Rượu thuốc dùng trong mùa thu
Tiết thu, dương khí dần dần thu liễm bế tàng, âm khí từ từ tăng trưởng, thời tiết chuyển đổi từ nóng sang lạnh. Đây là giai đoạn quá độ của “dương tiêu âm trưởng”, mưa ít gió nhiều, độ ẩm trong không khí giảm với đặc tính khô hanh là chủ khí, dễ gây hao tổn chất dịch trong cơ thể.
Việc dùng rượu trong mùa thu nói riêng, cùng với ẩm thực cổ truyền nói chung nên tuân thủ nguyên tắc “thu đông dưỡng âm”, “phòng táo giữ âm, tư thận nhuận phế”, nghĩa là phải chú ý trọng dụng những đồ ăn thức uống có công dụng dưỡng âm nhuận táo.
Xin giới thiệu một số loại rượu có công dụng dưỡng sinh, tăng cường thể lực, bồi bổ sức khỏe trong mùa thu để bạn đọc có thể tham khảo và chọn dùng khi cần thiết.
Rượu vừng đen: Vừng đen 50g, rượu trắng 500ml. Vừng đen đãi sạch, để khô rồi đem ngâm với rượu trong bình kín, 20-30 ngày là dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần từ 10-20ml. Công dụng: Bồi bổ can thận, nhuận dưỡng tỳ phế, nâng cao sức khỏe và chống lão hóa. Dùng thích hợp cho những người bị chứng can thận phế âm hư biểu hiện bằng các triệu chứng hay đau đầu, hoa mắt chóng mặt, lưng đau gối mỏi, râu tóc bạc sớm, ho khan ít đờm, đại tiện táo kết. Với trường hợp đại tiện lỏng loãng không nên dùng.
Rượu hạt sen: Hạt sen 50g, rượu trắng 500ml. Hạt sen bỏ vỏ và tâm, đập vụn rồi đem ngâm với rượu trong bình lớn, khoảng 30 ngày là dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần từ 10-20ml. Công dụng: Dưỡng tâm an thần, kiện tỳ chỉ tả, ích thận chỉ di. Dùng thích hợp cho người bị mất ngủ, hay hồi hộp đánh trống ngực, di tinh, đái dầm, xuất tinh sớm, phụ nữ bị khí hư, đi lỏng do tỳ vị hư yếu. Với trường hợp đại tiện táo kết không nên dùng.
Nhân sâm nguyên củ, ngâm rượu.
Rượu hoàng tinh: Hoàng tinh 20g, rượu trắng 500ml. Hoàng tinh rửa sạch, thái phiến, cho vào túi vải buộc kín rồi thả ngâm trong rượu, sau 20 ngày là có thể dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần từ 10-20ml. Công dụng: Kiện tỳ, nhuận phế, bổ thận. Dùng thích hợp cho những người tỳ vị hư yếu, chán ăn, mệt mỏi, ho khan lâu ngày, lưng đau gối mỏi, đầu choáng mắt hoa. Với trường hợp đại tiện lỏng loãng, ho khạc đờm nhiều thì không nên dùng.
Video đang HOT
Rượu nhân sâm kỷ tử: Nhân sâm 10g, kỷ tử 20g, rượu trắng 500ml. Nhân sâm thái phiến, kỷ tử rửa sạch cho vào bình kín ngâm với rượu, sau nửa tháng có thể dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần từ 10-20ml. Công dụng: Đại bổ nguyên khí, dưỡng can và làm sáng mắt. Dùng thích hợp cho những người bị chứng khí hư với những biểu hiện cụ thể như khó thở, ngại nói, dễ đổ mồ hôi (phế khí hư); chán ăn, chậm tiêu, da nhợt, tay chân teo nhẽo, sa dạ dày, sa trực tràng (tỳ khí hư); lưng đau gối mỏi, tiểu tiện nhiều lần về đêm, khả năng tình dục sút kém (thận khí hư); hay hồi hộp đánh trống ngực, mất ngủ, môi nhợt (tâm khí hư )…
Nhân sâm, kỷ tử ngâm rượu uống có công dụng: Đại bổ nguyên khí, dưỡng can và làm sáng mắt.
