Rút lá đơn ấy, liệu có dung dưỡng cho cái ác?
Bạn đọc đã đặt ra câu hỏi cho hành động rút đơn tố cáo đối với một người chồng vũ phu – một người chồng đã hơn một lần thực hiện những hành vi độc ác, một cách vô tình là một hành động dung dưỡng cho cái ác hay không?
Kính gửi Tòa soạn Báo An ninh thế giới Giữa tháng – Cuối tháng!
Tôi phải gọi đích xác đấy là biểu hiện của “cái ác”, một “cái ác” không thể chấp nhận được khi xem đoạn clip người chồng đánh vợ tàn bạo, gây xôn xao cộng đồng mạng hôm 27/8 vừa qua. Người chồng này đánh vợ ngay trước mặt đứa con 7 tuổi, và ngay trong khi vợ anh ta đang bế trên tay một đứa con 2 tháng. Tôi là một chuyên gia tâm lý, nên khi xem đoạn clip này tôi nhớ đến những người vợ/ những người mẹ đã từng đến gặp tôi, bí mật chia sẻ về việc họ đã bị bạo hành trong một thời gian dài.
Ảnh: L.G
Các anh/ chị ở toà soạn đừng sốc nếu tôi thông báo rằng trong danh sách những người vợ/ người mẹ ấy, có cả những người là trí thức, và chồng họ cũng là một trí thức, thậm chí trong đó có một vị trí thức thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà vì lý do bảo mật tôi không thể nói tên. Điều tôi muốn nói ở đây là tất cả những trường hợp ấy đều lặng lẽ, âm thầm chịu đựng. Họ đến gặp tôi để xin những lời khuyên, và nói ngay từ đầu là loại trừ lời khuyên đưa câu chuyện ra pháp luật.
Tức là, họ luôn muốn giải quyết câu chuyện ở khía cạnh “đạo đức”, chứ không phải ở khía cạnh “pháp luật”, cho dù họ biết chắc chắn là ở Việt Nam đã có Luật phòng chống bạo lực gia đình từ năm 1998. Mà nói đến luật, tôi muốn nhắc lại một thông tin được thống kê vào cuối năm 2018 – đúng 10 năm thi hành Luật phòng chống bạo lực gia đình, đó là có tới 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết là mình từng trải qua 1 trong 3 hình thức bạo lực gia đình là: bạo lực thể xác – bạo lực tinh thần – bạo lực sắc dục.
Điều đó có nghĩa là gì? Điều đó có nghĩa là tình trạng bạo lực gia đình của chúng ta là rất đáng báo động. Điều đó còn có nghĩa là rất nhiều người phụ nữ đã cố gắng nuốt nước mắt vào trong, chấp nhận bị bạo lực, chứ không muốn giải quyết vấn đề bằng luật pháp.
Tại sao vậy? Rất nhiều người trả lời tôi rằng, tại vì họ vẫn nghĩ đến chồng con mình. Họ sợ, nếu câu chuyện bạo lực của mình bị tung toé thì sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của chồng, ảnh hưởng đến các mối quan hệ của con cái, và thậm chí họ sợ khi đó bạn bè, người quen, dư luận xã hội sẽ cười vào mặt họ. Bằng nghiệp vụ của mình, tôi đã phân tích rất rõ rằng đấy là những sự sợ hãi vô lối, không thể được nuôi dưỡng trong thời đại hôm nay.
Bởi nếu cứ tiếp tục nuôi dưỡng nỗi sợ hãi này, tiếp tục chấp nhận bị bạo lực thì không chỉ bản thân những người vợ/ người mẹ ấy phải chịu những đau đớn nghiêm trọng về cả tinh thần và thể xác, mà con cái họ cũng sẽ chịu những tác động khủng khiếp về sự phát triển nhân cách – điều mà họ ít khi lường tới.
