Sắc lệnh cải cách cảnh sát của Trump bị chê hời hợt
Trump ký sắc lệnh tăng cường huấn luyện và lập hồ sơ theo dõi cảnh sát vi phạm, nhưng biện pháp này bị chê là thiếu triệt để.
Tại Nhà Trắng hôm 16/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt bút ký sắc lệnh hành pháp cải cách cảnh sát, sau nhiều tuần nước Mỹ rung chuyển vì biểu tình chống phân biệt chủng tộc và các hành vi bạo lực của lực lượng hành pháp đối với người da màu.
Mở đầu lễ ký sắc lệnh, Trump bày tỏ cảm thông với các gia đình nạn nhân phải chịu bạo lực cảnh sát. “Tôi không bao giờ có thể cảm nhận hết nỗi đau đớn của các bạn, nhưng tôi có thể hứa rằng sẽ đấu tranh đòi công lý cho tất cả người dân Mỹ”, ông nói. Trump cam kết những cái chết của người Mỹ gốc Phi vì bạo lực cảnh sát sẽ “không vô nghĩa”.
Nhưng hình ảnh ông ngồi ký sắc lệnh giữa các sĩ quan và quan chức của công đoàn cảnh sát lại báo hiệu Trump sẽ không mạo hiểm “chọc giận” cộng đồng hành pháp mà ông rất coi trọng.
Trump ngay sau đó chuyển sang bảo vệ các cơ quan thực thi pháp luật trước lời kêu gọi cắt ngân sách cảnh sát từ phong trào “Mạng người da màu cũng quan trọng” và nhiều nhà hoạt động khác.
“Tôi mạnh mẽ phản đối các nỗ lực nguy hiểm và cực đoan nhằm cắt ngân sách hay giải tán các sở cảnh sát của chúng ta. Người Mỹ cần biết sự thật rằng: không có cảnh sát, sẽ có hỗn loạn; không có pháp luật, sẽ có tình trạng vô chính phủ; không còn an toàn, sẽ dẫn đến thảm họa”, Tổng thống Mỹ cho hay.
Tổng thống Donald Trump tại lễ ký sắc lệnh cải cách cảnh sát ở Nhà Trắng, thủ đô Washington, hôm 16/6. Ảnh: Washington Post.
Cam kết của Trump được đưa ra giữa lúc quốc hội Mỹ vật lộn tìm kiếm các biện pháp lập pháp nhằm “xoa dịu” làn sóng biểu tình sục sôi nước Mỹ, đòi chấm dứt bạo lực cảnh sát và phân biệt chủng tộc với người da màu. Nước Mỹ đã bị nhấn chìm trong làn sóng biểu tình sau cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu 46 tuổi, bị cảnh sát ghì gáy gần 9 phút ở Minneapolis cuối tháng trước.
Trump phát biểu 27 phút tại lễ ký sắc lệnh, nhưng dành phần lớn thời gian nói về vấn đề kinh tế, thị trường chứng khoán khởi sắc và danh sách những việc ông tin mình đã làm vì cộng đồng thiểu số. Trump đồng thời cáo buộc cựu tổng thống Barack Obama và cựu phó tổng thống Joe Biden, hiện là ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, đã không giải quyết được vấn nạn bạo lực cảnh sát. Ông rời sự kiện mà không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của phóng viên.
Sắc lệnh hành pháp của Trump yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp William P. Barr sử dụng nguồn ngân sách liên bang để khuyến khích các sở cảnh sát địa phương thực hiện tiêu chuẩn mới về chiến thuật sử dụng vũ lực và giảm căng thẳng, như cấm kẹp cổ nghi phạm, trừ trường hợp tính mạng cảnh sát bị đe dọa.
Barr cũng phải thiết lập cơ sở dữ liệu để theo dõi sĩ quan cảnh sát bị sa thải hoặc từ chức vì cáo buộc hành vi sai phạm, để ngăn họ tiếp tục được tuyển mộ vào các cơ quan tư pháp khác. Sắc lệnh cũng kêu gọi chính phủ liên bang hỗ trợ đào tạo cảnh sát ứng phó với các nghi phạm có vấn đề về tâm thần, vô gia cư hay nghiện ma túy, trong đó cho phép nhân viên xã hội phối hợp cùng cảnh sát địa phương.
