Sạ lan tốn tới 2 tạ lúa giống, còn cấy bằng máy tiết kiệm đủ thứ
Ngày 29/11, tại huyện Vị Thuỷ (tỉnh Hậu Giang), Bộ NNPTNT đã tổ chức lễ phát động ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa tại ĐBSCL.
Đến dự có lãnh đạo ngành nông nghiệp, nông dân tiêu biểu trong sản xuất lúa và các doanh nghiệp ở 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.
Hệ lụy từ sạ lan
Theo Cục Trồng trọt, nhiều năm qua, trong sản xuất lúa, bà con nông dân vùng ĐBSCL thường có tập quán sạ lan, diện tích sạ lan này chiếm gần 80% diện tích gieo trồng. Sạ lan có nhược điểm là tốn rất nhiều hạt giống (từ 200 – 250kg/ha). Do sạ dày nên ruộng lúa khó xử lý cỏ, dễ gây ra nhiều sâu bệnh, phải bón nhiều phân và tiêu tốn rất nhiều nước tưới. Vì vậy, việc sản xuất theo cách truyền thống này sẽ tốn thêm rất nhiều chi phí và làm ảnh hưởng đến môi trường, đồng ruộng.
Chưa dừng lại ở đó, việc sạ lan với mật độ dày còn làm phẩm chất gạo không tốt (lẫn nhiều lúa nền, rất khó khử lẫn, cây yếu, rất dễ đỗ ngã), làm giảm năng suất lúa. Từ đó, dẫn đến việc lúa khó bán hoặc bán được với giá thấp.
Để khắc phục các nhược điểm trên của tập quán sạ lan, vài năm gần đây, khâu gieo cấy lúa bằng máy đã được áp dụng ở nhiều địa phương. Thực tế cho thấy, áp dụng cấy máy trên đồng ruộng sẽ giảm lượng giống đáng kể, chỉ cần từ 65 – 80kg giống cho 1ha. Mỗi máy có thể cấy từ 1,5 – 2ha/ngày.
Các đại biểu tham quan buổi trình diễn máy cấy tại lễ phát động sáng 29/11. (ảnh: Huỳnh Xây)
Áp dụng phương pháp cấy máy, mật độ giữa các bụi lúa vừa phải (mỗi hàng cách nhau 25cm), tạo độ thông thoáng. Từ đó, cây lúa không phải cạnh tranh về ánh sáng, dinh dưỡng nên phát triển khỏe mạnh. Bà con cũng không cần bón nhiều phân, phun nhiều thuốc BVTV mà sâu bệnh, dịch hại cũng hạn chế phát sinh. Đây là một trong những tiêu chí để thực hiện tốt quy trình “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng lúa hàng hóa.
Video đang HOT
Mặc dù lợi đủ thứ như vậy, nhưng việc áo dụng cấy máy ở ĐBSCL vẫn đạt tỷ lệ rất thấp. Theo thống kê, trong năm 2019, ở ĐBSCL có khoảng 370 máy cấy (nhiều nhất là Sóc Trăng với 100 máy, Đồng Tháp 80 máy, Long An 78 máy…). Số máy cấy này nếu khai thác hết công suất thì chỉ đáp ứng được khoảng 1% diện tích lúa gieo trồng.
Tại lễ phát động ngày 29/11, ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho hay: “Hiện nay, trong cơ giới hóa canh tác lúa ĐBSCL, khâu làm đất cơ bản đạt 100%, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đạt trên 82%, còn gieo cấy bằng máy thì quá thấp. Đây là khâu yếu nhất trong cả quá trình sản xuất lúa của bà con”.
“Những năm qua, năng suất lúa ở vùng ĐBSCL đã đạt ở mức cao, bình quân 60 tạ/ha nên khó tăng thêm nữa. Vì vậy, để tăng thu nhập cho người dân, việc giảm giá thành sản xuất là rất cần thiết, để làm được điều này thì phải nhanh chóng thực hiện cơ giới hóa trong khâu cấy lúa” – ông Doanh nói.
Đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào gieo cấy
Đối với các doanh nghiệp, phải nghiên cứu cải tiến để máy cấy có giá thành hợp lý, phù hợp với túi tiền người dân trồng lúa. Ngoài ra, cần hợp tác với các viện nghiên cứu, điều chỉnh chức năng sản phẩm phù hợp với vùng đất ĐBSCL”.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng cho rằng, khâu cơ giới hóa trong gieo cấy ở ĐBSCL nói chung và tỉnh Hậu Giang còn rất yếu. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho chất lượng, năng suất lúa còn hạn chế, kéo theo tỷ lệ diện tích được doanh nghiệp bao tiêu thấp.