Thưa các anh chị trong toà soạn, năm 2015, các nhà nghiên cứu Australia đã đưa ra một kết luận chấn động rằng, những người phụ nữ bị bạo hành khi đang mang bầu sẽ đối diện với nguy cơ sinh non. Và nữa: ngay ở trong bụng mẹ, bào thai cũng sẽ có trạng thái “đề phòng” khi cảm nhận được những cơn bạo hành nhắm vào mẹ mình, từ đó có thể gặp vấn đề về phát triển hệ thần kinh và não bộ.
Video đang HOT
Còn với những đứa trẻ, đặc biệt là những đứa trẻ đang ở những năm tháng đầu đời, đã có những chứng minh về mặt khoa học rằng chúng rồi sẽ phát triển lệch lạc về tính cách nếu phải liên tiếp chứng kiến tình trạng bạo hành trong gia đình mình. Cụ thể, một cậu bé thường xuyên nhìn thấy mẹ bị bố bạo hành sau này, khi trưởng thành có nguy cơ lạm dụng sắc dục bạn gái/ vợ cao gấp 10 lần so với một cậu bé sống trong những gia đình bình yên.
Và một cô bé thường xuyên chứng kiến nạn bạo hành gia đình sau này trưởng thành có khả năng bị lạm dụng sắc dục cao gấp 6 lần so với những cô bé không phải chứng kiến điều khủng khiếp ấy. Nói như thế để nhấn đi nhấn lại rằng, bạo lực gia đình không chỉ khiến người vợ/ người mẹ – nạn nhân trực tiếp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mà còn khiến những đứa con bị ảnh hưởng một cách gián tiếp, với một mức độ khốc liệt ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.
Hiểu rõ điều này nên trong vụ việc người vợ bị anh chồng vũ phu bạo hành tàn bạo khi đang bế trên tay đứa con 2 tháng, ngay bên cạnh một đứa con 7 tuổi, thực sự là cá nhân tôi đã rất phẫn nộ. Và càng phẫn nộ thì tôi càng đồng tình với việc bằng một cách nào đó, clip bạo hành này đã được trưng ra dư luận, để người chồng phải chịu những đòn roi dư luận mà cá nhân tôi nghĩ rằng cũng rất khủng khiếp với anh ta – điều mà anh ta đáng phải chịu đựng.
Sau đó người vợ/nạn nhân của vụ bạo hành cũng dũng cảm trả lời phỏng vấn báo chí. Nó cho thấy cái tâm lý “muốn che đậy”, cái tâm lý “xấu chàng hổ ai”, cái tâm lý “sợ mọi người biết thì sẽ cười vào mặt mình” – cái tâm lý rất dễ xảy ra với những người vợ/ nạn nhân cùng cảnh ngộ hoàn toàn đã không xảy ra, trong trường hợp này.
Và sau đó khi người vợ này chủ động làm đơn tố cáo màn bạo hành độc ác, khó coi của chồng lên cơ quan công an thì cá nhân tôi cho rằng chị ấy đã không chỉ đi những bước đi đúng đắn trong việc “giải cứu” chính mình, mà còn gợi mở một hướng giải quyết tích cực và đúng pháp luật cho rất nhiều những người vợ/ người mẹ khác cùng cảnh ngộ với chị, nhưng vì một lý do nào đó vẫn chìm đắm trong sợ hãi.
Thế nhưng thưa toà soạn, bỗng dưng tôi đọc được tin người vợ này lại rút đơn tố cáo chồng. Tất nhiên, làm việc trong lĩnh vực tâm lý, đã và đang tiếp xúc với rất nhiều những người phụ nữ bị bạo hành, tôi hiểu được mục đích của chị phía sau hành động này.
Nhưng tôi muốn đặt câu hỏi cho toà soạn, rằng với góc độ của toà soạn thì hành động rút đơn tố cáo đối với một người chồng vũ phu – một người chồng đã hơn một lần thực hiện những hành vi độc ác, một cách vô tình là một hành động dung dưỡng cho cái ác hay không? Rất muốn lắng nghe quan điểm của toà soạn trong vấn đề mà tôi biết là mỗi người sẽ có một góc nhìn khác nhau, thậm chí là rất trái ngược nhau.
