Sắc xuân Nà Ka
Mỗi dịp xuân về, đến với Mộc Châu, du khách không thể bỏ qua thung lũng mận Nà Ka ở tiểu khu Pa Khen 1, thị trấn Nông trường Mộc Châu.
Trong nắng xuân ấm áp, cả thung lũng là một màu trắng tinh của hoa mận, chưa hết, ngay dưới những gốc mận già mốc thếch là thảm màu vàng của hoa cải, tất cả đã tạo nên một cảnh sắc tuyệt đẹp mà ít nơi nào có được.
Một góc thung lũng mận Nà Ka tiểu khu Pa Khen 1, thị trấn Nông trường Mộc Châu.
Video đang HOT
Thung lũng Nà Ka cách trung tâm thị trấn Nông trường Mộc Châu khoảng 14 km. Du khách muốn đến Nà Ka theo tỉnh lộ 104, khi còn cách xã Tân Lập 9 km thì rẽ theo đường bê tông dài 600 mét sẽ thấy một thung lũng mận hậu trải dài. Cây mận hậu ở Nà Ka đã được trồng từ những năm 80 của thế kỷ trước, đây là cây trồng thay thế cho cây thuốc phiện của đồng bào dân tộc Mông. Lúc đầu, cây mận chỉ được trồng ở Nông trường Sao Đỏ, sau mở rộng sang Nông trường Mộc Châu. Khi đó, đường vào thũng lũng rất khó đi, dốc đá thẳng đứng, muốn vận chuyển được nông sản ra ngoài bán, người dân phải dùng cáp tời, nên diện tích mận cũng rất ít, mỗi nhà chỉ trồng chục cây chủ yếu để ăn. Năm 1993, sau khi thực hiện triệt phá cây thuốc phiện, cây mận hậu được đưa vào trồng đại trà ở Nà Ka, quả mận hậu trở thành hàng hóa, thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng, các bản đã huy động nhân dân đóng góp công lao động để mở đường, hạ dốc. Hiện nay, thung lũng mận Nà Ka đã có hơn 100 ha, trở thành khu vực trồng nhiều mận hậu nhất ở huyện Mộc Châu, cây mận trở thành cây trồng chủ lực, năng suất bình quân đạt 15 tấn/ha, sản lượng 1.500 tấn, thu nhập từ cây mận hậu ở Nà Ka mỗi năm đạt khoảng 3 tỷ đồng.
Trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dũng, Tiểu khu phó tiểu khu Pa Khen 1 được biết: Mấy năm gần đây, bà con đã chuyển hết diện tích đất trồng ngô, lúa nương sang trồng cây mận hậu, nhiều hộ dân có thu nhập cao từ 500 – 700 triệu đồng. Đặc biệt, vườn mận 2 ha của gia đình ông Nguyễn Tiến Dũng, 1,5 ha của gia đình ông Trần Xuân Kha, 1 ha của gia đình ông Tráng A Lứ, 1 ha của gia đình ông Hàng A Sở và nhiều hộ khác trong tổ mận sạch Mộc Châu đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, huyện đã đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường vào thung lũng, tạo điều kiện cho bà con vận chuyển nông sản, cũng như thu hút khách du lịch đến với Nà Ka.
Đến với Nà Ka vào dịp Tết Nguyên Đán cũng là lúc hoa mận ở đây nở rộ thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch tới tham quan. Đến với Nà Ka, không chỉ có hoa mận, du khách còn được thưởng thức ẩm thực độc đáo của bà con, sự tiếp đón nồng hậu của những cô sơn nữ người Mông xinh đẹp trong những bộ trang phục rực rỡ. Nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm mận hậu Mộc Châu, mở rộng thị trường tiêu thụ, bắt đầu từ năm 2014 đến nay, cứ vào mùa mận chín, huyện Mộc Châu lại tổ chức ngày hội hái quả ở Nà Ka, du khách đến đây được tự tay hái quả, ăn những trái mận hậu chín mọng ngọt lịm.
Có thể nói, không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con từ cây mận hậu, thung lũng mận Nà Ka đang góp phần tô thêm những điểm nhấn cho Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.
Ngọc Chiến - mùa hoa sơn tra
Mùa này, trên các nương đồi ở các bản vùng cao của xã Ngọc Chiến, huyện Mường La đâu đâu cũng ngập tràn sắc hoa sơn tra nở bung trên những thân cành khẳng khiu.