“Vì vậy, buổi lễ phát động cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa hôm nay có nghĩa thiết thực, nhằm hướng đến mục tiêu giảm diện tích lúa sản xuất theo cách truyền thống, tăng diện tích sử dụng máy cấy, hạ giá thành sản xuất đến mức thấp nhất nhưng vẫn tăng thu nhập cho người dân. Nhân đây, tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp phối hợp với các viện, trường, nhà khoa học nghiên cứu, cải tiến máy cấy sao cho dễ sử dụng, giá bán hợp lý và ít thất thoát” – ông Tuấn nói.
Ông Đỗ Minh Nhật – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang nói: “Hôm nay, tôi đại diện các địa phương ĐBSCL nhiệt liệt hưởng ứng việc ứng dụng cơ giới hóa trong gieo cấy lúa. Qua đó, cam kết với Bộ NNPTNT, Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành có các chính sách hỗ trợ cho người dân trong áp dụng việc cơ giới hóa nói trên”.
Ông Nhật cũng cho biết sẽ thực hiện đúng lộ trình và những mục tiêu của Bộ NNPTNT đề ra sẽ đạt được trong việc giảm giống (đến năm 2020, 13 tỉnh, thành ĐBSCL có lượng giống gieo sạ đạt 80kg/ha – PV).
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh đánh giá: “Trong sản xuất lúa, khâu gieo cấy là khâu nặng nhọc, tốn nhiều công lao động nhất. Nhưng đây cũng là khâu quan trọng, quyết định sự phát triển và năng suất của cây lúa. Tuy nhiên, tỷ lệ cơ giới hóa ở khâu này còn thấp. Vì vậy, việc phát động ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa tại ĐBSCL là cần thiết, nó không dừng lại ở đây mà cần trở thành phong trào rộng khắp”.
“Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã xây dựng kế hoạch cho nội dung cụ thể này, trong đó có các việc như: Tăng cường thông tin tuyên truyền về hiệu quả của các mô hình ứng dụng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy, đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn, hỗ trợ và khuyến khích hình thành các tổ sản xuất dịch vụ ứng dụng cơ giới hóa trong khâu cơ giới hóa…” – ông Thanh nói.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, để thực hiện mục tiêu mà lễ phát động đặt ra, các tỉnh ĐBSCL phải cùng với doanh nghiệp hoàn thiện gói kỹ thuật chung, từ khâu làm hạt giống đến khâu cấy mạ trên ruộng, nghiên cứu, đề xuất hình thành hình thức tổ chức, cơ chế cho máy cấy được vào ruộng…
Bộ NNPTNT sẽ dùng chương trình khuyến nông Trung ương giao cho các viện, khuyến nông địa phương, doanh nghiệp xây dựng các mô hình trình diễn khép kín, sau đó hướng dẫn, tập huấn cho bà con sử dụng. Đối với các địa phương, sau khi ký kết thực hiện chương trình này thì phải có lộ trình khả thi, làm quyết liệt, có chính sách hỗ trợ cho mô hình này nhân rộng một cách bền vững.
Theo Danviet
Khuyến nông viên cần tham gia chuỗi giá trị nông sản
Đề nghị này được đưa ra trong hội nghị giao ban khuyến nông quốc gia các tỉnh phía Nam, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức ngày 25/11 tại TP.Đà Lạt. Hội nghị có sự tham gia của đại diện 32 tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào.
Triển khai nhiều dự án trọng điểm
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG), trong năm 2019 đã có 77 dự án khuyến nông Trung ương được triển khai, trong đó, TTKNQG được Bộ NNPTNT giao tiếp tục chủ trì và quản lý 37 dự án với kinh phí hơn 86 tỷ đồng và nhiệm vụ khuyến nông thường xuyên hơn 45 tỷ đồng.
Tại các tỉnh phía Nam, năm 2019 TTKNQG đã triển khai 5 dự án về sản xuất lúa, bao gồm sản xuất hạt giống lúa lai F1, sản xuất lúa chất lượng, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa. Trong đó, 2 dự án sản xuất hạt giống lúa lai F1 tại các tỉnh phía Nam có năng suất khá cao, cụ thể tổ hợp HR182 tại Cần Thơ và Hậu Giang đạt năng suất trung bình 27,9 tạ/ha. Tại Đăk Lăk, tổ hợp Nhị ưu 838 đạt trung bình 4,1 tấn/ha.