Trump cũng nhấn mạnh rằng ông sẵn lòng làm việc với quốc hội về các biện pháp bổ sung. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo đảng Dân chủ cho rằng Trump và đảng Cộng hòa đang “làm qua loa” trong khi họ cần các cải cách quyết liệt hơn.
“Sắc lệnh này sẽ không mang tới thay đổi toàn diện và tăng trách nhiệm của sở cảnh sát như người dân Mỹ yêu cầu. Nó không có gì ấn tượng”, Charles E. Schume, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ, cho biết.
Các nghị sĩ Dân chủ đang thúc đẩy gói giải pháp quyết liệt hơn, như cấm hành vi kẹp cổ của cảnh sát, đơn giản hóa thủ tục khiếu kiện cảnh sát cho người dân và tạo cơ sở dữ liệu quốc gia về hành vi sai phạm của cảnh sát. Ủy ban Tư pháp Hạ viện dự kiến tổ chức bỏ phiếu về dự luật cải cách này vào tuần tới.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho rằng lễ ký sắc lệnh của Trump tại Nhà Trắng hôm 16/6 chỉ nhằm xây dựng hình ảnh cá nhân và sắc lệnh vừa được ký “thiếu sót nghiêm trọng”. Bà Pelosi cũng chỉ trích Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell vì đã từ chối đề xuất cải cách cảnh sát của Hạ viện.
“Bao nhiêu người nữa sẽ phải chết vì bạo lực cảnh sát? Việc lãnh đạo Thượng viện nói đề xuất của chúng tôi ‘không đi tới đâu và từ chối nó’ thật đáng hổ thẹn và rõ ràng phớt lờ các mối lo ngại của người Mỹ”, bà Pelosi cho hay.
Các thượng nghị sĩ Cộng hòa cũng chuẩn bị gói giải pháp riêng với một số điểm có thể trùng lặp với đề xuất của Dân chủ, nhưng cách tiếp cận sẽ ít quyết liệt hơn.
Thượng nghị sĩ Tim Scott, người phụ trách soạn đề xuất của phe Cộng hòa, cảnh báo vẫn tồn tại rào cản đảng phái trong nhiều vấn đề quan trọng, như khả năng đảo ngược án lệ của tòa án liên bang về việc ngăn người dân khởi kiện cảnh sát trong hầu hết trường hợp.
“Theo những gì tôi biết là đảng Dân chủ đã được thông báo không được phép tham gia vào dự luật này”, Scott nói.
Cảnh sát bắt một người biểu tình ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, hôm 31/5. Ảnh: NYTimes.
Vanita Gupta, chủ tịch Hội nghị lãnh đạo về Nhân quyền và Dân quyền, tổ chức có mối quan hệ gần gũi với các lãnh đạo Dân chủ, tỏ ra hoài nghi về nỗ lực của đảng Cộng hòa. Bà Gupta khẳng định cuộc khủng hoảng hiện tại đòi hỏi phải có các biện pháp quyết liệt và toàn diện hơn.
“Đề xuất thu thập dữ liệu, lập các hội đồng giám sát, hay yêu cầu cảnh sát gắn camera trên người đều không đủ đáp ứng yêu cầu vào thời điểm này. Ở những nơi áp dụng cải cách trên, chúng ta đều thấy cảnh sát tiếp tục giết người Mỹ gốc Phi mà không bị trừng phạt”, Gupta nói.
Kate Bedingfield, phó giám đốc chiến dịch tranh cử của Biden, cũng bác cáo buộc của Trump rằng chính quyền Obama không nỗ lực ngăn chặn bạo lực cảnh sát, bằng cách trích dẫn hàng loạt phán quyết đồng thuận với các sở cảnh sát địa phương và một sắc lệnh của Obama nhằm hạn chế việc chuyển khí tài quân sự cho cảnh sát.
Bedingfield nói chính quyền Trump “đã dùng ba năm qua để phá bỏ những cải cách” mà chính quyền tiền nhiệm theo đuổi.
Dù hai đảng đã có một số cuộc thảo luận, không có dự luật lưỡng đảng nào được xây dựng, theo một số nguồn thạo tin về vấn đề này. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng kết quả của nỗ lực cải cách cảnh sát sẽ là hai đảng theo đuổi hai gói giải pháp riêng, trong đó không có bên nào có đủ sự ủng hộ để biến nó thành luật.
