Rút tiền bằng thẻ ATM giả
Nhiều đối tượng trong nước câu kết với các đối tượng nước ngoài dùng thẻ ATM giả rút tiền hàng loạt ngân hàng, gây thiệt hại nghiêm trọng
Ngày 30-3, đại tá Nguyễn Chiến Lũy, Phó Giám đốc Công an TPHCM, cho biết Ban Giám đốc Công an TPHCM vừa có quyết định khen thưởng 7 cá nhân, bảo vệ thuộc Công ty CP Dịch vụ Bảo vệ Ngân hàng Á Châu (ACB) vì đã có thành tích bắt quả tang đối tượng Cổ Kim Thạch (SN 1972, ngụ quận 5-TPHCM) dùng thẻ ATM giả rút tiền của ACB tại quận 11-TPHCM.
Phát hiện nhiều thẻ ATM giả
Trước đó, ngày 29-12-2011, nhân viên Trung tâm Giám sát an ninh ACB phát hiện Thạch dùng thẻ ATM giả giao dịch tại nhiều máy ATM của ACB nên đã thông báo cho Trung tâm ATM ACB. Qua kiểm tra, Trung tâm ATM phát hiện Thạch sử dụng 12 thẻ ATM giả để giao dịch. Suy đoán đối tượng có thể tiếp tục thực hiện giao dịch tại các điểm ATM khác, Trung tâm ATM đã phối hợp với bảo vệ Công ty CP Dịch vụ Bảo vệ ACB lên kế hoạch bắt quả tang.
Camera ghi hình đối tượng Cổ Kim Thạch dùng thẻ ATM giả rút tiền. Ảnh: P.D
Đúng như dự đoán, sáng 30-12-2011, các nhân viên Trung tâm Giám sát an ninh quan sát qua màn hình camera phát hiện Thạch đang giao dịch tại phòng máy ATM Quận ủy quận 11. Sau khi thực hiện giao dịch, Thạch di chuyển sang phòng máy ATM tại Trung tâm Văn hóa quận 11 để tiếp tục rút tiền. Các bảo vệ ACB đã áp sát, trấn áp Thạch khi y vừa thực hiện xong giao dịch, sau đó bắt giao Công an phường 9, quận 11 xử lý.
Video đang HOT
Tại cơ quan công an, lực lượng chức năng thu giữ trong người Thạch hơn 40 triệu đồng tiền mặt cùng với nhiều thẻ ATM giả, biên lai rút tiền ở nhiều ngân hàng khác nhau như ACB, Techcombank, Sacombank, 3 thẻ ATM do các ngân hàng HSBC, USAA và Tower Federal phát hành. Ngoài ra, khi “hành nghề”, Thạch còn mang theo roi điện, gậy ba trắc, biển số xe giả và nhiều dụng cụ gây án khác.
Theo lời khai của Thạch, tháng 11-2011, Loi Haw Shyan (22 tuổi, quốc tịch Malaysia, sử dụng hộ chiếu giả mang tên Luis Khoo Boo, SN 1983, quốc tịch Singapore) đã chủ động làm quen, mời Thạch uống cà phê rồi đưa cho Thạch một số thẻ ATM để đi rút tiền tại các ngân hàng, thỏa thuận trả 5% trên tổng số tiền rút được. Tính đến ngày bị bắt, Thạch đã rút trót lọt được 18 triệu đồng, được Shyan cho 800.000 đồng.
Từ lời khai của Thạch, cơ quan công an đã tiến hành khám xét khách sạn nơi Shyan lưu trú, thu giữ thêm 13 thẻ ATM, thẻ tín dụng giả. Ngoài Shyan, công an còn bắt Yeap Poh Boon và Looi Haw Yang (quốc tịch Malaysia) trong đường dây này, thu giữ tổng cộng 40 thẻ ATM, thẻ tín dụng, máy in lên thẻ ATM, dụng cụ đọc thẻ ATM, làm giả thẻ ATM. Tại CQĐT, 3 đối tượng người nước ngoài này khai nhận thực hiện nhiệm vụ theo sự điều động của một “đầu nậu” chuyên cung cấp phôi ATM giả ở Malaysia. Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, các đối tượng này sẽ tiến hành làm thẻ ATM giả rồi tìm những đối tượng không nghề nghiệp phối hợp rút tiền, tỉ lệ ăn chia thỏa thuận.
Nhiều vụ rút tiền thành công
Giữa năm 2011, Lim Soon Ling (53 tuổi) nhập cảnh vào Việt Nam mang theo 16 thẻ tín dụng giả để rút tiền tại các ngân hàng, trung tâm thương mại. Đầu tháng 7-2011, Lim Soon Ling dùng thẻ ATM giả rút hơn 100 triệu đồng (gồm cả tiền Việt và USD). Ngày 17-11-2011, trong lúc Ling cùng bạn gái đang rút tiền tại một ngân hàng trên địa bàn quận 1 – TPHCM thì bị công an bắt quả tang.
Giữa tháng 2-2012, Artem Petrenco Ygoravich và Jura Kratrenko Leonhilevich (nhập cảnh từ Ukraine) đã bị Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an bắt giữ do sử dụng thẻ ATM giả để rút tiền tại các ngân hàng. Khi bị bắt, 2 đối tượng này khai nhận đã nhận được 100 thẻ ATM giả của một đối tượng không rõ lai lịch rồi nhập cảnh vào Việt Nam để rút tiền. Sau khi rút thành công, các đối tượng này sẽ được hưởng 10% số tiền rút được. Tính đến ngày 19-2, cả 2 đã sử dụng thẻ ATM giả rút gần 200 triệu đồng tại các điểm giao dịch ngân hàng ở TPHCM.