Hướng dẫn canh tác cà phê bền vững cho nông dân huyện Lâm Hà, Lâm Đồng. (ảnh: Văn Long)
Đặc biệt, một số đơn vị đã mở rộng quy mô sản xuất hạt giống lúa lai F1 để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, trên địa bàn các tỉnh phía Nam, TTKNQG cũng triển khai 3 dự án trồng và thâm canh cây ăn quả quy mô 187ha, gồm các loại cây ăn quả chủ lực phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu như: cây bơ, sầu riêng, bưởi da xanh, táo, mãng cầu dai..., áp dụng hình thức trồng thâm canh, thâm canh và trồng xen.
Tại tỉnh Lâm Đồng, dự án sản xuất rau hữu cơ đã lựa chọn trang trại Thiên Sinh Farm, đây là mô hình đại diện cho hình thức trang trại. Thiên Sinh Farm có 12ha đất trồng rau, trong đó có 10ha đất đã được cấp chứng nhận hữu cơ của Mỹ. Hiện nay, trang trại đang mở rộng thêm 2ha đất trồng rau hữu cơ và có nguyện vọng được chứng nhận theo tiêu chuẩn Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Thành công của ngành nông nghiệp Lâm Đồng trong thời gian qua có sự đóng góp rất tích cực, quan trọng của lực lượng khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở và sự hỗ trợ của TTKNQG. Lực lượng khuyến nông đã thể hiện rõ vai trò là cầu nối giữa Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với nông dân, doanh nghiệp và thị trường; là hệ thống tư vấn, phổ biến kiến thức, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, cung cấp thông tin, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật công nghệ, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho nông dân thích ứng với nền kinh tế thị trường".
Khuyến nông viên phải là trung tâm
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc TTKNQG nhận định: "Hệ thống khuyến nông trong thời gian qua được đánh giá là một trong những đơn vị chủ lực trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người nông dân. Điều này đóng góp rất quan trọng cho sự tăng trưởng của nền nông nghiệp quốc gia".
Ông Thanh cũng cho biết, hiện nay hệ thống khuyến nông vẫn còn nhiều khó khăn, một số nơi đang tái cơ cấu, tổ chức lại nên hoạt động không tránh khỏi sự lúng túng. Bên cạnh đó, tại nhiều đơn vị, mạng lưới những người làm khuyến nông viên cơ sở lại không nằm trong hệ thống, khiến việc chuyển giao tiến bộ khoa học đến người dân còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi khuyến nông viên cơ sở giữ vai trò rất quan trọng, vì họ là những người ở gần nông dân nhất, nắm rõ nhu cầu của bà con, là cơ sở để kết nối với sản xuất và các công nghệ mới, thông tin cung cầu trên thị trường. Nếu tổ chức lại hệ thống mà không tính đến lực lượng này, không thông suốt thì sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động khuyến nông.
Về chế độ đãi ngộ đối với khuyến nông viên, ông Thanh cho biết còn rất nhiều hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa: "Một mặt chúng tôi đề nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ khuyến nông viên ở những vùng khó khăn để vừa yên tâm bám nghề, vừa ổn định cuộc sống. Mặt khác, TTKNQG sẽ đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động khuyến nông hoặc tăng cường hoạt động tư vấn dịch vụ trong hệ thống khuyến nông".
"Bước sang giai đoạn làm nông nghiệp 4.0, người làm khuyến nông không chỉ đơn thuần là chuyển giao khoa học, mà phải là trung tâm của kết nối, tham gia vào các chuỗi giá trị nông sản. Chính từ hoạt động của họ sẽ thể hiện nhu cầu kết nối cung cầu, kết nối người sản xuất với người tiêu dùng, kết nối những điều kiện công nghệ để người sản xuất lựa chọn công nghệ" - ông Thanh nhấn mạnh.
Theo Danviet
Xanh mướt vườn trầu Vị Thủy Ngày xưa, hình ảnh trầu cau thường được thấy trong các lễ hội, ngày tết, đặc biệt là không thể thiếu trong hôn lễ của người Việt; không những vậy người già thường có thói quen ăn trầu, têm trầu mời khách... Nhưng giờ đây trầu cau dường như chỉ còn là sự tích, bởi ít người còn nhớ đến, ấy vậy mà...