Rút “thẻ đỏ” ngay!
Những thông tin về các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty Nhà nước báo cáo với Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã phác thảo một bức tranh nhiều màu sáng, tối đan xen. Dù đóng góp xấp xỉ 40% vào GDP cũng như nguồn thu ngân sách, nhưng kết quả sản xuất kinh doanh của một số Tập đoàn, Tổng công ty giảm so với 2011 hoặc không hoàn thành kế hoạch, thậm chí thua lỗ.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất toàn Tập đoàn, Tổng công ty thì tổng số lỗ phát sinh khoảng 2.253 tỷ đồng, trong đó có một số đơn vị lỗ năm 2011, năm 2012 lại tiếp tục lỗ; có 10 Tập đoàn, Tổng công ty có lỗ lũy kế với tổng số khoảng 17.730 tỷ đồng.
Các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty Nhà nước là đơn vị đầu tầu của nền kinh tế mà làm ăn thua lỗ, nợ đến mấy ngàn tỷ đồng như thế quả là không thể chấp nhận được. “Núi” nợ hơn 1,33 triệu tỷ đồng của các Tập đoàn, Tổng công ty đang đè nặng lên nền kinh tế năm 2013.
Điều đáng nói là số nợ của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước cứ đều đặn gia tăng cùng năm tháng trong khi lợi nhuận thì theo chiều ngược lại. Những “ông lớn” này làm ăn kém cỏi ngay cả khi nhận được quá nhiều ưu ái từ nguồn vốn, tài nguyên cho tới thị trường… Nguyên nhân từ tham nhũng, lãnh đạo doanh nghiệp kém trong quản lý, thiếu trách nhiệm…. khiến người dân cả nước đang hết sức bức xúc trước thực trạng làm ăn bết bát và cả sai phạm của nhiều Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.
Nợ lút đầu như vậy mà nhiều “sếp” của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước làm ăn thua lỗ vẫn cứ ung dung tại vị, thậm chí có người còn được thăng chức. Nhưng tới đây, các “sếp lớn” của các Tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước sẽ khó có thể tiếp tục yên vị nếu để doanh nghiệp do mình đứng đầu thua lỗ dài dài như trước đây. Bởi vì, ai để doanh nghiệp mình lãnh đạo làm ăn bết bát sẽ bị nhận “thẻ đỏ” và rời sân thi đấu ngay. Và không chỉ các Tổng giám đốc để doanh nghiệp thua lỗ mà ngay trường hợp làm ăn không hiệu quả kéo dài cũng có thể bị thay thế.
Theo dự thảo Nghị định của Chính phủ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo vừa được công bố, Tổng giám đốc các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước sẽ bị miễn nhiệm hoặc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nếu để công ty mẹ lỗ 2 năm liên tiếp hoặc không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu giao trong 2 năm liên tiếp…
Đã có 2 trường hợp phải nhận “thẻ đỏ” – cảnh cáo như ông cựu Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam hay “thẻ vàng” – khiển trách cho ông đương kim Tổng giám đốc tập đoàn này. Các vị này bị “thẻ đỏ”, “thẻ vàng” do phải chịu trách nhiệm vì quyết định đầu tư ra ngoài ngành dẫn tới thua lỗ cả nghìn tỷ đồng.
Video đang HOT
Đây được xem là tín hiệu cảnh báo, răn đe mạnh mẽ trong bối cảnh việc thực hiện các Nghị quyết về tái cấu trúc đã trở thành mệnh lệnh của cuộc sống, không thể để chậm trễ hơn và không thể để “núi” nợ tiếp tục phình to hơn. Hy vọng rồi cơ quan chức năng sẽ mạnh tay với lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước làm ăn bết bát, đừng để tới khi thua lỗ cả nghìn tỉ đồng thì mới rút “thẻ” để kỳ vọng năm tới, ít nhất là không còn nghe những “đứa con cưng” của Nhà nước báo lỗ nữa!
Theo ANTD
Thủ tướng: Thua lỗ tiền tỉ ai không xót
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói như vậy tại hội nghị Chính phủ với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước ngày 16/1.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty trong nền kinh tế là "không ai có thể phủ nhận". Thủ tướng nêu ví dụ về công trình thủy điện Sơn La, từ thiết kế đến thi công đều do doanh nghiệp nhà nước làm, vượt tiến độ ba năm, nếu tính sản lượng điện hơn 10 tỉ kWh/năm thì tương đương mỗi năm vào khoảng 500-700 triệu USD. Nếu như trước đây thủy điện Hòa Bình lúc cao điểm có hàng nghìn chuyên gia Liên Xô thì thủy điện Sơn La tất cả đều do kỹ sư, lao động Việt Nam thực hiện.
Người dân có quyền hỏi còn Vina nào nữa?
Thủ tướng khẳng định chủ trương doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế nhà nước, là lực lượng vật chất quan trọng, là công cụ hỗ trợ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô...
