Ruud Gullit: Platini đã sai, cầu thủ cần hành động!
– Danh thủ kỳ cựu Ruud Gullit vừa xuất hiện trên tờ Daily Mail để nói về vấn đề sỉ nhục mang tính phân biệt chủng tộc đang trở thành mối quan tâm lớn trong giải EURO năm nay. Anh đánh giá những tiếng hú như khỉ kêu mà những người ngồi trên khán đài dùng để “chào đón” ĐT Hà Lan khi họ luyện tập trong tuần này là một sự kiện đáng hổ thẹn với nhà chức trách Ba Lan.
Anh cho biết rằng hôm 8/6 đã có chuyến đi vòng quanh thủ đô Warsaw và thấy UEFA đã cố gắng giáo dục người hâm mộ môn túc cầu giáo về vấn đề phân biệt chủng tộc. Các công viên dành cho người hâm mộ mọc lên khắp nơi và ở những nơi này chứa đầy các thông tin chống nạn phân biệt chủng tộc.
Nhưng Gulit đánh giá chính quyền nước chủ nhà cũng có trách nhiệm trong việc ngăn chặn phân biệt chủng tộc, chứ không thể đổ hết mọi thứ vào tay UEFA. “Tôi hy vọng nhà chức trách đã sẵn sàng hành động bởi cả thế giới đang hướng mắt về giải đấu này. Đây là cơ hội để phát đi các thông điệp mạnh mẽ. Điều này rất tốt cho Ba Lan và Ukraina vì giải đấu mang tới cho 2 nước cơ hội chống nạn phân biệt chủng tộc” – Gulit tâm sự.
Ngoài ra anh cho rằng các cầu thủ cũng có quyền tự vệ nếu bị sỉ nhục, ngay cả khi một cầu thủ lựa chọn việc rời khỏi sân khi trận đấu đang diễn ra. Anh ủng hộ việc UEFA cho các trọng tài quyền được dừng trận đấu nếu thấy tình trạng phân biệt chủng tộc xảy ra.
“Vấn đề cần phải được xử lý một cách trực diện, để các cầu thủ không chỉ im lặng và tiếp tục chơi như thời của tôi. Sự khoan dung sẽ sinh ra ngu dốt và nhà chức trách cần phải tỏ ra ủng hộ các cầu thủ da màu” – anh nói.
Video đang HOT
Gullit cũng từng bị phân biệt chủng tộc – Ảnh: Internet
Gulit đánh giá tuyên bố của Chủ tịch UEFA Michel Platini, cảnh báo các cầu thủ có thể nhận thẻ nếu rời trận đấu để phản ứng trước việc bị lăng mạ, là hoàn toàn sai lầm. “Theo quan điểm của tôi, thông điệp ông ấy đưa ra là không đúng. Nếu một cầu thủ bị xúc phạm về mặt chủng tộc, anh ta phải có quyền rời sân cỏ…. Nếu giới lãnh đạo không ủng hộ các cầu thủ một cách đúng mực, cá nhân cầu thủ nên hành động. Thông điệp tôi muốn nhắn gửi là: chúng ta sẽ không tha thứ cho việc bị phân biệt chủng tộc” – anh nói.
Theo Gulit, việc đưa vấn đề phân biệt chủng tộc lên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng là cách hành xử đúng mực. “Chương trình BBC Panorama (bàn về phân biệt chủng tộc) và các bình luận do Sol Campbell đưa ra với báo chí có nghĩa mọi người giờ đã biết về sự hiện diện của tình trạng phân biệt và chúng ta đi vào giải đấu này với tư thế chuẩn bị, sẵn sàng” – anh nói.
Gulit cũng đánh giá đội trưởng tuyển Hà Lan, Mark van Bommel, đã đúng đắn khi nói về việc bị phân biệt và thu hút sự chú ý của dư luận tới những gì diễn ra trong khu tập luyện của các cầu thủ. “Khi còn chơi bóng, tôi cũng bị lăng nhục, nhưng tôi chỉ là một trong vài cầu thủ da màu và chúng tôi không được nhà chức trách ủng hộ. Nhưng giờ có rất nhiều người da màu ở hàng ngũ các cầu thủ đỉnh cao và họ nhận được sự ủng hộ của các nhân vật quan trọng. Tôi thường bỏ qua việc bị xúc phạm và cảm thấy bất lực trong việc thay đổi thái độ. Vũ khí duy nhất của tôi chỉ là những gì thể hiện trên sân cỏ. Tôi tự hào vì đã được chơi tại một trong những CLB lớn nhất thế giới (Milan), giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu và Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới” – anh nói.
Theo Gulit, thế hệ của anh chấp nhận việc bị phân biệt chủng tộc và coi đó làm bàn đạp phấn đấu. Nhưng thế hệ mới không thể sống như vậy nữa. “Tôi từng biến việc bị phân biệt chủng tộc thành động lực tích cực. Song, giờ đây ta đã không còn ở trong giai đoạn đó nữa. Chúng tôi muốn ghi nhớ về EURO 2012 như một giải đấu bóng đá tuyệt vời” – anh thổ lộ.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Cựu hậu vệ kỳ cựu ở V-League làm thầy
Trong làng cầu thủ Việt Nam, hiếm có gương mặt nào phiêu bạt nhiều như Phạm Minh Đức khi anh khoác áo các đội bóng ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Phạm Minh Đức trong màu áo Hà Nội T&T. Ảnh: BĐP.