Xin cảm ơn toà soạn.
Nguyễn Văn Long (Hà Nội)
Kính gửi độc giả Nguyễn Văn Long!
Về những hậu quả khủng khiếp mà tình trạng bạo lực gia đình gây ra cho những người vợ/ người mẹ/ và những đứa con mà độc giả phân tích trong bức thư của mình, chúng tôi thấy là vô cùng xác đáng. Độc giả là một chuyện gia tâm lý, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, nên khi nghe phân tích của độc giả, thực sự là chính chúng tôi cũng giật mình nhận ra những điều mà trước đó mình chưa nghĩ đến.
Trở lại với câu hỏi mà độc giả đặt ra cho chúng tôi, rằng rút một lá đơn tố cáo cái ác có phải là dung dưỡng với cái ác hay không? Trước hết, ở góc độ báo chí chúng tôi muốn thông tin thêm rằng năm 2015, từng có một người vợ ở Quảng Nam viết đơn tố cáo chồng đã đánh đập tới mức khiến mình phải nhập viện.
Người chồng trong câu chuyện này thậm chí còn là Bí thư xã. Và vì lá đơn của vợ mà ông Bí thư này đã bị cách chức tức thời. Kể lại câu chuyện này chúng tôi muốn nói rằng đã có những người vợ viết đơn – gửi đơn – và theo đơn đến cùng, cho dù đấy có thể chỉ là những trường hợp rất hiếm hoi như những gì độc giả đã chia sẻ.
Trong câu chuyện người vợ ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên (Hà Nội) bị chồng bạo hành khiến độc giả và rất nhiều người khác phẫn nộ, chúng tôi nghĩ rằng cũng cần phải nhìn nhận, phân tích thêm những góc độ khác cho thấu tình đạt lý. Chẳng hạn như trả lời phỏng vấn báo điện tử VTC News ngay sau khi rút lá đơn tố cáo chồng mình, người vợ này đã nói nguyên văn rằng: “Tôi không thoả hiệp với cái ác”.
Không thoả hiệp với cái ác, vậy thì tại sao lại rút đơn? Theo giải thích của người vợ thì thứ nhất, suốt thời gian dài vừa qua, người chồng vũ phu của mình đã phải nhận những búa rìu dư luận vô cùng khủng khiếp, và đấy đã là cái giá rất đắt mà anh ta phải trả cho những hành động không thể chấp nhận của mình. Nhưng thứ hai, quan trọng hơn là chị chỉ đồng ý rút đơn khi người chồng cam kết chấm dứt mọi hành động dọa dẫm, đồng ý ly hôn, và tạo điều kiện để chị nuôi hai con.
Người vợ này cũng khẳng định với phóng viên báo VTC News rằng chị và luật sư của mình vẫn đang làm các thủ tục ly hôn với chồng. Điều chúng ta có thể nhận thấy rất rõ ở đây là người vợ này chỉ đồng ý rút đơn tố cáo một cách… có điều kiện, chứ không phải rút vô điều kiện, và cũng chỉ rút đơn tố cáo, chứ không rút đơn ly hôn. Theo nhận định của chúng tôi, không thể nói cách rút đơn của chị là dung dưỡng, đồng lõa với cái ác như những gì mà một bộ phận dư luận nào đó đã trút lên chị.
Thưa độc giả, một lần nữa xin bày tỏ sự đồng tình và biết ơn với những điều mà độc giả – một chuyên gia tâm lý đã phân tích về những hậu quả trầm trọng mà hành động bạo hành gia đình để lại cho những người vợ/ những người mẹ/ những đứa con.