Rượu hà thủ ô: Hà thủ ô 150g, rượu trắng 500ml. Hà thủ ô rửa sạch, thái vụn, ngâm với rượu trong bình kín, sau 20 ngày có thể dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần từ 10-20ml. Công dụng: Bổ thận ích tinh, tư âm dưỡng huyết, chống lão hóa. Dùng thích hợp cho người bị chứng can thận bất túc, biểu hiện bằng các dấu hiệu đầu choáng tai ù, mất ngủ hay quên, râu tóc bạc sớm, di tinh, liệt dương. Trong y học hiện đại là các bệnh suy nhược thần kinh, thiếu máu, vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, táo bón kinh niên…
Rượu dâu: Quả dâu chín 200g, rượu trắng 500ml. Hai thứ ngâm trong bình kín, sau nửa tháng có thể dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần từ 10-20ml. Công dụng: Thanh nhiệt nhuận phế, tư âm dưỡng huyết. Dùng thích hợp cho những người âm hư biểu hiện bằng các triệu chứng môi khô miệng khát, có cảm giác hâm hấp sốt về chiều, lòng bàn tay bàn chân nóng, ho khan, hay ra mồ hôi trộm, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ.
Rượu tây dương sâm: Tây dương sâm 50g, rượu trắng 500ml. Tây dương sâm thái phiến, ngâm với rượu trong bình kín, sau nửa tháng có thể dùng được. Uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần từ 10-20 ml. Công dụng: Bổ khí dưỡng âm, thanh nhiệt. Dùng thích hợp cho những người khí âm lưỡng hư biểu hiện bằng các triệu chứng mệt mỏi, khó thở, miệng khô, họng khô, ho khan, hay có cảm giác hơi sốt về chiều, đổ mồ hôi trộm. Với trường hợp đau bụng và đi lỏng do lạnh không nên dùng.
ThS.BS. Thanh Trà
Theo suckhoedoisong
Lý do bạn dễ mắc bệnh vào mùa thu
Trên thực tế, mùa thu "quyến rũ" lại làm cho bạn dễ mắc bệnh. Vì sao vậy? Phòng tránh bệnh tật cách nào? Mời bạn cùng tìm hiểu.
Các yếu tố tự nhiên làm bạn dễ mắc bệnh
Nhiều yếu tố gây dị ứng phát sinh: mùa thu với một chút nắng hanh là điều kiện thuận lợi cho phấn hương cỏ dại và các loại nấm mốc khuyếch tán trong không khí. Mùa thu là mùa "lá vàng rơi" và mang theo những bụi phấn của tổ sâu, chất thải của côn trùng khô dính ở lá, theo lá bay vào không khí và tỏa lan nơi mặt đất. Bạn rất dễ hít phải chúng và thế là bạn sẽ bị hắt hơi sổ mũi, lên cơn hen, viêm mũi xoang dị ứng... Trời mát, bạn thường mặc áo cộc tay, quần sooc dạo phố... Những phần da hở là nơi dễ bị kích ứng dị ứng nhất.
Lá vàng rơi mang theo bụi, tổ sâu, chất thải côn trùng dễ gây dị ứng, hen...
Nhiệt độ thay đổi đột ngột: những ngày thu khi nhiệt độ buổi sáng 18-20 0 C, nhưng đến trưa nhiệt độ lên đến 30-35 0 C khiến bạn rất khó chọn lựa quần áo mặc cho phù hợp để đi làm. Sáng mặc đồ cộc thì lạnh, dễ nhiễm cảm; sáng mặc ấm thì trưa về nóng. Hơn nữa, sự chênh lệch nhiệt độ nhiều dù không làm bạn ốm, nhưng có thể làm cho một số chứng bệnh trở nên trầm trọng hơn bởi thời tiết lạnh đột ngột. Khi đó có thể gây bùng phát cơn hen, đau nhức xương khớp, phát cước ở chân...
Thời gian ban ngày ngắn hơn: nếu mùa hè, có khi 7 giờ tối trời vẫn sáng. Nhưng sang thu, bạn rời nơi làm việc để trở về nhà khi trời đã xẩm tối. Vấn đề ở đây là tâm trạng của chúng ta chịu tác động rất lớn bởi lượng ánh sáng mặt trời hằng ngày. Theo đó, mùa thu bạn dễ bị các rối loạn cảm xúc do ảnh hưởng theo mùa. Bạn sẽ thoáng thấy lòng mình man mác buồn vô cớ. Đây là lúc bạn dễ nhiễm bệnh dị ứng, nhiễm khuẩn, đau dạ dày, khó ngủ...