Thủ tướng nói vụ việc Vinalines vừa qua đã ảnh hưởng đến hình ảnh doanh nghiệp nhà nước, vậy nên người dân có quyền hỏi còn Vina nào nữa? "Nhân dân phê phán là đúng, làm ăn tiêu cực thua lỗ như thế, tiền tỉ như thế ai mà không xót ruột. Tuy rằng đa số là tốt, nhưng các biểu hiện như thế không thể coi thường" - Thủ tướng nói.
Doanh thu của Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam trong năm 2012 chỉ bằng 85,5% so với năm 2011 - Ảnh: Đàm Duy
Liên quan đến việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng nhấn mạnh khâu thoái vốn phải có lộ trình, phải có phương án.
"Đầu tư ngoài ngành là làm không trái pháp luật, không trái chủ trương của Đảng, nhưng từ thực tiễn thấy hiệu quả không tốt thì thu hẹp lại, tập trung vào ngành nghề chính. Nhưng khi tiến phải có phương án, mà rút lui cũng phải có trật tự, có phương án sao cho không để xảy ra tiêu cực, thất thoát. Mỗi tập đoàn, tổng công ty phải có phương án. Rút lui mà vứt cả súng đạn bỏ chạy là không được" - Thủ tướng nói.
Về giá điện, xăng dầu, than, nước sạch ở các thành phố lớn, Thủ tướng yêu cầu phải làm minh bạch hơn, rõ ràng hơn nữa. Ví dụ như giá than, hiện bán cho sản xuất điện dưới giá thành (chỉ bằng 70% giá thành), quyết tâm theo lộ trình là than bán đủ không thấp hơn giá thành, nhưng đi liền với đó bản thân ngành than phải tính toán giảm giá thành, minh bạch, công khai giá thành.
Phải nghiêm túc xem lại các yếu kém
Thủ tướng nhấn mạnh đến việc hoàn thiện thể chế, cơ chế để tạo ra môi trường cạnh tranh quốc gia thuận lợi cho các tập đoàn, tổng công ty hoạt động, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tổng công ty Thép doanh thu năm 2012 đạt 29.400 tỉ đồng, giảm 8,9% so với thực hiện năm 2011, công ty mẹ ước lỗ 500 tỉ đồng, hợp nhất toàn tổ hợp ước lỗ 150 tỉ đồng (Trong ảnh: Trụ sở của Tổng công ty Thép Việt Nam tại Hà Nội)
Thủ tướng lưu ý các tập đoàn, tổng công ty không hoàn thành kế hoạch hoặc việc sản xuất kinh doanh giảm so với năm 2011, hiệu quả thấp cần phải nghiêm túc xem lại các yếu kém của mình, "lỗ là do các yếu tố vĩ mô hay do chính mình".
Đề cập đến nhiệm vụ năm 2013 của các tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng nêu rõ phải bám sát các mục tiêu tổng quát về kinh tế - xã hội mà Đảng, Quốc hội đã đề ra, cụ thể như xây dựng kế hoạch sao cho không thấp hơn năm 2012, vì nếu thấp hơn thì làm sao góp phần vào việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2013 cao hơn 2012.
Thủ tướng cho rằng xã hội hiện nay yêu cầu công khai, minh bạch, dân chủ ngày càng cao, do vậy bản thân các tập đoàn, tổng công ty cũng như bộ quản lý ngành phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm phải kiểm toán, công bố công khai, không che giấu, nói rõ mặt được cũng như mặt chưa được để nhìn nhận một cách khách quan.
Hạn chế thành lập mới tập đoàn, tổng công ty
Theo dự thảo nghị định về tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước vừa được Bộ Kế hoạch - đầu tư công bố lấy ý kiến nhân dân, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ phải giải thể, chuyển đổi nếu không đáp ứng điều kiện theo quy định.
Theo đó, Nhà nước chủ trương hạn chế việc thành lập mới tập đoàn kinh tế, tổng công ty và chỉ xem xét thành lập khi đáp ứng đủ các điều kiện về hiệu quả kinh doanh, tình trạng tài chính, nguồn nhân lực, trang thiết bị...
Dự thảo quy định tổng công ty nhà nước được lựa chọn làm nòng cốt hình thành tập đoàn kinh tế phải bảo đảm kinh doanh có lãi trong ba năm liên tiếp liền kề năm được lựa chọn. Bên cạnh đó phải có tình trạng tài chính lành mạnh, trình độ nguồn nhân lực và năng suất lao động cao hơn các doanh nghiệp hoạt động trong cùng ngành...
(Chinhphu.vn)
Theo 24h
Thu nhập bình quân tại 8 Tập đoàn nhà nước hơn 9 triệu đồng Trong năm 2012, tổng số lao động của 73 TĐ, TCT trên 1 triệu người, thu nhập bình quân 6,88 triệu đồng, trong đó, tại khối 8 Tập đoàn kinh tế lớn, thu nhập bình quân là 9,41 triệu. Nổi bật, bình quân thu nhập lao động ở Viettel tới 18 triệu đồng. Mức thu nhập của người lao động ở Viettel cao...