Càng về cuối sự nghiệp, cựu cầu thủ Công an Hà Nội (CAHN) đi tới đâu là vinh quang theo tới đó. Những kinh nghiệm phong phú của cựu hậu vệ này chắc chắn sẽ là một phần sức mạnh quan trọng của ban huấn luyện đội U22 Việt Nam sắp tới.
Ngoại trừ các trường hợp chuyển nhượng tự do thì có lẽ, Minh Đức là cầu thủ có giá trị chuyển nhượng "bèo" nhất trong lịch sử V-League. Năm 2003, anh rời Hàng không Việt Nam (HKVN) để tới đầu quân cho HAGL với mức giá thấp khó tin. Thế nhưng, chính nó đã mở ra quãng đời đẹp nhất trong sự nghiệp cầu thủ của Minh Đức để rồi sau này, anh sở hữu bộ sưu tập thành tích đủ khiến bất cứ ai cũng phải ngưỡng mộ.
Đến HAGL, anh cùng Phi Hùng, Sỹ Hùng, Kiatisuk, Tawan, Dusit... tạo nên thời kỳ hoàng kim tại sân Pleiku bằng các chức vô địch quốc gia ở mùa giải 2003, 2004. Khi chuyển sang Đà Nẵng ở mùa giải 2005, Minh Đức cùng đội chủ sân Chi Lăng giành vị trí quán quân V-League. Hai năm sau, anh cập bến Bình Dương để cùng đội bóng đất Thủ đăng quang V-League hai lần liên tiếp ở các mùa giải 2007 và 2008. Sau này, khi trở lại Thủ đô để gia nhập Hà Nội T&T, anh tiếp tục đóng góp kinh nghiệm chinh chiến phong phú để làm những "viên gạch" đầu tiên xây dựng nên đẳng cấp đại gia ngày nay của đội bóng này.
Thế nên, sẽ không ngoa khi nói Minh Đức chính là một "tỷ phú" tại V-League. Anh có lẽ không giàu về vật chất như các thế hệ cầu thủ đàn em, những người dễ dàng thu về hàng tỷ đồng sau mỗi lần chuyển nhượng trong bối cảnh giá trị chuyển nhượng cầu thủ tại V-League tăng phi mã trong các mùa giải gần đây. Nhưng chắc chắn, rất nhiều hậu bối luôn thèm khát có được sự nghiệp ngập tràn những trải nghiệm vinh quang như của Minh Đức.
Sau khi từ giã bóng đá đỉnh cao, bên cạnh việc "hợp tác thời vụ" cùng đội Megastar thi đấu ở giải hạng Nhì, Minh Đức còn theo học các lớp đào tạo HLV do LĐBĐ Việt Nam và LĐBĐ châu Á tổ chức để trang bị kiến thức nhằm sẵn sàng cho thời điểm... làm thầy. Sự chuẩn bị ấy là không thừa khi Minh Đức vừa được HLV Lư Đình Tuấn mời tham dự ban huấn luyện đội U22 quốc gia tham dự vòng loại giải vô địch U22 châu Á tổ chức tại Myanmar vào cuối tháng 6 tới.
Lực lượng được gọi tập trung của đội U22 lần này đa phần là các gương mặt còn ít kinh nghiệm thi đấu ở môi trường đỉnh cao. Vì vậy, sự có mặt của Minh Đức trong thành phần ban huấn luyện sẽ tạo chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho các cầu thủ đồng thời cũng giúp họ học hỏi thêm nhiều điều bổ ích từ vị "tỷ phú trải nghiệm", dày dạn trận mạc bậc nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
"Thương hiệu" Minh Đức với phong cách thi đấu máu lửa, nhiệt huyết cùng những pha lên công, về thủ nhịp nhàng của hậu vệ biên lừng lẫy trong những năm đầu kỷ nguyên V-League có lẽ là thần tượng thời niên thiếu của không ít các tuyển thủ đội U22 sắp được triệu tập. Và với tấm bằng B HLV do LĐBĐ châu Á cấp, Minh Đức sẽ truyền tải tất cả tinh hoa mình đúc kết được trong quãng đời cầu thủ cho các học trò.
Hy vọng khi "lên chức" thầy, Minh Đức vẫn giữ "thói quen" mang vinh quang đến mọi điểm dừng chân của mình như thời còn thi đấu và giúp đội U22 Việt Nam thành công trong chiến dịch giành vé tham dự vòng chung kết giải vô địch U22 châu Á.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Hồng Sơn - chơi vơi giữa ngã rẽ cuộc đời Giữa dư âm của sự nổi tiếng và thực tại khắc nghiệt, danh thủ Hồng Sơn không khỏi có những phút giây chơi vơi. Là cầu thủ tài năng nhưng Hồng Sơn chưa bén duyên với vị trí HLV ở V-League. Ảnh: BĐP. Trong lần gặp Hồng Sơn gần nhất trên đất Sài thành, tôi cứ ấn tượng mãi với nụ cười của...