Loại hoa trắng như hoa mận, nhụy màu vàng, kết thành tùng chùm, mỗi bông từ 4 đến 5 cánh. Với đồng bào dân tộc Mông thì sơn tra chính là loại cây kiên cường nhất, song cũng dịu dàng nhất. Mặc cho nắng gió, mưa dầm, sương mù... hoa sơn tra vẫn kết thành chùm, để rồi tiếp đó sai trĩu trịt quả.
Hai bên đường đến bản Nậm Nghẹp ngập tràn sắc hoa sơn tra.
Theo người dân, cây sơn tra bám rễ đất đồi nơi này từ lâu lắm rồi, nó đã gắn bó vô cùng mật thiết với đồng bào dân tộc Mông. Cứ mùa xuân đến, sơn tra nẩy lộc đâm chồi rồi trổ hoa trắng muốt khắp núi trên, thung dưới, nhưng thời điểm "quyến rũ" nhất của hoa sơn tra phải là dịp tháng 3 dương lịch, lúc này hoa sơn tra như muốn đua sắc cùng hoa ban, thi nhau nở trắng núi đồi, thung khe, trong vườn nhà, lẫn với những ngôi nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, tạo thành bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Nếu hoa ban được coi như thể hiện sự thanh cao, chân thành và một tình yêu trong trắng, thủy chung, sắt son, gắn bó keo sơn của đồng bào dân tộc Thái, thì hoa sơn tra lại thể hiện sự dung dị, mộc mạc, gần gũi, thân thiện, chân thành của đồng bào dân tộc Mông. Đến Ngọc Chiến mùa này, du khách không chỉ được ngắm hoa sơn tra nở mà còn được nghe những câu chuyện về mối tình lứa đôi, thủy chung, son sắt vượt thời gian của các chàng trai, cô gái Mông nơi rẻo cao. Chuyện kể rằng, trong mỗi lần hẹn hò, chàng trai thường thổi sáo, thổi khèn lá thay cho những lời tâm sự và cả những ước mong về những điều bình dị nhất trong cuộc sống với người con gái mà họ thương yêu. Những tiếng khèn, tiếng sáo đó đã làm cho cô gái rung động và tình yêu nảy nở. Sau bao tháng ngày vun đắp, đúng mùa hoa sơn tra nở rộ thì tình yêu của họ đơm hoa, kết trái.
Hoa sơn tra mang vẻ đẹp mộc mạc, dung dị như vẻ đẹp của thiếu nữ dân tộc Mông.
Đến Ngọc Chiến khám phá, trải nghiệm sẽ cảm nhận rõ Ngọc Chiến là Đà Lạt thu nhỏ giữa lòng Tây Bắc, với nền khí hậu mát lạnh quanh năm. Không chỉ vậy, Ngọc Chiến còn sở hữu những nép đẹp đặc trưng, với những ruộng lúa bậc thang, suối khoáng nóng, hang động đẹp. Nơi đây còn lưu giữ những nét đẹp cổ kính, với những mái nhà lợp bằng gỗ pơ-mu hàng trăm năm tuổi phủ màu rêu phong, ở đây còn có cây sa-mu trên 1.000 năm tuổi, có rừng cây sơn tra rộng trên 1.500 ha nở hoa trắng xóa phủ kín đồi của các bản vùng cao, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông.
Để chiêm ngưỡng và khám phá cũng như lưu lại những vẻ đẹp tinh khôi của hoa sơn tra Ngọc Chiến, du khách hãy đến bản Nậm Nghẹp và bản Ngam La để vừa ngắm hoa sơn tra trắng muốt, vừa được trải nghiệm hái quả sơn tra và thưởng thức mùi vị sơn tra trái vụ. Những quả táo nhỏ, vỏ ngoài ửng hồng như đôi má của các thiếu nữ miền sơn cước. Đây cũng là món quà bình dị của núi rừng Tây Bắc được nhiều du khách lựa chọn mang về làm quà cho gia đình, bạn bè trong hành trình du lịch qua miền Tây Bắc, để rồi ai đã đến đều mong được quay trở lại để hòa mình với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp nơi đây.
Mùa hoa trên Thảo nguyên Từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 4 năm sau được coi là mùa đẹp nhất trong năm ở Mộc Châu, bởi trong tiết trời se lạnh của mùa đông là những tia nắng nhẹ trải dài trên các cánh đồng chè. Cùng với đó, khoảng thời gian này cũng là mùa trăm hoa đua nở dọc hai bên quốc lộ 6, suốt...