Tuy nhiên, tại Nhà Trắng hôm 16/6, Trump đã lên tiếng bênh vực cảnh sát khi chỉ ra các vụ bạo lực cảnh sát vừa qua chỉ như “con sâu làm rầu nồi canh”. Ông cũng nhắc lại mong muốn điều động lực lượng Vệ binh Quốc gia để giải tán biểu tình nếu xuất hiện tình trạng bạo lực và cướp phá.
“Người Mỹ muốn luật pháp và trật tự. Họ yêu cầu luật pháp và trật tự. Họ có thể không nói về nó, nhưng đây là điều mà họ muốn”, Trump khẳng định.
Cảnh sát Mỹ bắn chết người da màu: Dân biểu tình, cảnh sát trưởng từ chức
Cảnh sát trưởng Atlanta (Mỹ) từ chức sau vụ việc một sỹ quan cảnh sát của thành phố này bắn chết người đàn ông da màu 27 tuổi tối 12/6.
Vụ việc viên cảnh sát thành phố Atlanta (Mỹ) bắn chết anh Rayshard Brooks (27 tuổi, người Mỹ gốc Phi) làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận, nhiều người kéo xuống đường biểu tình đòi công lý cho người đàn ông da màu.
Theo ABC News, vào khoảng 22h30 (giờ địa phương), cảnh sát Atlanta nhận được khiếu nại rằng Rayshard Brooks đang ngủ trong xe ô tô đỗ ở khu bán đồ mang đi của một nhà hàng. Sau khi thực hiện thủ tục kiểm tra ma túy/cồn tại hiện trường không thành, cảnh sát định bắt giữ Brooks nhưng anh này kháng cự, vật ngã sỹ quan cảnh sát và xung đột xảy ra.
Theo các nhân chứng, Brooks đã giật lấy súng điện của một cảnh sát, cố gắng chạy thoát và vài giây sau bị bắn. Sau đó, thanh niên 27 tuổi được đưa đến bệnh viện nhưng không qua khỏi.
Video: Cảnh sát Mỹ bắn chết thanh niên da màu
Trong khi đó, Thị trưởng Atlanta cho biết bà chấp nhận đơn từ chức của Cảnh sát trưởng Erika Shields sau cái chết của Rayshard Brooks.
Cục Điều tra bang Georgia (GBI) cho biết đang điều tra vụ việc.
Các cuộc biểu tình bắt đầu từ chiều 13/6 và dự kiến sẽ còn tiếp tục trong vài ngày tới. Sở cảnh sát Atlanta không đưa ra bình luận về vụ việc.
Vụ việc trên xảy ra trong bối cảnh nước Mỹ vẫn đang âm ỉ các cuộc biểu tình sau cái chết của George Floyd - người đàn ông da màu bị cảnh sát thành phố Minneapolis ghì cổ tới chết.
Các điều tra viên của Georgia cho biết họ đang nghiên cứu video được nhân chứng quay lại trong quá trình điều tra vụ việc.
Trong cuộc họp báo hôm 13/6, Giám đốc GBI, Vic Reynolds cho biết đoạn phim được quay từ bên trong quán ăn nhanh cho thấy Brooks cầm theo súng điện khi bỏ chạy.
"Vào thời điểm đó, sĩ quan Atlanta đã đuổi kịp và lấy lại vũ khí, nổ súng, bắn vào Brooks tại bãi đỗ xe và anh ta ngã xuống", ông cho biết.
Luật sư của Quận Fulton, Paul Howard, Jr., cho biết trong một tuyên bố gửi qua email rằng văn phòng của ông "đã mở một cuộc điều tra độc lập, mạnh mẽ về vụ việc" trong khi chờ đợi kết luận của Cục Điều tra Georgia.
Giới chức chưa công bố tên của 2 sỹ quan liên quan tới vụ việc nhưng cả 2 đều là người da trắng.
Tranh cãi về phong trào phá tượng thực dân Nhiều người cho rằng tượng thực dân khắp thế giới là biểu tượng đáng xấu hổ, trong khi số khác nói chúng là một phần lịch sử không thể chối bỏ. Sau khi người Mỹ gốc Phi George Floyd bị cảnh sát ghì chết tại thành phố Minneapolis, phong trào phá tượng các binh sĩ, quan chức Liên minh miền Nam trong Nội...