danviet
Du khách tò mò cách giữ ngô độc đáo không mối mọt của người Mông Xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) được biết đến là vùng đất thanh bình yên ả, khí hậu trong lành mát mẻ, với những cảnh đẹp hùng vĩ của núi rừng. Nơi đây còn có nhiều phong tục, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc. Một trong những điểm nhấn khi đến vùng đất này đó là...