Các yếu tố xã hội làm lây lan bệnh tật
Ảnh hưởng của mùa tựu trường:
Từ ngày 5/9 dương lịch là bắt đầu mùa tựu trường. Trong niềm hân hoan được gặp lại thầy cô bạn bè, biết bao điều chia sẻ khi được sum vầy... Nhưng ở khía cạnh sức khỏe, đây lại là cơ hội bạn dễ bị lây bệnh nhiễm khuẩn nhất. Trong không gian lớp học, với sự góp mặt đông đủ của cả lớp (thường là 40-50 người), nếu một người trong số đó mắc bệnh như cảm cúm, viêm gan siêu vi tiềm ẩn, viêm phế quản... thì việc nói cười, gần gũi có thể lan truyền mầm bệnh nhanh chóng. Có thể bạn không còn ở tuổi đến trường, đọc đến đây bạn nghĩ là bạn vô can. Không đâu, bạn không phải là ngoại lệ mà vẫn bị lây bệnh do ảnh hưởng của mùa tựu trường. Bạn nghĩ xem: con bạn, em bạn, cháu bạn..., chúng đến trường lây bệnh về nhà, trong không gian gia đình, chúng có làm lây bệnh cho bạn không? Ở cơ quan của bạn, một vài đồng nghiệp đón con từ trường về đó chơi trước khi về nhà.
Thử hỏi, nếu bé bị lây bệnh từ ở trường, có làm lây bệnh ở cơ quan của bạn không? Thế là từ trường học sang công sở, bạn đều có nguy cơ mắc bệnh vào mùa tựu trường. Dây truyền tiếp theo là: khi các bậc cha mẹ học sinh bị lây nhiễm vi khuẩn, virut từ con em mình, đến lượt họ lại mang những mầm bệnh này tới nơi làm việc hay những nơi công cộng khác như quán ăn, chợ, siêu thị, bến xe, ga tàu, sân bay, nhà hát, phòng họp...reo rắc mầm bệnh cho người khác.
Bạn ngủ ít hơn: trong mùa hè, bạn cũng như mọi người dành nhiều thời gian cho kỳ nghỉ hè, vui chơi, tham quan du lịch cùng con cái. Vì thế, sang thu bạn trở lại với lịch làm việc khẩn trương hơn, đẩy nhanh tiến độ công việc để bù lại khoảng bị trì trệ trong mùa hè đã qua. Với lịch trình làm việc bận rộn hơn, cần nhiều thời gian kể cả ngoài giờ, đương nhiên là bạn phải ngủ ít đi. Khi bạn ngủ ít hơn mức cơ thể cần, hệ miễn dịch không đủ sức để chống đỡ lại bệnh tật bằng khi ngủ đủ. Đây là cửa mở cho bệnh tật dễ nhiễm vào bạn.
Phòng tránh bệnh tật cách nào?
Chỉ cần bạn lưu tâm đến các yếu tố dễ gây bệnh ở mùa thu, thì bạn có thể thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản nhưng rất hiệu quả như sau:
Luôn luôn đeo khẩu trang khi đi đường, đến nơi công cộng, bạn sẽ không hít phải các chất dị ứng ở môi trường, tránh được bụi bẩn và vi khuẩn, vi nấm thâm nhập vào mũi, họng gây bệnh. Trong công sở, hay ở nơi công cộng, bạn cần thường xuyên rửa tay mỗi khi tiếp xúc với đồ vật, núm cửa phòng vệ sinh...để loại bỏ các mầm bệnh dính trên tay bạn. Những buổi sáng lạnh, bạn nên mặc nhiều hơn một lớp áo để khi trưa nắng bạn có thể cởi bỏ bớt cho phù hợp với thời tiết. Bạn cần sắp xếp lại thời gian để đảm bảo giấc ngủ từ 7-8 giờ mỗi ngày, trong đó có giấc ngủ trưa từ 15-30 phút. Khi một thành viên trong gia đình bị bệnh, cần được khám và điều trị tích cực để tránh lây nhiễm sang người khác.
Theo baohatinh
Loại quả chỉ có vào mùa thu, trông giống như cà chua ăn vừa ngon lại có thể chữa khỏi một loạt bệnh! Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), công dụng chữa bệnh của quả hồng được Đông y chứng nhận và cho nhiều kết quả tốt. Mùa thu đem lại cho con người ta không chỉ là tiết trời se lạnh dễ gây thương nhớ, không chỉ là hương cốm...