Đầu tháng 3, Công an TPHCM điều tra 3 đối tượng người Malaysia có hành vi sử dụng thẻ ATM giả rút 60 triệu đồng tại Trung tâm Thương mại Crescent Mall ở đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7). Theo lời kể của các nhân viên Crescent Mall, ngày 8-3, các đối tượng đến trung tâm đặt mua 20 điện thoại đắt tiền, sau đó sang buồng ATM trong khuôn viên trung tâm để rút tiền.
Thấy những người này đưa 2 thẻ vào máy báo lỗi, đến thẻ thứ 3 thì rút được 60 triệu đồng, nghi ngờ họ sử dụng thẻ giả, nhân viên Crescent Mall bí mật gọi công an đến kiểm tra. Khi bị bắt, trên người 3 đối tượng này còn có đến 50 thẻ ATM, tất cả đều giả.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại tá Nguyễn Chiến Lũy cho biết: “Hiện tượng nhiều người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam dùng thẻ ATM giả rút tiền tại các ngân hàng, trung tâm thương mại ngày càng nhiều. Hiện Ban Giám đốc Công an TPHCM đã có văn bản chỉ đạo công an các quận, huyện hướng dẫn người dân, doanh nghiệp cảnh giác. Đồng thời, chúng tôi cũng yêu cầu các doanh nghiệp, ngân hàng phải phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng để phát hiện, chặn đứng bọn tội phạm, bắt giữ giao công an xử lý”.
Ông NGUYỄN PHƯỚC THANH, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank): Cần có hệ thống phòng ngừa tốt Gần đây, tội phạm có tính chất quốc tế nhằm vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng tăng lên với nhiều phương thức mới, như: ăn cắp tiền từ tài khoản của khách hàng ở nước ngoài, rồi lợi dụng hệ thống thanh toán ship, thực hiện chuyển tiền vào tài khoản do đồng bọn mở tại Việt Nam để rút tiền; ăn cắp thông tin thẻ của ngân hàng, của các tài khoản, sau đó làm giả thẻ để rút tiền của khách. Có trường hợp đơn vị chấp nhận thẻ do hám lợi đã thông đồng, câu kết với các đối tượng tội phạm thực hiện giao dịch giả mạo và rút tiền của ngân hàng. Bọn tội phạm đã lợi dụng các ngày lễ, Tết để thực hiện các giao dịch với nhiều thẻ khác nhau nhằm tránh sự phát hiện của ngân hàng…
Thời gian gần đây, Vietcombank đã mất cả tỉ đồng vì loại tội phạm dùng thẻ ATM giả. Trong khi hệ thống ATM đã liên kết, nếu không có biện pháp phòng ngừa tốt sẽ gây bất ổn lớn. Cũng có trường hợp bị lợi dụng lòng tin. Có trường hợp khách hàng vì không biết cách rút tiền nên nhờ bảo vệ thực hiện các thao tác, thấy số tiền trong tài khoản của khách hàng nhiều nên nảy sinh lòng tham. Họ đã lợi dụng chuyển tiền qua tài khoản cá nhân mà khách hàng không biết.
Theo Người Lao Động
Dùng thẻ ATM giả rút hơn 50 triệu đồng
Ngày 31/12, công an quận 11-TPHCM vẫn đang tạm giữ hình sự Cổ Kim Thạch (39 tuổi, ngụ quận 5-TPHCM) để điều tra làm rõ hành vi sử dụng thẻ ATM giả rút trộm tiền tại buồng ATM.
Vụ việc được công an quận 11 phát hiện và bắt quả tang Thạch đang dùng thẻ ATM giả để rút tiền tại buồng ATM của Ngân hàng Á Châu nằm trên đường Bình Thới, P.9, Q.11 vào rạng sáng ngày 30/12.
Ảnh minh họa
Kiểm tra người đối tượng này, lực lượng công an thủ giữ hơn 20 thẻ ATM giả trắng, 3 thẻ ATM nước ngoài, gần 30 phiếu biên lai rút tiền của các ngân hàng Techcombank, Sacombank, Á Châu cùng số tiền gần 50 triệu đồng. Khi khám xét trong cốp xe máy đối tượng công an còn phát hiện có 1 roi điện, 1 bịch nghi là ma túy tổng hợp và dụng cụ hút ma túy.
Tại cơ quan điều tra bước đầu Thạch khai nhận do quen với một người mang quốc tịch Đài Loan tên Chen (chưa rõ lai lịch) và người này "hợp đồng" với Thạch dùng thẻ ATM giả đi đến các buồng ATM rút tiền của các ngân hàng rồi được chia huê hồng. Từ giữa tháng 12 đến ngày bị bắt Thạch đã thực hiện trót lọt rút được gần 60 triệu đồng.
Hiện cơ quan công an đang mở rộng điều tra để làm rõ vụ việc.
Theo Bee.net.vn
Những vụ "án mờ" và kết cục dở dang! "Án mờ" là thuật ngữ dùng để chỉ những vụ án không tìm ra thủ phạm hoặc có thủ phạm, nhưng chứng cứ kết tội không rõ ràng và thuyết phục. Kết tội hay tuyên bị cáo vô tội trong những vụ án như thế này luôn là câu hỏi vô cùng khó, làm đau đầu những người "cầm cân". Kết không được,...