Sắc màu cuộc sống: Bệnh viện đầu tiên cho các chú chim kiwi
Trong bối cảnh số lượng chim kiwi – biểu tượng quốc gia của New Zealand, gia tăng nhanh chóng, quốc gia châu Đại Dương này đã thành lập bệnh viện chuyên khoa đầu tiên để điều trị cho những con chim kiwi bị thương với mục đích bảo tồn loài chim này.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Đại Dương, việc thành lập bệnh viện nói trên phản ánh cam kết của Chính phủ New Zealand trong việc bảo vệ các loài mang tính biểu tượng của nước này. Bệnh viện đặt tại thị trấn Kerikeri, trung tâm khu vực Northland, do nhóm bảo tồn Kiwi Coast ở địa phương xây dựng. Northland là nơi sinh sống của gần 10.000 con chim kiwi nâu trong tổng số hơn 26.000 con trên cả nước. Khu vực này đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực bảo tồn loài này.
Từng thuộc diện những loài “dễ bị tổn thương cấp quốc gia”, hiện kiwi nâu được đưa vào danh sách những loài “không bị đe dọa”.
Sự thay đổi này là nhờ các biện pháp bảo tồn nghiêm ngặt, bao gồm các sáng kiến kiểm soát những loài săn mồi và sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sống của loài chim kiwi.
Do số lượng kiwi ngày càng tăng, nhu cầu chăm sóc những con chim bị thương hoặc bị bệnh cũng tăng lên. Bệnh viện ở Kerikeri ra đời nhằm mục đích đảm bảo những con chim kiwi bị thương sẽ được chăm sóc y tế kịp thời và phù hợp. Do một nhóm tình nguyện viên điều hành, bệnh viện có một cơ sở thú y hiện đại và chuồng cách ly để ngăn ngừa lây truyền bệnh. Chim kiwi bị thương sẽ phải trải qua quá trình điều trị có thể kéo dài lên đến 3 tháng trước khi được đưa trở lại môi trường sống tự nhiên.
Do có đôi cánh nhỏ và xương ức kém phát triển, chim kiwi không thể bay và chúng sống trong các hang hốc ở New Zealand. Có 5 loài chim kiwi, gồm kiwi nâu, kiwi đốm lớn, kiwi đốm nhỏ, Rowi và Tokoeka. Kiwi là chim ăn thịt, hoạt động mạnh nhất vào ban đêm. Khi trưởng thành, chúng có thể nặng 1 – 2 kg và có thể sống tới 50 năm.
Hội đồng châu Âu thông qua hiệp định thương mại với New Zealand
Ngày 27/11, Hội đồng châu Âu đã "bật đèn xanh" lần cuối cho hiệp định thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và New Zealand.
EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 của New Zealand. Ảnh tư liệu: EC
Trong tuyên bố, cơ quan đại diện cho 27 quốc gia thành viên EU nhấn mạnh đã thông qua hiệp định thương mại với New Zealand và hiệp định này có thể có hiệu lực "vào đầu năm 2024" sau khi Wellington phê chuẩn.
Thỏa thuận này quy định việc cắt giảm thuế theo từng giai đoạn đối với hàng nhập khẩu gồm thịt cừu, thịt bò, rượu vang và trái cây của New Zealand. Đổi lại, hàng xuất khẩu của EU, bao gồm máy móc và phương tiện giao thông, cũng như chocolate, rượu vang và bánh quy, cũng sẽ được hưởng lợi.
Kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ hai chiều giữa EU và New Zealand hiện đạt 9,1 tỷ euro (10 tỷ USD). Giới phân tích nhận định hiệp định mới sẽ giúp kim ngạch này tăng 30% trong vòng một thập kỷ.
Trong khi đó, Chính phủ New Zealand ước tính thỏa thuận này có thể giúp Wellington có thêm 365 triệu USD mỗi năm nhờ các đơn hàng xuất khẩu thịt bò, cừu và các sản phẩm từ sữa.
Với dân số 450 triệu người, EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của New Zealand - quốc gia châu Đại Dương có 5 triệu dân.
New Zealand: Chấm dứt miễn phí sử dụng đường bộ đối với chủ sở hữu xe điện Ngày 16/1, Chính phủ New Zealand thông báo kể từ ngày 1/4 tới sẽ chấm dứt miễn phí sử dụng đường bộ (RUC) đối với chủ xe điện hạng nhẹ và xe lai sạc điện (plug-in hybrid). Trong thông báo, Bộ trưởng Giao thông New Zealand Simeon Brown cho biết thuế xăng dầu và phí sử dụng đường bộ được dùng để bảo...