Hướng giải quyết vấn đề mà độc giả nhắm đến: đã đến lúc nạn nhân của những câu chuyện bạo hành đáng lên án phải giải quyết vấn đề bằng pháp luật thay vì bằng đạo đức, theo chúng tôi cũng là một hướng giải quyết đúng đắn, phù hợp với thời đại nam nữ bình quyền hôm nay. Chỉ có điều, chúng ta không nên áp dụng một cách cứng nhắc nguyên tắc giải quyết này trong tất cả các trường hợp với những ngóc ngách vấn đề rất khác nhau ở từng trường hợp khác nhau.
Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của độc giả!
Vương Trọng Tín
Theo antgct.cand.com.vn
Anh muốn cưới vì đã lấy mất đời con gái của tôi
Anh muốn cưới không phải vì yêu, mà day dứt vì đã lấy mất đời con gái của tôi...
Tôi và bạn trai cùng quê, anh hơn tôi 1 tuổi và học trên tôi một khóa. Chúng tôi quen nhau, thân nhau từ hồi học cấp 3, nhưng mãi đến khi tôi vào năm thứ nhất đại học, hai đứa mới chính thức yêu nhau.
Ngày sinh viên, tôi nghĩ về tình yêu đơn giản lắm, yêu là dâng hiến, là quên hết bản thân mình, là dành trọn những gì tuyệt vời nhất cho người mình yêu thương. Tôi không nghĩ đến một ngày tình yêu ấy không được đền đáp.
Cho đến khi anh rời bỏ tôi, anh nói tôi là người con gái không biết giữ mình, chỉ hợp để yêu thôi chứ không hợp để cưới làm vợ, càng không hợp để làm mẹ, làm dâu. Tôi đã tổn thương ghê gớm bởi câu nói ấy của anh, đã khóc rất nhiều, đã van xin anh cho tôi một cơ hội để thay đổi bản thân mình cho phù hợp với mong muốn của anh. Nhưng anh từ chối, anh bỏ tôi đi yêu người con gái khác và nói xấu tôi với người con gái đó.
Thời điểm đó, tôi học năm thứ 3 đại học, còn anh sinh viên năm thứ 4. Tôi đã từng hận anh rất nhiều và nghĩ sẽ không bao giờ gặp lại anh thêm một lần nào nữa. Cho đến khi tôi ra trường, anh cũng chia tay người con gái kia, anh lại chủ động tìm đến gặp tôi, nói muốn quay lại với tôi và muốn chúng tôi làm đám cưới.
Tôi cũng không còn giận hờn anh nữa, và dần muốn tha thứ cho những việc anh đã gây ra với mình. Tôi cứ hy vọng, sau bao nhiêu biến cố xảy ra, anh quay lại với tôi, có nghĩa là đã xác định lại được tình cảm của mình, có nghĩa là, tôi là người con gái không thể thay thế được, anh yêu tôi.
Nhưng sự thật lại không phải như vậy, anh nói rằng, anh quay lại với tôi và muốn cưới tôi không phải vì yêu, mà đơn giản là vì thâm tâm anh cảm thấy day dứt trong suốt thời gian chúng tôi chia tay.
Anh day dứt, bởi anh chính là người đàn ông đầu tiên, người mà tôi đã trao trinh tiết cho anh, nên anh phải có trách nhiệm với tôi. Điều này đồng nghĩa, anh đến với tôi vì trách nhiệm, chứ không phải vì tình yêu.
Tôi vẫn yêu anh, vẫn muốn tha thứ và gắn bó với anh sau tất cả những lỗi lầm anh đã gây ra cho tôi, nhưng lại sợ, nếu chấp nhận lấy một người đến với mình chỉ đơn giản là trách nhiệm chứ không phải vì tình yêu, thì liệu cuộc sống của tôi sau này có hạnh phúc hay không?. Tôi có nên đồng ý đám cưới hay chia tay anh, để tìm cho mình một người thực sự yêu thương tôi, chứ không phải đến với tôi vì trách nhiệm?
Theo baodatviet.vn